Bí quyết hạnh phúc

bi-quyet-hanh-phuc

Nghiên cứu thấy rằng những người với IQ từ 110 tới 115 nhìn chung không hề kém hạnh phúc so với những người có IQ trên 150.

Con người cố gắng kéo dài tuổi thọ, tìm kiếm nội tạng thay thế bằng công nghệ 3D, hay trí tuệ nhân tạo... suy cho cùng cũng là đi tìm hạnh phúc. Một nghiên cứu kéo dài 75 năm với chỉ khoảng 1/3 người tham gia còn sống của Đại học Harvard đưa ra những lời khuyên rất cụ thể để một người bình thường có thể tìm thấy cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Minh họa: DAD

Nghiên cứu kỳ vĩ

“Harvard Grant Study”, một nghiên cứu được nhiều thế hệ nhà khoa học tiếp nối nhau thực hiện kéo dài đã 3/4 thế kỷ, được coi là một trong những nghiên cứu dài nhất và toàn diện nhất về hạnh phúc trong lịch sử loài người.

Bắt đầu từ năm 1938, nghiên cứu đã theo dõi 724 nam giới thuộc đủ mọi thành phần xã hội (bao gồm 268 sinh viên Harvard thời bấy giờ và 456 trẻ em nam từ 12 tới 16 tuổi sống ở nội ô Boston). Trong nhiều thập kỷ liền, những nhà nghiên cứu đã theo dõi hàng loạt yếu tố trong đời sống của các đối tượng nghiên cứu, bao gồm khảo sát trí thông minh, tình trạng sử dụng đồ uống có cồn, các mối quan hệ cá nhân, và thu nhập.

Những kết quả của nghiên cứu được đăng tải dần từ năm 2012, bắt đầu trong một cuốn sách của bác sĩ George Vaillant (Đại học Harvard), người đứng đầu nghiên cứu giai đoạn 1972-2004.

Và mới đây nhất, đầu năm 2016, người đang đứng đầu nghiên cứu hiện giờ, giáo sư, bác sĩ Robert Waldinger, đã có một bài phát biểu đầy cảm xúc giải thích lại các kết quả của nghiên cứu một lần nữa. Đoạn băng bài thuyết trình của ông đã trở thành một hiện tượng trên mạng Internet thời gian qua.

Những nhà nghiên cứu đã thăm dò các đối tượng về cuộc sống của họ (bao gồm chất lượng hôn nhân, sự hài lòng với công việc, các hoạt động xã hội) cứ mỗi hai năm và theo dõi sức khỏe thể chất của họ (bao gồm chụp X-quang, thử máu, nước tiểu, siêu âm tim) mỗi năm năm.

Tình yêu và các mối quan hệ

Grant Study cũng đưa ra kết luận rằng trí thông minh, hay IQ của bạn, không thật sự đóng góp vào sự bình ổn và tốt lành với bạn về mặt cảm xúc. Nghiên cứu thấy rằng những người với IQ từ 110 tới 115 nhìn chung không hề kém hạnh phúc so với những người có IQ trên 150.

Các kết quả nghiên cứu không chỉ là kết luận cảm tính từ một cuộc thăm dò, mà là những thống kê tỉ mỉ, sâu sắc và có tính kế thừa lâu dài. Theo bác sĩ Vaillant, điều đầu tiên để có một cuộc sống hạnh phúc là phải coi trọng tình yêu hơn bất cứ thứ gì khác.

“Có hai trụ cột mang lại hạnh phúc. Một là tình yêu, và điều kia là tìm ra cách thích nghi với cuộc sống mà không khiến tình yêu biến mất - ông viết - 75 năm và 20 triệu USD bỏ ra cho Grant Study đưa tới một kết luận ngắn gọn: Hạnh phúc là tình yêu”.

Giáo sư Waldinger, trong bài nói chuyện truyền cảm hứng của ông, cũng đưa ra kết luận tương tự với đồng nghiệp Vaillant: hạnh phúc và sức khỏe nằm ở chính những mối quan hệ tốt đẹp. Tóm gọn lại, giáo sư Waldinger rút ra ba bài học chủ chốt về hạnh phúc.

Thứ nhất là những mối quan hệ gần gũi. Những người tham gia nghiên cứu nói họ gần gũi với gia đình hay cộng đồng hơn thường hạnh phúc và khỏe mạnh hơn so với những người ít giao tiếp xã hội. Họ cũng có khuynh hướng sống lâu hơn, trong khi những ai nói mình thấy cô độc thường kém hạnh phúc hơn và có điều kiện sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tệ hơn.

Thứ hai, điều quan trọng là chất lượng, chứ không phải số lượng, của các mối quan hệ. Những cặp vợ chồng nói họ hay cãi nhau hoặc không yêu nhau nhiều (mà các tác giả nghiên cứu định nghĩa là “những cuộc hôn nhân xung đột cao”) thật ra kém hạnh phúc hơn so với những người không kết hôn. Tuy nhiên, tác động của chất lượng mối quan hệ phụ thuộc phần nào vào tuổi tác.

Một nghiên cứu năm 2015 đăng tải trên tạp chí Psychology and Aging theo dõi các đối tượng trong 30 năm thấy rằng số lượng các mối quan hệ là điều quan trọng hơn với những người ở độ tuổi 20 muốn tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng từ tuổi 30 trở đi thì chất lượng của các mối quan hệ mới là điều quyết định.

Yếu tố cuối cùng, theo giáo sư Waldinger, là một cuộc hôn nhân ổn định, trong đó hai người giúp đỡ lẫn nhau. Những ai kết hôn mà không ly dị, ly thân, hay “gặp những vấn đề nghiêm trọng” cho tới tuổi 50 làm tốt hơn trong các bài trắc nghiệm trí nhớ so với những người đã trải qua đổ vỡ trong hôn nhân.

Không phải danh tiếng hay tiền bạc

Xã hội ngày nay nhấn mạnh vai trò của danh tiếng, tiền bạc và thành công trong sự nghiệp, giáo sư Waldinger nói, “nhưng hết lần này tới lần khác, trong suốt 75 năm, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người làm tốt nhất là những người nâng niu các mối quan hệ, gia đình, bạn bè và cộng đồng”.

Và đó không chỉ là một lời khuyên sáo rỗng. Những người sống trong các mối quan hệ ổn định và nồng ấm còn có thu nhập cao hơn! Bác sĩ Vaillant ghi nhận rằng 58 người ghi điểm cao nhất về “những mối quan hệ nồng ấm” có thu nhập trung bình mỗi năm cao hơn 141.000 USD khi ở đỉnh điểm thu nhập của họ (giai đoạn 55-60 tuổi) so với 31 người có điểm “quan hệ nồng ấm” thấp nhất.

Một phát hiện đáng kinh ngạc của Grant Study là tầm quan trọng trong mối quan hệ của những người tham gia với mẹ của họ, yếu tố định đoạt thành công trong sự nghiệp tương lai của họ. Những người có quan hệ “ấm áp” thời thơ ấu với mẹ kiếm được nhiều hơn 87.000 USD mỗi năm so với những người có các bà mẹ không quan tâm tới con. Những ai không có quan hệ tốt với mẹ thời thơ ấu cũng có nhiều khả năng bị chứng đãng trí khi về già hơn.

Đáng kinh ngạc là quan hệ giữa những người đàn ông tham gia nghiên cứu với mẹ, chứ không phải với bố, mới là điều quyết định hiệu quả công việc của anh ta. Mặt khác, quan hệ thời thơ ấu tốt với bố lại có tương quan tới việc giảm sự lo lắng khi trưởng thành, tận hưởng các kỳ nghỉ nhiều hơn, và “sự hài lòng với cuộc sống gia tăng” từ tuổi 70 trở đi.

Bạn cũng có thể cho rằng những ai sinh ra trong các gia đình giàu có nhiều khả năng hạnh phúc hơn so với những người không được may mắn thế, tuy nhiên điều đó không hẳn đúng. Vaillant kể lại câu chuyện của một người tham gia nghiên cứu bị đánh giá là có tương lai vào loại bất ổn nhất. Tên người đó là Godfrey Minot Camille và ông từng định tự sát trước khi tham gia nghiên cứu. Nhưng cuối cùng, Camille trở thành một trong những người hạnh phúc nhất vào cuối nghiên cứu. “Ông ấy đã dành cả đời để tìm kiếm tình yêu” - Vaillant giải thích.

Tránh xa rượu chè

Trong những lời khuyên về lối sống quan trọng của nghiên cứu, điều được nhấn mạnh nhất là phải tránh xa đồ uống có cồn. Grant Study thấy rằng tình trạng nghiện rượu là lý do đơn lẻ quan trọng nhất gây ra những vụ ly dị, đồng thời có tương quan mạnh với những chứng trầm cảm và các bệnh thần kinh khác. Cùng với thuốc lá, nghiện rượu là nguyên nhân số 1 gây ra tử vong.

Ngoài ra, trong khi bề ngoài, quan điểm chính trị lẽ ra không ảnh hưởng gì tới hạnh phúc, số liệu cho thấy tác động là không nhỏ. Grant Study thấy rằng những người đàn ông có quan điểm bảo thủ trung bình ngừng sinh hoạt tình dục ở tuổi 68, trong khi những người có quan điểm tự do nhất vẫn sinh hoạt đều đặn tới tận tuổi 80. Vaillant viết: “Tôi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia lão khoa và tiết niệu về vấn đề này và họ cũng chịu, không giải thích được”.

menu
menu