Highly Sensitive Person: Những Bí Mật Chỉ Giữ Cho Riêng Mình

highly-sensitive-person-nhung-bi-mat-chi-giu-cho-rieng-minh

Suốt những năm tháng trưởng thành, mọi người đều nhìn tôi như là một đứa kì quặc.

Suốt những năm tháng trưởng thành, mọi người đều nhìn tôi như là một đứa kì quặc. Tôi ghét mấy thứ rối rắm ôm sát quanh hông, vậy nên đến cả quần tất bó mà tôi cũng mua cỡ lớn. Tôi có thể cảm nhận được những lần bố mẹ chiến tranh lạnh, dù chẳng ai tiết lộ cho tôi biết cả. Không khí ồn ào và tất tả của những nơi như lớp học luôn khiến tôi thấy thật mòn mỏi, tôi tuyệt vọng khẩn thiết mong được trở về với căn phòng ngủ yên bình của mình vào cuối ngày. Tâm trí tôi chẳng lúc nào được yên bình, những cảm xúc và ý nghĩ cứ chạy loạn, hỗn độn trong đầu tôi, dẫu cho mọi người đều có vẻ đã thôi nghĩ ngợi về chúng từ lâu rồi. Tôi cảm nhận mọi thứ ở một tầng nghĩa sâu hơn, bao gồm cả những bản nhạc, những thước phim, cả lời nói của bạn bè đồng nghiệp.

Lúc đó tôi còn chưa nhận thức được, rằng tôi là một người cực kỳ nhạy cảm (HSP - highly sensitive person).

Khoảng 15-20% dân số trên thế giới, những người thường bị kích thích mạnh mẽ bởi những hình ảnh, âm thanh và cảm xúc, là những người cực kì nhạy cảm. Còn biết đến với cái tên “Những người nhạy cảm với những cảm giác”, những người HSP trải nghiệm cuộc sống này với nhiều cung bậc cảm xúc hơn những người khác. Việc bạn cực kì nhạy cảm không giống như việc bạn trầm cảm, hướng nội, lo âu hay thậm chí là tự kỷ, giữa chúng có một sự khác biệt về mặt cấu trúc sinh học. Hệ thống thần kinh của những HSP chỉ đơn giản là “tiêu hóa” các thông tin theo hướng kỹ lưỡng hơn. Mặc dù điều này có thể tạo ra vài bất lợi trong cuộc sống (ví dụ như dễ cảm thấy áp lực), nhưng nó cũng tạo ra cho các HSP những thế mạnh rất đáng kinh ngạc.

Vậy, làm thế nào để định nghĩa một người cực kì nhạy cảm? Dưới đây là năm điều mà tôi rút ra được dựa theo kinh nghiệm của bản thân – nếu bạn cũng là một HSP, có thể bạn cũng sẽ cảm nhận được những điều tương tự.

1. Tôi suy nghĩ về mọi thứ một cách rất sâu sắc – nhưng người ngoài có lẽ chẳng nhận ra được.

Khi một bản nhạc phim cất lên, tôi chìm đắm vào trong nó. Khi tôi nhìn thấy những người ăn xin ngồi ở một góc phố, tôi thương cảm cho họ. Khi người khác làm tôi thấy tổn thương hoặc xúc phạm, lòng tôi nặng trĩu. Tất cả những cảm xúc mà tôi trải qua đều có tác động rất mạnh mẽ.

Lúc tôi còn trẻ, những cảm xúc được bộc ra một cách rất cường điệu, hoặc qua những cơn khủng hoảng kéo đến khi tôi cô độc trên giường ngủ (đến tận bây giờ, đôi lúc nó vẫn xảy ra). Nhiều khi tôi khóc lóc, hay thậm chí là gào thét, nhưng thường thì tôi xuất hiện ở ngoài phố, trong vẻ mặt bình tĩnh và cố giấu nhẹm đi những cảm xúc đang chạy hỗn loạn trong đầu mình.

Khi lớn hơn một chút, tôi học được cách vẽ ra một ranh giới, tự biết chăm sóc, an ủi bản thân, động viên chính mình bằng ngôn ngữ tích cực và thực tế hơn thay vì chìm sâu vào sự cực đoan của cảm xúc. Nhưng thậm chí là khi đã sử dụng những cách này, cảm xúc đôi lúc vẫn tấn công và khiến tôi cảm thấy quá mức chịu đựng. 

Có lẽ người ngoài chưa từng nhận ra, nhưng đấy là bởi vì đôi lúc cảm xúc quá ngổn ngang, khó mà ngồi lại và chia sẻ hết được. Vậy nên người ta thường nghĩ tôi là người lạnh lùng, hay thậm chí là thờ ơ, trong khi thực chất là tôi chỉ đang cố kiềm chế và bảo vệ những xúc cảm của mình, của một HSP.

2. Không phải do bạn, chỉ là tôi đã quen như thế.

Môi trường có những ảnh hướng rất quan trọng đến những người HSP. Nó ảnh hưởng tới chúng tôi chỉ trong một cái nháy mắt, với cường độ như một quả tạ sắt. Chúng tôi luôn có thể liệt kê cho người khác nghe những điều gì đang xảy ra trong không gian, khiến tôi cảm thấy không thoải mái, hoặc đơn giản là chúng “không đúng” – ví dụ như những chiếc ghế ngồi quá cứng, không có đủ không gian riêng, ánh đèn bị tắt, những thứ tương tự thế.

Sự nhạy cảm với không gian xung quanh được thể hiện rõ nhất khi tôi ở giữa đám đông ồn ào, chẳng hạn như nhà hàng và quán bar. Những bề mặt cứng phản xạ những âm thanh ồn ào, những cái bàn được xếp quá gần nhau, tiếng ồn của những cuộc trò chuyện đến từ tứ phía khiến tôi chỉ muốn chạy trốn khỏi đấy. Tôi rất ít khi đến các quán bar vào những tối thứ bảy (cũng có thể là do tôi đã ở ngưỡng U30 rồi); những cơ thể chen chúc qua nhau, tiếng ồn và mùi của sự say xỉn, mất kiểm soát, như thể nơi này sắp nổ tung lên rồi, tất cả thật quá sức chịu đựng của tôi. Mặc dù tôi đã dần làm quen được với những cảm xúc của bản thân, nhưng càng về già, tôi lại càng mẫn cảm hơn với môi trường xung quanh.

Ở trong môi trường làm việc cũng vậy. Hiện giờ thì tôi rất vui là mình có được một công việc linh hoạt tại nhà (theo ý tôi thì điều này thực sự rất phù hợp với các HSP). Nhưng một thời gian trước đây, tôi từng là một giáo viên, và trước đó, là một nhân viên văn phòng, làm việc theo giờ hành chính. Những tiếng động, mức độ di chuyển của mọi người xung quanh và còn nhiều những thứ khác nữa khiến tôi rất khó tập trung vào công việc.

Cũng như nhiều người cực kì nhạy cảm khác, tôi có thể cảm nhận được những ánh mắt của người khác khi họ theo dõi, đánh giá tôi (dù cho đó là sếp của tôi, hoặc đơn giản chỉ là một cô cậu đồng nghiệp đi ngang qua và nhìn vào màn hình máy tính để xem tôi đang làm gì) – điều này thực sự quá khích đối với tôi. Khi tôi làm nhà báo trong văn phòng, chỉ riêng những suy nghĩ về việc người khác cũng đang lắng nghe các cuộc phỏng vấn của tôi cũng đủ đau đầu rồi, vậy nên ngay lúc gã đồng nghiệp ngồi phía sau tôi đứng dậy nghỉ giải lao, tôi liền túm lấy cái điện thoại.

Vậy nên nếu người khác bắt gặp tôi đang lơ đãng, trông có vẻ thảnh thơi hoặc chẳng quan tâm gì, thì thật sự tôi chẳng như thế. Nếu như tôi đột nhiên rời khỏi, hay thậm chí là từ chối một bữa tiệc, hoặc là rời đi ngay tức khắc sau khi thanh toán và để lại tiền bo cho anh chàng phục vụ, thì thật sự tôi không hề có ý thô lỗ đâu. Không phải do lỗi của người khác, là do tự tôi đã quen như vậy.

3. Tôi không thể kiểm soát hay dừng chuyện này lại.

Tôi học được cách ngăn chặn những sự ảnh hưởng từ cảm xúc của người khác, và cả cách làm dịu đi sự áp lực. Tôi học cách nói không với những thứ không thích hợp với mình, và giữ mình trong một khoảng không gian thoải mái, dễ thở. Tôi tìm ra cách xoay xở với những mối quan hệ và cả cách để hòa nhập với bản chất HSP của mình, thay vì cố làm nó thêm tệ hại.

Nhưng tôi vẫn là một người cực kì nhạy cảm.

Đôi lúc nhiều ngày, hoặc nhiều tuần trôi qua, tôi chẳng còn nghĩ gì về việc mình là người HSP. Và rồi tôi bước vào một cái nhà hàng đông nghịt khách, hoặc khi tôi nghĩ “Trời ạ, sao tấm thảm dưới chân mình cứ nhăn nhúm lại như thế kia!”, và cứ như thế, tôi nhớ ra rằng mình là một người cực kì nhạy cảm. Nhất là những lúc phải tranh cãi với đồng nghiệp của mình, trong nháy mắt, những lời lẽ mà cậu ta nói ra khiến tôi cảm thấy cực kì nhạy cảm, và rồi cái cảm giác ấy cứ bám theo tôi cả ngày.

Theo các nhà nghiên cứu và tác giả Elaine Aron, cực kì nhạy cảm là một đặc điểm sinh học, tức là các HSP bẩm sinh đã có đặc điểm này và nó sẽ không biến mất. Đặc điểm này được tìm thấy trên 100 loài khác nhau, từ mèo, chim cho đến ngựa. Các nghiên cứu còn cho thấy giữa não bộ của những người cực kì nhạy cảm với não bộ của những người khác có nhiều điểm khác biệt.

Đáng tiếc là những HSP (tính cả tôi nữa) vẫn thường bị phê phán và chịu những phán xét sai lầm cho sự nhạy cảm này. Người khác bảo chúng tôi phải cứng rắn lên, ám chỉ rằng chính sự nhạy cảm này đã biến chúng tôi thành những kẻ yếu đuối. Nhưng chúng tôi vốn đâu có quyền lựa chọn? Và đây cũng đâu phải là chuyện có thể dễ dàng gạt đi được? Việc học cách nắm giữ và tận dụng những thế mạnh đáng kinh ngạc từ nó là câu chuyện của cả một đời người.

4. Tôi để những những tiểu tiết nhỏ nhặt nhất về người khác. 

 Những HSP thường chú ý đến những chi tiết mà người khác vẫn thường bỏ lỡ, và nghiên cứu đã chỉ ra rằng “con người” chính là đối tượng sáng giá mà ra-đa tâm lý của các HSP chú ý nhất. Kết hợp hai đặc điểm này, ta có được một định nghĩa về HSP như sau: một người giỏi đoán tâm lý của người khác, thấy được những thay đổi tinh tế nhất trong tâm trạng con người, ngầm hiểu được những điều vốn dĩ chẳng được nói ra.

Nói cách khác thì tôi có thể nhận thấy rất nhiều những điều nhỏ nhặt mà người khác cứ nghĩ rằng họ đã thành công che giấu. Ví dụ như tôi có thể đọc ra được rằng bạn vừa trải qua một ngày tồi tệ, chỉ từ nguồn năng lượng mà bạn tỏa ra xung quanh. Và ngay khi bạn chuẩn bị phát điên lên, tôi có thể cảm nhận được sự tức giận ấy chạy ầm ầm dưới hầm chui như một đoàn tàu hỏa vậy.

Đôi lúc cái năng lực này khá là ngầu đấy, bởi vì nó giúp tôi dễ dàng tiếp cận với người khác hơn. Nhưng đôi lúc, tôi nghĩ nếu có một cái công tắc để tắt nó đi thì thật tốt quá, bởi vì chuyện đọc vị tất cả mọi người xung quanh đôi lúc làm tôi thấy thật mệt mỏi.

5. Tôi nhạy cảm chứ không phải là tôi vô năng.

Đúng thật là các HSP như chúng tôi phải đối mặt rất nhiều thách thức trong cuộc sống mà người khác sẽ chẳng bao giờ trải qua hay hiểu hết được. Đúng là những thứ nhỏ nhặt có thể khiến chúng tôi stress, dễ khóc, còn những nỗi đau về thể xác và tâm hồn mà chúng tôi trải qua thì cũng nặng nề hơn nhiều.

Nhưng điều này đâu có nghĩa rằng chúng tôi không thể làm việc gì ra hồn, rằng chúng tôi luôn tự ti và chẳng thể làm chủ cuộc sống của bản thân?

Những người cực kì nhạy cảm chính là những nghệ sĩ, những người có bộ óc sáng tạo tuyệt vời và là những đôi bàn tay vàng có thể chữa lành vết thương của thế giới này. Theo một nguồn tin cho biết, Nicole Kidman, Albert Einstein, Mozart, Deepak Chopra và còn nhiều cái tên nữa, đều là những người cực kì nhạy cảm. HSP tạo ra những điều khác biệt, bất chấp những trở ngại mà chúng tôi phải đối mặt.

Và gửi đến những HSP đang ở ngoài kia, hãy tin rằng tôi luôn ủng hộ bạn!

Dịch: Anne

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-secret-lives-introverts/201907/what-its-really-being-highly-sensitive-person

Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn

Ảnh: Unsplash

menu
menu