Cảm giác mòn mỏi 

cam-giac-mon-moi 

Adam Grant, một tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Pennsylvania cho biết đây có thể là cảm xúc chủ đạo - không chỉ của riêng bạn mà của cả thế giới - trong năm đại dịch 2021.

Thêm một năm dịch bệnh nữa trôi qua, có lẽ nhiều người trong số chúng ta đã cảm thấy quá mệt mỏi. Bạn có cảm thấy sự nghiệp của mình bị bế tắc và lấp lửng? Rõ ràng bạn nhìn thấy một vòng quay tinh hoa của xã hội xung quanh mình, nhưng vẫn không thể nào với được tới.

Và sau đó, bạn cảm thấy mình không còn động lực, bị mất tập trung ngay cả khi đang làm những việc nhỏ nhất. Nhìn lại cả một năm 2021, bạn cảm thấy mình chẳng làm được gì. Dường như cả năm qua chỉ là "sống nháp".

Bạn có thấy mình đang đi lững thững qua từng ngày của cuộc đời, nhìn cuộc sống qua một lớp kính sương mờ?

Nhưng rõ ràng bạn không hề bị kiệt sức – chúng ta luôn có năng lượng chỉ là không biết dùng năng lượng đó để làm gì. Đôi khi bạn có thể chơi game hay nấu ăn hết ngày, nhưng chúng chẳng phục vụ mục đích sống nào của bạn cả.

Rồi có những hôm bạn đã đi làm cả ngày mệt mỏi, nhưng đến đêm lại muốn thức khuya để làm gì đó tận hưởng cuộc sống mà bạn nghĩ rằng mình vừa bỏ lỡ. Các nhà khoa học gọi hành vi này là "sự trì hoãn giấc ngủ để trả thù".

Tuy nhiên cái cảm giác trống rỗng là cội nguồn gây ra nó thì khó định nghĩa hơn. Rõ ràng là bạn không vui. Nhưng đó cũng không hẳn là trầm cảm – bạn không cảm thấy tuyệt vọng đến nỗi suy sụp. Cảm giác đó chỉ là một sự thiếu vắng niềm hứng khởi, một sự lênh đênh trong cuộc sống mà không có mục đích và bến đỗ.

Adam Grant, một tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Pennsylvania cho biết đây có thể là cảm xúc chủ đạo - không chỉ của riêng bạn mà của cả thế giới - trong năm đại dịch 2021. Ông gọi đó là "languishing" tạm dịch là cảm giác "mỏi mòn".

Mỏi mòn: Trong vùng đất bị lãng quên

Thuật ngữ "languishing" lần đầu tiên được định nghĩa bởi Corey Keyes, một nhà xã hội học người Mỹ vào năm 2002. Trong bài báo "Sự liên tục của sức khỏe tinh thần: Từ mỏi mòn đến cuộc sống tươi đẹp", Keyes cho biết mỏi mòn là cảm giác thường bị lãng quên ở giữa phổ sức khỏe tinh thần.

Trong tâm lý học, chúng biết sức khỏe tinh thần được chia làm hai thái cực. Một bên là trạng thái trầm cảm, bên còn lại là hưng cảm.

Hưng cảm là đỉnh cao của cảm giác hạnh phúc: Bạn thấy mình là một người mạnh mẽ, sống có ý nghĩa, làm chủ được cuộc sống của mình và quan tâm được cho những người khác. Trong khi đó, trầm cảm là thung lũng của sự kém cỏi: Bạn thấy mình chán nản, kiệt quệ, phủ nhận giá trị bản thân và cảm thấy mình vô dụng.

Đứng ở giữa hai thái cực đó là trạng thái mà Keyes gọi là mỏi mòn và thường không được các nhà tâm lý học chú ý đến. Ông nói mỏi mòn là cảm giác bạn không hài lòng với cuộc sống của mình. Trong khi tiến sĩ Grant mô tả nó là "cảm giác như thể bạn đang đi lững thững qua từng ngày của cuộc đời mình, nhìn cuộc sống của mình qua một lớp kính chắn gió đầy sương mờ".

Cảm giác sự thiếu vắng niềm hứng khởi, một sự lênh đênh trong cuộc sống không có gì chờ đợi mình.

Dù không phải một bệnh lý như trầm cảm, mỏi mòn cũng dẫn đến sự trống rỗng bên trong tâm hồn, thiếu vắng cảm xúc, ý nghĩa hoặc mục đích sống. Bạn sẽ thấy mình trì trệ trong trạng thái này. "Mỏi mòn không đem lại niềm vui, nhưng nó cũng không khiến bạn quá buồn. Nó thực sự là một cảm giác trơ như không có gì", Keyes nói.

Cùng là một ngày mới đẹp trời, người hưng cảm có thể thức dậy đi làm với niềm vui ngập tràn. Người trầm cảm bị chết dí trên giường. Còn người mỏi mòn vẫn sẽ tỉnh dậy đi làm nhưng không cảm nhận được sự tươi đẹp của cuộc sống.

"Nó gần giống như bạn tự giam mình nhưng lại đang chờ đợi điều gì đó tốt đẹp xảy đến với bản thân mình", Keyes mô tả. "Hoặc bạn có thể cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng cách cố kích hoạt lại một quả pin cũ, một quả pin mà tôi gọi là cảm xúc, để thông qua đó có được một chút năng lượng dù nó rồi cũng sẽ chóng tàn".

BetterUp, một trang web huấn luyện tinh thần cho biết các triệu chứng chính của mỏi mòn bao gồm:

- Cảm thấy mất kết nối hoặc tách biệt với những người xung quanh

- Hay khó chịu, bối rối hoặc buồn bã

- Khó tập trung hoặc ghi nhớ

- Trì hoãn hoặc thiếu động lực làm việc

- Không hào hứng với những công việc, dự án mới

- Thường chế giễu lãnh đạo, đồng nghiệp hoặc nghề nghiệp của chính bản thân mình

- Cảm thấy trống rỗng, rơi vào khủng hoảng hiện sinh

- Không thấy khỏe mạnh dù bản thân không có bệnh tật

- Không có khả năng mô tả cảm xúc của mình

- Không có mong đợi gì trong cuộc sống, như thể không có gì chờ đợi mình

- Tham gia vào các hành vi mạo hiểm hoặc có nguy cơ cao trong đại dịch để cố gắng thoát khỏi cảm giác mỏi mòn của mình

Ủy ban sức khỏe tâm thần Queensland cho biết mỏi mòn là trạng thái nằm ở phần tư bên trái phía dưới. Theo đó, bạn không mắc bệnh trầm cảm nhưng cũng không thấy cuộc sống tươi đẹp.

Để phân biệt giữa mỏi mòn và tình trạng kiệt sức cũng như trầm cảm, BetterUp cho biết kiệt sức chỉ là một hiện tượng liên quan đến công việc. Nó phát sinh từ sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hoặc do bạn đang làm một việc mà bạn không thích.

Còn mỏi mòn là tình trạng tổng thể, bạn sẽ thấy nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực trong cuộc sống của mình. Nhưng nó chưa đến nỗi đưa bạn vào trầm cảm. Nếu bạn tới một bác sĩ tâm lý để làm bài kiểm tra trầm cảm, tình trạng mỏi mòn vẫn sẽ cho kết quả "âm tính" với căn bệnh. Cũng bởi vậy mà như Keyes và Grant đã nói, mỏi mòn là một trạng thái tâm lý thường bị lãng quên.

Nhưng sự trống rỗng đã nảy mầm từ đâu?

Đi tìm nguyên nhân gây ra tình trạng mỏi mòn vốn là công việc mà các nhà tâm lý và xã hội học vẫn đang làm. Năm ngoái, một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS One đã khảo sát hơn 10.000 người tại 78 quốc gia về tác động của đại dịch đến sức khỏe tâm thần của họ. Kết quả cho thấy vấn đề tài chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mỏi mòn trong đại dịch.

Những người được hỏi báo cáo COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của họ trên nhiều khía cạnh, từ việc bị phong tỏa, hạn chế đi lại, mất việc cho đến các mối quan hệ đổ vỡ. Nhiều người thậm chí không còn đủ tài chính để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình.

Một khảo sát được Verywellmind, một trang web cung cấp kiến thức về sức khỏe tinh thần, thực hiện tại Mỹ cho thấy căng thẳng tài chính là vấn đề hàng đầu mà mọi người phải đối mặt trong đại dịch.

Có 27% người Mỹ nói rằng vấn đề tài chính khiến họ căng thẳng trong 1 tháng trở lại đây, so với chỉ 16% đến từ các vấn đề khác của đại dịch, 15% đến từ công việc và 7% đến từ các mối quan hệ yêu đương hoặc vợ chồng.

Những người bị mất việc làm trong đại dịch đang phải chịu tác động căng thẳng gấp đôi so với những người vẫn có công việc. "Tình hình tài chính khó khăn có thể gây căng thẳng cho các mối quan hệ, khiến việc dọn thức ăn lên bàn hoặc thanh toán hóa đơn trở nên khó khăn hơn và làm giảm cảm giác về giá trị của bản thân", Verywellmind viết.

"Về bản chất, một vấn đề về tiền bạc có thể trở thành vấn đề của tất cả mọi thứ khác". Khảo sát của Verywellmind cũng cho thấy những người giàu có dường như có thể chịu đựng được áp lực từ đại dịch lớn hơn người có thu nhập thấp.

"Trong một đại dịch toàn cầu đặt căng thẳng lên đầu tất cả chúng ta, các phương tiện tài chính đại diện cho một chiếc bè cứu sinh giúp chúng ta thoát khỏi những vùng nước đầy biến động này".

Căng thẳng tài chính là vấn đề hàng đầu mà mọi người phải đối mặt trong đại dịch.

Tuy nhiên, sự mỏi mòn không phải chỉ là vấn đề của riêng những người có vấn đề tài chính. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai trong đại dịch, dựa trên một nguyên lý tâm lý mà tiến sĩ Grant mô tả. 

Ông cho biết những ngày đầu đại dịch, khi chúng ta chưa biết nhiều thông tin về virus, khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng một cách cực đoan, hệ thống phát hiện mối đe dọa trong não chúng ta – được gọi là hạch hạnh nhân – sẽ bị đẩy lên trạng thái cảnh giác cao độ.

Điều này bắt đầu tạo ra sự căng thẳng kéo dài. "Sau đó, khi chúng ta bắt đầu biết khẩu trang có thể bảo vệ mình – còn việc khử khuẩn bề mặt thì không, bạn có thể sẽ tập cho mình những thói quen để giảm bớt cảm giác sợ hãi", tiến sĩ Grant viết.

Nhưng bởi đại dịch kéo dài, cảm giác căng thẳng cấp tính ban đầu vì thế cũng nhường chỗ cho tình trạng mỏi mòn xảy ra một cách mãn tính. Những người vốn đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần như người trầm cảm và lo lắng, hay người có gen di truyền mắc các bệnh tâm thần thường dễ bị mỏi mòn hơn.

Nhưng ngay cả bản thân những người hướng ngoại, những người thường ngày rất vui vẻ và kết nối nhiều với người khác cũng sẽ phải vật lộn đáng kể với tình trạng giãn cách xã hội. Họ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi trạng thái mỏi mòn.

Làm sao để vượt qua sự mỏi mòn và lấy lại cuộc sống tươi đẹp?

Theo tiến sĩ Grant, điều đầu tiên bạn nên làm khi rơi vào trạng thái mỏi mòn là hãy gọi tên nó. "Các nhà tâm lý học nhận thấy một trong những chiến lược tốt nhất để quản lý cảm xúc là hãy đặt tên cho chúng", ông viết.

Đối với cảm giác mỏi mòn, nó đã có một cái tên để phân biệt với các tình trạng khác. Nhưng vấn đề là khi mọi người bắt đầu hỏi nhau: "Bạn có khỏe không?" hay "Dạo này thế nào?", nhiều người sẽ nói rằng "Tôi khỏe", "Tôi ổn", dù thực tế họ có thể đang mỏi mòn.

Tác giả Ashley Fetters của tờ Atlantics cho biết đó là những câu hỏi và câu trả lời vô nghĩa nhất trong đại dịch, và chúng còn mang cả màu sắc lừa dối. Người hỏi bạn có thể không thật lòng quan tâm đến bạn, họ chỉ hỏi để bắt đầu một cuộc trò chuyện khác. Còn bạn, khi bạn nói bạn ổn là bạn đang lừa dối không chỉ người khác mà ngay cả chính bản thân mình.

Tiến sĩ Grant gọi đó là chủ nghĩa lạc quan của người Mỹ, nó tạo áp lực lên bản thân bạn rằng bạn phải cảm thấy ổn và đó là một áp lực độc hại. "Thay vì nói "Tôi vẫn ổn", hãy tưởng tượng câu trả lời của bạn là "Thành thật mà nói, tôi đang thấy mỏi mòn"", tiến sĩ Grant viết.

Thành thật với cảm xúc của mình sẽ giúp bạn rũ bỏ được lớp vỏ bọc độc hại mà chính mình tạo ra.

Đừng giả vờ là bạn đang ổn nếu bạn đang thực sự mỏi mòn.

Bây giờ, sau khi đã chấp nhận cảm xúc của mình, bạn có thể đến với một số mẹo nhỏ để bắt đầu xua tan đi nó. Tiến sĩ Grant cho biết nếu muốn vượt qua cảm giác mỏi mòn, bạn có thể thử bắt đầu bằng việc ghi nhận những "chiến thắng nhỏ" dành cho mình.

Bất kỳ một nhiệm vụ nào mà bạn vừa làm xong, từ việc giải một trò chơi ô chữ cho đến có một cuộc trò chuyện ý nghĩa với bạn bè, người thân cũng sẽ giúp bạn bước một bước nhỏ trên con đường lấy lại cảm xúc tích cực và năng lượng.

Kế đó, hãy thiết lập một số ranh giới để cho bản thân một khoảng thời gian không bị làm phiền. Chẳng hạn như trước buổi trưa thứ 3 thứ 5 và thứ 6, hãy tắt thông báo điện thoại và đừng để bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến bạn.

"Bài học của ý tưởng đơn giản này là hãy coi những khối thời gian không bị làm phiền như kho báu cần canh giữ. Nó sẽ giúp loại bỏ những phiền nhiễu liên tục và cho chúng ta sự tự do để tập trung. Chúng ta có thể tìm thấy niềm an ủi trong những trải nghiệm thu hút toàn bộ sự chú ý của mình như vậy", tiến sĩ Grant cho biết.

BetterUp và Verywellmind cũng gợi ý một số mẹo cụ thể giúp bạn vượt qua cảm giác mỏi mòn, một số có thể trùng với lời khuyên của tiến sĩ Grant:

- Tự chăm sóc bản thân: Đảm bảo bạn được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn dinh dưỡng, uống đủ nước và luyện tập thể dục hàng ngày.

- Duy trì kết nối với bạn bè thân thiết và gia đình: Các mối quan hệ lành mạnh luôn là nền tảng của cuộc sống lành mạnh.

- Lập kế hoạch cho tương lai: Hãy lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi, một lớp học, một đêm hẹn hò, một chiếc xe mới hoặc bất cứ thứ gì bạn cảm thấy mình sẽ hạnh phúc khi nhớ lại. Điều này có thể giúp đánh bay cảm giác không có gì để mong chờ.

- Tìm một cách mới để thử thách bản thân: Không nhất thiết đó phải là một dự án mới hay một công việc mới, hãy thử thách thức bản thân chinh phục một ngọn núi, một cung đường marathon... Thông thường, các thử thách sẽ khơi dậy được niềm đam mê của bạn trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

- Hãy ăn mừng hoặc kỷ niệm những thành công của bạn dù lớn hay nhỏ: Ví dụ, ngay cả khi bạn viết xuống những gì nhỏ nhất mà mình đã hoàn thành trong ngày, bạn sẽ ngạc nhiên trước hiệu suất của mình. Hãy ăn mừng điều đó theo một cách nào đó, chẳng hạn chỉ cần một miếng bánh cũng có thể cổ vũ bạn trong lần tiếp theo bị mất tinh thần.

Tìm kiếm một flow kích thích bạn là chìa khóa để phát triển và thúc đẩy sức khỏe tinh thần - Corey Keyes.

Nhưng cuối cùng, điều mà tiến sĩ Grant cảm thấy hiệu quả nhất để đánh tan cảm giác mỏi mòn là luyện tập một trạng thái được gọi là "flow". Trong tâm lý học, "flow" hay dòng chảy được định nghĩa là một trạng thái tinh thần mà ở trong đó, bạn có thể thực hiện một hoạt động với cảm giác đắm chìm, siêu tập trung và tràn đầy năng lượng. Bạn sẽ tham gia 100% vào hoạt động đó và cảm thấy hưng phấn trong quá trình làm việc của mình.

"Trong những ngày đầu của đại dịch, yếu tố dự báo tốt nhất về hạnh phúc không phải là sự lạc quan hay sự tỉnh táo - đó là flow. Những người trở nên đắm chìm hơn trong các dự án của họ đã cố gắng tránh được cảm giác mỏi mòn và duy trì mức độ hạnh phúc của họ như trước đại dịch", tiến sĩ Grant cho biết.

Và Keyes, cha đẻ của thuật ngữ mỏi mòn cũng đồng ý với ông ấy. Bản thân Keyes đã mắc chứng trầm cảm trước khi đại dịch xảy ra, cho nên ông cũng đã phải cố gắng dập tắt trạng thái mỏi mòn của chính mình.

"Tìm kiếm một flow kích thích bạn là chìa khóa để phát triển và thúc đẩy sức khỏe tinh thần", Keyes nói. Đối với ông, các hoạt động cải thiện bản thân và dọn dẹp nhà cửa dễ dàng kích hoạt trạng thái đó nhất.

--> Tìm đọc cuốn sách Flow Dòng chảy

Nguồn

https://genk.vn/da-het-nam-2021-ban-co-thay-ca-nam-qua-minh-song-nhap-20211217150608161.chn

menu
menu