Vấn đề của việc “giả vờ lạnh lùng”

... và những lợi ích của một mối quan hệ đến vào “đúng thời điểm”.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Việc “giả vờ lạnh lùng” thường được dùng với niềm tin rằng nếu bắt đối phương phải nỗ lực theo đuổi lâu dài, họ sẽ khao khát ta hơn.
- Vấn đề lớn nhất của cách này là sự giả tạo và tính thao túng, khiến ta không còn là chính mình.
- Một mối quan hệ “đến vào đúng thời điểm” mang lại giá trị thật hơn, vì nó chân thành, dành đủ thời gian để tình yêu trưởng thành và sâu sắc.
"Điều dễ dàng luôn hấp dẫn, nhưng chỉ khi người khác không chạm tới được."
— Ovid
“Chiêu ‘làm giá’ cũng như kẹo ngọt, ban đầu thì ngon, nhưng rồi cũng nhạt, chẳng ai còn hứng thú.”
— Erika Ettin
Chiêu trò "giả vờ lạnh lùng" nghĩa là ta cố ý tỏ ra ít quan tâm hơn cảm xúc thật, từ lâu đã là một chiến thuật hẹn hò phổ biến. Nhưng liệu nó có thực sự hiệu quả?
Dưới đây là một vài chia sẻ ngẫu nhiên từ cả phụ nữ lẫn đàn ông về chuyện “giả vờ khó tiếp cận”:
Phụ nữ nói gì?
- “Đàn ông thích săn mồi. Khi con mồi quá dễ, họ chán ngay. Phải khó, chỉ có khó mới giữ được họ.”
- “Chuyện đời muôn hình vạn trạng. Tôi từng nghe về một người phụ nữ nói: ‘Tôi biết anh ấy sẽ là chồng mình’, và rồi họ ngủ với nhau ngay buổi hẹn đầu. Cuối cùng, họ kết hôn thật.”
- “Ta nên đi chậm. Chậm mà chắc, chậm mới sâu, mới đáng cho cả hai.”
- “Cách tốt nhất là cứ là chính mình, nhưng đừng dễ dãi quá.”
- “Chúng tôi không muốn bị nhìn như kiểu quá rảnh rỗi, chỉ chờ đợi tình yêu. Không ai muốn bị cho là bám víu. Dĩ nhiên, có lúc ‘trò chơi’ này trở nên ngớ ngẩn. Tốt nhất là có sự cân bằng.”
Đàn ông nói gì?
- “Cuộc đời này đã đủ nhọc nhằn rồi, phụ nữ ơi, làm ơn nhẹ nhàng với cánh đàn ông chúng tôi và đừng ‘làm giá’ nữa.”
- “Nếu cô ấy cố tình làm khó, thì không đáng để mình cố gắng.”
- “Tốt nhất là ở giữa. Khó quá thì tôi bỏ. Dễ quá thì lại chẳng còn gì để mong.”
- “Huỷ hẹn vào phút chót không phải là ‘giả vờ lạnh lùng’ – mà là bất lịch sự.”
- “Có những cô gái giả vờ ‘khó với’ rồi sau này lại cầu mong có được một tấm chồng.”
Phê phán lớn nhất: Một trò chơi mang tính lừa dối và thao túng
Chiêu trò “giả vờ khó gần” có thể dẫn đến nhiều hệ lụy: phải nói dối, phải thao túng cảm xúc người khác, thiếu sự đáp lại chân thành, biến những chuyện nghiêm túc thành cuộc chơi hời hợt, thu hút sai đối tượng và khiến mối quan hệ đầy bất an, ngờ vực. Nhưng trọng tâm lớn nhất cần bàn đến là: bản chất dối trá và thao túng của cách hành xử này, thứ khiến ta không thể sống thật với chính mình.
Trong tình yêu, sự chân thành và cởi mở luôn là nền tảng quan trọng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều nên bộc lộ một cách trần trụi ngay từ đầu. Sự tiết chế và tinh tế cũng là những phẩm chất đáng quý. Việc ứng xử khéo léo ở giai đoạn đầu có thể giúp cả hai tránh làm tổn thương nhau. Chẳng hạn, không ai khuyên bạn nên kể tường tận chuyện tình dục quá khứ ngay trong buổi hẹn đầu tiên.
Dù cả hai việc, “giấu quá khứ tình dục” và “giả vờ lạnh lùng”, đều là hình thức che giấu thông tin, nhưng bản chất lại khác nhau. Khi ta không nói hết về quá khứ của mình, đó thường là vì muốn bảo vệ cảm xúc của người đối diện. Còn khi ta cố tình “làm giá”, ta chủ động đánh lừa cảm xúc đối phương để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Cả hai cách đều có thể khiến người kia hoang mang về ta, nhưng “giả vờ lạnh lùng” lại dễ tạo ra ấn tượng tiêu cực hơn. Người ấy có thể hiểu hành vi lập lờ của ta như một sự từ chối âm thầm. Và chính điều đó khiến trò chơi này dễ phản tác dụng, làm ta mất đi một cơ hội yêu thương thật lòng.
Giá trị của sự nỗ lực theo thời gian
"Đàn ông mê những cô gái có vẻ ngoài không dễ với tới. Điều tệ nhất bạn có thể làm là khiến mọi chuyện trở nên quá dễ dàng với họ."
— Leandra De Andrade
Lý do người ta “giả vờ khó chinh phục” thì ai cũng hiểu: nếu ta buộc người kia phải kiên trì theo đuổi, họ sẽ khao khát ta hơn. Nhìn chung, càng bỏ nhiều công sức vào một điều gì, ta càng coi trọng điều đó, và cảm xúc dành cho nó cũng trở nên mãnh liệt hơn. Như câu nói: “Càng bỏ nhiều tiền, ta càng thấy món đồ đó có giá trị.” Mà điều ngược lại cũng đúng: khi thứ gì càng quan trọng, ta lại càng dốc công sức giữ lấy. Câu “dễ đến thì dễ đi” phản ánh thực tế rằng, những gì có được mà không cần nỗ lực thường không mấy ý nghĩa, nên khi mất đi, ta cũng dễ dửng dưng (Ben-Ze’ev, 2000).
Peter Jonason và Norman Li (2013) nhấn mạnh rằng, đặc biệt với phụ nữ, việc “giả vờ khó đạt được” là cách để kiểm soát hình ảnh về mức độ sẵn sàng của mình trong mắt người khác. Cũng như trong kinh tế, một món hàng càng hiếm thì càng được định giá cao, người ta luôn tin rằng thứ gì khó có được thì cũng đáng quý hơn.
Tương tự, nghiên cứu của Gurit Birnbaum và cộng sự (2020) cho thấy con người thường bị thu hút hơn bởi những người có vẻ “kén chọn”, nghĩa là họ dễ tiếp cận với ta, nhưng lại không dễ với tất cả mọi người. Những người này không chỉ được đánh giá cao về giá trị tình cảm, mà còn khiến người khác đầu tư nhiều nỗ lực hơn để tiến xa trong mối quan hệ.
Tôi cũng muốn nói thêm: trong ứng xử lịch thiệp, đôi khi ta không bộc lộ hết suy nghĩ thật của mình, không phải để trục lợi, mà là để tránh làm tổn thương người khác. Cũng như việc không kể chi tiết chuyện quá khứ, đó không phải là chiêu trò để giành phần hơn, mà đơn giản là một cách giữ gìn sự tôn trọng trong giai đoạn đầu làm quen.
Cách tiếp cận “đúng vào thời điểm”
“Tôi chưa bao giờ ‘giả vờ lạnh lùng’. Có lúc tôi chậm mở lòng, nhưng đó không phải là diễn. Đơn giản là tôi cần thời gian để cảm thấy thoải mái với một ai đó. Giả vờ không quan tâm trong khi thực sự có cảm tình, điều đó trẻ con quá.”
— Một phụ nữ chia sẻ về chuyện hẹn hò
Việc chọn lọc là điều tất yếu khi ta tìm kiếm một người đồng hành lâu dài. Và một cách chọn lọc có giá trị thực sự, đó là khiến người ấy phải đầu tư công sức, theo thời gian. Vậy có cách nào tốt hơn việc “giả vờ khó với tới”, vẫn giữ được sự chờ đợi nhưng không đánh mất sự chân thành? Tôi tin là có, và đó chính là cách tiếp cận “đến đúng vào thời điểm”.
Cả hai cách, “giả vờ lạnh lùng” và “đến đúng lúc”, đều tạo ra một độ trễ trong hành vi tình cảm. Nhưng chỉ riêng “giả vờ lạnh lùng” mới mang màu sắc thao túng và giả tạo. Còn trong cách “đến đúng vào thời điểm”, cả hai người đều ý thức rõ tình cảm thật của mình, chỉ là họ chọn dành thêm thời gian để nuôi dưỡng và làm sâu sắc cảm xúc ấy. Dù ở cách nào, tình yêu cũng cần được hình thành và xứng đáng có được qua quá trình chờ đợi và trưởng thành, nơi những khao khát thầm kín được gác lại, nhường chỗ cho sự chín muồi của lòng tin và sự thấu hiểu.
Cách “đến đúng vào thời điểm” thể hiện một tinh thần nghiêm túc hơn trong tình yêu. Nó không khiến người kia nghi ngờ về sự chân thành của ta, mà đơn giản là cho cả hai thêm thời gian để những cảm xúc chân thật được nảy nở một cách bền vững. Phương pháp này, về bản chất, giống như một quá trình tán tỉnh kéo dài, một cuộc “tiền hôn nhân” tinh tế. Thực tế, hạnh phúc hôn nhân có mối liên hệ tích cực với độ dài của thời gian tìm hiểu trước khi bước vào cam kết (Byrne & Murnen, 1988). Tình yêu đến đúng lúc, không quá sớm để vội vàng, không quá muộn để bỏ lỡ, ấy là thứ đáng trân quý nhất trong đời.
Lời kết
“Một người phụ nữ bận rộn, đầy sức sống và biết mình muốn gì luôn hấp dẫn hơn nhiều so với người cứ ngồi đó chờ đàn ông đến xác nhận giá trị của mình.”
— Mandy Hale
Việc “giả vờ khó gần” đôi khi cũng có lý, nhất là khi bạn muốn cho thấy mình không tuyệt vọng, không bám víu. Nhưng thực chất, cách làm này là một sự thao túng khéo léo để đánh lừa cảm giác sẵn sàng của bản thân trong mắt người khác. Trái lại, trong cách tiếp cận “đến vào đúng thời điểm”, ta thể hiện giá trị của mình bằng thái độ chân thành: không vội vàng, không hấp tấp, bởi ta biết con đường tình cảm luôn gập ghềnh và cần sự cẩn trọng.
Không có một công thức cứng nhắc nào để xác định chính xác điểm cân bằng giữa “quá dễ” và “quá khó” trong một mối quan hệ. Trong phần lớn các tình huống, đó là một sự tinh tế trong ứng xử, nơi ta phải học cách dung hòa những điều tưởng chừng đối lập. Và việc chạm tới sự cân bằng ấy không phải nhờ may mắn, mà là kết quả của sự kiên nhẫn, nỗ lực và thời gian (Ben-Ze’ev, 2019). Tình yêu đẹp không nằm ở việc đóng vai thật giỏi, mà ở chỗ dám sống thật, đủ kiêu hãnh để không cần chạy theo, và đủ vững vàng để chờ đợi một ai đó bước đến, đúng người, đúng lúc.
Tài liệu tham khảo
Ben-Ze’ev, A. (2019). The arc of love: How our romantic lives change over time. University of Chicago Press.
Ben-Ze'ev, A. (2000). The subtlety of emotions. MIT Press.
Birnbaum, G. E., Zholtack, K., & Reis, H. T. (2020). No pain, no gain: Perceived partner mate value mediates the desire-inducing effect of being hard to get during online and face-to-face encounters. Journal of Social and Personal Relationships, 37, 2510-2528.
Byrne, D. & Murnen, S. K. (1988). Maintaining loving relationships. In R. J. Sternberg and M. L. Barnes (eds.). The psychology of love. Yale University Press, 293-310.
Jonason, P. K., & Li, N. P. (2013). Playing hard–to–get: Manipulating one's perceived availability as a mate. European Journal of Personality, 27, 458-469.
Nguồn: The Problem With Playing Hard to Get | Psychology Today