Cách vượt qua sự từ chối tình cảm

cach-vuot-qua-su-tu-choi-tinh-cam

Ai cũng sẽ bị từ chối vào một thời điểm nào đó. Thương lượng giữa khổ đau với một tấc lý trí là một phần nghệ thuật sống.

Ai cũng sẽ bị từ chối vào một thời điểm nào đó. Thương lượng giữa khổ đau với một tấc lý trí là một phần nghệ thuật sống. Sau đây là một vài lời khuyên gợi ý:

Trước tiên, đừng cố giảm nhẹ những gì đã xảy ra. Chẳng có chỗ nào cho ‘lòng dũng cảm’ ở đây cả: cứ để cho nỗi buồn của bạn nhận đủ không gian, thời gian, đủ những bài hát sến súa, những lần tắm bồn nước nóng và những bữa ăn quá đà, cho đến khi bạn chán đến mức thấy thèm được sống.

Hãy tin lời (từ chối của) người ấy. Đừng tưởng tượng rằng sự ngọt ngào và những lời đẹp đẽ trong quá khứ của người ấy là chỉ dấu ngầm về một cam kết tương lai. Hãy bóp chết bất kỳ hy vọng còn sót lại trong bạn nếu như người ấy đã không có đủ can đảm để làm thế.

Đừng tưởng tượng ai đó có thể yêu theo mệnh lệnh. Khả năng cảm thấy bị thu hút trước ai đó nằm ngoài ý chí của con người. Đây không phải là chuyện bạn chưa đủ cố gắng.

Hãy loại bỏ yếu tố đạo đức ra khỏi chuyện này: người ta không ‘xấu’ vì không yêu bạn, cũng như bạn không ‘tốt’ vì muốn họ. Cả hai đều đang trên con đường tìm kiếm niềm vui đã dẫn đến những lối đi trái ngược nhau. Ý thức của chúng ta lướt đi như những con thuyền nhỏ trên những con sóng vô tận của biển phân tâm học và sinh học vô thức. Đừng biến điều này thành một câu chuyện đạo đức.

Con người có những hành động kỳ lạ đối với việc chia tay không phải vì họ xấu hoặc không chắc chắn. Mà chỉ là người ta cảm thấy cực kỳ tội lỗi, bởi họ là người tử tế. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là người ta muốn bạn.

Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng nghĩ tốt về người không yêu ta. Bởi lối suy nghĩ đó nuôi nguồn dự trữ sự ghét bỏ bản thân. Đây không phải chủ nghĩa lãng mạn gì đâu mà đó là một loại bệnh lý. Thử thách thực sự là đừng chán ghét những người yêu ta và đừng ngưỡng mộ quá thể những kẻ chẳng yêu ta.

Hãy nghĩ đến lúc ta từ chối người khác: ta không ghét họ hoặc tiếc họ, mà cảm xúc chính lúc đó là xấu hổ và thương hại.

Đừng liên kết sự từ chối với tất cả những gì chúng ta sợ và ghét về bản thân mình.

Đừng buộc tội người ta hèn nhát. Đừng phóng đại ưu điểm của họ, nhấn mạnh vào sự độc đáo của họ, sẵn sàng ngủ với họ với hy vọng họ đổi ý, tưởng tượng rằng người ta có thể quay lại yêu nhau vì thương hại hay vì cảm giác tội lỗi – hoặc khăng khăng đổ rằng người ta ‘sợ sự thân mật’.

Hãy cố gắng cười lớn trong hầu hết khoảng thời gian này. Và ngủ lang vài lần nếu việc này có tác dụng.

Nhưng trên tất cả, đừng nghĩ rằng kết cục của chuyện tình này là sầu bi: mối quan hệ tốt đẹp duy nhất, mối quan hệ duy nhất đáng để ta khóc tang, là mối quan hệ trong đó cả hai đều tha thiết muốn thuộc về nhau. Chuyện tình này – cuối cùng – dẫu có tất cả mọi ‘dấu hiệu’ – lại chẳng phải là một mối quan hệ như thế.

 

Thu Tran dịch

Nguồn dịch: https://bloodymarysblog.wordpress.com/2017/07/12/cach-vuot-qua-su-tu-choi/

Link gốc: http://www.thebookoflife.org/how-to-get-over-a-rejection/

menu
menu