Cách đối mặt với sự từ chối, theo các chuyên gia

cach-doi-mat-voi-su-tu-choi-theo-cac-chuyen-gia

Bị từ chối là một điều rất đau lòng. Dù ai từ chối bạn hay bạn bị từ chối như thế nào, điều này cũng sẽ gây tổn thương cho bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi một người bị từ chối, họ sẽ cảm thấy ghen tị, cô đơn và lo lắng.

Bị từ chối là một điều rất đau lòng. Dù ai từ chối bạn hay bạn bị từ chối như thế nào, điều này cũng sẽ gây tổn thương cho bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi một người bị từ chối, họ sẽ cảm thấy ghen tị, cô đơn và lo lắng.

Hơn nữa, chúng ta thường hiểu nhầm về cảm giác tổn thương và cho rằng đó là một dấu hiệu của lòng tự trọng. Theo Guy Winch - nhà tâm lý học và tác giả của cuốn Emotional First Aid: Healing Rejection, Guilt, Failure, and Other Everyday Hurts, sự nhầm lẫn này sẽ chỉ khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn.

Tuy làm bạn tổn thương nhưng sự từ chối cũng đem đến một số lợi ích nhất định. Theo Winch, việc bị từ chối có thể giúp bạn trở nên kiên cường hơn, trưởng thành hơn, và nhờ đó, bạn biết rút ra bài học để tránh những sai lầm tương tự. Dĩ nhiên là, để gặt hái được thành công, bạn cần phải biết xử lý cảm giác bị từ chối một cách khéo léo.

Gặp khó khăn trong công việc

Khi nhắc đến nghề nghiệp, áp lực phải vào được một ngôi trường tốt hay có được một công việc hoàn hảo là rất lớn. Theo Beverly Flaxington - một huấn luyện viên về lối sống và nghề nghiệp, con người thường nhờ cậy đến các yếu tố bên ngoài để có được sự công nhận, thay vì tìm kiếm những yếu tố bên trong bản thân. "Rất nhiều người vẫn chưa biết thế nào là lòng tự trọng lành mạnh", cô cho biết.

Bị từ chối trong công việc có thể khiến bạn cực kỳ suy sụp. Nếu bạn gặp thất bại, hãy nhớ rằng con đường nghề nghiệp không phải là một đường thẳng, không phải kinh nghiệm nào cũng sẽ giúp bạn tiến về phía trước. "Đôi lúc, chúng ta cần có nhiều trải nghiệm hơn và biết chọn một con đường khác để đi. Đôi lúc, chúng ta cần làm mới lại bản thân. Và đôi lúc, chúng ta cần mặc kệ vài thứ và nói lời vĩnh biệt với chúng", Flaxington chia sẻ.

Nếu bạn đang cố gắng tìm kiếm một công việc hoặc một vị trí mới chỉ để chứng minh giá trị của mình, hãy thử tự nhìn lại bản thân để thấy rằng chính công việc hiện tại mới là cái khiến bạn thỏa mãn chứ không phải là những thứ kia. Nếu điều đó không còn đúng nữa, có lẽ đã đến lúc bạn nên đi tìm cho mình vài cơ hội khác. Một công việc yêu thích có thể giúp nâng cao lòng tự trọng của bạn, bởi vì bạn sẽ cảm thấy vui vẻ khi được làm những điều có ý nghĩa. Đừng quá mải mê đong đếm giá trị bản thân dựa trên các chức danh, hay làm một thứ gì đó chỉ để cho có.

Ngoài ra, việc tự khích lệ bản thân và biết cảm thông với chính mình cũng là một cách để thay đổi góc nhìn về sự từ chối, từ một thứ "dập tắt ước mơ" thành "cột trụ chống đỡ". Hãy chấp nhận rằng nó là một phần của trưởng thành và coi nó như một con đường mới dẫn bạn đến nơi mà bạn thực sự thuộc về. Thất bại không có nghĩa là bạn không thể hoàn thành mục tiêu. Điều đó chỉ đơn giản là bạn cần phải cố gắng lâu hơn chút nữa để đạt được điều mình muốn.

Chia tay người yêu

Dù bạn vừa trải qua một cuộc chia tay hay chỉ đơn giản là người yêu bạn ngừng liên lạc, cảm giác bị từ chối sẽ dễ khiến bạn lý tưởng hóa cả người đó lẫn mối quan hệ của mình. Con người thường chỉ nhớ về những khoảng thời gian tốt đẹp. Tệ hơn nữa, thỉnh thoảng, một mối quan hệ tan vỡ sẽ khiến bạn cảm thấy bản thân thật vô dụng và bất lực, dù sự thực không hề như vậy.

Hãy thử làm điều sau đây. Hậu chia tay, hãy viết ra một danh sách những đặc điểm bạn không hài lòng ở đối phương. Theo Winch, bằng cách đọc nó mỗi ngày, bạn sẽ dần nhận ra cả hai đã không còn dành cho nhau, và xác định những đức tính mà bạn muốn có ở người yêu tiếp theo.

Trong hành trình đi tìm "nửa kia", hãy thử hỏi đâu là các đặc điểm mà bạn thấy quan trọng với mình. Melissa Hobley - giám đốc marketing của OKCupid - cho biết: "Việc hợp nhau ở một vài khía cạnh là rất quan trọng". Điều này giúp bạn và người ấy trở nên gắn bó hơn, giúp mối quan hệ kéo dài được lâu hơn và bền vững hơn.

Tình bạn tan vỡ

Đôi khi, tình bạn tan vỡ còn khiến chúng ta đau lòng hơn cả việc chia tay người yêu. Mặc dù vậy, bạn bè đến rồi đi là chuyện rất đỗi bình thường.

Cũng giống như khi chia tay với người yêu, việc bạn cần làm là nhìn lại mối quan hệ này dưới một góc độ khác. Hãy coi đây là một cơ hội để bạn tự hỏi bản thân: liệu đó có phải là kiểu người mà bạn muốn kết thân hay không. Nếu câu trả lời là không, bạn sẽ bớt cảm thấy đau lòng hơn. Nhờ đó, bạn có thể tìm cho mình những người bạn khác phù hợp hơn nhiều.

Nếu thời gian trôi qua mà bạn vẫn cảm thấy nuối tiếc người bạn cũ ấy, hãy thử mở lòng để xem liệu người kia có muốn nối lại mối quan hệ bạn bè. Xác định thời điểm là vấn đề then chốt. Flaxington cho rằng, thời gian sẽ cho phép mọi người nhìn lại tình bạn với một con mắt hoàn toàn khác.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chuyển hướng quan tâm của mình sang các mối quan hệ bạn bè khác đáng trân trọng hơn. Tập trung thắt chặt các tình bạn đã có và cởi mở với những người bạn chưa từng thân thiết trước đây cũng là một cách rất quan trọng để duy trì mạng lưới xã hội bền vững.

Gia đình quay lưng

Chúng ta vẫn luôn được dạy một điều: tình cảm gia đình là vô điều kiện. Thế nhưng, cả Flaxington và Winch đều đồng ý rằng đôi khi cũng tồn tại những ngoại lệ. Chẳng hạn như khi các cặp vợ chồng ly hôn, con cái họ đôi lúc sẽ về phe của một trong hai người và xa lánh người còn lại. Chẳng có gì đau đớn hơn là cảnh tượng gia đình quay lưng với nhau.

Nếu bạn bị một người thân của mình từ mặt, hãy tìm đến các diễn đàn trực tuyến để kết nối và nhờ cậy sự giúp đỡ từ những người đã từng trải qua tình cảnh tương tự. Điều này sẽ giúp bạn thấy được cách mà mọi người xử lý tình huống sao cho hiệu quả.

"Chúng ta cứ nghĩ rằng mình chẳng thể làm gì khi bị quay lưng và cứ thế chôn vùi cảm xúc tiêu cực đi," Winch nói. "Khi bạn biết nhiều hơn về cảm giác bị từ chối, bạn sẽ hiểu tại mình lại cảm thấy như vậy."

Mạng xã hội làm bạn thất vọng

Các nhà nghiên cứu cho biết, mạng xã hội có thể ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng của chúng ta, cũng như gây tổn hại về sức khỏe.

Đôi lúc, chúng ta nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, từ chối, trong khi sự thực lại không phải như vậy. Không có nhiều like, không được theo dõi lại, không có một danh sách theo dõi dài dằng dặc, hoặc chỉ đơn giản là nhìn thấy đứa bạn đi chơi vui vẻ mà không có mình, cũng đủ để khiến bạn cảm thấy bị bỏ rơi và trông như một kẻ ngoài cuộc.

Thế nhưng, có rất nhiều cách để bạn sử dụng mạng xã hội mà vẫn cảm thấy được quan tâm, hạnh phúc. Winch gợi ý rằng mọi người nên dùng mạng xã hội để trò chuyện, gửi tin nhắn, hoặc bình luận trên các bài đăng của bạn bè, thay vì chỉ lặng lẽ lướt xem ảnh. Qua đó, bạn có thể tham gia vào cuộc trò chuyện và tương tác với mọi người theo hướng tích cực hơn.

Theo dõi mọi người trên mạng và chơi với những người bạn chân thành ngoài đời sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn và hòa đồng hơn. "Chúng ta sống theo tập thể. Chúng ta muốn có mọi người xung quanh, để chúng ta có thể tự tin nghĩ ‘Đúng vậy, họ là một phần trong cộng đồng của tôi'", Winch nhận xét.

 

Theo Trí thức trẻ 

Link bài: https://time.com/5469946/how-to-deal-with-rejection/

menu
menu