Chìa khóa bất ngờ của một mối quan hệ bền vững

chia-khoa-bat-ngo-cua-mot-moi-quan-he-ben-vung

Một chút dửng dưng có thể là điều cần thiết cho một mối quan hệ hạnh phúc.

Ý CHÍNH:

  • Sự nhạy cảm là điều quan trọng trong tình yêu, nhưng một chút dửng dưng cũng rất có giá trị.
  • Dửng dưng vừa đủ là một cách hành xử có lý trí, phản ánh việc sắp xếp lại những ưu tiên trong đời sống.
  • Ta không phải lúc nào cũng thay đổi được những điều khiến mình khó chịu ở đối phương, nên đôi khi bớt nhạy cảm với những chi tiết vụn vặt sẽ giúp ta nhẹ lòng hơn.

“Khi tôi thấy mình lạc lối trong gian nan, Mẹ Maria đến bên và nói lời khôn ngoan: Hãy để mọi chuyện trôi đi.”
— The Beatles

“Chúng ta thường tự chuốc lấy đau khổ chỉ vì quá nhạy cảm, phản ứng thái quá với những điều nhỏ nhặt và dễ bị tổn thương bởi những chuyện không đáng.”
— Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

“Đừng để cảm xúc lấn át quá nhiều. Một trái tim quá nhạy cảm là món quà mong manh và đầy bất trắc trên cõi đời chênh vênh này.”
— Johann Wolfgang von Goethe

Người ta vẫn cho rằng sự nhạy cảm là nền tảng cho tình yêu, và điều đó đúng. Thế nhưng, quá nhiều nhạy cảm có thể trở thành gánh nặng, khiến mối quan hệ bị bào mòn. Trong một số trường hợp, một chút thờ ơ, một chút dửng dưng đúng lúc lại chính là điều giúp tình cảm được gìn giữ. Các nghiên cứu cho thấy mức độ nhạy cảm của mỗi người là khác nhau và luôn dao động trên một phổ liên tục. Những người có độ nhạy cảm cao thường dễ dàng cảm nhận rõ nét cả những điều tích cực lẫn tiêu cực xung quanh mình. Nỗi buồn của họ sâu hơn, niềm vui cũng đậm hơn.

Những người có độ nhạy cảm cao, chiếm khoảng 20% dân số, theo nghiên cứu của Elaine Aron (2001), là những người “cảm nhận được những điều tinh tế, suy nghĩ sâu sắc, và vì thế rất dễ bị quá tải.” Cũng vì vậy, khi yêu, họ thường đòi hỏi sự gắn kết sâu sắc hơn trong mối quan hệ để cảm thấy hài lòng; họ dễ nhìn thấy những hệ lụy đáng lo từ những khuyết điểm hay hành vi của người yêu; họ suy tư nhiều hơn và, nếu có dấu hiệu bất ổn, sẽ lo lắng về tương lai của mối quan hệ ấy. Người nhạy cảm cao thường dễ rung động trước cả cái đẹp lẫn những điều tiêu cực quanh mình, nên cũng dễ căng thẳng hơn người khác, đồng thời cũng giàu lòng trắc ẩn và thấu cảm hơn. 

Sự nhạy cảm trong tình yêu chỉ thực sự quý giá khi được giữ ở mức độ vừa phải và cân bằng. Cũng giống như việc ta không thể yêu tất cả mọi người, ta cũng không thể nhạy cảm với mọi hành vi của người yêu theo cùng một cách. Điều quan trọng là sự nhạy cảm ấy cần được đặt đúng chỗ, tập trung vào những điều có ý nghĩa thực sự, những điều nuôi dưỡng và làm sâu sắc thêm tình yêu. Khi ta nhạy cảm một cách tràn lan, không có trọng tâm hay thứ tự ưu tiên, thì chính sự nhạy cảm ấy sẽ mất giá trị, thậm chí trở nên độc hại.

Sự nhạy cảm trong tình yêu có thể hướng về người bạn đời hiện tại, hoặc cũng có thể hướng về những đối tượng tiềm năng khác. Nhưng nếu quá nhạy cảm trong mối quan hệ hiện tại, điều đó rất dễ dẫn đến ghen tuông, bực bội, giận dữ, thù địch, và cả mất niềm tin. Còn nếu ta dành quá nhiều sự chú ý đến những “người có thể tốt hơn” ngoài kia, thì ta sẽ luôn rơi vào trạng thái tìm kiếm không hồi kết, từ đó đánh mất khả năng hài lòng với chính người mình đang có và điều đó cản trở tình yêu phát triển bền vững theo năm tháng. Để vượt qua những thử thách này, ta cần học cách dửng dưng một chút.

Source: Dodokat/Shutterstock

Giữa nhạy cảm và dửng dưng

“Điều đối lập với tình yêu không phải là thù hận, mà là sự dửng dưng.” 

Elie Wiesel

“Sự dửng dưng của đàn ông, hơn cả sự hà khắc của họ, mới là nỗi giày vò lớn nhất của phụ nữ.” 

Jules Michelet

“Khoan dung, đôi khi chỉ là một cách nói khác của sự dửng dưng.” 

W. Somerset Maugham

Quan điểm phổ biến lâu nay thường lên án sự dửng dưng trong tình yêu, xem đó như điều đối lập hoàn toàn với tình cảm chân thành. Cái nhìn ấy là điều dễ hiểu, bởi trong các mối quan hệ yêu đương, sự tinh tế và nhạy cảm luôn được xem là chất keo gắn kết. Sự dửng dưng thường đi kèm với việc mất dần hứng thú với đối phương. Người còn lại sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, không được quan tâm và sau nhiều lần cố gắng không thành, họ cũng bắt đầu nguội lạnh theo. Trong các mối quan hệ yêu đương, sự dửng dưng thường được gán cho nam giới nhiều hơn phụ nữ, có lẽ vì người ta vẫn cho rằng phụ nữ thường nhạy cảm và giàu cảm xúc hơn.

Tuy nhiên, nếu biết khéo léo dung hòa giữa sự nhạy cảm và dửng dưng, ta sẽ tìm ra một thái độ ứng xử hợp lý trong tình yêu: một kiểu “dửng dưng giới hạn”, vừa đủ lạnh để giữ bình tĩnh, kiểm soát bản thân, vừa đủ ấm để giữ lòng tôn trọng, biết chấp nhận những khuyết điểm nhỏ nhặt của người mình yêu. Trong một tình yêu sâu sắc, sự dửng dưng vừa phải này chỉ hướng đến những điều bên lề, như tính luộm thuộm hay hay quên, chứ không bao giờ bao che cho những nét tính cách cốt lõi như sự ích kỷ hay tàn nhẫn.

Tình yêu cũng cần một trật tự ưu tiên. Và sự dửng dưng chừng mực chính là cách ứng xử hợp lý giúp giữ được trật tự đó, bởi chúng ta không thể thay đổi mọi điều, nên cũng cần học cách bớt nhạy cảm trước những hành vi khó chịu của người kia. Điều này không có nghĩa là ta nhắm mắt làm ngơ trước lỗi lầm, mà là biết nhìn nhận chúng với tâm thế nhẹ nhàng hơn, không để những điều nhỏ nhặt ấy làm tổn thương mình quá mức. Sự dửng dưng vừa đủ có thể bắt nguồn từ hai thái độ đối lập: một là sự tôn trọng thật lòng dành cho đối phương, hai là sự lạnh nhạt khi đã không còn quan tâm. 

​​Niềm tin thực ra cần một chút dửng dưng. Đó là sự an nhiên khi tin rằng những điều người kia làm đều xuất phát từ tình yêu và thiện ý. Nếu ta muốn gìn giữ một mối quan hệ lành mạnh và bền lâu, ta cần học cách "dửng dưng" với một số hành vi, và đồng thời nhạy cảm hơn với những điều thật sự quan trọng. Bởi nếu cứ chú ý và phản ứng trước mọi biểu hiện nhỏ nhặt, tâm trí ta sẽ bị bào mòn bởi những điều không đáng, dễ rơi vào tình trạng quá tải cảm xúc.

Nghiên cứu cho thấy những người đang yêu sâu đậm thường phát triển được kiểu “dửng dưng giới hạn” này. Garth Fletcher và các cộng sự (2015) phát hiện rằng những ai gắn bó sâu sắc trong một mối quan hệ thường có xu hướng thấy những người hấp dẫn khác... kém hấp dẫn đi. Để giảm thiểu mối đe dọa từ các lựa chọn tình cảm ngoài lề, người trong mối quan hệ bền chặt thường vô thức "giảm độ sáng" của những người có thể là đối tượng tiềm năng khác. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những thiên lệch nhận thức như vậy thực chất là chiến lược hữu hiệu để làm suy yếu động lực tìm kiếm bạn đời mới và củng cố sợi dây kết nối hiện tại.

Bài hát tình yêu nổi tiếng từ năm 1934 từng ngân nga: “Hàng triệu người lướt qua đời ta, nhưng tất cả đều mờ dần, bởi anh chỉ nhìn thấy em mà thôi.” Những người đang yêu thật lòng không phải là mù quáng trước những lựa chọn khác, nhưng họ thờ ơ với chúng. Tình yêu đích thực làm giảm nhu cầu tìm kiếm thêm những mối quan hệ khác. Việc khép lại những cánh cửa tình cảm rộng mở đòi hỏi một sự dửng dưng nhất định, khó khăn, nhưng cần thiết, trong một thế giới đầy những giới hạn và giá trị đối nghịch. Nếu ta cố ôm trọn mọi lựa chọn, ta có thể sẽ đánh mất điều quý giá mình đang nắm giữ. Bởi tình yêu đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, và khi ta chia nhỏ sự nhạy cảm của mình cho quá nhiều hướng, tình yêu ấy sẽ bị loãng đi, mong manh và dễ vỡ (Ben-Ze’ev, 2019).

Bạn có đang coi người mình yêu là điều hiển nhiên?

"Việc bị coi là điều hiển nhiên đôi khi lại là một lời khen. Nó có nghĩa là bạn đã trở thành một phần tin cậy, ấm áp và quen thuộc trong đời ai đó." 

Joyce Brothers


"Chồng tôi nóng tính lắm, đôi lúc tôi chỉ ước anh ấy… dửng dưng với tôi một chút." 

Julia

Các nhà tư vấn hôn nhân thường nói một câu quen thuộc: "Đừng bao giờ coi người bạn đời là điều hiển nhiên!" Lời nhắc này rất có lý, nhất là trong những mối quan hệ còn nồng nàn lửa yêu. Bởi sự thay đổi và chút mơ hồ đôi khi lại là ngọn gió thổi bùng ngọn lửa tưởng chừng đang lụi tàn.

Thế nhưng, khi tình yêu đủ sâu và lòng tin đủ lớn, việc coi người ấy là “một phần tất yếu” lại có thể mang một ý nghĩa rất khác, nhẹ nhàng và sâu sắc hơn. Lúc này, việc xem người yêu như một điều hiển nhiên không phải là dấu hiệu của sự vô tâm, mà là biểu hiện của sự an yên: ta không còn phải nơm nớp lo sợ liệu người ấy có rời xa ta hay không. Niềm tin trong tình yêu, tuy không miễn nhiễm với rủi ro, nhưng không nên bị dẫn dắt bởi nỗi hoài nghi thường trực. Khi yêu thật lòng, người ta nhìn nhau bằng ánh mắt tin tưởng và lạc quan. Đúng là việc dõi theo người mình yêu có thể giúp ngăn chặn một vài sai sót nhỏ, nhưng đồng thời cũng có thể làm tổn thương chiều sâu của một tình yêu đang cần được nuôi dưỡng (Ben-Ze’ev, 2019).

Tầm quan trọng của sự dửng dưng vừa phải nằm ở khả năng tách tâm trí ra khỏi những chuyện vụn vặt, để dành năng lượng cho những điều thực sự có ý nghĩa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc ngắt kết nối khỏi mạng xã hội vào những lúc nhất định giúp ta bình tĩnh hơn, làm việc hiệu quả hơn và chăm sóc mối quan hệ tình cảm tốt hơn. Việc rời mắt khỏi dòng tin tức bất tận cũng là một dạng dửng dưng, với những thứ không thật sự cần thiết. Tựa như một chuyến đi xa, khi ta tạm tách mình khỏi nhịp sống quen thuộc, để tâm hồn được hít thở trong một không gian mới mẻ và tĩnh tại hơn.

Tóm lại, tình yêu cần sự nhạy cảm với người mình thương, nhưng nếu nhạy cảm quá mức và với mọi điều, thì chính tình yêu ấy lại có thể bị bào mòn. Bởi vì tình yêu không chỉ là cảm xúc, mà còn là nghệ thuật thiết lập thứ tự ưu tiên. Và để làm được điều đó, ta không chỉ cần sự tinh tế, mà còn cần cả một chút dửng dưng giới hạn, như một lớp nền vững chãi cho sự bao dung và thứ tha được nảy nở.

Tài liệu tham khảo

Aron, E. (2001). The highly sensitive person in love. Harmony.

Ben-Ze’ev, A. (2019). The arc of love: How our romantic lives change over time. University of Chicago Press.

Fletcher, G. J., Simpson, J. A., Campbell, L., & Overall, N. C. (2015). Pair-bonding, romantic love, and evolution: The curious case of homo sapiens. Perspectives on Psychological Science, 10, 20-36.

Nguồn: An Unexpected Key to the Most Successful Relationships | Psychology Today

menu
menu