CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI GUILT TRIP – hành vi thao túng tâm lý đằng sau lời so sánh “Con nhà người ta …”
Càng trong những mối quan hệ thân thiết như gia đình, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp, càng dễ xảy ra "guilt trip".
Bạn đã bao giờ cảm thấy tội lỗi và sau đó là cố gắng để làm hài lòng người khác chỉ vì một câu nói “Con ông A làm được như thế đấy, đằng này con mình thì…”, hoặc “Hình như bạn quên lần trước tôi giúp đỡ bạn rồi nhỉ”, hoặc “Vì em là người yêu của anh, anh mà không mua cho em thứ đó…”?
Nếu câu trả lời là “Có”, có thể bạn đã bị rơi vào cái bẫy "guilt trip", một dạng hành vi thao túng tâm lý mà ai đó cố tình hoặc vô ý giăng ra, với mục đích dựa vào cảm giác tội lỗi để điều khiển bạn làm theo những gì họ muốn.
MỤC TIÊU CỦA "GUILT TRIP"
Càng trong những mối quan hệ thân thiết như gia đình, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp, càng dễ xảy ra "guilt trip". Đơn giản là vì giữa bạn và họ có mối ràng buộc, khiến bạn luôn để ý đến thái độ họ dành cho bạn và mong cầu hành vi mình làm sẽ khiến họ hài lòng.
Guilt trip là cách người khác tận dụng liên kết tình cảm trên để lôi kéo bạn làm điều họ muốn. Không giống như cảm giác tội lỗi thực sự, "guilt trip" tạo cho bạn một cảm giác tội lỗi “giả”, mặc dù bạn chưa hề làm điều gì sai.
Cảm giác tội lỗi sẽ có ích trong một vài trường hợp. Chẳng hạn như khi bạn đã làm tổn thương hoặc xúc phạm ai đó, vì không muốn kết thúc mối quan hệ với họ, cảm giác tội lỗi sẽ thúc đẩy bạn hành động để sửa sai.
Valorie Burton, nhà tư vấn tâm lý, cũng là tác giả của cuốn sách “Let Go of the Guilt: Stop Beating Yourself Up and Take Back Your Joy” (tạm dịch: “Buông bỏ tội lỗi: ngừng dằn vặt và tìm lại niềm vui”), nói:
"Cảm giác tội lỗi giống như chiếc la bàn bên trong mỗi con người. Khi biết cách đọc đúng hướng, nó sẽ dẫn chúng ta đến những quyết định để không phải hối tiếc sau này.
Nhưng "guilt trip" lại áp đặt cho bạn một cảm giác tội lỗi giả tạo, không vì bất cứ lý do nào cả. Đó là một phương pháp giao tiếp không lành mạnh, vì người bị thao túng có thể gặp khó khăn khi bày tỏ quan điểm và nhu cầu cá nhân, hoặc cảm thấy tan vỡ trong các mối quan hệ.
Và vấn đề sẽ thực sự nghiêm trọng khi bạn cho phép "guilt trip" dẫn đường để thực hiện những hành động nhằm lấp đầy cảm giác tội lỗi giả tạo đó."
CÁC BIỂU HIỆN CỦA GUILT TRIP
Không chỉ thông qua lời nói trực tiếp như chỉ trích (“Tại sao con lại không đến buổi họp gia đình? Con chẳng quan tâm gì đến mọi người cả!”), đến sự hung hăng thụ động (“Nếu mẹ thực sự yêu con, mẹ phải mua cho con đồ chơi mới giống như các bạn chứ!”), hay đóng vai nạn nhân (“Em không thể tin được anh lại không nghe điện thoại của em!”). "Guilt trip" còn được thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể như tiếng thở dài, nhún vai, bĩu môi hoặc phớt lờ.
Một số người có thể cho đây là cách thuyết phục người khác thay đổi hành vi. Nhưng sự thật, đây lại là cách khiến họ phải thay đổi theo chiều hướng không tình nguyện, vì nghĩa vụ.
Theo Burton, bạn đang là nạn nhân của "guilt trip" nếu:
- Bạn không thể nói “không”, trừ khi có hậu quả nghiêm trọng nào đó xảy ra.
- Bạn luôn là người có lỗi trong mọi hoàn cảnh.
- Đối phương đặt câu hỏi nghi ngờ về tình yêu hoặc lòng trung thành của bạn.
- So sánh bạn với những người khác mà họ cho là tốt hơn.
Cho dù bằng cách thức nào, "guilt trip" thực sự có khả năng phá hỏng một mối quan hệ.
4 CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI GUILT TRIP
Ban đầu, bạn có thể chọn nhượng bộ để bảo vệ mối quan hệ giữa hai người. Nhưng khi những cảm xúc tiêu cực đã lên đến đỉnh điểm, bạn sẽ có xu hướng phản kháng gay gắt hoặc tránh mặt đối phương.
Vì vậy, nếu muốn mọi thứ trở lại cân bằng và giảm bớt căng thẳng cho bản thân, bạn phải biết cách phản ứng thật thông minh.
Giao tiếp để tìm kiếm gốc rễ của vấn đề.
Giao tiếp là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khúc mắc. Bạn có thể tận dụng khả năng giao tiếp để xác định nguyên nhân tại sao họ guilt trip bạn. Ví dụ:
Vì vô tình:
Bố mẹ muốn bạn trở nên hoàn hảo hơn, nhưng vì không biết cách diễn đạt tích cực, họ chọn "guilt trip" nhằm kích động, cho rằng vì để chứng minh năng lực của bản thân mà bạn sẽ làm theo điều họ muốn.
Đồng nghiệp của bạn đang bị quá tải, họ phải gánh vác một lượng lớn công việc khi những người khác lại thảnh thơi hơn. Trong lúc nóng giận, họ lỡ nói những lời không hay với bạn.
Đối phương buồn và tổn thương khi bạn hủy hẹn vào phút chót do công việc khẩn cấp. Họ bắt đầu đổ lỗi và khiển trách bạn để giải tỏa cảm xúc tiêu cực trong lòng.
… hoặc cố tình.
Vì cảm thấy không được đối xử bình đẳng hoặc bị lợi dụng trong mối quan hệ, nên họ cố tình khiến bạn cảm thấy tội lỗi, buộc bạn phải bù đắp cho họ.
Họ ghen tị hoặc ghi thù bạn vì lý do nào đó và dùng "guilt trip" như một công cụ để khiến bạn lâm vào thế khó xử.
Khi đã xác định được gốc rễ của vấn đề, bạn có thể thoải mái hơn trong việc tìm kiếm những biện pháp đối phó: Lắng nghe để thấu hiểu.
Sự lắng nghe phải đến từ cả hai phía: bạn và người thao túng bạn.
Rất khó để ai đó lắng nghe và thấu hiểu nếu họ cự tuyệt thừa nhận vấn đề. Nhưng hãy bình tĩnh và cố gắng tìm cơ hội giải thích, cho họ thấy sự chân thành bên trong bạn.
Con không đến bữa tiệc vì có công việc khẩn cấp cần phải giải quyết. Con đã gọi điện báo lại và xin lỗi mọi người rồi. Nếu có thể, vào dịp … lần sau, con chắc chắn sẽ có mặt.
Và sau đó, đến lượt bạn lắng nghe họ. Bởi vì rất có thể họ cũng là nạn nhân khi bị người khác kích động.
Khéo léo đặt câu hỏi
Trong trường hợp "guilt trip" thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể như thở dài, lắc đầu ngán ngẩm, nhún vai, phớt lờ, bạn có thể chủ động đặt câu hỏi để dẫn dắt họ nói ra mong muốn thực sự. Chẳng hạn như:
- Trông bạn có vẻ buồn bực. Có chuyện gì vậy?
- Hình như bạn đang gặp khó khăn, tôi có thể giúp gì được cho bạn không?
- Tôi rất sẵn lòng giúp bạn. Vì vậy hãy nói cho tôi biết bạn cần tôi làm gì nhé!
Cương quyết và thể hiện chính kiến riêng
Hiểu được động cơ trong hành động guilt trip của họ sẽ giúp bạn vạch ra một đường ranh giới rõ ràng. Đường ranh giới này vừa để bảo vệ quyền lợi của cá nhân bạn, vừa cho họ biết rằng bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi cảm giác tội lỗi giả tạo mà họ gây ra. Từ đó, buộc họ phải tìm đến những phương thức giao tiếp khác ít cực đoan hơn.
Ngọc Ánh
Theo Trí Thức Trẻ