Chỉ khi kết thúc, ta mới thấy rõ chân dung người ở bên mình

chi-khi-ket-thuc-ta-moi-thay-ro-chan-dung-nguoi-o-ben-minh

Ta sẽ không bao giờ thật sự biết người bạn đời của mình là ai, cho đến khi, và chỉ khi, mối quan hệ ấy đi đến hồi kết.

Một ý niệm then chốt trong tâm lý học về chia tay là: có một điều lạ lùng và nghịch lý đến mức khó tin, rằng ta sẽ không bao giờ thật sự biết người bạn đời của mình là ai, cho đến khi, và chỉ khi, mối quan hệ ấy đi đến hồi kết.

Dĩ nhiên, ta có thể biết nhiều điều về họ: họ duyên dáng ra sao, dí dỏm thế nào, cuốn hút biết bao khi trò chuyện, hay là một người bạn, người cha, người mẹ tận tâm thế nào. Nhưng dẫu biết vậy, ta vẫn chưa bao giờ được nhìn thấy bức tranh trọn vẹn – vì một lý do rất căn bản: họ vẫn còn nhiều điều để đánh mất. Họ vẫn là chồng, là vợ, là người yêu lâu năm – những người được định sẵn sẽ đồng hành cùng ta đến cuối đời; và bởi vậy, họ cần giữ gìn danh dự của mình. Họ cần thiện chí của ta để tiếp tục sống cùng nhau, và vì thế, họ có động cơ để duy trì một lớp mặt nạ đẹp đẽ.

Thế nhưng, khi mọi chuyện thật sự kết thúc, luật sư đã được gọi vào sáng mai, xe dọn nhà đang đỗ sẵn ngoài cửa, thì chẳng còn điều gì phải giữ gìn nữa. Danh tiếng không còn nghĩa lý, tương lai chung đã biến mất, và họ sắp trở lại thành người xa lạ. Tệ hơn, có thể trong họ đang cuồn cuộn giận dữ, cảm giác bị phản bội, nỗi buồn sâu sắc, những uất ức bị dồn nén, hay thậm chí là nỗi sợ hãi, tất cả những thứ khiến con người ta đánh mất khả năng cư xử một cách ôn hòa và chừng mực.

Vilhelm Hammershoi, Interior, Sunlight on the Floor, 1906

Sự thật phơi bày nơi đoạn cuối

Chính lúc này đây, khi mọi thứ không còn quan trọng nữa, ta lại có cơ hội rõ ràng nhất để nhìn thấu người mà ta đã gắn bó suốt bao năm qua. Và đôi khi, thậm chí là thường xuyên, sự thật ấy khiến ta bàng hoàng tỉnh mộng. Suốt bao lâu, ta từng nghĩ họ là người khiêm nhường và rụt rè một cách đáng yêu. Nhưng ở những cảnh cuối, ta phát hiện ra họ thực ra là người vô cùng non nớt trong việc thể hiện nhu cầu bản thân, và sẵn sàng khiến ta đau đớn đến tột cùng chỉ để trốn tránh trách nhiệm.

Hoặc, ta từng tin rằng đằng sau vẻ ngoài lạnh lùng ấy, chắc chắn họ vẫn có tình cảm dành cho ta. Họ chỉ là người dè dặt, chứ không phải người vô cảm. Vậy mà, trong những tháng cuối cùng, có lẽ ta phải đối diện với sự thật rằng: họ thực sự chẳng quan tâm. Không một giọt nước mắt. Không một lời níu kéo. Họ dường như chỉ thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi ta. Có khi, trong suốt thời gian bên nhau, ta không hề ảo tưởng, chỉ là họ chưa bao giờ thật sự thích ta. Thật khó tin khi nghĩ rằng, suốt ngần ấy thời gian, sự thật ấy vẫn âm thầm tồn tại bên dưới bề mặt, và phải chờ đến khi kết thúc, nó mới hiện ra rõ ràng.

Tâm lý chia tay: Khi ta học được nhiều nhất

Tuy vậy, không phải lúc nào tin tức nhận được cũng khiến ta tổn thương. Đôi khi, ta lại phát hiện ra những điều khiến trái tim mình dịu lại và thắp lên hy vọng. Khi họ hoàn toàn có cơ hội để trả thù, họ lại không làm thế. Khi họ không còn cần phải tử tế, họ vẫn chọn cách đối xử nhẹ nhàng. Dù biết điều đó sẽ chẳng thay đổi được gì, họ vẫn cùng ta tìm cách kết thúc trong êm đẹp; có khi họ còn giúp ta chăm sóc sức khỏe, hoặc sẵn lòng cho ta vay tiền.

Thước đo chuẩn xác nhất cho phẩm chất thật sự của một con người, chính là cách họ cư xử với người mà họ không còn nhận được lợi ích gì. Vậy nên mới có câu: hãy cưới người mà nếu sau này có chia tay, ta vẫn muốn chia tay với họ. Hay: hãy chọn người mà nếu không còn bên nhau nữa, ta sẽ thấy lòng ấm áp vì đã từng được họ yêu thương.

Ta có thể học được nhiều điều khi sống cạnh một người, nhưng như tâm lý học về chia tay từng nhấn mạnh, có lẽ ta học được nhiều hơn cả khi chuyện tình ấy đã khép lại.

Nguồn: HOW ONLY THE END REVEALS THE TRUTH ABOUT OUR PARTNERS | The School Of Life

Mời bạn tìm đọc bộ sách The school of life đã được xuất bản tại Việt Nam
menu
menu