Cách phá tan bế tắc trong mối quan hệ

Trong các mối quan hệ, ta thường xuyên cảm thấy phiền lòng và bực bội trước những thói quen khiến ta phát điên của đối phương.
Trong các mối quan hệ, ta thường xuyên cảm thấy phiền lòng và bực bội trước những thói quen khiến ta phát điên của đối phương. Tại sao họ không thể sâu sắc hơn về mặt tình cảm? Sao lại cần sự quan tâm của người khác đến vậy? Sao không đáng tin cậy hơn một chút? Và sao lại quá bận tâm đến suy nghĩ của bạn bè như thế?
Những câu hỏi này có thể kéo dài bất tận – và thú thực, đôi khi chúng cũng mang lại một chút “hài lòng” cho ta. Dù buồn bã nhưng ít ra, ta cũng biết rõ "vấn đề" là ở đâu.
Thế nhưng, nếu ta cảm thấy nhàm chán với thứ "niềm vui" từ sự bất mãn đó, ta có thể thử một thách thức nghe có vẻ kỳ lạ và có phần "chướng tai gai mắt": thử hình dung rằng, ở một mức độ nào đó, chính ta cũng là "đồng phạm" trong những vấn đề mà trước nay ta luôn nghĩ chỉ thuộc về người kia.
Ta hãy làm thử bài tập nhỏ sau: viết ra danh sách tất cả những điều mà ta nghĩ đối phương làm chưa đúng, những điều mà ta chắc chắn thuộc nằm lòng. Chẳng hạn như:
- Hám danh
- Luôn bất mãn với công việc
- Rất căng thẳng trước những người có quyền lực
- Không mở lòng thực sự
- Không sẵn sàng chia sẻ cảm xúc
Sau khi hoàn tất danh sách, ta hãy lấy hết can đảm và viết thêm một tiêu đề ở đầu trang: "Những điểm yếu của tôi". Nói cách khác, hãy thử tưởng tượng rằng tất cả những điều "khó chịu" mà người ấy đang làm thực ra, ở một góc độ nào đó, cũng là những điều mà chính bản thân ta cũng đang ít nhiều vướng phải.
Một cách để sống hài hòa hơn với chính mình và với những người xung quanh là nhận ra một quy luật tâm lý chung: con người thường có thói quen "gửi gắm" những điều mình không chịu nổi vào người khác. Những gì khiến ta khó chịu nhất ở bạn bè, người quen hay người yêu lại thường là những điều ta chưa thể hóa giải trong chính mình. Chúng sẽ không chạm vào ta sâu đến thế nếu ta không ngầm nhận ra chúng cũng tồn tại trong bản thân – và là những phần ta khó lòng chấp nhận. Có khi ta không thực sự phát hiện ra lỗi lầm của người khác, mà là đang cần thấy chúng ở bên ngoài để không phải đối diện với chúng ở bên trong.
Ta đã quá quen với hiện tượng này ở hình ảnh những đứa trẻ bắt nạt bạn học. Đứa trẻ kém may mắn ấy trêu chọc bạn khác là "yếu đuối," "mít ướt," hay "nhát gan" vì thực chất, chính bản thân nó sợ hãi vô cùng khi nghĩ đến những điều yếu đuối ấy trong chính mình.
Christian Krohg, Sleeping Fisherman, 1882
Chúng ta có thể không trực tiếp bắt nạt bạn đời của mình, nhưng cơ chế tâm lý đằng sau cũng không khác biệt nhiều. Có thể ta gán cho người thương yêu của mình những tính từ như "lạnh lùng," "kiêu căng," "bừa bộn," hay "cứng nhắc" vì những từ ngữ này chạm đến những điểm đau trong quá khứ mà ta đang cố gắng tránh né.
Để thổi vào mối quan hệ một làn gió mới, đầy sáng tạo và bao dung, ta hãy thử dũng cảm đón nhận một "quy luật" mới khi có xung đột: rằng có lẽ vấn đề cũng nằm trong chính ta. Nói cách khác, ta cũng có thể có đôi chút sợ hãi sự gần gũi, hoặc cũng hơi nhạy cảm trước lời phán xét của người khác, hoặc quá ấn tượng bởi vài người bạn của mình. Từ trước đến nay, ta đã có một "nước đi" khá dễ chịu khi đẩy toàn bộ trách nhiệm ấy sang đối phương; nhưng sẽ thú vị và có ý nghĩa hơn nếu từ nay ta tự nhủ: "Có thể là cả hai chúng ta."
Điều này còn có một lợi ích lớn: trao cho ta quyền chủ động. Thay vì ngồi chờ người bạn đời thay đổi thì mối quan hệ mới có thể tốt đẹp hơn, ta có thể dẫn đầu bằng cách tự gỡ bỏ một phần những rối rắm của chính mình – điều này có thể sẽ truyền cảm hứng để người kia cũng thay đổi theo hướng mà bấy lâu ta từng mong chờ trong vô vọng.
Có lẽ, ta không chỉ vô tình chọn một người bạn đời với vài khuyết điểm khiến ta khó chịu. Mà thực ra, ta đã có chủ ý chọn để đặt lên vai người ấy những gánh nặng từ câu chuyện của chính mình nhằm làm nhẹ lòng mình đi phần nào. Có lẽ đã đến lúc ta nên có một câu thần chú mới: “Có lẽ lỗi nằm ở cả hai chúng ta.”
Nguồn: HOW TO BREAK LOGJAMS IN A RELATIONSHIP - The School of Life