Chẳng sao cả, tôi thà ở nhà còn hơn!

chang-sao-ca-toi-tha-o-nha-con-hon

Như Henry David Thoreau đã từng nói thế này, "Tôi thực thích cảnh sống cô liêu, bởi chẳng có người đồng hành nào lại có thể đồng điệu được cùng tôi như nỗi đơn độc cả."

Gửi tới những người hướng nội: ở nhà hoài đâu có nghĩa bạn đang để bản thân buông thả; bạn thực tế đã thấu hiểu được những nhu cầu cá nhân, đồng thời còn đang tự chăm sóc cho mình. Như Henry David Thoreau đã từng nói thế này, "Tôi thực thích cảnh sống cô liêu, bởi chẳng có người đồng hành nào lại có thể đồng điệu được cùng tôi như nỗi đơn độc cả."

Là một người hướng nội, tôi rất tin tưởng vào tình trạng JOMO (the joy of missing out), dịch tạm thành NV0TG (niềm vui khi không phải tham gia). Lắm lúc thì mấy dịp đi "quẩy" với người thân cũng rất đáng để hưởng thụ đấy, thế nhưng chỉ một chút náo nhiệt như vậy cũng sẽ khiến cái thang đo hoạt động xã hội của tôi chạm nóc, đến mức mà tham gia những sự kiện như trên chừng một tháng một lần đã là đủ để thoả mãn tôi rồi.

Mười lần, thì cũng đến chín dịp tôi chịu bỏ qua hết những nỗi xô bồ, thay vào đó ở lại nhà trong một tối êm đềm hiu hắt, nâng niu sự tĩnh lặng. Khi được ở một mình trong kén, cái kén tôi gọi bằng "không gian nội tâm tĩnh tại" (introvert zen zone), tôi thấy thoải mái và thực sự, thực sự đấy, còn hạnh phúc vô cùng nữa -- hẳn những người hướng nội khác cũng cảm thấy giống vậy.

Xin đừng hiểu lầm rằng tôi khinh khi và chối bỏ sự gắn kết giữa người với người; chỉ vì lắm lúc, các sự kiện xã hội cũng có thể vắt kiệt tinh thần bất cứ ai. Đối ngược hẳn với những người hướng ngoại dường như hấp thụ năng lượng của ai khác để tồn tại, thì chính việc giao thiệp dường như có thể rút cạn người sống nội tâm chúng tôi, biến chúng tôi thành những cái vỏ quắt queo và mệt mỏi. Giả như đã phải trải qua cả một tuần bận rộn với rất ít cơ hội để tự "sạc" lại bản thân, thì một lịch trình đầy rẫy các hoạt động vui chơi tiệc tùng nữa chỉ tổ đổ thêm dầu vào lửa. Và nhiều khi, nếu chúng tôi xin được rút lui khỏi một cuộc chơi, thì cũng chỉ vì chúng tôi đã không được sinh ra để làm điều ấy. Sự nôn nao của người hướng nội (introvert hangover) thực sự tồn tại đấy, và bằng mọi giá thì chúng tôi sẽ phòng vệ bản thân khỏi tình trạng đó. 

Vì sao đôi khi người hướng nội lại huỷ kế hoạch vào phút chót?

"Cứ dành thời gian thế nào bạn muốn, không phải theo cách bạn nghĩ mình đáng lẽ phải thế. Cứ ở nhà nhân dịp Tết nếu điều đó khiến bạn vui lòng. Cứ trốn cả họp hành công ty. Cứ đi nhanh qua lề đường bên kia để khỏi phải tán dóc với một người quen chẳng-quen-lắm. Cứ đọc. Cứ nấu nướng. Cứ chạy bộ. Cứ viết lách. Cứ đồng ý tham gia các sự kiện xã hội, nếu sau đó bạn không ngại "bùng" vào phút cuối." -- Susan Cain, tác giả của cuốn "Tĩnh lặng: Siêu năng lực của những người ít nói trong một thế giới nói không ngừng" (Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking).

Nếu bạn là một người hướng nội, huỷ kế hoạch vào phút chót hẳn cũng là một việc làm quá đỗi quen thuộc. Mặc dù tôi cũng cố gắng lắm chứ, để bạn bè khỏi bị "leo cây" nhân một cuộc hội hè đã được lên kế hoạch kĩ càng, thì lắm lúc đấy lại là một điều mà đối với tôi là thực sự và quá đỗi cần thiết (cứ mỗi lần như vậy, người hiểu cho tôi nhất bao giờ cũng là đám bạn sống nội tâm).

Người hướng nội thực ra không thuộc hội kì thị con người. Chúng tôi yêu mọi người là đằng khác, và việc kết nối với họ sẽ thật đáng quý vào những ngày chúng tôi còn năng lượng dự trữ. Một khi đã được bật công tắc, thì họ lắm lúc còn lẫn lộn chúng tôi với những người hướng ngoại ấy chứ. Thế nhưng phải nỗi, chẳng ai biết được mức năng lượng của chúng tôi có là đủ để chạy suốt một sự kiện trọng đại (hoặc nhỏ lẻ) hay không. 

Khi tôi gật đầu lia lịa với các kế hoạch, thì đa phần tôi chỉ đang thấy hứng khởi vào lúc đó thôi: "pin" đã được nạp đầy, cảm thấy "nói chuyện giao tiếp quả thực dễ ợt", lại còn nỗi hưng phấn đang dâng trào nữa. Nếu thiên thuận gió hoà, tôi vẫn có thể giữ nguyên tâm trạng ấy cho đến lúc thực hiện kế hoạch. Nhưng còn lại, lắm lúc ngày giờ đã điểm mà sự hào hứng cũng biến đi đâu mất, và nếu quyết định đi thì tôi cũng chỉ miễn cưỡng lê lết thân mình tham gia sự kiện. Có hai trường hợp xảy ra sau đó: một là tôi vẫn ăn chơi xả láng hết mình mặc kệ chút đỏng đảnh lúc ban đầu, hai: cái mặt tôi thành ra hãm tài. 

Hồi xưa, tôi có chăm ra ngoài hơn (cũng vẫn là miễn cưỡng), bởi tôi sợ có chăng người ta sẽ thất vọng về mình. Qua nhiều năm, ý muốn của bản thân dần trở thành ưu tiên hàng đầu, và tôi cuối cùng cũng đành lòng chấp nhận buông xuôi theo tiếng gọi của lý trí với con tim. Một khi đã muốn ở nhà thì tôi sẽ, chẳng chút vương vấn (trừ cho các vụ cưới hỏi hoặc dịp khác tương tự như thế).

Nếu bạn cũng mắc phải cùng một tình trạng như thế, đừng ngại ngần gì chuyện ở nhà nếu bạn không thực sự muốn đi đâu. Ở nhà hoài đâu có nghĩa bạn đang để bản thân buông thả; bạn thực tế đã thấu hiểu được những nhu cầu cá nhân của mình. Tôi thậm chí còn coi thời gian ở một mình bằng thời gian tự chăm sóc bản thân. 

Tuy nhiên, dù tôi thực có mong muốn được ở nhà hầu như mọi lúc, thì quyết định huỷ đi một kế hoạch cũng chẳng dễ dàng gì: tôi để dành chúng cho những khi tôi thực sự, thực sự chẳng lấy đâu ra hơi sức. Những ngày như vậy khi vốn dĩ đã kiệt quệ, thì ở bên cạnh người khác (kể cả có là người thân) cũng dễ khiến tôi bị quá tải. Tôi chỉ huỷ đi một dự định nếu mức năng lượng của mình bằng không và cần "sạc" khẩn cấp. Từ kinh nghiệm, tôi rút ra được rằng cố gắng quá để tham gia hội họp rồi cũng thành quá cố. Và sức khoẻ nội tâm đối với tôi, giờ đây đã trở thành thứ yếu (dẫu tôi cũng ghét lắm nếu phải làm đau lòng một ai, nhất là những người yêu thương).

Ở nhà không xấu, nên đừng thấy tội lỗi nếu bạn thực sự cần được ở một mình

"Mẫu người hướng nội sống tại hai thế giới: thi thoảng ta vãng lai đến nơi chốn với con người, thế nhưng nỗi cô đơn cùng muôn vàn trù phú bên trong vẫn sẽ luôn là tổ ấm của ta." -- Jenn Granneman, tác giả của cuốn "Cuộc sống bí mật của người hướng nội: Bên trong thế giới của ta" (The Secret Lives of Introverts: Inside Our Hidden World). 

Chẳng có gì sai về ý thích được ở nhà tận hưởng một quyển sách hay bộ phim, thay vì phải đứng chen chúc giữa một căn phòng đặc kín người. Nhu cầu cho không gian và thời gian cá nhân không thể được xem là một điểm yếu hoặc một lỗ hổng: nó có thật và còn phổ biến giữa những người sống nội tâm. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chúng ta xử lí những nguồn kích thích bằng các quy trình về thần kinh khác biệt hoàn toàn so với người hướng ngoại. Chính vì thế, người hướng nội nhạy cảm hơn với các ảnh hưởng đến từ môi trường, và suy cho cùng thì chúng ta cần thêm thời gian để phục hồi, ngay cả từ các hoạt động đời thường như khi làm việc. Trong khi đó, người hướng ngoại với hoạt động xã hội dường như có mối quan hệ tỉ lệ thuận (càng nói nhiều, họ càng cảm thấy tốt hơn), nhưng toàn bộ những tương tác đó dường như đều là quá tải với người hướng nội, và chúng ta lại càng thu mình vào để bù đắp cho bản thân. 

Tiệc tùng, dù có vui vẻ thế nào, cũng sẽ dễ đem lại các kích thích quá lố với người sống nội tâm -- nhiều người và cả sự ồn ã cứ giành giật lấy sự chú ý rất hạn chế của chúng ta, khiến các nguồn nhận thức của chúng ta đờ đẫn đi. Tất cả lượng kích thích thừa đó có thể gây mệt mỏi cho chúng ta, và chính vì thế thì một cuộc "đi trốn" đến với sự cô độc tại nhà lại càng trở nên cần thiết

Ở nhà, hoặc ta đọc, vẽ, nướng thứ gì ngon ngon hoặc chỉ đơn giản là xem TV (đừng bao giờ hạ thấp sức mạnh của việc xem Netflix), đều tuỳ thuộc vào lượng "pin" còn lại trong ta và câu hỏi xem thứ gì sẽ làm ta thoả mãn (mỗi người mỗi khác). Cách yêu thích để tôi xả láng khi ở một mình sẽ là được ngâm mình trong bồn tắm thật nóng, thật lâu và thật nhiều muối tắm Epsom -- cái cảm giác như không khí bên trong nước ném hết khỏi tôi mọi phiền lo. 

Nếu có bao giờ bạn thấy ngộp thở từ việc giao thiệp (hoặc từ thứ áp lực buộc bạn phải giao thiệp), hãy thật thà với bản thân hay vì buột ra điều gì dối trá. Đừng thấy có lỗi nếu bạn phải về nhà đi ngủ sớm hơn mọi người; hãy cảm ơn vì sự thết đãi rồi lui ra đầy thanh lịch, bởi vì nếu họ thực sự là bạn của bạn, họ sẽ hiểu. Nếu bạn là người hướng nội và gặp khó khăn trong việc tuân thủ theo các kế hoạch, thì bất cứ khi nào có thể, hãy thêm chữ "chưa chắc" vào câu trả lời. Có thế bạn mới không thấy mình bắt buộc phải tham dự nếu bạn không muốn, và chẳng ai sẽ thấy phật ý khi đó cả, "một mũi tên trúng hai đích". Bạn khi ấy đã có thể tận hưởng sự thoải mái êm đềm cùng với chính bạn mà chẳng lo lắng điều gì. 

Lần sau, nếu bạn thấy cần thiết phải ra ngoài và hội họp dẫu chẳng có chút hứng thú nào, hãy cố xác định sự quan trọng của việc chấp nhận và làm thoả mãn các nhu cầu cá nhân (suy cho cùng, người hướng nội cũng cần thời gian để "sạc pin", và đó không phải là một sự tận hưởng vị kỉ), và đừng thấy ngại ngùng gì nếu đã lựa chọn để lấp đầy chúng. Bạn muốn ở nhà, được, hãy gạt hết đi mọi sự cưỡng cầu và nói thật với lòng mình, rằng đó là vì mình xứng đáng. 

----------

Tác giả: Heidi Lynn Borst

Link bài gốc: I'd Rather Be Home, and I Don't Feel Bad About It

Dịch giả: Nguyễn Hà Anh - ToMo - Learn Something New 

menu
menu