Bốn dấu hiệu cảnh báo ly hôn
Các nhà tâm lý học đã phân tích bốn yếu tố dẫn đến đổ vỡ tình cảm và ví von chúng như điềm báo về "ngày tận thế" của mối quan hệ.
Nhà tâm lý học nổi tiếng, tiến sĩ John Gottman đã tiến hành một cuộc điều tra về hôn nhân và ly hôn. Trong báo cáo công bố trên Tạp chí Tâm lý gia đình mới đây, ông chỉ ra bốn biểu hiện trong đời sống vợ chồng có thể dự báo ly hôn chính xác 94%.
Tiến sĩ John cùng vợ (tiến sĩ Julie Gottman) đã nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố tạo nên hoặc phá vỡ các mối quan hệ.
Theo các chuyên gia, bốn hành vi này, nếu liên tục xuất hiện trong hôn nhân, có thể báo hiệu rắc rối nghiêm trọng sắp xảy ra.
Chỉ trích
Chỉ trích là vạch ra những thiếu sót của vợ/chồng nhưng tấn công trực tiếp vào tính cách của bạn đời. Hành vi này đặc biệt gây tổn hại vì nó chuyển hướng sự tập trung từ thiếu sót hiện tại sang những khuyết điểm mà bạn nhận thấy ở vợ/chồng mình. Về bản chất, bạn đang chĩa mũi nhọn vào con người chứ không phải những gì họ làm.
Ví dụ, nếu người vợ nói "Hôm qua em thực sự lo lắng khi anh không gọi điện báo đi nhậu đến nửa đêm" - đó là một lời phàn nàn chân thành. Nhưng nếu cô ấy nói "Anh không bao giờ nghĩ đến cảm xúc của em. Hành động của anh là ích kỷ, vô tâm" - đó là chuyển từ hành vi sang đánh giá bao quát, tiêu cực về tính cách bạn đời.
Bằng cách nói này người vợ cho thấy cô ấy chỉ trích chỉ để đổ lỗi, có thể khiến nửa kia cảm thấy bị từ chối, tổn thương và tức giận.
Chỉ trích bạn đời là dấu hiệu cảnh báo ly hôn. Ảnh: Snopes
Biện hộ
Biện hộ hay phòng thủ được hiểu là nỗ lực tự bảo vệ, thường xuất hiện khi phản ứng với lời chỉ trích. Tính phòng thủ gồm hai hình thức và cả hai đều làm suy yếu việc giải quyết xung đột trong mối quan hệ.
Hình thức đầu tiên là "tự biến thành nạn nhân", coi đó là lý do bào chữa cho lỗi lầm của mình và cho rằng bị buộc tội oan. Ví dụ, nếu người vợ hỏi tại sao về nhà muộn, anh chồng nói "lâu lắm mới gặp bạn bè và chẳng lẽ đi làm cả ngày nuôi vợ con mà không được phép vui vẻ?" Ở đây, người chồng vừa phủ nhận lỗi của mình vừa buộc tội ngược vợ bất công.
Hình thức thứ hai là "lập trường phẫn nộ chính đáng", trong đó chúng ta chống lại sự chỉ trích bằng cách phản công. Ví dụ, người vợ phàn nàn về điều gì đó mà chồng hứa sẽ làm nhưng lại quên, anh ấy phản bác rằng "Em biết hôm nay anh đầu tắt mặt tối sao không tự mình làm?".
Không thể phủ nhận thỉnh thoảng chúng ta đều dựa vào tính phòng thủ. Tuy nhiên, việc sử dụng liên tục cách này sẽ chỉ trì hoãn việc giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ, vì đây là vũ khí tuyệt vời để trốn tránh trách nhiệm.
Sự khinh miệt
Đây là yếu tố nguy hiểm, dự báo ly hôn lớn nhất vì nó hạ thấp người bạn đời. Sự khinh miệt thường là kết quả của sự oán giận sâu sắc và có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau.
Mỉa mai: Sử dụng những lời lẽ cay độc để hạ thấp đối tác.
Lăng mạ: Thực hiện các cuộc tấn công cá nhân vào tính cách hoặc trí thông minh của đối tác.
Gọi tên: Sử dụng những cái tên mang tính xúc phạm hoặc hạ thấp để gọi đối tác.
Ngôn ngữ cơ thể thiếu tôn trọng: Quắc mắt, cười khẩy hoặc các cử chỉ khác thể hiện sự khinh thường.
Với bản chất đáng ghét của sự khinh miệt, tác động của nó lên mối quan hệ có thể rất tàn khốc. Gần như không thể giải quyết được mối quan hệ khi sự khinh miệt đã hiện diện. Hành động này truyền đạt cho đối tác rằng bạn coi mình là người vượt trội hơn và coi thường họ, cho rằng họ vô giá trị hoặc thấp kém.
Chiến tranh lạnh
Chiến tranh lạnh được dựng lên khi một người từ chối giải thích hay làm rõ mong muốn của mình với người kia. Sự rút lui hoàn toàn này thường xảy ra để đáp lại những dấu hiệu khác, thường là sự khinh thường. Trong trạng thái này, một người thường ngừng các tín hiệu lắng nghe như gật đầu, giao tiếp bằng mắt và chuyển động khuôn mặt. Họ quay lưng lại với cuộc trò chuyện, tỏ ra bận rộn và lờ người bạn đời.
Chiến tranh lạnh không có lợi cho việc giải quyết vấn đề hoặc hòa giải vì, như tên gọi, đối tác của bạn có thể cảm thấy như họ đang nói chuyện với một bức tường lạnh lẽo.
Bảo Nhiên (Theo Forbes)