Tình yêu có đủ để gìn giữ một cuộc hôn nhân?

tinh-yeu-co-du-de-gin-giu-mot-cuoc-hon-nhan

Tình yêu có đủ để gìn giữ một cuộc hôn nhân?

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
– Sau khoảng năm năm, tình yêu trong hôn nhân sắp đặt bắt đầu vượt qua tình yêu trong hôn nhân vì yêu.
– Hôn nhân vì yêu thường mang đến sự hứng khởi ban đầu, nhưng hôn nhân sắp đặt lại giúp tránh được đổ vỡ.
– Niềm tin rằng sự hòa hợp tình dục là do bản năng tự nhiên thường gắn liền với chất lượng mối quan hệ thấp.

“Yêu và cưới, yêu và cưới, đi cùng nhau như ngựa với xe; bạn không thể có cái này mà thiếu cái kia.”
Frank Sinatra

Với nhiều người, tình yêu là điều cốt lõi làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Quan niệm “chỉ cần yêu là đủ” đã ăn sâu vào suy nghĩ chúng ta, rằng tình yêu có thể vượt qua mọi rào cản.

Nhưng thực tế lại không giản đơn như vậy. Không ít người rời bỏ bạn đời dù vẫn còn yêu. Điều này cho thấy: yêu thôi chưa đủ. Thứ giữ cho hôn nhân bền lâu chính là sự tương hợp, yếu tố truyền thống vốn được đề cao trong các cuộc hôn nhân sắp đặt.

Khi tình yêu đi cùng với sự hòa hợp, hôn nhân có cơ hội nở hoa và phát triển. Nhưng nếu thiếu đi sự hòa hợp ấy, cuộc hôn nhân trở nên mong manh, dễ tan vỡ, dù tình yêu vẫn còn đó.

Source: Leehoothefirst-4545808 / Pexels

Tình yêu và sự hòa hợp

“Tôi chưa từng biết thế nào là hạnh phúc thật sự cho đến khi lấy vợ. Và lúc đó thì đã quá muộn.”
Max Kauffman

Hôn nhân, từ xưa đến nay, vốn là một sự sắp đặt mang tính thực tế — nơi hai con người đến với nhau để cùng đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Bởi vậy, yếu tố trung tâm quyết định một cuộc hôn nhân không phải là tình yêu, mà là sự hòa hợp — tức liệu hai người có thể đồng hành, bổ sung và nâng đỡ lẫn nhau hay không. Và sự hòa hợp ấy, thật ra, có thể tồn tại mà không cần đến tình yêu.

Nhà sử học Stephanie Coontz chỉ ra rằng, chỉ mới khoảng 200 năm trở lại đây, tình yêu lãng mạn mới được xem là lý do chính đáng để kết hôn: “Con người xưa nay vẫn luôn yêu, và trong suốt chiều dài lịch sử, không thiếu những đôi lứa yêu nhau sâu đậm. Nhưng rất hiếm khi tình yêu được xem là nền tảng chính để lập gia đình” (Coontz, 2005).

Trước khi tình yêu trở thành điều kiện tiên quyết cho hôn nhân, các cuộc hôn nhân thường rất bền vững. Tình yêu đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, nhưng đồng thời cũng khiến nó trở nên mong manh hơn.

Lý do là, như hai nhà nghiên cứu Gurit Birnbaum và Amy Muise phân tích, dục vọng thường là chất xúc tác khiến các cặp đôi đến với nhau ban đầu. Thế nhưng, ham muốn tình dục không tồn tại trong khoảng trống, nó chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong mối quan hệ và hoàn cảnh sống. Họ cho rằng sự hòa hợp không tự nhiên mà có; nó cần được vun đắp qua những hoạt động gắn bó lẫn nhau theo thời gian. Thật vậy, những ai tin rằng sự thỏa mãn tình dục là kết quả của “hợp nhau từ trong trứng” thường có chất lượng mối quan hệ thấp hơn. Họ cũng dễ nghĩ rằng, nếu yêu đúng người thì chuyện gối chăn phải tự nhiên trơn tru, không cần cố gắng gì cả (Birnbaum & Muise, 2025).

Một mối quan hệ rạn nứt vì tình yêu phai nhạt, hay vì người ta tìm thấy một tình yêu mãnh liệt hơn, đó cũng là những lý do thường thấy khiến sợi dây gắn bó tình cảm bị đứt gãy. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là những trường hợp người ta rời bỏ người mà họ vẫn còn yêu.

Cuộc xung đột giữa tình yêu và cuộc đời

“Tất nhiên là có tình yêu. Nhưng rồi còn có cuộc đời – kẻ thù của nó.”
Jean Anouilh

Tình yêu lãng mạn không phải là thứ lơ lửng giữa không trung, thoát ly khỏi thực tại. Nó gắn chặt với đời sống, với những ràng buộc cụ thể, nơi mà sự hòa hợp là điều không thể thiếu.

Vậy điều gì nên được ưu tiên hơn: tình yêu hay cuộc sống? Câu hỏi ấy không dễ trả lời. Ở một thái cực, người ta có thể hy sinh cả đời mình vì tình yêu. Ở thái cực còn lại, người ta có thể từ bỏ tình yêu để giữ lấy một cuộc sống ổn định, như chấp nhận sống trong một cuộc hôn nhân không tình cảm nhưng yên ổn, đủ đầy. Hầu hết chúng ta đều lựa chọn ở khoảng giữa hai điểm đó. Và chính cường độ của tình yêu, tính chất của những áp lực cuộc sống, cùng mức độ xung đột giữa hai yếu tố ấy, sẽ quyết định ta đứng ở đâu trên phổ lựa chọn đó.

Khi đam mê mãnh liệt là trung tâm của tình yêu lãng mạn, thì cuộc xung đột giữa tình yêu và cuộc đời cũng trở nên gay gắt hơn (Ben-Ze'ev & Goussinsky, 2008). Nhưng vấn đề là, đam mê ấy thường ngắn ngủi và sẽ nhạt phai theo thời gian. Tình yêu không phải lúc nào cũng chiến thắng, và chắc chắn không thể thay thế cho cuộc sống thực tế. Về lâu dài, chỉ có sự hòa hợp mới giúp những người yêu nhau nuôi dưỡng mối gắn kết, phát triển bản thân, và giữ gìn tình yêu một cách bền vững.

Em vẫn yêu anh, nhưng em phải rời đi

“Em từng yêu người đầu tiên của mình đến điên dại, nhưng anh ấy đã ly hôn và có hai con. Em không thể chấp nhận làm vợ hai, càng không thể làm mẹ kế.”
Một người phụ nữ đã lập gia đình

Câu nói “Chỉ cần tình yêu là đủ” hàm ý rằng tình yêu là tất cả. Dẫu tình yêu rất quý giá với hạnh phúc và sự phát triển bản thân của mỗi người, nhưng nó không phải là điều duy nhất cũng không phải điều đủ đầy để làm nên một cuộc sống trọn vẹn và viên mãn.

Nếu tình yêu thật sự không phải là tất cả, thì việc một người rời bỏ người họ vẫn còn yêu — hóa ra lại là điều hoàn toàn có lý (Ben-Ze’ev, 2019).

Yêu một người chưa đủ để quyết định sống cùng người đó. Sống chung đòi hỏi thêm một yếu tố quan trọng: sự hòa hợp.

Dưới đây là những ví dụ điển hình về sự thiếu hòa hợp:

– “Anh không thể giúp em phát triển, vì anh không khơi dậy được những điều tốt đẹp nhất trong em.”
– “Em cũng không thể giúp anh trưởng thành. Trái lại, sự hiện diện của em chỉ kìm hãm anh.”
– “Chúng ta không phù hợp để xây dựng một cuộc sống dài lâu, bền vững bên nhau.”
– “Anh không phải là một người cha, người chồng, hay người trụ cột tốt (dù anh có thể là một người tình tuyệt vời).”

Trong những trường hợp như vậy, tình yêu là đủ để nuôi dưỡng cảm xúc lâu dài, nhưng lại không đủ để tạo ra một cuộc sống chung hạnh phúc và bền vững. Đôi khi, con người ta buộc phải chọn: họ chọn sự phát triển và bình yên trong cuộc sống thay vì chọn tình yêu.

Những phát hiện bất ngờ khi so sánh hôn nhân sắp đặt và hôn nhân vì yêu

“Việc bạn đang thở không có nghĩa là bạn đang sống.”
Quảng cáo của hãng xe Alfa Romeo

Không thể phủ nhận rằng cả tình yêu lẫn sự hòa hợp đều đóng vai trò quan trọng trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, nếu mục tiêu chính là tránh chia ly, thì hôn nhân sắp đặt, nơi yếu tố hòa hợp được đặt lên hàng đầu, lại có phần phù hợp hơn.

Ngược lại, nếu ta mong muốn được trải nghiệm một mối quan hệ sâu sắc, chất lượng hơn, dù có phải trả giá bằng rạn vỡ hay những tổn thương, thì tình yêu là điều không thể thiếu. Thật vậy, nghiên cứu cho thấy sau khoảng năm năm, tình yêu trong hôn nhân sắp đặt thường trở nên tốt đẹp hơn so với hôn nhân vì yêu (Epstein và cộng sự, 2013).

Dù là kiểu hôn nhân nào, thì sự vắng mặt của tình yêu hoặc hòa hợp đều gây hại cho đời sống vợ chồng.

Lý tưởng nhất là một cuộc hôn nhân kết hợp được cả hai: tình yêu và sự hòa hợp. Tình yêu tạo nên sợi dây kết nối cảm xúc, thắp lửa cho hôn nhân trở nên thi vị và sống động. Trong khi đó, sự hòa hợp mang đến sự ổn định và khả năng đồng hành trong những hoạt động chung giúp đôi bên vượt qua thử thách cuộc sống.

Những cặp đôi có sự tương đồng về giá trị sống (như gia đình, cân bằng công việc – đời tư, tín ngưỡng…) thường ít khi xảy ra mâu thuẫn lớn. Tình yêu mang lại sự yêu thương và nâng đỡ tinh thần, còn hòa hợp giúp cả hai giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn. Khi sóng gió ập đến, những cặp đôi vừa yêu nhau vừa hòa hợp sẽ có khả năng cùng nhau bước qua mọi khó khăn.

Tình yêu là linh hồn của mối quan hệ lãng mạn. Thiếu tình yêu, mối quan hệ có thể vận hành ổn thỏa, nhưng sẽ trở nên vô vị, giống như hai người bạn cùng phòng hoặc tệ hơn là hai cỗ máy sống chung không cảm xúc. Sau cùng, một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc thật ra chỉ cần hai điều: tình yêusự hòa hợp. Thế là đủ.

Tác giả: Aaron Ben-Zeév Ph.D.

Tài liệu tham khảo:

Ben-Ze’ev, A. (2019). The arc of love: How our romantic lives change over time. University of Chicago Press.

Ben-Ze’ev A. & Goussinsky, R. (2008). In the name of love: Romantic ideology and its victims.

Birnbaum, G. E., & Muise, A. (2025). The interplay between sexual desire and relationship functioning. Nature Reviews Psychology, 1-14.

Coontz, S. (2005). Marriage, a history. Viking.

Epstein, R., Pandit, M., & Thakar, M. (2013). How love emerges in arranged marriages: Two cross-cultural studies. Journal of Comparative Family Studies, 44, 341-360.‏

Nguồn: Is Love Enough to Make a Marriage Last? | Psychology Today

menu
menu