Tự trách mình mãi liệu có đúng? có khi nào bạn không phải là vấn đề?

Nhìn lại thói quen tự trách bản thân dưới một góc độ mới.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH:
- Tự trách mình khi còn nhỏ đôi khi là một cơ chế sinh tồn giúp ta cảm thấy an toàn và có quyền kiểm soát.
- Khi trưởng thành, việc tự trách có thể thể hiện qua cảm giác tội lỗi, hay xin lỗi quá mức, hoặc cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người.
- Chữa lành bắt đầu từ việc thiết lập ranh giới, chất vấn những lời tự phê phán và biết dịu dàng với chính mình.
Khi lớn lên trong cảm giác mình luôn “quá mức” hoặc “chưa đủ”, ta rất dễ mặc định rằng lỗi là ở mình.
Nếu bạn đã dành cả đời cảm thấy mình chính là vấn đề, thì bạn không hề đơn độc. Có rất nhiều người mang trong lòng một cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ mơ hồ, không thể gọi tên. Họ nghĩ rằng mình quá nhạy cảm, quá phiền toái, quá cần được yêu thương—hay đơn giản là "quá nhiều". Họ tự dằn vặt vì những sai lầm, vì không thể hàn gắn những mối quan hệ vốn đã không hề an toàn ngay từ đầu.
Nhưng có một câu hỏi rất đáng để suy ngẫm: Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không phải là vấn đề?
Nếu cách bạn nhìn nhận bản thân được hình thành từ những con người không biết cách yêu thương bạn theo cách bạn cần thì sao? Nếu những “thiếu sót” mà bạn từng trách mình thực chất là dấu hiệu của sự mạnh mẽ, sự nhạy cảm hay là bản năng sinh tồn thì sao?
Source: Mart Production/Pexels
Gốc rễ của sự tự trách
Thói quen tự trách bản thân thường bắt nguồn từ thời thơ ấu. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình có cha mẹ thiếu chín chắn về mặt cảm xúc, vị kỷ, hoặc dễ thay đổi thất thường, có thể bạn đã học cách đổ lỗi cho chính mình như một cách để giữ lấy chút kiểm soát.
Có thể cha mẹ bạn đã phớt lờ cảm xúc của bạn, nổi giận khi bạn tìm kiếm sự an ủi, hoặc biến mọi chuyện thành câu chuyện xoay quanh họ. Có thể họ vừa khen ngợi bạn, rồi ngay sau đó lại chỉ trích bạn. Trong môi trường như vậy, trẻ con thường tin rằng: Giá mà mình ngoan hơn, im lặng hơn, giỏi hơn, bình tĩnh hơn thì mọi chuyện đã ổn.
Và niềm tin ấy theo bạn đến tận khi trưởng thành. Nó biểu hiện qua việc:
- Luôn xin lỗi, ngay cả khi bạn chẳng làm gì sai.
- Tự trách mình mỗi khi ai đó buồn bực.
- Cảm thấy mình phải có trách nhiệm với cảm xúc của người khác.
- Không tin tưởng vào cảm nhận hay quyết định của bản thân.
- Cảm thấy có lỗi khi thiết lập ranh giới hoặc nói “không”.
Vì sao không phải lỗi của bạn
Trẻ con không có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu cảm xúc của cha mẹ. Điều đó hoàn toàn ngược lại. Nhưng nếu cha mẹ bạn không thể tự điều chỉnh cảm xúc, có thể họ đã vô tình đặt gánh nặng lên vai bạn, hoặc khiến bạn cảm thấy có lỗi chỉ vì bạn là chính mình.
Điều đó không có nghĩa là họ không yêu bạn, theo cách của riêng họ. Nhưng có thể họ đã bỏ qua, chối từ, hoặc thậm chí trừng phạt những nhu cầu cảm xúc chính đáng của bạn.
Tự trách bản thân có thể từng là một cách để bạn sống sót. Nó cho bạn cảm giác kiểm soát trong một thế giới mà tình thương dường như lúc có lúc không, hoặc có điều kiện. Nhưng giờ đây, sự tự trách ấy không còn bảo vệ bạn nữa, mà đang giam giữ bạn.
Nhìn lại câu chuyện đời mình
Việc “nhìn lại” không có nghĩa là chối bỏ quá khứ. Mà là nhìn nó bằng đôi mắt mới, nhất là khi nhìn về đứa trẻ từng là bạn.
Hãy thử thay vì hỏi “Có gì sai với mình?”, bạn hãy tự hỏi “Điều gì đã xảy ra với mình?”
Khi bạn bắt đầu nhìn vào những khuôn mẫu của bản thân với sự dịu dàng, câu chuyện bắt đầu thay đổi:
- “Mình không phải quá cần, mình chỉ có những nhu cầu chưa từng được đáp ứng.”
- “Mình không gây ra mâu thuẫn, mình chỉ bị mắc kẹt trong một vai trò không công bằng.”
- “Mình không khó ưa, mình chỉ đang phản ứng lại những tổn thương sâu kín.”
Cách nhìn này không xóa đi nỗi đau, nhưng nó giúp bạn nhận ra rằng phần lớn gánh nặng mà bạn mang theo bấy lâu… vốn không phải của bạn.
Dấu hiệu của sự chữa lành
Chữa lành khỏi thói quen tự trách không phải là điều có thể diễn ra trong một sớm một chiều. Nhưng theo thời gian, bạn có thể nhận thấy:
- Bạn xin lỗi ít hơn cho những việc ngoài tầm kiểm soát.
- Bạn bắt đầu thiết lập những ranh giới nhỏ mà không còn quá dằn vặt.
- Bạn chất vấn những lời tự phê phán, thay vì mặc định tin theo.
- Bạn trò chuyện với chính mình bằng sự tử tế, nhất là trong những lúc khó khăn.
- Bạn cảm thấy tự tin hơn khi nói: “Mình có quyền cảm thấy như vậy.”
Bạn không cần phải “hoàn hảo” trong quá trình chữa lành để nó có giá trị. Mỗi lần bạn dừng lại và tự hỏi: “Liệu đây có thật là lỗi của mình không?” là bạn đã làm điều gì đó rất dũng cảm.
Những điều có thể giúp ích
Nếu bạn sẵn sàng để chấm dứt vòng xoáy tự trách, dưới đây là vài điều có thể giúp bạn:
- Nhận diện giọng nói tự trách. Bắt đầu bằng cách nhận ra nó. Bạn có thể tự nhủ: “A, giọng nói ấy lại xuất hiện rồi” thay vì vội vàng tin theo.
- Tự hỏi: Giọng nói ấy từ đâu ra? Nhiều khi, những suy nghĩ phê phán trong đầu bạn giống hệt giọng nói của người từng làm tổn thương bạn. Nhận ra điều đó giúp bạn tạo khoảng cách.
- Viết lại kịch bản cuộc đời. Hãy thử viết một bức thư cho chính bạn khi còn nhỏ, với sự dịu dàng và thấu hiểu mà bạn từng thiếu.
- Tập thiết lập ranh giới nhỏ. Hãy nói “không” với một điều gì đó đơn giản. Cảm nhận sự áy náy, rồi để nó trôi qua. Ranh giới ban đầu có thể khó, nhưng sẽ dễ hơn theo thời gian.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ. Trị liệu tâm lý là một nơi an toàn để bạn chia sẻ mà không bị phán xét. Một nhà trị liệu giỏi có thể giúp bạn gỡ rối điều gì thuộc về bạn, và điều gì không.
Nếu bạn đã dành cả tuổi trẻ nghĩ rằng mình là vấn đề, thì việc nghĩ ngược lại có thể khiến bạn thấy lạ lẫm, thậm chí sợ hãi. Nhưng bạn không cần phải mang theo mãi những vết thương của người khác. Bạn có quyền đặt chúng xuống.
Nhìn lại câu chuyện đời mình không phải là giả vờ rằng quá khứ không hề đau đớn. Mà là biết trân trọng sức mạnh của bản thân, nhận ra giá trị của mình, và cuối cùng là trao cho mình sự dịu dàng mà lẽ ra bạn đã xứng đáng từ lâu.
Chữa lành bắt đầu từ niềm tin: Vấn đề chưa bao giờ là mình quá nhiều. Mà là mình chưa từng được đủ. Và điều đó thay đổi tất cả.
Tác giả: Stephanie A. Sarkis Ph.D.
Nguồn: Chronic Self-Blame: What if You're Not the Problem? | Psychology Today