Chế ngự mất ngủ – và cuộc đời – bằng bi quan

che-ngu-mat-ngu-va-cuoc-doi-bang-bi-quan

Mất ngủ có lẽ là một trong những kiểu tra tấn khủng khiếp nhất mà con người phải chịu đựng. Nó hành hạ ta bằng những cơn đau đầu âm ỉ, sự cáu kỉnh vô cớ, một nỗi buồn mơ hồ

Mất ngủ có lẽ là một trong những kiểu tra tấn khủng khiếp nhất mà con người phải chịu đựng. Nó hành hạ ta bằng những cơn đau đầu âm ỉ, sự cáu kỉnh vô cớ, một nỗi buồn mơ hồ, và cảm giác bàng hoàng rằng cuộc đời mình chỉ là một chuỗi ngày rệu rã, lờ đờ trôi qua trong mệt mỏi và hỗn độn. Thế nên, không có gì lạ khi ta nổi giận trước những lời khuyên đầy thiện chí nhưng sáo rỗng: nào là đốt nến thơm hương oải hương, tắt điện thoại sau bảy giờ tối, uống trà cúc, hay ngồi thiền theo tư thế kiết già. Nằm thao thức lúc ba giờ sáng, chỉ có ánh trăng và tiếng cú rúc ngoài vườn làm bạn, ta có thể tưởng tượng ra cảnh mình đang tranh luận nảy lửa với cả ngành công nghiệp chăm sóc giấc ngủ.

Trong nỗi khốn khổ ấy, có lẽ sẽ nghe thật kỳ quặc – thậm chí là ngược đời – khi có ai đó đề xuất một hướng tiếp cận hoàn toàn khác: nếu muốn kiểm soát tình trạng này, ta có thể phải thực hiện một bước đi táo bạo và bất ngờ. Hãy ngừng trằn trọc, bật đèn lên, ngồi thẳng dậy và dõng dạc chấp nhận rằng ta sẽ không bao giờ, không bao giờ ngủ được nữa. Nhất định không phải đêm nay, có lẽ cũng không phải đêm mai, thậm chí đêm sau cũng vậy. Hãy đối diện với sự thật ấy bằng lòng dũng cảm phi thường và một sự bất cần đầy thách thức. Hãy xem như ta đã bị một phù thủy độc ác nguyền rủa, định sẵn sẽ sống cả đời trong cảnh mất ngủ triền miên. Ngày mai chắc chắn sẽ bị hủy hoại, ta sẽ kiệt sức từ sáng đến tối, lết qua mọi công việc như một cái xác không hồn, và đầu óc sẽ chẳng bao giờ tỉnh táo lại được. Đó là số phận của ta, và ta phải chấp nhận nó như thể ta vừa nhận một bản án tử.

Maria Yakunchikova, Mont Blanc at Night, c. 1890s

Và rồi, khi ta đã thấm thía hết mức sự khủng khiếp của tình cảnh này, một điều kỳ lạ có thể – chỉ có thể thôi – sẽ xảy ra: ta có thể, sau một lúc, chìm vào giấc ngủ.

Một trong những nguyên nhân chính khiến ta mất ngủ chính là cảm giác tuyệt vọng rằng mình phải ngủ được – nhưng lại không thể. Ta không chỉ thao thức, mà còn vật lộn với ý nghĩ rằng đáng ra ta phải đang say giấc, và chính cuộc chiến ấy càng khiến ta tỉnh táo hơn. Giải pháp nằm ở việc làm hòa với sự bi quan. Đương nhiên, ta muốn ngủ. Một đêm ngon giấc là một trong những điều tuyệt vời nhất trên đời. Nhưng có vẻ như đó không phải là cuộc đời của ta – và sẽ chẳng bao giờ là như vậy. Một suy nghĩ u ám, nhưng cũng thật lặng lẽ ru ngủ và dễ chịu đến bất ngờ...

Những người bi quan hiểu rằng, rất nhiều điều cản trở ta đạt được mục tiêu thực chất không phải là trở ngại bên ngoài, mà là chính nỗi lo về việc có đạt được hay không. Chính sự căng thẳng vì sợ táo bón lại khiến ta khó đi ngoài hơn. Chính nỗi sợ thi trượt, sợ nói dở, sợ làm hỏng buổi hẹn hò đã tạo ra sự căng thẳng đủ để khiến ta thất bại. Nhưng khi ta dám thừa nhận rằng hệ tiêu hóa của mình thực sự tệ hại, rằng buổi hẹn chắc chắn sẽ hỏng bét, rằng kỳ thi, bài phát biểu này nhất định sẽ thất bại, thì ta bỗng nhiên cảm thấy nhẹ nhõm hơn – và chính sự nhẹ nhõm ấy lại giúp ta thành công. Khao khát một điều gì đó quá mức có thể chính là kẻ thù lớn nhất của việc đạt được nó. Đôi khi, ta phải ôm lấy thất bại, để có cơ hội chiến thắng.

Vậy nên, một phần quan trọng của việc giữ bình tĩnh trước bất kỳ thử thách nào chính là tưởng tượng rằng, ngay cả khi ta thua cuộc, mọi thứ vẫn sẽ ổn. Ta vẫn có thể sống tốt dù chẳng bao giờ tìm thấy tri kỷ, dù lúc nào cũng đầy bụng khó chịu, dù chẳng bao giờ gây ấn tượng với đồng nghiệp hay dù cả đời phải vật vờ trong cơn mệt mỏi. Chính những hy vọng sai lầm đã làm rối tung tương lai của ta – và đôi khi, chỉ có bóng tối đúng nghĩa mới có thể giải phóng ta.

Nguồn: CONTROLLING INSOMNIA – AND LIFE – THROUGH PESSIMISM | The School Of Life 

menu
menu