Cách kẻ bạo hành lời nói giữ thế thượng phong

cach-ke-bao-hanh-loi-noi-giu-the-thuong-phong

Hiểu rõ nạn nhân của mình và thay đổi chiến thuật khi cần thiết.

Trong số những câu hỏi tôi thường nhận được từ độc giả, có một câu lặp đi lặp lại rất nhiều lần: “Tại sao tôi phải mất quá nhiều thời gian mới nhận ra mình đang bị bạo hành lời nói? Có phải tôi cố tình nhắm mắt làm ngơ không, hay còn điều gì khác?”

Câu hỏi này xuất hiện trong bối cảnh các mối quan hệ rất đa dạng, từ cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp cho đến cấp trên, tất cả đều có thể là những người gây ra bạo hành lời nói.

Trong trường hợp bị cha mẹ bạo hành lời nói, sự nhận ra thường đến rất muộn màng, đau đớn, nhiều khi phải đến tận vài thập kỷ sau, khi đứa trẻ ngày nào đã trưởng thành. Lý do khiến ta chậm nhận ra là vì ta đã quá quen với cách đối xử đó từ nhỏ, đến mức xem nó là điều bình thường. Hầu hết những người tôi phỏng vấn cho cuốn sách mới Bạo Hành Lời Nói đều từng bào chữa cho cha mẹ mình, hoặc tin rằng “tính ông/bà ấy là vậy mà.”

Trong phần lớn các trường hợp, dù những lời nói ấy làm tổn thương họ, dù bị ngó lơ, bị chế giễu, bị xem nhẹ, bị chỉ trích quá mức hay bị đổ lỗi, họ vẫn tin rằng cha mẹ không cố tình làm thế. Lý do là bởi điều tôi gọi là “mâu thuẫn cốt lõi”: cuộc giằng co giữa việc nhìn thẳng vào sự thật là mình đang bị bạo hành, và khao khát có một mối quan hệ yêu thương, tử tế, khác đi. Niềm hy vọng, sự lý giải, và cơ chế phủ nhận chính là những gì nuôi dưỡng khát vọng đó, và nó chết dần một cách rất chậm rãi.

Đáng tiếc thay, những ai lớn lên trong môi trường bạo hành lời nói dường như dễ rơi vào những mối quan hệ tương tự khi trưởng thành, nhiều hơn so với những người có tuổi thơ được yêu thương, nâng đỡ, và được tiếp xúc với hình mẫu lành mạnh của tình thân. Và đúng vậy, họ cũng thường mang theo thói quen bào chữa và bình thường hóa sự việc: “Tính anh/cô ấy vậy thôi, nhưng tốt bụng,” hay “Người ta thẳng thắn, yêu theo kiểu cứng rắn ấy mà,”… Họ tiếp tục lặp lại kịch bản cũ trong các mối quan hệ trưởng thành.

Tuy nhiên, ngay cả những người không lớn lên với bạo hành lời nói cũng có thể bị cuốn vào những mối quan hệ có yếu tố này. Dù rằng chính những thói quen trong suy nghĩ có thể khiến nạn nhân bị mắc kẹt, điều cốt lõi cần nhớ là: chính kẻ bạo hành mới là người chủ động làm mọi cách để giữ quyền kiểm soát.

Bạo hành lời nói là cuộc chơi của sự mất cân bằng quyền lực, nơi một người nắm quyền thao túng nhiều hơn người còn lại. Trong một mối quan hệ thật sự bình đẳng, hành vi bạo hành lời nói rất hiếm khi xuất hiện. (Tôi đang phân biệt giữa một mối quan hệ có khuôn mẫu lặp lại của bạo hành lời nói và những vụ nổ giận nhất thời trong một mối quan hệ lành mạnh, tôn trọng. Chúng ta ai rồi cũng có lúc vượt giới hạn vì tức giận, có thể buông lời thô lỗ, im lặng trừng phạt hay gọi tên xấu, nhưng ta sẽ xin lỗi. Kẻ bạo hành thì không, trừ khi lời xin lỗi ấy là một phần của chiến thuật mới. Xem bên dưới.)

Source: Silvani Bandaru/Unsplash

Nguồn gốc của sự mất cân bằng quyền lực

Có nhiều nguyên nhân, cả về cảm xúc lẫn vật chất. Một người có thể phụ thuộc vào mối quan hệ và vào người bạn đời nhiều hơn, hoặc mức độ cam kết giữa hai bên cũng có thể khác nhau rõ rệt.

Mất cân bằng quyền lực cũng có thể bắt nguồn từ sự bất an trong lòng: một bên lo lắng bị bỏ rơi, hoặc cảm thấy mối quan hệ này dù không như ý vẫn còn hơn chẳng có gì. Con người vốn có xu hướng chọn sự quen thuộc hơn là chấp nhận rủi ro. Những nghiên cứu về “nỗi sợ mất mát” đã mang về cho nhà tâm lý học Daniel Kahneman giải Nobel Kinh tế. Chúng ta thường không dám rời đi, ngay cả khi có vẻ như có nơi chốn tốt đẹp hơn phía trước. Khi trong mối quan hệ còn có cả những đứa trẻ, mọi sự lựa chọn lại càng thêm phần khó khăn và phức tạp.

Dĩ nhiên, mất cân bằng quyền lực cũng có thể đến từ vấn đề tiền bạc hoặc khả năng kiếm sống. Trong môi trường công sở, bạo hành lời nói thường diễn ra từ trên xuống.

Cách kẻ bạo hành lời nói giữ quyền kiểm soát:

Đây là những quan sát từ các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu của tôi cho cuốn Bạo Hành Lời Nói: Nhận diện, Đối mặt, Ứng phó và Hồi phục.

1. Họ hiểu rất rõ bạn.

Vì mục tiêu của họ là kiểm soát, kẻ bạo hành lời nói nắm rất rõ những điều cốt yếu về bạn, nhất là những điểm yếu: bạn sợ điều gì nhất, thường lo lắng chuyện gì, bạn thiếu tự tin ở đâu. Nhờ vậy, họ có thể nhấn đúng nút khi cần.

Nếu bạn thường có xu hướng tự trách hay cảm thấy tội lỗi, họ sẽ khiến bạn tin rằng bạn chính là lý do khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ: “Nếu em không càm ràm suốt, thì anh đâu phải nổi khùng,” (đó là đòn đổi lỗi), hoặc “Nếu em khổ sở quá vậy, sao không chia tay luôn đi?” (đó là đòn đánh liều). Nếu bạn lên tiếng vì bị tổn thương, họ có thể sẽ bảo bạn “quá nhạy cảm,” và dần dà bạn cũng tin như vậy thật.

2. Họ có thể thay đổi chiến thuật khi cần.

Khi hiểu rằng kẻ bạo hành đang dùng kiến thức về bạn để thao túng, bạn sẽ không thấy lạ khi họ rất giỏi đọc phản ứng của bạn. Một khi một chiêu không hiệu quả, họ sẽ chuyển sang cách khác hoặc tạm ngưng hoàn toàn.

Việc dừng lại không bạo hành, có thể là khen bạn, làm một điều dễ thương, hay đơn giản là không xúc phạm nữa, cũng là một chiến thuật. Nó khiến bạn bối rối, tự hỏi có phải mình đang làm quá, hay mình thực sự quá nhạy cảm.

Giai đoạn “trăng mật” này là có tính toán, nếu bạn còn nghi ngờ. Và rất có thể, niềm hy vọng trong bạn sẽ chiến thắng lý trí và một lớp keo mới lại được thoa lên đôi chân bạn, khiến bạn đứng yên thêm một thời gian nữa.

3. Họ biết bạn chưa sẵn sàng rời đi.

Điều này rất quan trọng, vì kẻ bạo hành biết rõ khi nào nên đẩy tới, khi nào nên dừng lại. Họ thích cảm giác quyền lực khi khiến bạn gục xuống, và họ biết cách điều chỉnh để bạn không rời bỏ họ.

Bạo hành lời nói là hành vi có chủ đích và tính toán.

Điều quan trọng là cần phân biệt rõ giữa một cơn giận dữ nhất thời có thể có lời lẽ thô bạo, với một khuôn mẫu hành vi bạo hành lời nói lặp đi lặp lại. Dù nạn nhân thường có xu hướng bình thường hóa và bào chữa cho hành vi ấy, đặc biệt là những người con trưởng thành vẫn tin rằng cha mẹ mình “không thể khác đi”  nhưng điều then chốt để nhận diện vấn đề là phải nhìn rõ động cơ thật sự phía sau bạo hành lời nói.

Tác giả: Peg Streep

Nguồn: How Verbal Abusers Maintain the Upper Hand | Psychology Today

menu
menu