Bộ não kể những câu chuyện để chúng ta có thể sống

bo-nao-ke-nhung-cau-chuyen-de-chung-ta-co-the-song

Chúng ta sẽ lạc lối trong một thế giới hỗn loạn nếu không có những câu chuyện nội tâm.

Chúng ta sẽ lạc lối trong một thế giới hỗn loạn nếu không có những câu chuyện nội tâm.

Chúng ta đều là những người kể chuyện; chúng ta hiểu thế giới bằng cách kể chuyện. Và khoa học là một nguồn truyện tuyệt vời. Không phải vậy, bạn có thể phản bác. Khoa học là một sự thu thập và diễn giải dữ liệu một cách khách quan. Tôi hoàn toàn nhất trí. Ở cấp độ nghiên cứu về các hiện tượng vật lý thuần túy thì khoa học là phương pháp đáng tin cậy duy nhất để xác minh các sự thật của thế giới.

Nhưng khi chúng ta sử dụng dữ liệu của thế giới vật lý để giải thích cho các hiện tượng không thể bị quy giản thành những sự kiện vật lý, hoặc khi chúng ta mở rộng dữ liệu không đầy đủ để rút ra kết luận chung, chúng ta đang kể chuyện. Biết được khối lượng nguyên tử của carbon và oxy không thể cho chúng ta biết cuộc sống là gì. Không có sự thật trần trụi nào giải thích được đầy đủ nguyên do tại sao động vật hy sinh bản thân chúng vì lợi ích của ruột thịt, tại sao chúng ta yêu nhau, ý nghĩa và mục đích của sự tồn tại, hay tại sao chúng ta giết nhau.

Khoa học không có lỗi. Trái lại, khoa học có thể cứu chúng ta thoát khỏi những câu chuyện sai lầm. Đó là một phương tiện không thể thay thế để hiểu được thế giới của chúng ta. Nhưng bất chấp tính chân thực của khoa học, nhiều câu hỏi quan trọng nhất của chúng ta thôi thúc ta kể những câu chuyện mạo hiểm vượt quá sự thật. Đối với tất cả các phương pháp công phu, phức tạp trong khoa học, chúng ta vẫn chưa vượt qua được câu chuyện như phương pháp chính yếu để chúng ta hiểu được cuộc sống của mình.

Để biết khoa học và chuyện kể gặp nhau ở đâu, hãy xem cách mà câu chuyện được tạo ra trong não bộ. Hãy bắt đầu với một ví dụ vô cùng đơn giản về một câu chuyện, được đưa ra bởi E. M. Forster trong cuốn sách kinh điển của ông về đề tài viết lách, Aspects of the Novel: “Nhà vua băng hà và sau đó hoàng hậu cũng băng hà.” Người ta gần như chẳng thể nào đọc hai sự kiện được đặt cạnh nhau này mà không thắc mắc tại sao hoàng hậu lại chết. Ngay cả với một sự miêu tả tối thiểu, cách đặt câu khiến chúng ta dự đoán theo một khuôn mẫu. Tại sao tác giả lại đề cập đến cả hai sự kiện trong cùng một câu nếu như ông ấy không có ý ám chỉ về một mối quan hệ nhân quả?

Một khi một mối quan hệ được đưa ra, chúng ta cảm thấy buộc phải đưa ra một lời giải thích. Điều này làm cho chúng ta quay sang những điều mà ta đã biết, quay lại nhà kho chứa các sự kiện của chúng ta. Đó là kiến thức chung rằng một người bạn đời có thể chết vì đau buồn. Có phải Hoàng hậu chết vì đau lòng không? Khả năng này dựa trên khoa học về hành vi con người, cạnh tranh với những câu chuyện truyền thống khác. Thí dụ, một học sinh phổ thông đang học về Hamlet, có thể đọc câu chuyện như một tóm tắt vi mô của vở kịch.

Bất chấp tính chân thực của khoa học, nhiều câu hỏi quan trọng nhất của chúng ta thôi thúc ta kể những câu chuyện mạo hiểm vượt quá sự thật.

Cảm giác thích thú khi cách giải thích của chúng ta là đúng—đi từ một cảm giác quen thuộc đầy khiêm tốn đến cảm giác “a-ha” siêu phàm và quyền lực—được tạo ra bởi cùng một hệ thống phần thưởng tương tự trong não bộ tích hợp cho cả chứng nghiện ma túy, rượu và nghiện cờ bạc. Hệ thống phần thưởng kéo dài từ vùng limbic của não bộ (đây là vùng quan trọng đối với sự biểu đạt cảm xúc) đến vỏ não trước trán (quan trọng cho tư duy điều hành). Dù vẫn chưa được hiểu thấu đáo, song nhìn chung mọi người cho rằng hệ thống phần thưởng đóng một vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy và tăng cường học hỏi. Chìa khóa của hệ thống, và được tìm thấy chủ yếu trong các tế bào não của nó, là dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh truyền và điều chỉnh các tín hiệu giữa các tế bào não bộ. Các nghiên cứu trước sau như một đều cho thấy cảm giác thỏa mãn đi kèm với sự gia tăng nồng độ dopamine..

Hệ thống phần thưởng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1950 bởi hai nhà nghiên cứu thuộc Đại học McGill, James Olds và Peter Milner. Các điện cực kích thích được đặt trong các khu vực được cho là khu vực phần thưởng não bộ của chuột. Khi được phép tiếp cận một đòn bẩy không bị giới hạn mà khi được nhấn sẽ khiến các điện cực bắn điện, con chuột nhanh chóng học được cách liên tục nhấn đòn bẩy, nhấn thường xuyên đến mức bỏ cả thức ăn và nước uống. Nhận ra bộ não của chúng ta có khả năng sản sinh những cảm giác quá đỗi mãnh liệt đến mức làm chúng ta chọn lờ đi những ham muốn cơ bản như đói và khát, là một bước đầu tiên để hiểu được sức mạnh to lớn của mạch phần thưởng của não bộ.

Điều quan trọng để hiểu được bằng cách nào mà các câu chuyện khuấy động hệ thống phần thưởng của bộ não là một lý thuyết được gọi là nhận dạng mẫu—cách thức mà bộ não ghép nối một số thành phần riêng biệt của một hình ảnh thành một bức tranh nhất quán. Chẳng hạn, lần đầu tiên bạn nhìn thấy một con sư tử, bạn phải tìm hiểu xem bạn đang thấy thứ gì. Có ít nhất 30 khu vực riêng biệt của vỏ não thị giác cùng hỗ trợ, mỗi khu vực xử lý một khía cạnh của hình ảnh tổng thể—từ việc phát hiện chuyển động và các cạnh, cho đến ghi nhận màu sắc và đặc điểm khuôn mặt. Chúng tạo thành một hình ảnh tổng thể của con sư tử.

Mỗi lần tiếp xúc tiếp theo với sư tử sẽ tăng cường mạch thần kinh của bạn; các kết nối giữa các khu vực xử lý trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn. (Lý thuyết này, dựa trên nghiên cứu của nhà tâm lý học người Canada Donald O. Hebb, người tiên phong trong việc nghiên cứu cách mọi người học tập, thường được tuyên bố lànhững tế bào nào dùng sóng điện liên lạc với nhau sẽ kết hợp và tăng cường cho nhau”). Chẳng mấy chốc, người ta ít cần đến dữ liệu đầu vào để nhận ra con sư tử. Một cái nhìn thoáng qua một phần bức tranh là đủ để nhận ra, điều này xảy ra thông qua phản hồi tích cực từ hệ thống phần thưởng của bạn. Vâng, bạn được đảm bảo bởi bộ não của bạn, đó là một con sư tử.

Một mô hình nhận diện hiệu quả một con sư tử là hoàn toàn dễ hiểu về mặt tiến hóa. Nếu bạn nhìn thấy một hình dạng màu vàng lớn giống con mèo đang chuyển động ở một bụi rậm gần đó, sẽ thật kém khôn ngoan khi đợi cho đến khi bạn nhìn thấy màu vàng của cặp mắt con sư tử trước khi bắt đầu chạy đến chỗ cái cây gần nhất. Bạn cần một bộ não nhanh chóng phát hiện ra toàn bộ hình dạng từ những phân mảnh của bức tranh tổng thể và mang đến cho bạn một cảm giác chính xác mạnh mẽ của nhận thức này.

Người ta chỉ cần nghĩ đến việc nhận ra một mô hình mới sâu sắc đến mức nó kích hoạt một “cảm giác a-ha!” vô tình để hiểu được mức độ của niềm vui có thể gắn liền với việc học tập. Không ngạc nhiên khi một mô hình nào đó - mối quan hệ giữa nhận ra-phần thưởng chạy đều đều thành mạch thần kinh của chúng ta, thật khó mà lay chuyển. Nhìn chung—ngoài chuyện nghiện ngập, tức là—“sự dính bám” này của một sự tương quan là một điều tốt. Chính thông qua sự lặp lại và cảm giác quen thuộc và “sự đúng đắn” của một sự tương quan mà chúng ta học được cách xoay sở trong thế giới.

Khoa học là ngành tạo ra những câu chuyện được gọi là giả thuyết và kiểm tra chúng, rồi sau đó cố gắng hết sức để tạo ra những câu chuyện hay hơn. Những thí nghiệm-tưởng tượng có thể được so sánh với các bài tập kể chuyện sử dụng các nhân vật nổi tiếng. Sherlock Holmes sẽ làm gì nếu anh ta phát hiện thấy một thi thể bị treo lơ lửng trên cây với một mảnh giấy được buộc vào mắt cá chân? Một tia sáng bị dội lại giữa hai tấm gương trông như thế nào đối với một người quan sát đang ngồi trên tàu? Sau khi đã xong với câu chuyện của họ, các nhà khoa học đến phòng thí nghiệm để kiểm tra nó; còn các nhà văn thì liên hệ với biên tập viên để hỏi xem họ có mua câu chuyện của mình không.

Con người và khoa học giống như bánh mì và bơ. Chúng ta bẩm sinh cần có câu chuyện; khoa học có bản chất được giấu kỹ là hình thức kể chuyện. Nhưng còn một vấn đề. Chúng ta có thể nhận được phần thưởng dopamine của mình, và bỏ đi với một câu chuyện trong tay, trước khi khoa học đã kiểm tra nó xong xuôi. Vấn đề này trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là bộ não, thèm khát phần thưởng dopamine khớp mẫu, bỏ qua những thông tin mâu thuẫn hoặc xung đột bất cứ khi nào có thể. Một điều kiện tiên quyết cơ bản để nhận dạng mẫu là khả năng phân biệt nhanh giữa các dữ liệu đầu vào tương tự nhưng không giống hệt nhau. Không có khả năng phân loại một sự kiện hay một ý tưởng sẽ khiến bộ não khó khăn hơn rất nhiều để dán nhãn và lưu trữ nó như một ký ức rời rạc. Sự gọn gàng và ngăn nắp khuyến khích việc học hỏi; còn sự lỏng lẻo sẽ dẫn đến việc do dự “phải, nhưng” và không thể đưa ra một kết luận chính xác.

Cũng giống như việc nhận diện mẫu đúng mang lại phần thưởng là tăng giải phóng dopamine, nhận diện mẫu sai gắn liền với sự suy giảm giải phóng dopamine. Ở loài khỉ, thất bại trong việc đưa ra một dự đoán đúng (tương quan giữa kết quả kỳ vọng và kết quả thực tế) khiến việc giải phóng dopamine giảm đi đáng kể chính xác tại thời điểm sự việc dự đoán được mong đợi nhưng không xảy ra. Cũng giống như những tương quan đúng mang lại niềm vui, sự thiếu tương quan sinh ra chất dẫn truyền thần kinh tương đương với kỳ vọng bị cản trở (hoặc còn tệ hơn).  

Một khi chúng ta nhận ra những câu chuyện tương đương với bài tường thuật của sự tương quan, thật dễ hiểu tại sao bộ não của chúng ta lại đi tìm kiếm những câu chuyện (những mẫu hình) bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể. Bạn có thể đã từng đọc hoặc nghe nói đến thí nghiệm nổi tiếng mà trong đó giáo sư tâm lý Daniel Simons trường Đại học Illinois yêu cầu các đối tượng xem một video và đếm số lần một quả bóng được rê bởi một đội bóng rổ. Khi tập trung vào việc đếm, phần lớn người xem không nhìn thấy một phụ nữ mặc đang mặc bộ đồ khỉ đột đi ngang qua khu vực chơi. Trong thực tế, những kiểu mẫu quan sát hoạt động trơn tru khuyến khích bộ não chúng ta sáng tác nên một câu chuyện mà chúng ta mong được nghe.

Bởi vì chúng ta bị thôi thúc tạo nên các câu chuyện, chúng ta thường thấy buộc phải lấy những câu chuyện chưa hoàn chỉnh và chạy theo chúng. Với một nửa câu chuyện từ khoa học trong tâm trí chúng ta, chúng ta nhận được một “phần thưởng” dopamine mỗi lần nó giúp ta hiểu được điều gì đó trong thế giới—ngay cả khi lời giải thích đó là sai hoặc chưa đầy đủ. 

Sau vụ thảm sát ở Newtown, một số chuyên gia bình luận rằng kẻ sát nhân mắc phải hội chứng Asperger, cứ như thể chí ít thì điều đó phần nào giải thích được hành vi của y. Dù hội chứng Asperger cảm giác như một chẩn đoán cụ thể, theo định nghĩa, nó không có gì khác hơn một tập hợp các triệu chứng chung đối với một nhóm người. Vào những năm 1940, bác sĩ nhi khoa người Áo Hans Asperger lưu ý rằng một số bệnh nhân mắc phải những vấn đề tương tự về kỹ năng xã hội, những hành động lập dị và lặp đi lặp lại, những nghi thức lo lắng bất thường, và những khó khăn trong giao tiếp, bao gồm thiếu tương tác bằng mắt và khó khăn để hiểu được những biểu cảm trên khuôn mặt và cử chỉ. Quyết định năm 2013 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ về việc loại bỏ chẩn đoán Hội chứng Asperger ra khỏi cuốn sách chỉ dẫn cho các bác sĩ lâm sàng, cuốn cẩm nang chẩn đoán và thống kê các chứng rối loạn tâm thần (DSM-V), vì không phù hợp với bất kỳ bệnh lý thần kinh cụ thể nào, nhấn mạnh vấn đề hết sức phổ biến của việc chấp nhận một nhóm các triệu chứng là đồng nghĩa với một chứng bệnh cụ thể. Các triệu chứng là những câu chuyện đang tìm kiếm các nguyên nhân cơ bản.

Tương tự như thế, các nghiên cứu về bệnh thái nhân cách cho thấy một khối lượng chất xám suy giảm ở các vùng cụ thể của vỏ não trước trán. Nhưng các phát hiện đó không phải là lời giải thích duy nhất cho hành vi bạo lực. Vì người ta không thể nào kích thích một vùng não cụ thể để tạo ra những hành động phức tạp và có chủ tâm, chúng ta tự mình phải đi đến kết luận rằng dù những tình trạng não bộ nào đó có thể có tương quan với một hành động phức tạp, nhưng chúng không hẳn là nguyên nhân gây ra điều đó. Cũng như vậy, chụp quét não bộ tiết lộ những điểm bất thường ở những kẻ sát nhân hàng loạt có thể giúp chúng ta hiểu được điều gì có thể góp phần vào hành vi của họ. Song những điểm bất thường không còn là lời giải thích duy nhất cho bạo lực hơn là tuổi thơ bị bỏ bê hoặc dinh dưỡng kém. Chúng là những câu chuyện, mặc dù với một thành phần sinh lý học thần kinh chi tiết, nhưng dù sao đi nữa vẫn là câu chuyện.

Thường có những hậu quả về mặt đạo đức khi chúng ta tạo ra và lấy những câu chuyện không hoàn chỉnh từ khoa học. Chúng ta nên quy bao nhiêu phần trách nhiệm cá nhân cho một người có não bộ bị tổn thương hoặc bị trục trặc? Hình phạt thích hợp và khả năng phục hồi chức năng cho một người như vậy là gì? Chỉ khi nào chúng ta công khai thừa nhận mức độ mà khoa học đang trình bày những quan sát của nó dưới hình thức câu chuyện thì chúng ta mới có thể giải quyết khía cạnh đạo đức này. Mỗi người chúng ta phải tự tìm ra những chỉ dẫn của riêng mình khi chúng ta nghĩ dữ liệu khoa học đã vượt quá những giới hạn của nó và đã biến thành câu chuyện thiên lệch. Dĩ nhiên điều này luôn luôn là một thách thức trong trường hợp không có đầy đủ dữ liệu khoa học.

Nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng việc ý thức được về nhiều cách khác nhau mà kể chuyện có thể tự ám chỉ thành việc trình bày và giải thích dữ liệu. Nghiên cứu tốt là một sự kết hợp của việc thu thập và phân tích dữ liệu một cách tỉ mỉ, một sự dè dặt của những kết luận cho những lời diễn giải đó được phản ánh rõ ràng trong dữ liệu, và một sự thừa nhận trung thực và khiêm tốn về những giới hạn của cái mà dữ liệu này có thể nói về thế giới.

Với tư cách là thành viên của cộng đồng, chúng ta cần đảm bảo rằng bất cứ khoa học nào chúng ta thừa nhận là sự thật cần phải trải qua quá trình đánh giá ngang hàng. Chúng ta cũng nên hiểu rằng ngay cả dữ liệu đánh giá ngang hàng không phải lúc nào cũng chính xác. Năm 2011, Nature báo cáo rằng những bài báo khoa học bị rút đã tăng lên 10 lần trong 10 năm qua, trong khi số lượng bài báo được công bố chỉ tăng 44 phần trăm. Lại cũng trong Nature, các nhà khoa học C. Glenn Begley và Lee M. Ellis viết rằng các đồng nghiệp của họ tại công ty công nghệ sinh học Amgen chỉ có thể mô phỏng lại sáu trong số 53 nghiên cứu về huyết học và ung thư học từ các tài liệu khoa học. Tương tự vậy, các nhà khoa học từ Bayer thông báo trong năm 2011 rằng họ không thể mô phỏng lại một cách nhất quán khoảng hai phần ba các nghiên cứu về ung thư có liên quan đến công trình của họ.  

Khi đọc các báo cáo khoa học, chúng ta cũng nên tìm kiếm thông tin về các giới hạn của dữ liệu. Các giả thuyết nào được đưa ra? “Các thanh lỗi,” hay những biểu đồ thể hiện của các dữ liệu biến số, muốn nói gì? Chúng ta không phải lúc nào cũng hiểu được những giới hạn dữ liệu, nhưng chúng ta nên lo lắng khi một số cuộc thảo luận về chúng không hề xuất hiện.

Cuối cùng, các nhà khoa học nắm trong tay công cụ, ngôn ngữ và kinh nghiệm để kể cho chúng ta những câu chuyện đầy thông tin, hấp dẫn và quyền năng. Đến lượt mình, chúng ta nên đánh giá những nghiên cứu của họ giống như cách mà ta đánh giá những hình thức nghệ thuật khác. Giống như một nhà phê bình văn học, chúng ta nên đánh giá tính chính xác của ngôn ngữ, sự chặt chẽ của cấu trúc, sự rõ ràng và độc đáo của tầm nhìn, sự thanh lịch và duyên dáng tổng thể của nghiên cứu, sự dè dặt khi chúng trình bày các vấn đề về đạo đức, cách họ đặt các nghiên cứu của họ vào bối cảnh lịch sử, văn hóa và cá nhân và sự sẵn sàng của họ để hoan nghênh những ý kiến và cách lý giải khác. 

Phương pháp luận của khoa học vẫn là một trong những tiến bộ vĩ đại của loài người. Những câu chuyện của nó, được kể một cách đúng đắn, là những thiên sử thi đang tiến triển, và xứng đáng đứng bên cạnh những câu chuyện vĩ đại của lịch sử.

 

Nguồn: http://nautil.us/issue/75/story/our-brains-tell-stories-so-we-can-live

menu
menu