Chôn bí mật, hay bị bí mật chôn

chon-bi-mat-hay-bi-bi-mat-chon

Ta thường nghĩ sẽ mang theo bí mật xuống mồ, nhưng có khi bí mật mang ta xuống mồ trước.

Mục tư vấn Dear Therapist của tờ The Atlantic hồi tháng 2-2023 đăng nỗi lòng của một độc giả đau khổ, nhưng giật nhan đề rất sốc: ""Anh trai" của con gái tôi thật ra là bố con bé". 

Cái tít này khiến nhiều người chưa đọc vội "còm" ném đá tứ tung ("Loạn hết rồi"). Nhưng ai chịu khó vào đọc cả hỏi lẫn đáp, sẽ thấy một ví dụ sống động về nỗi băn khoăn của con người với bí mật, nhất là những bí mật "động trời".

30 năm chôn giấu

Tóm tắt chuyện của nữ độc giả nói trên: khi đám cưới, chồng bà đã có sẵn hai mặt con, và đã thắt ống dẫn tinh từ lâu. Khao khát có một đứa con chung, bà và chồng nghĩ mãi mới đưa ra một quyết định táo bạo: nhờ con trai riêng của người chồng hiến tặng tinh trùng.

Theo họ, phương án này lợi đủ đường: đứa con chung sẽ có gene người chồng, và họ biết rõ tình trạng sức khỏe cũng như tính khí của "người hiến". Người con trai đồng ý, kế hoạch cuối cùng được thực thi, và 30 năm trôi qua, bí mật về gia đình nhỏ vẫn được giấu kín.

Người con gái trong câu chuyện đã 30 tuổi nhưng không hề hay biết rằng "anh trai" cô thực chất là cha ruột về mặt sinh học, còn người cô gọi là "bố" bấy lâu lại chính là ông nội. Ba thập kỷ chôn vùi bí mật, giờ đôi vợ chồng lo lắng, bối rối và sợ hãi hỏi chuyên gia tư vấn: "Nói cho con bé biết thế nào đây?".

Đáp lời, chuyên gia trị liệu tâm lý Lori Gottlieb nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trung thực và đề nghị nhân vật hãy chịu trách nhiệm vì đã giấu giếm sự thật. Theo Gottlieb, nhân vật cần xin lỗi con gái, tránh đưa ra những lời bào chữa hay biện minh cho hành động của mình.

Điều quan trọng là "để cô ta có thời gian xử lý cảm xúc", và "tiếp tục hỗ trợ con thông qua những cuộc trò chuyện cởi mở". Nếu cảm thấy khó khăn trong việc đối thoại sau khi tiết lộ sự thật, nhân vật nên cân nhắc tìm đến tư vấn tâm lý.

Bên cạnh đó, Gottlieb cũng gợi ý nhân vật nên thông báo cho những người thân khác biết sự thật, đồng thời tôn trọng mong muốn của con gái về việc chia sẻ câu chuyện của mình. Suy nghĩ đến cảm xúc của người con trai đã hiến tinh cũng là điều cần thiết, bởi có lẽ anh ấy cũng bị ảnh hưởng bởi sự bí mật bao trùm lên mối quan hệ với em gái.

Cuối cùng, lòng trung thực được nhấn mạnh như một cách xây dựng sự an toàn và gắn kết trong gia đình. Việc nói ra sự thật, dù muộn màng, vẫn có thể giúp gia đình họ bước tiếp cùng nhau.

Keep a secret, tranh acrylic trên linen của Young Park (2022). Ảnh: artmajeur.com

Bí mật là "chất độc tâm lý"

Trong phần trả lời, Gottlieb nhắc chuyện nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung từng ví von những bí mật như "chất độc tâm lý" (psychic poison) và nhấn mạnh đó không hẳn là ẩn dụ - việc giữ bí mật "thật sự có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất của chúng ta".

Giữ bí mật thường đi kèm với cảm giác tội lỗi, xấu hổ, lo lắng hay bất an. Những cảm xúc tiêu cực này liên tục xoay quanh trong tâm trí, khiến chúng ta căng thẳng và khó có được trạng thái an nhiên. Hệ quả là, hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, dễ mắc bệnh hơn.

Theo cây bút sức khỏe Gina Roberts-Grey, bộ não của chúng ta dường như được lập trình sẵn để trung thực. Các nhà thần kinh học tin rằng việc giữ bí mật sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng rối loạn sinh học.

Khi chúng ta giữ kín điều gì trong lòng, não sẽ coi đó là mối đe dọa, gây ra phản ứng căng thẳng. Sự gia tăng hormone này khiến chúng ta phải "chiến đấu hoặc chạy đi" (fight or flight), về lâu dài có thể tàn phá trí nhớ, huyết áp, tiêu hóa và thậm chí cả giấc ngủ của chúng ta.

Điều thú vị là vỏ não vành (liên quan đến cảm xúc) thúc đẩy chia sẻ, trong khi vỏ não trước trán (lập kế hoạch) cảnh báo hậu quả tiêu cực khi giữ bí mật. Càng giữ một bí mật to tát, hoặc càng lo ngại về việc giữ bí mật an toàn thì càng xảy ra xung đột dữ dội bên trong não bộ chúng ta, Roberts-Grey viết trên Forbes.

Bí mật gia đình, dù được giấu kín đến đâu cũng như cây kim trong bọc có ngày lòi ra, nó sẽ có một cách kỳ lạ để hé lộ. Nhiều người lớn lên trong gia đình có những điều bí mật chia sẻ rằng họ luôn cảm thấy có gì đó "sai sai", và điều này dẫn đến một cảm giác bất an dai dẳng.

Điều đáng buồn là cha mẹ, những người giữ bí mật, thường tin rằng họ đang bảo vệ con cái khỏi những tổn thương từ sự thật. Thế nhưng, hậu quả lại đi ngược lại hoàn toàn.

Theo Gottlieb, người mẹ trong bài chia sẻ hẳn cũng phải luôn lo âu rằng có ngày bí mật sẽ bại lộ. Chẳng hạn như chẳng may người con gái làm một xét nghiệm ADN "cho vui" và phát hiện bí mật động trời kể trên thì sự việc sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn nhiều.

Nói hay không nói?

Thế nhưng, liệu bí mật nào cũng cần phải "bật mí"? Michael Slepian, tác giả của cuốn sách The Secret Life of Secrets (Tạm dịch: Đời sống bí mật của những bí mật), cho biết: "Những bí mật có thể làm tổn thương chúng ta. Nhưng điều khó khăn của việc giữ bí mật không phải là chúng ta phải giấu chúng đi, mà đó là chúng ta phải sống với chúng trong suy nghĩ của mình".

Trong 10 năm qua, với vai trò giáo sư về đạo đức tại Trường Kinh doanh Columbia, Slepian đã tiến hành hàng trăm nghiên cứu về bí mật. Ông đã yêu cầu 50.000 người tiết lộ về những gì họ giữ kín. 

Cuộc khảo sát của Slepian cho thấy cứ ba người là có một người thừa nhận mình đã từng ngoại tình. Đây là một con số chấn động. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không phải ai cũng lựa chọn thú nhận với bạn đời của mình. Vậy, có nên nói ra sự thật về những phút giây sai lầm đó hay không?

Slepian gợi ý rằng thay vì dằn vặt, hãy đặt mình vào vị trí của đối phương. Liệu người bạn đời có thực sự muốn biết về một lần lầm lỡ thoáng qua? Liệu điều đó có ích gì cho mối quan hệ hiện tại? Có 3/4 người trong các mối quan hệ nghiêm túc mong muốn được biết sự thật nếu người bạn đời của họ ngoại tình chỉ một lần và chắc chắn điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Giữ bí mật không chỉ đơn thuần là che giấu chúng. Slepian ví von những bí mật như chiếc bóng luôn bám theo chúng ta mọi lúc mọi nơi. Một phần của vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải đối mặt với chúng một mình. 

Slepian lý giải: khi suy nghĩ một mình, ta dễ sa vào những suy nghĩ tiêu cực. Ngược lại, chia sẻ với người đáng tin và trân trọng sự yếu lòng của ta giúp ta có góc nhìn mới, được thấu hiểu, nhận lời khuyên và động viên.

Thật thú vị, chính trải nghiệm cá nhân của Slepian cũng góp phần định hướng nghiên cứu. Suốt 26 năm, cha mẹ của Slepian đã giấu kín chuyện họ phải thụ tinh nhân tạo từ một người hiến tặng để sinh ra ông. Quyết định tiết lộ bí mật một cách muộn màng này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách Slepian nhìn nhận về sự che giấu và tầm quan trọng của việc chia sẻ.

Câu chuyện của Slepian và những kết quả nghiên cứu đặt ra một vấn đề nan giải. Nói ra sự thật có thể mang đến sự hỗn loạn, nhưng im lặng cũng có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đòi hỏi sự cân nhắc cẩn trọng để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho mối quan hệ.

Nói bí mật của người khác thì sao?

Việc biết được bí mật của người khác cũng có thể đặt ra những câu hỏi hóc búa về mặt đạo đức. Tiết lộ bí mật của người khác sẽ khiến bạn bị đánh giá tiêu cực trong mắt người được kể, dù chính họ công nhận rằng đó là điều đúng đắn phải làm. Đây là kết quả nghiên cứu đăng trên tập san Journal of Experimental Social Psychology hồi tháng 1.

Mặc dù người ngoài cuộc thường đánh giá tiết lộ bí mật là hành động trung thực và đạo đức, nhưng trên thực tế, giữ im lặng (thể hiện lòng trung thành) lại mang lại ấn tượng tốt đẹp hơn và là lựa chọn của nhiều người. Tiết lộ bí mật còn ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân. Ngay cả khi có nghĩa vụ phải tiết lộ, việc làm này có thể làm tổn hại lòng trung thành và ấn tượng toàn diện.

Đây là một phần của nghiên cứu lấy dữ liệu từ diễn đàn "Am I the Asshole?" (Tôi có phải kẻ khốn nạn?) trên Reddit để tìm hiểu tâm lý con người. (TTCT số 19-2024).

Bí mật ngọt ngào

Đôi khi giữ kín "bí mật ngọt ngào" - tức những điều tích cực, những thông tin tốt đẹp - lại mang đến nhiều lợi ích, theo nghiên cứu công bố trên Journal of Personality and Social Psychology.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành tới 5 thí nghiệm khác nhau với hơn 2.500 người tham gia. Kết quả cho thấy con người thường xuyên giữ những "bí mật tích cực" như kế hoạch cầu hôn lãng mạn, tin vui mang thai, món quà bất ngờ hay bất kỳ tin tức thú vị nào khác.

Theo nghiên cứu, trung bình một người đang giữ khoảng 14-15 bí mật tích cực. Điều đáng nói là khoảng 1/3 trong số đó chưa được tiết lộ. Lý do ư? Giữ bí mật tích cực được cho là giúp tăng cường và kéo dài niềm vui chờ đợi sự bất ngờ.

Nghiên cứu này mở ra một góc nhìn mới về bí mật. Không phải tất cả những điều giấu giếm đều có tác động tiêu cực. Đôi khi quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị cho một bất ngờ, hay đơn giản là giữ kín một tin vui sắp đến dường như tiếp thêm động lực cho chúng ta, khiến cuộc sống thêm phần thú vị và ý nghĩa.

Theo Tuổi trẻ cuối tuần

menu
menu