Chấn thương thời thơ ấu

chan-thuong-thoi-tho-au

Từ khi còn niên thiếu, tôi đã tự hỏi tại sao nhiều người lại lấy làm vui khi hạ nhục người khác.

Từ khi còn niên thiếu, tôi đã tự hỏi tại sao nhiều người lại lấy làm vui khi hạ nhục người khác. Rõ ràng là có nhiều người nhạy cảm với nỗi đau của người khác, chứng tỏ sự thôi thúc có tính chất hủy hoại làm tổn thương người khác không phải là một khía cạnh phổ biến của bản chất con người. Vậy tại sao một số người lại có xu hướng giải quyết vấn đề của mình bằng bạo lực, trong khi những người khác thì không?

Triết học đã không trả lời được câu hỏi của tôi, và lý thuyết của Freud về bản năng chết chưa bao giờ thuyết phục được tôi. Tôi cũng không thể hiểu được những lời giải thích về tính di truyền của cái ác, về ý tưởng ngây thơ rằng một con người có thể “sinh ra đã xấu”. Không ai có thể trả lời câu hỏi quan trọng: Nếu vậy thì tại sao trẻ em Đức của thế kỷ này được sinh ra với gene ác nhiều đến nỗi sau này chúng trở thành những kẻ hành quyết tự nguyện dưới trướng Hitler? Tôi luôn không thể tưởng tượng nổi rằng một đứa trẻ đến với thế giới trong vòng tay của những người chăm sóc chu đáo, yêu thương và bảo vệ lại có thể trở thành một con quái vật. Sau đó, bằng cách xem xét kỹ lưỡng lịch sử thời thơ ấu của những kẻ giết người, đặc biệt là những kẻ giết người hàng loạt và những kẻ độc tài, tôi bắt đầu hiểu được gốc rễ của cái thiện và cái ác: không phải trong gene, như mọi người vẫn tin, mà là trong những ngày đầu tiên của cuộc đời. Ngày nay, nghiên cứu sinh học thần kinh dường như hoàn toàn chứng thực những gì tôi đã khám phá ra gần hai mươi năm trước.

Khi đó, trong cuốn For Your Own Good, tôi đã trích dẫn nhiều lời khuyên sư phạm dành cho các bậc cha mẹ ở Đức một thế kỷ trước, và nêu chi tiết những gì tôi tin là có mối liên hệ giữa sự tàn ác có hệ thống của những phương pháp này và sự tàn ác có hệ thống của những kẻ đao phủ của Hitler bốn mươi năm sau. Trong đó, rất đáng quan tâm là những luận điểm được nhiều người đọc của Tiến sĩ Daniel Gottlieb Schreber, người phát minh ra Schrebergärten (tiếng Đức, có nghĩa là “vườn nhỏ”). Một số sách của ông đã có tới bốn mươi ấn bản vào khoảng năm 1860, và chủ đề chính của chúng là hướng dẫn các bậc cha mẹ cách nuôi dạy trẻ sơ sinh một cách có hệ thống ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời. Nhiều người – được thúc đẩy bởi những gì họ cho là có ý định tốt nhất, đã tuân theo lời khuyên của Schreber và các tác giả khác về cách tốt nhất để nuôi dạy con cái. Ngày nay, chúng ta nên gọi nó là một hướng dẫn có hệ thống trong việc hành hạ và ngược đãi trẻ em. Một trong những kết luận của Schreber là khi trẻ khóc, cha mẹ nên sử dụng đòn roi để chúng ngừng. Ông ta đảm bảo với độc giả rằng “thủ tục này chỉ cần làm một lần hoặc nhiều nhất là hai lần, và từ đó trở đi cha mẹ sẽ mãi là chủ nhân của đứa trẻ. Từ đó trở đi, chỉ một cái nhìn, một cử chỉ là đủ”. Trên hết, những cuốn sách này khuyên rằng ngay từ ngày đầu tiên, nên bắt đứa trẻ mới sinh vâng lời và không khóc.

Ngày nay, tất cả chúng ta đều biết hoặc nên biết rằng, hình phạt thể xác chỉ tạo ra những đứa trẻ ngoan ngoãn chứ không thể ngăn chúng trở thành những người lớn bạo lực hoặc bệnh hoạn chính bởi cách đối xử này. Tri thức này hiện đã được khoa học chứng minh và cuối cùng đã được Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ chính thức chấp nhận vào năm 1998. Trái ngược với quan điểm phổ biến chỉ mới 15 năm trước, bộ não của con người khi mới sinh còn lâu mới được phát triển hoàn thiện. Nó phụ thuộc vào việc sẽ được sử dụng thế nào, cần sự kích thích yêu thương đối với đứa trẻ ngay từ ngày đầu tiên. Những khả năng mà bộ não của một người có thể phát triển phụ thuộc vào những trải nghiệm trong ba năm đầu đời.

Ví dụ, các nghiên cứu về trẻ em Romania bị bỏ rơi và ngược đãi nghiêm trọng cho thấy những tổn thương nổi bật ở một số vùng nhất định của não. Sự sang chấn lặp đi lặp lại đã dẫn đến sự gia tăng giải phóng các hormone căng thẳng, tấn công các mô nhạy cảm của não và phá hủy các tế bào thần kinh mới được hình thành. Các vùng não chịu trách nhiệm “quản lý” cảm xúc của chúng nhỏ hơn từ 20-30% so với những đứa trẻ khác cùng tuổi. Rõ ràng, tất cả trẻ em (không chỉ Romania) bị bỏ rơi và ngược đãi như vậy sẽ bị tổn hại theo cách này. Nghiên cứu sinh học thần kinh giúp chúng ta dễ dàng hiểu hơn về cách thức hoạt động của những kẻ Đức Quốc xã như Eichmann, Himmler, Hess và những người khác. Sự huấn luyện nghiêm khắc để vâng lời mà họ đã trải qua khi còn thơ ấu đã làm hạn chế sự phát triển của những năng lực con người như lòng trắc ẩn và thương hại đối với đau khổ của người khác. Sự teo đi toàn bộ cảm xúc của họ cho phép thủ phạm của những tội ác kinh khủng nhất vẫn có thể hoạt động “bình thường” mà không có chút hối hận nào, tiếp tục làm việc hiệu quả và gây ấn tượng tốt với môi trường xung quanh trong những năm sau chiến tranh. Tiến sĩ Mengele đã thực hiện những thí nghiệm tàn nhẫn nhất với trẻ em Do Thái ở trại Auschwitz và sau đó sống trong 30 năm như một người “bình thường”, thích nghi tốt. Những đứa trẻ ở thời kỳ chuyển giao thế kỷ bị “khuất phục chỉ bằng một cái nhìn” và chịu kỷ luật vâng lời một cách có hệ thống không chỉ bị chỉnh đốn bằng cách đánh đập, mà còn bị thiếu thốn tình cảm trầm trọng. Các sách hướng dẫn dạy trẻ thời đó đã mô tả rằng các biểu hiện thể chất của tình cảm như vuốt ve, âu yếm và hôn là biểu hiện của một thái độ nuông chiều, ẻo lả. Các bậc cha mẹ được cảnh báo về những tác động tai hại của việc làm hư con cái, một hình thức buông thả hoàn toàn không phù hợp với lý tưởng phổ biến lúc đó về sự nghiêm khắc và khốc liệt. Kết quả là, trẻ sơ sinh không có những tiếp xúc yêu thương trực tiếp với cha mẹ, và điều này cũng khiến một số vùng não bộ kém phát triển.

Tôi cho là hợp lý khi một đứa trẻ bị đánh đập thường xuyên và không được tiếp xúc yêu thương sẽ nhanh chóng lựa chọn ngôn ngữ bạo lực. Đối với nó, ngôn ngữ này trở thành phương tiện giao tiếp hiệu quả duy nhất mà nó có. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu minh họa luận điểm của mình bằng cách dựa trên các ví dụ của Hitler, Stalin, Mao, Ceaucescu, khi tôi cố gắng phơi bày những hậu quả xã hội của việc ngược đãi trẻ em, lúc đầu tôi đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ. Nhiều lần họ bảo tôi rằng, “Tôi cũng là một đứa trẻ bị đánh đập, nhưng điều đó không khiến tôi trở thành tội phạm”. Khi tôi hỏi những người này chi tiết về thời thơ ấu của họ, tôi luôn được kể về một người đã tạo ra sự khác biệt, anh chị em, một giáo viên, một người hàng xóm, hay chỉ là một ai đó đã thích hoặc thậm chí yêu mến họ, nhưng, ít nhất trong hầu hết các trường hợp, đã không thể bảo vệ họ. Tuy nhiên, thông qua sự hiện diện của mình, người này đã cho đứa trẻ một ý niệm về sự tin tưởng và tình yêu.

Tôi gọi những người này là “chứng nhân giúp đỡ”. Chẳng hạn, Dostoyevsky có một người cha tàn bạo, nhưng một người mẹ yêu thương. Bà không đủ mạnh mẽ để bảo vệ anh khỏi cha, nhưng đã truyền cho anh một quan niệm mạnh mẽ về tình yêu, mà nếu không có thì chắc anh không thể viết được các tiểu thuyết như vậy. Nhiều người cũng đã may mắn tìm được những chứng nhân “khai sáng” và can đảm, những người đã giúp họ nhận ra những bất công mà họ phải gánh chịu, hậu quả ghê gớm của việc họ bị đối xử tổn thương, và những ảnh hưởng của nó đối với toàn bộ cuộc sống của họ. Họ thậm chí có thể phải chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống, có thể nghiện ma túy, và có các vấn đề về quan hệ tình cảm, nhưng nhờ có một vài trải nghiệm tốt trong thời thơ ấu của họ nên thường không trở thành tội phạm. Kết cục tội phạm dường như liên quan đến một thời thơ ấu không có bất kỳ chứng nhân giúp đỡ nào. Đó là nơi đe dọa và sợ hãi thường xuyên ngự trị.

Trong cuốn The Untouched Key, tôi đã đề cập đến chấn thương nặng nề mà cậu bé Pablo Picasso phải trải qua khi mới ba tuổi: trận động đất ở Malaga năm 1884, việc sơ tán từ căn hộ của gia đình vào một hang động có vẻ an toàn, và chứng kiến việc em gái mình được sinh ra trong cái hang đó trong những hoàn cảnh rất đáng sợ. Tuy nhiên, Picasso đã sống sót sau những chấn thương này mà không trở thành tâm thần hoặc tội phạm sau đó, vì ông được bảo vệ bởi cha mẹ rất yêu thương của mình. Họ đã có thể cho cậu bé những gì nó cần nhất trong hoàn cảnh hỗn loạn này: sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, sự che chở và cảm giác an toàn trong vòng tay của họ.

Nhờ sự hiện diện của cha mẹ, là hai chứng nhân và là người bảo vệ cậu khỏi ​​sợ hãi và đau đớn, không chỉ trong trận động đất mà còn suốt thời thơ ấu, cậu sau này đã có thể thể hiện những trải nghiệm đáng sợ ban đầu của mình một cách sáng tạo. Trong bức tranh nổi tiếng của Picasso “Guernica”, chúng ta có thể thấy những gì có thể đã xảy ra trong tâm trí của đứa trẻ ba tuổi khi nó đang quan sát những người và ngựa đang hấp hối và lắng nghe những đứa trẻ kêu cứu trên đường đi bộ dài đến nơi trú ẩn. Trẻ nhỏ có thể không sợ hãi, kể cả với những trận đánh bom, nếu chúng cảm thấy an toàn trong vòng tay của cha mẹ.

Sẽ khó hơn nhiều để một đứa trẻ vượt qua tổn thương thời thơ ấu nếu đó là do chính cha mẹ chúng gây ra. Trong cuốn sách Thou Shalt Not Be Aware, hiện đã có ấn bản mới, tôi đã phân tích thời thơ ấu của nhà văn Franz Kafka. Tôi cố gắng chứng minh rằng những cơn ác mộng mà anh ấy mô tả trong những câu chuyện của mình kể lại chính xác những gì có thể đã xảy ra với đứa trẻ sơ sinh Kafka nhỏ bé, bị bỏ rơi thê thảm. Ông đã được sinh ra trong một gia đình mà ở đó ông đã phải cảm thấy giống như nhân vật của “Lâu đài” (được ra lệnh, nhưng không cần làm, và liên tục bị lừa dối) hoặc như K. trong “Phiên tòa” (bị buộc những tội không thể hiểu nổi) hoặc như “Vô địch nhịn đói” chưa bao giờ tìm thấy món ăn mà anh vô cùng khao khát. Nhờ tình yêu và sự thấu hiểu sâu sắc của em gái Ottla ở tuổi dậy thì của anh, “chứng nhân giúp đỡ” muộn màng, Kafka cuối cùng có thể bày tỏ nỗi đau khổ của mình bằng văn bản. Liệu điều đó có nghĩa là anh đã vượt qua được tuổi thơ chấn thương của mình? Anh thực sự đã có thể viết các tác phẩm của mình, đầy kiến ​​thức và trí tuệ, nhưng tại sao anh lại chết sớm như vậy – chưa đầy 40 tuổi – vì bệnh lao? Anh chết khi đã quen biết nhiều những người yêu mến và ngưỡng mộ mình. Tuy nhiên, những trải nghiệm tốt đẹp này không thể xóa bỏ những cảm xúc và ký ức vô thức lưu giữ trong cơ thể anh.

Kafka hầu như không nhận thức được rằng, nguồn chính của trí tưởng tượng của anh nằm sâu trong thời thơ ấu của mình. Hầu hết các nhà văn đều không. Nhưng sự mất trí nhớ của một nghệ sĩ hay nhà văn, mặc dù đôi khi là gánh nặng cho cơ thể họ, lại không để lại hậu quả tiêu cực nào cho xã hội. Độc giả chỉ đơn giản là ngưỡng mộ tác phẩm và ít khi quan tâm đến tuổi thơ của người viết. Tuy nhiên, việc các chính trị gia hoặc lãnh đạo giáo phái mất trí nhớ thì ảnh hưởng đến vô số người và sẽ tiếp tục như vậy, một khi xã hội vẫn mù mờ về những mối liên hệ quan trọng giữa việc phủ nhận những trải nghiệm đau thương trong thời thơ ấu và những hành động phá hoại, tội ác của các cá nhân.

Bất cứ ai giải quyết vấn đề lạm dụng trẻ em có lẽ đều đối mặt với một phát hiện rất kỳ lạ: người ta đã quan sát thấy nhiều lần rằng các bậc cha mẹ có xu hướng ngược đãi và bỏ bê con cái của họ đã làm theo những cách giống như cách đối xử mà họ đã phải chịu đựng trong thời thơ ấu của chính mình, mà không có bất kỳ ký ức có ý thức nào về những trải nghiệm ban đầu của họ. Những người cha lạm dụng tình dục con cái thường không nhận thức được sự thật rằng bản thân họ cũng đã từng bị lạm dụng tình dục. Chỉ khi trong trị liệu, hay khi có lệnh của tòa án, họ mới có thể khám phá ra, đôi khi sửng sốt, lịch sử của chính mình. Và từ đó nhận ra rằng trong nhiều năm họ đã cố gắng thực hiện lại kịch bản của mình, chỉ để thoát khỏi nó.

Lời giải thích cho chuyện này là, những thông tin về sự tàn ác mà một người đã phải chịu trong thời thơ ấu vẫn được lưu trữ trong não dưới dạng ký ức vô thức. Đối với một đứa trẻ, trải nghiệm có ý thức về những chuyện như vậy là không thể. Nếu đứa trẻ không hoàn toàn suy sụp trước nỗi đau và nỗi sợ, thì chúng phải kìm nén (repress) tri ​​thức đó lại. Nhưng những ký ức vô thức của đứa trẻ bị bỏ rơi và ngược đãi, thậm chí trước cả khi nó biết nói, sẽ khiến nó khi đã lớn phải tái hiện lại những cảnh bị kìm nén đó nhiều lần, với nỗ lực giải thoát khỏi nỗi sợ hãi mà sự tàn ác đã để lại cho nó. Các nạn nhân ngày trước tạo ra các tình huống mà giờ đây họ có thể đảm nhận vai trò tích cực. Bằng cách này, đúng là cảm xúc sợ hãi có thể được tránh trong giây lát – nhưng không phải lâu dài, bởi vì những cảm xúc bị kìm nén trong quá khứ không thay đổi chừng nào chúng vẫn không được chú ý. Chúng chỉ có thể được chuyển hóa thành lòng căm thù đối với bản thân và/hoặc vật tế thần, chẳng hạn như con cái của chính mình hoặc những kẻ được cho là kẻ thù. Theo tôi, sự thù hận này là hậu quả có thể của cơn thịnh nộ và tuyệt vọng xưa cũ, không bao giờ được cảm nhận một cách có ý thức, nhưng được tích trữ trong cơ thể, trong phần cảm xúc của bộ não (limbic).

Ví dụ, nhà cải cách người Đức Martin Luther là một người thông minh và có học thức, nhưng ông thù ghét tất cả người Do Thái, và khuyến khích các bậc cha mẹ đánh con cái của họ. Ông ta không phải là một kẻ tàn bạo biến thái như những tên đao phủ của Hitler. Nhưng 400 năm trước Hitler, ông đã phổ biến loại lời khuyên hủy diệt này. Theo tiểu sử do Eric Ericson viết, mẹ của Luther đã đánh đập ông tàn nhẫn thậm chí trước khi ông bị cha và thầy giáo đối xử theo cách này. Ông tin rằng hình phạt này đã “làm điều tốt cho ông ta”, và do đó là chính đáng. Niềm tin được lưu giữ trong cơ thể ông là: nếu cha mẹ làm điều đó thì việc hành hạ người yếu hơn mình là điều đúng đắn. Niềm tin đó đã để lại ấn tượng dài lâu cho ông, hơn nhiều so với những điều răn và những lời hô hào của Thiên chúa giáo là hãy yêu thương người khác và thương xót kẻ yếu.

Những trường hợp tương tự được Philip Greven đề cập trong cuốn Spare the Child giàu thông tin của ông. Ông trích lời nhiều người đàn ông và phụ nữ Mỹ theo đạo, khuyến cáo việc đánh đập tàn nhẫn đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu đời, để đảm bảo rằng bài học mà chúng rút ra sẽ còn ấn tượng với chúng trong suốt quãng đời còn lại. Thật không may, là họ đã quá đúng. Những tài liệu khủng khiếp, mang tính hủy diệt đã khiến rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn này là bằng chứng thuyết phục về tác động lâu dài của việc đánh đập. Chúng chỉ có thể được viết bởi những người từng bị đánh đập tàn nhẫn khi còn nhỏ, và sau này tôn vinh những gì họ đã trải qua. Niềm tin tàn nhẫn của họ chỉ có thể lớn lên trong bóng tối của thời thơ ấu tàn nhẫn và bị kìm nén của chính họ. May mắn thay, ở Hoa kỳ, những cuốn sách này đã không được xuất bản đi xuất bản lại đến 40 ấn bản.

Như ví dụ của Luther cho thấy, tất cả những gì mà một đứa trẻ học về đạo đức sau này, ở nhà, ở trường hay ở nhà thờ, đều không có tác dụng lâu dài và mạnh mẽ bằng hậu quả của cách người ta đối xử với cơ thể của trẻ trong vài ngày, tuần và tháng đầu tiên. Bài học học được trong ba năm đầu tiên không thể được xóa bỏ. Nếu cơ thể của một đứa trẻ ngay từ khi mới sinh ra đã học được rằng việc hành hạ và trừng phạt một sinh vật vô tội là điều đúng đắn phải làm, và nỗi đau khổ của đứa trẻ không được thừa nhận, thì thông điệp đó sẽ luôn mạnh hơn tất cả kiến ​​thức trí tuệ có được ở giai đoạn sau. Những ví dụ của Greven đã chứng minh một cách hùng hồn rằng những người bị ngược đãi trong thời thơ ấu có thể khăng khăng suốt đời rằng việc đánh đập là vô hại, mặc dù có rất nhiều bằng chứng ngược lại. Liệu một người vẫn ủng hộ việc trừng phạt trẻ em bằng nhục hình có thể được coi là người đã vượt qua được sự ngược đãi của chính mình không? Người đó có thể vẫn là một nạn nhân mù quáng không chịu đối mặt với lịch sử của mình và bắt tay vào tìm hiểu nó. Thay vào đó, anh ta sẽ đưa ra những lời khuyên hủy diệt cho đến khi chết, và tiếp tục phớt lờ nỗi đau của đứa trẻ, bởi vì quan điểm của anh ta về thực tế đã bị bóp méo nghiêm trọng bởi trải nghiệm vô thức ban đầu. Ngược lại, một đứa trẻ được bảo vệ, yêu thương và trân trọng ngay từ đầu sẽ lớn lên với trải nghiệm đó suốt đời và có sự đồng cảm với người khác.

Điều thú vị là, hầu hết những người giải cứu người Do Thái trong thời kỳ Holocaust được phỏng vấn đều kể rằng cha mẹ họ đã cố gắng dạy họ kỷ luật bằng những lý lẽ và sự ủng hộ hơn là trừng phạt. Họ không bị đánh đập. Những người được yêu mến và hỗ trợ từ nhỏ thường nhanh chóng bắt chước bản tính thông cảm và tự chủ của cha mẹ họ. Điểm chung của tất cả những người cứu hộ là sự tự tin, khả năng đưa ra quyết định ngay lập tức và khả năng đồng cảm và từ bi với người khác. 70% trong số họ nói rằng họ chỉ mất vài phút để quyết định là họ muốn can thiệp. 80% cho biết họ không hỏi ý kiến ​​bất kỳ ai khác.

Thái độ này, được tôn vinh trong tất cả các nền văn hóa là “cao quý”, không phải là thứ có thể thấm nhuần trong trẻ em bằng những lời hoa mỹ. Nếu hành vi thật của những người chăm sóc trái ngược với lời nói của họ, nếu trẻ em bị đánh đòn vì lý tưởng cao cả, như vẫn thường thấy ở một số trường giáo lý, thì những lời nói cao xa đó sẽ không lọt vào tai bọn trẻ, hoặc thậm chí kích động thịnh nộ và bạo lực trong chúng. Những đứa trẻ rốt cuộc có thể bắt chước những câu cú cao siêu đó và phát ngôn ra trong cuộc sống sau này, nhưng sẽ không bao giờ áp dụng chúng vào thực tế vì không có tấm gương nào để làm theo.

Trong cuốn sách gần đây nhất của mình, Paths of Life, tôi cố gắng minh họa động lực này bằng cách mô tả thời thơ ấu của Hitler, một tuổi thơ cho chúng ta nhiều chìa khóa giải mã nhưng vẫn chưa được dùng đến. Trên thực tế, vấn đề đặc thù của Hitler với người Do Thái có thể bắt nguồn từ thời kỳ trước khi ông ta ra đời. Thời trẻ, bà nội của Hitler từng làm việc cho một gia đình thương nhân Do Thái ở Graz. Sau khi trở về ngôi làng Braunau của Áo, bà sinh một người con trai – Alois, sau này trở thành cha của Hitler – và nhận tiền cấp dưỡng nuôi con từ gia đình ở Graz kia trong mười bốn năm. Câu chuyện này, được kể lại trong nhiều tiểu sử của Hitler, thể hiện một tình thế khó xử đối với gia đình Hitler. Tất nhiên, họ có động cơ trong việc phủ nhận rằng người phụ nữ trẻ đã mang bầu với thương nhân Do Thái hoặc con trai ông ta. Mặt khác, không thể khẳng định rằng một người Do Thái sẽ trả tiền cấp dưỡng nuôi con trong thời gian dài mà không có lý do đủ thuyết phục. Sự hào phóng như vậy của một người Do Thái hẳn là không thể tưởng tượng nổi đối với những cư dân của một ngôi làng ở Áo. Do đó, gia đình Hitler đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan không thể giải quyết được là phải nghĩ ra một phiên bản có thể giúp họ vô hiệu hóa “sự ô nhục” của họ.

Đối với Alois Hitler, sự nghi ngờ rằng ông ta có thể là người gốc Do Thái là không thể chịu đựng nổi trong bối cảnh không khí bài Do Thái mà ông ta lớn lên. Tất cả những lời khen ngợi mà ông ta kiếm được khi làm nhân viên hải quan không đủ để giải thoát ông khỏi cơn thịnh nộ âm ỉ trước sự sỉ nhục và khinh miệt mà không phải do lỗi của mình. Điều duy nhất ông ta có thể làm mà không bị trừng phạt là trút cơn thịnh nộ này lên con trai Adolf của mình. Theo lời kể của cô gái cùng cha khác mẹ với Adolf Hitler tên là Angela, Alois đã đánh đập con trai mình không thương tiếc mỗi ngày. Trong nỗ lực trục đuổi nỗi sợ hãi thời thơ ấu của mình, con trai ông đã nuôi dưỡng ảo tưởng điên cuồng rằng anh ta có nhiệm vụ giải phóng không chỉ bản thân khỏi dòng máu Do Thái, mà còn giải phóng cả nước Đức và sau này là toàn thế giới. Cho đến khi chết trong boongke, Hitler vẫn là nạn nhân của ảo tưởng này bởi vì suốt cuộc đời, nỗi sợ hãi về người cha lai Do Thái của mình vẫn luôn bị giam giữ trong tâm trí vô thức của ông ta.

Tôi đã trình bày những điều này một cách chi tiết hơn trong cuốn sách For Your Own Good. Bạn sẽ thấy chúng khá lộn xộn và chắc chắn là không đủ để giải thích các hành động của Hitler. Tôi đồng ý là không giải thích được tất cả hành động của ông ta, nhưng chắc chắn giải thích được ảo tưởng của ông ta. Và ít nhất là những ảo tưởng đó là nền tảng cho hành động của ông ta, cũng giống như những cảm xúc vô thức của chúng ta trở thành nền tảng hành vi của mình. Tôi có thể hình dung ra cậu bé Hitler thề sẽ trả thù “bọn Do Thái”, những nhân vật tưởng tượng quái vật của một trí tưởng tượng đã bị bệnh. Trong ý thức, anh ta có lẽ nghĩ rằng mình đã có thể có một cuộc sống hạnh phúc nếu “bọn Do Thái” không đẩy bà nội anh ta vào nỗi ô nhục mà anh ta và gia đình đã phải sống chung. Và trong mắt anh ta, chính điều này đã được dùng để bào chữa cho những trận đòn từ người cha, người mà rốt cuộc chính là “nạn nhân của bọn Do Thái độc ác và đầy quyền lực”. Trong tâm trí của một đứa trẻ đang giận dữ, rối bời cực độ, thì khoảng cách từ đó đến ý nghĩ rằng tất cả người Do Thái phải bị tiêu diệt chỉ là một bước ngắn.

Không chỉ người Do Thái. Trong gia đình Hitler có người dì Johanna sống trong nhiều năm, người bị tâm thần phân liệt rất khó đoán trước, và có hành vi được cho là rất đáng sợ đối với đứa trẻ. Khi trưởng thành, Hitler ra lệnh giết hết người tàn tật và tâm thần để giải phóng xã hội Đức khỏi gánh nặng này. Đối với ông ta, nước Đức dường như tượng trưng cho một đứa trẻ vô tội cần được cứu. Do đó, Hitler muốn bảo vệ quốc gia của mình khỏi những nguy hiểm mà chính ông ta đã phải đối mặt. Vớ vẩn ư? Không hề. Đối với một tâm trí vô thức, kiểu biểu tượng hình ảnh này là rất bình thường và hợp lý.

Bên cạnh những nỗi sợ hãi liên quan đến cha và dì, còn có mối quan hệ ban đầu của anh ấy với người mẹ sợ sệt của mình, người luôn sống trong nỗi sợ hãi về những hành động bạo lực và đánh đập của chồng. Bà ta gọi chồng là “bác Alois”, và nhẫn nhục chịu đựng sự đối xử nhục nhã của ông ta mà không hề phản kháng. Mẹ của Adolf đã mất ba người con đầu vì bệnh tật, và Adolf là đứa đầu tiên sống sót qua tuổi thơ ấu. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung rằng sữa mà cậu bé bú từ mẹ đã bị “nhiễm độc” bởi nỗi sợ của chính bà. Cậu bé bú sữa của bà cùng với nỗi sợ hãi của bà nhưng tất nhiên là không thể hiểu hay hòa hợp được chúng. Những nỗi sợ hãi phi lý này – mà người ngoài xem các bài phát biểu của ông ta trên video có thể dễ dàng nhận ra – vẫn không được Hitler nhận thức ra, và nằm trong vô thức cho đến cuối đời. Tích trữ trong cơ thể, chúng liên tục thúc đẩy ông ta đến những hành động hủy diệt mới trong nỗ lực vô tận đi tìm kiếm một kết quả. Cho đến ngày hấp hối, Hitler tin chắc rằng chỉ có cái chết của tất cả người Do Thái mới có thể che chắn cho ông ta khỏi ký ức sợ hãi hàng ngày về người cha tàn bạo.

Khi thiếu vắng các nhân tố tích cực, vắng các chứng nhân có tình cảm và sẵn lòng giúp đỡ, thì cánh cửa duy nhất mở ra cho những người bị ngược đãi dường như là sự phủ nhận nỗi đau khổ của bản thân, và lý tưởng hóa sự tàn ác, với tất cả những hậu quả tàn khốc sau này. Việc trải qua quá trình nuôi dạy cực kỳ nhục nhã và tàn nhẫn ở giai đoạn trước khi biết nói mà không có các chứng nhân giúp đỡ ​​có thể khiến nạn nhân thấy cảm phục sự tàn ác này, nếu không có ai ở gần đứa trẻ để lên tiếng truy vấn những phương pháp đó và bảo vệ các giá trị nhân đạo.

Vì vậy, tôi đã không ngạc nhiên khi, trong thời thơ ấu của những người sau này trở thành độc tài, tôi luôn tìm thấy một sự kinh hoàng ác mộng, một hồ sơ của những lời nói dối và sự hạ nhục liên tục. Đến khi họ trưởng thành, những thứ này sẽ bắt họ trả thù xã hội một cách tàn nhẫn. Những hành động trả thù này luôn được khoác lên bộ quần áo của những tư tưởng đạo đức giả, với mục đích tỏ ra rằng mong ước duy nhất và quan trọng nhất của nhà độc tài là hạnh phúc của nhân dân ông ta. Bằng cách này, ông ta đã mô phỏng cha mẹ mình một cách vô thức, vì những người này xưa kia cũng khăng khăng rằng những trận đòn mà họ giáng xuống đứa trẻ là vì lợi ích của nó.

Trong cuộc đời của tất cả những kẻ bạo chúa mà tôi đã phân tích, tôi đều thấy những luồng suy nghĩ hoang tưởng gắn liền với tiểu sử của họ thời thơ ấu và sự kìm nén những trải nghiệm mà họ đã trải qua, không có ngoại lệ. Mao đã thường xuyên bị cha mình đánh đòn, và sau này đã khiến 30 triệu người thiệt mạng nhưng ông ta hầu như không bao giờ thừa nhận toàn bộ mức độ giận dữ đã phải cảm thấy đối với chính cha mình, một giáo viên rất nghiêm khắc đã cố gắng “dạy con nên người” bằng cách đánh đập. Stalin đã khiến hàng triệu người đau khổ và chết, vì ngay cả khi đang ở đỉnh cao quyền lực, các hành động của ông ta vẫn được xác định bởi nỗi sợ hãi vô thức của trẻ thơ vì thấy mình bất lực. Rõ ràng cha ông, một người thợ đóng giày nghèo đến từ Gruzia, đã cố gắng nhấn chìm nỗi thất vọng của mình bằng rượu, và đánh đập con trai gần như mỗi ngày. Mẹ của ông ta có những đặc điểm tâm thần, hoàn toàn không có khả năng bảo vệ con trai mình và thường vắng nhà để cầu nguyện trong nhà thờ hoặc giúp việc ở gia đình của cố đạo. Stalin đã lý tưởng hóa cha mẹ mình cho đến tận cuối đời, và thường xuyên bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi về những mối nguy hiểm, những nguy hiểm đã không còn tồn tại từ lâu nhưng vẫn hiện diện trong tâm trí đã bị loạn của ông. Nỗi sợ hãi ấy thậm chí không dừng lại sau khi ông ta được hàng triệu người yêu mến và ngưỡng mộ.

Điều này cũng có thể đúng với nhiều bạo chúa khác. Họ thường dựa vào những ý thức hệ để che đậy sự thật và sự hoang tưởng của chính họ. Và quần chúng nhiệt tình ủng hộ vì họ không biết động cơ thực sự, kể cả những động cơ trong tiểu sử của chính những quần chúng đó. Những hành động trả thù được tưởng tượng ra khi còn là trẻ con của các cá nhân sẽ chẳng có ảnh hưởng gì nếu xã hội không thường xuyên thể hiện sự háo hức ngây thơ như vậy trong việc giúp biến chúng thành hiện thực. Những tên bạo chúa điên cuồng sẽ không thể có bất kỳ quyền lực nào nếu xã hội hiểu rằng đó chẳng qua là bộ não bị tổn thương của họ đang liên tục thúc đẩy họ tránh những nguy hiểm đã không còn tồn tại.

Đương nhiên, tài liệu tham khảo của tôi về Schreber và các phương pháp của ông ta không đủ để giải thích lịch sử của Holocaust, nhưng cũng giải thích rất nhiều điều. Tuy nhiên, cách giải thích này không nên dẫn đến sự tha thứ cho các thủ phạm, giảm bớt trách nhiệm cho họ bằng cách tuyên bố họ “bị bệnh”. Không có sự giáo dục nào, cho dù tàn nhẫn đến đâu, có thể là giấy phép cho tội giết người. Nhưng, đổ tất cả lỗi lầm cho một phiên bản gene bị lỗi cũng không có nhiều nghĩa lý. Như tôi đã đặt câu hỏi: Tại sao lại có rất nhiều người sinh ra ở Đức trước thời kỳ Holocaust ba mươi hoặc bốn mươi năm với một sự sắp đặt gene định mệnh như vậy? Tôi không biết liệu có nhà nghiên cứu gene nào sẽ tìm cách trả lời câu hỏi này. Thật là vô lý khi cho rằng một số người được sinh ra với chương trình gene để sau này trở thành những người bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, giết người kiểu lynch, hoặc hiếp dâm. Việc coi nhẹ hoặc tầm thường hóa gần như hoàn toàn các yếu tố của bối cảnh bạo lực lúc sơ sinh đôi khi dẫn đến những lời giải thích không chỉ thiếu thuyết phục và phản cảm, mà còn làm chệch hướng sự chú ý khỏi nguồn gốc thực sự của bạo lực.

Ngoài ra, sự tồn tại của các trường hợp ngoại lệ hết lần này đến lần khác cho thấy rằng, chỉ tuyên truyền và thao túng ở trường học là không đủ để biến mọi người thành những kẻ giết người hàng loạt. Chỉ những người đàn ông và phụ nữ đã trải qua sự tàn ác về tinh thần và thể chất trong những tuần và tháng đầu tiên của cuộc đời và không hề nhận được chút yêu thương nào mới có thể biến mình thành những kẻ đao phủ sẵn sàng nghe theo Hitler. Như tài liệu lưu trữ của Goldhagen cho thấy, họ hầu như không cần được truyền bá tư tưởng, vì cơ thể họ biết chính xác những gì họ muốn làm ngay khi họ được phép làm theo khuynh hướng của mình. Và một khi người Do Thái, dù già hay trẻ, đã được coi như không phải là người, thì không gì có thể ngăn họ thỏa mãn những khuynh hướng đó của bản thân. Nhưng nếu chỉ là giảng dạy, ở trường học hay bất cứ nơi nào, cho dù nhiều bao nhiêu đi nữa, cũng không thể khơi dậy lòng thù hận trong một người không có sẵn những điều kiện tiên quyết theo hướng đó. Ai cũng biết rằng, cũng có những người Đức, như Karl Jaspers, Hermann Hesse và Thomas Mann, ngay lập tức đã nhận ra rằng lời tuyên bố người Do Thái không phải là người là một tín hiệu báo động, và chính là tiếng kêu la tập hợp của chủ nghĩa man rợ không bị cản trở.

Không nghi ngờ gì, có những người lớn lên với sự yêu thương và che chở của cha mẹ, họ sau này có thể tìm được một người bạn đời tốt bụng, cảm thông, có thể tổ chức cuộc sống của mình và trở thành những bậc cha mẹ tốt, ngay cả khi phải trải qua sự kinh hoàng của trại tập trung trong thời niên thiếu. Mặt khác, cuộc sống của nhiều người đã tan vỡ, mặc dù trong cuộc sống sau này của họ không có những trải nghiệm thảm khốc. Chỉ là, họ đã không thể tìm ra cách giải thoát mình khỏi nỗi sợ hãi cũ, nỗi sợ chưa bao giờ được ý thức. Từ nhiều trường hợp những người sống sót, tôi biết được rằng chất lượng thời thơ ấu của họ đã quyết định cách họ vượt qua các mối đe dọa sau này, bao gồm cả Holocaust.

Những người lớn lên mà không có chứng nhân giúp đỡ thì cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của những chứng nhân đã khai sáng, những người nhận thức rõ về sự vận động của việc lạm dụng trẻ em, những người có thể giúp họ nhìn nhận cảm xúc của mình một cách nghiêm túc, hiểu chúng và hòa hợp chúng, như một phần của câu chuyện của chính họ. Trong một xã hội hiểu biết, thanh thiếu niên sẽ có may mắn được nói chuyện với người khác về những trải nghiệm ban đầu của họ. Họ sẽ có khả năng nói ra sự thật của mình và khám phá bản thân trong câu chuyện của chính họ, bi kịch của chính họ, mà không phải trả thù một cách thô bạo cho vết thương của họ, hoặc đầu độc hệ thống của họ bằng ma túy.

Tôi đã bị gán cho một luận điểm sai lầm rằng, mọi nạn nhân chắc chắn sẽ trở thành kẻ bức hại, một luận điểm mà tôi thấy hoàn toàn sai lầm, thực sự là vô lý. Khi nói mỗi con bò đều là một con vật không có nghĩa là mỗi con vật đều là một con bò. Thực tế chứng minh là nhiều người lớn đã có may mắn phá vỡ cái vòng tròn lạm dụng. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng chưa bao giờ gặp những kẻ bức hại mà không phải là nạn nhân trong thời thơ ấu, mặc dù hầu hết họ không biết điều đó, vì cảm xúc đã bị kìm nén. Những kẻ tội phạm này càng ít biết về bản thân thì càng nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, tôi nghĩ điều cốt yếu là phải nắm bắt được sự khác biệt giữa tuyên bố sai lầm “mọi nạn nhân đều trở thành kẻ bức hại”, và tuyên bố “mọi kẻ bức hại đều là nạn nhân trong thời thơ ấu”, mà tôi cho là đúng. Vấn đề là, vì không cảm thấy gì, nên kẻ đó không nhớ gì, không nhận ra điều gì, và đó là lý do tại sao các cuộc điều tra không phải lúc nào cũng tiết lộ sự thật. Tuy nhiên, sự hiện diện của một chứng nhân ấm áp, khai sáng… một nhà trị liệu, nhân viên xã hội, luật sư, thẩm phán… có thể giúp tội phạm khai thông cảm xúc bị kìm nén của mình và khôi phục luồng ý thức không bị cản trở. Điều này có thể khởi động quá trình thoát khỏi vòng luẩn quẩn của chứng mất trí nhớ và bạo lực.

Bài này được trình bày dưới dạng một bài giảng tại Lexington 92nd Street YWHA ở New York vào ngày 22/10/1998. Bản quyền © Alice Miller, 1998.

Source: Alice Miller, PhD; link: Childhood Trauma

Translated by Prof. Phan Phương Đạt (FUNiX University); 

Nguồn bài: Chấn thương thời thơ ấu

 

Nếu bạn quan tâm đến vấn đề Tuổi thơ độc hại thì hãy tìm đọc cuốn sách Bi Kịch Của Đứa Trẻ Tài Năng của nhà phân tâm học Alice Miller. Cuốn sách giúp bạn nhận biết được lối giáo dục độc hại trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái; giúp bạn hiểu hơn về vấn đề khai quật những ký ức đau buồn đến nay vẫn ám ảnh bạn, cũng như cách để chữa lành những thương tổn trong quá khứ. Không những thế còn giúp tìm kiếm con người tự do, chân thực bên trong bạn, tự do để có thể sống một cuộc đời với nội tâm viên mãn và tự tin đích thật.

menu
menu