Bạn có thật sự muốn một người yêu “vượt trội” hơn mình?

ban-co-that-su-muon-mot-nguoi-yeu-vuot-troi-hon-minh

Những vấn đề trong một mối quan hệ tình cảm thiếu cân bằng

Ý chính:

  • Cả nam và nữ đều có xu hướng theo đuổi những người mà họ cho là hấp dẫn hơn mình khoảng 25%.
  • Giá trị tổng thể của một người trong tình yêu được đánh giá dựa trên hai thước đo: năng lực cá nhân (ngoài mối quan hệ) và mức độ phù hợp trong mối quan hệ.
  • Sự chênh lệch giá trị giữa hai người yêu nhau ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng mối quan hệ.
  • Tuy nhiên, khi một người cảm thấy được trân trọng, họ vẫn hài lòng ngay cả khi mối quan hệ thiếu công bằng.

“Tôi cưới người kém mình, mà phụ nữ nào chẳng vậy.”
— Lady Nancy Astor

Trong tình yêu, vấn đề “so sánh” giữa hai người thường xoay quanh khái niệm bình đẳng. Dù bình đẳng là một nguyên tắc đạo đức cơ bản, nhưng trong quan hệ lứa đôi, khái niệm này lại mang nhiều sắc thái và không dễ thống nhất.

Những tranh luận về sự bình đẳng trong tình yêu chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh:
(a) Bình đẳng về địa vị và quyền tự chủ,
(b) Bình đẳng về cảm nhận giá trị cá nhân.

Khía cạnh thứ nhất hầu như không gây tranh cãi. Nhưng khía cạnh thứ hai: cảm giác rằng "tôi có giá trị tương đương với người kia", lại thường gây chia rẽ. Vì thế, hãy cùng tập trung vào điều này. Trong khi hầu hết chúng ta đều khao khát một tình yêu công bằng, thì câu hỏi đặt ra là: Liệu bạn có thực sự muốn người yêu mình thông minh hơn, đẹp hơn, thành đạt hơn?

Source: Pexels-ganinph-7790348

Bình đẳng và tương đồng

“Thợ gốm ganh với thợ gốm, người thợ khéo cũng ghen với người thợ khéo, và kẻ ăn xin thì đố kỵ với kẻ ăn xin.” 

— Hesiod

Từ “bình đẳng” được định nghĩa là “một người hoặc vật được xem là tương đương với người hoặc vật khác về địa vị hay phẩm chất” (Từ điển Oxford). Mà để “tương đương” với điều gì đó, tức là giống nó ở những nét cốt lõi nhưng không hoàn toàn giống hệt, nghĩa là có sự gần gũi, song vẫn giữ nét riêng. Như vậy, bình đẳng là một dạng của sự tương đồng.

Trong các mối quan hệ tình cảm, “bình đẳng” thường được hiểu theo nghĩa chuẩn mực, tức là đề cập đến sự chênh lệch về địa vị xã hội hay giá trị cá nhân tổng thể, trong khi “tương đồng” thường dùng để so sánh hoàn cảnh xuất thân hay đặc điểm cá nhân giữa hai người.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tương đồng có vai trò rất lớn trong tình yêu. Các cặp đôi yêu nhau thường có nhiều điểm giống nhau về độ tuổi, trình độ học vấn, ngoại hình, chiều cao, cũng như quan điểm chính trị và tôn giáo. Họ có mức độ tương đồng vừa phải trong tri thức, giá trị sống và sự thông minh nói chung; còn về tính cách, mức độ tương đồng thường rất thấp, thậm chí không có.

Trong những mối quan hệ ngắn hạn, khi cảm xúc mãnh liệt và say đắm còn chiếm ưu thế, con người thường bị cuốn hút bởi những người khác biệt. Nhưng trong các mối quan hệ dài lâu, chính sự tương đồng lại là yếu tố dự báo mức độ yêu thích và gắn bó lâu bền giữa hai người (Amodio & Showers, 2005; Finkel và cộng sự, 2015).

Cân đo giá trị tổng thể của người yêu

“Tôi yêu anh hơn cả cà phê, nhưng làm ơn đừng bắt tôi phải chứng minh điều đó.”
— Elizabeth Evans

Việc đánh giá giá trị tổng thể của một người yêu là điều vô cùng phức tạp, bởi nó bao gồm hàng loạt yếu tố khác nhau, mỗi yếu tố lại mang một mức độ quan trọng riêng. Tôi cho rằng, có thể hiểu giá trị của một người yêu qua hai thước đo:

(a) thước đo thành tựu cá nhân: đánh giá các phẩm chất và thành tích của người đó một cách độc lập, không gắn với mối quan hệ tình cảm;

(b) thước đo sự phù hợp: đánh giá mức độ phù hợp giữa những phẩm chất ấy với chính người đang yêu họ (Ben-Ze’ev, 2019).

Thật vậy, hai khía cạnh này đều quan trọng ngay từ ấn tượng đầu tiên và là yếu tố dự báo mạnh mẽ cho kết quả tích cực hay tiêu cực trong chuyện tình cảm (Baxter và cộng sự, 2022). Khi "chấm điểm" một người yêu tiềm năng, chúng ta có rất ít khả năng tác động đến các phẩm chất vốn có hay thành tích cá nhân của họ. Nhưng ở thước đo thứ hai – mức độ phù hợp trong mối quan hệ – chúng ta có nhiều không gian linh hoạt hơn để cảm nhận, điều chỉnh và đánh giá.

Dù việc cân đo đong đếm giá trị của một người yêu là chuyện không dễ, nhưng hầu hết mọi người đều phần nào ý thức được giá trị tương đối của chính mình và của người bên cạnh. Khi giữa “người mình đang yêu” và “người mình nghĩ mình xứng đáng có được” xuất hiện một khoảng cách rõ rệt, ta sẽ cảm thấy mình đang phải đánh đổi. Vấn đề cốt lõi trong những cuộc tình nhiều toan tính không hẳn nằm ở chỗ ai cao ai thấp, mà ở câu hỏi: liệu mình có thể tìm được một người tốt hơn ở nơi khác không?

Tổn thương từ sự bất bình đẳng trong tình yêu

“Tôi từng xem thường người chồng đầu tiên của mình. Chúng tôi chỉ sống với nhau được ba năm, nhưng tôi oán giận anh ấy, vì cảm giác bị ràng buộc trong một cuộc hôn nhân với người quá thua kém khiến tôi như bị kìm hãm lại.”
— Một người phụ nữ đã kết hôn

Ngay cả khi giữa hai người yêu nhau có sự bình đẳng trong quyền quyết định và tự chủ cá nhân, thì sự chênh lệch về giá trị tổng thể giữa họ vẫn có thể làm giảm chất lượng của mối quan hệ (Cho và cộng sự, 2020; Sprecher, 2018).

Theo thuyết công bằng, người trong một mối quan hệ không cân xứng thường cảm thấy bản thân đang ở trong một hoàn cảnh không xứng đáng. Người “ở chiếu trên” sẽ mang tâm lý: “Tôi xứng đáng có được người tốt hơn.” Còn người “ở chiếu dưới” thì lại cảm thấy mình không được trân trọng, dễ sinh oán giận. Và thực tế cho thấy, cả hai kiểu người này, kẻ cảm thấy mình quá giỏi và người thấy mình quá kém, đều có khả năng ngoại tình cao hơn so với những người cảm thấy đối phương ngang tầm với mình (Prins và cộng sự, 1991).

Đối mặt với một người yêu không cân bằng

“Vợ tôi không muốn tình nhân của tôi giỏi hơn cô ấy, vì như vậy sẽ khiến cô ấy thấy bị đe dọa. Nhưng cô ấy cũng không muốn cô ta kém quá, vì điều đó làm cô ấy thấy bị xúc phạm.”
— Một người chồng theo lối sống đa ái

Từ hai thước đo giá trị trong tình yêu, một là thành tựu cá nhân, hai là mức độ phù hợp trong mối quan hệ, có thể rút ra hai cách chính để đối phó với sự bất cân xứng trong tình yêu:
(a) làm giảm cảm nhận về khoảng cách giữa hai người, và
(b) điều chỉnh mức độ quan trọng mà ta đặt vào từng phẩm chất.

Làm giảm cảm nhận về chênh lệch

Những khác biệt nhỏ giữa hai người đôi khi lại có tác động rất lớn nhưng theo hai hướng ngược nhau tùy vào cảm xúc ta đang trải qua. Trong cảm xúc tiêu cực, như ghen tị, những khác biệt nhỏ dễ khiến người ta so đo hơn, vì nó khơi dậy suy nghĩ “giá mà...”, giá mà tôi cũng được như thế, giá mà mọi chuyện khác đi… và thế là cảm giác đố kỵ càng thêm mãnh liệt.

Ngược lại, trong cảm xúc tích cực như tình yêu, những khác biệt nhỏ lại có thể làm tình cảm thêm sâu đậm. Người ta thường tin rằng những điều không giống nhau ấy có thể được bù đắp bằng sự cảm thông và nỗ lực và chính điều đó nuôi dưỡng sự gắn bó.

Thật vậy, một nghiên cứu từng cho thấy: phần lớn những người đàn ông thành đạt chia sẻ rằng họ mong muốn hoặc đã cưới một người phụ nữ thông minh ngang ngửa, thậm chí hơn mình. Họ cho rằng mình đã “chốt được một thương vụ thông minh” (Whelan, 2006).

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, khoảng cách lý tưởng cũng có giới hạn: cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có xu hướng tìm kiếm người yêu mà họ cảm thấy hấp dẫn hơn mình khoảng 25%, theo mức tự đánh giá bản thân (Bruch & Newman, 2018). Riêng trong những mối quan hệ có yếu tố bạo lực, tình hình lại rất khác. Những người chồng hay dùng bạo lực có khả năng trở nên hung hăng hơn khi vợ họ được thăng chức.

Điều chỉnh trọng lượng của từng phẩm chất

Cơ chế tâm lý đứng sau việc so sánh giá trị giữa hai người yêu nhau không chỉ dừng lại ở việc đo lường mức chênh lệch, mà còn nằm ở cách ta đánh giá tầm quan trọng tương đối của từng phẩm chất trong sự hòa hợp. Một mô hình điển hình là sự kết hợp giữa “yêu toàn diện” và “nhìn nhận chính xác từng điểm riêng lẻ”. Theo mô hình này, những người vợ hoặc chồng yêu thương sâu sắc thường có xu hướng nhìn bạn đời bằng ánh mắt trìu mến, bao dung, họ có thể cảm thấy người ấy thật “tuyệt vời”, dù đồng thời vẫn nhận rõ những điểm cụ thể chưa hoàn hảo, như tính hay trễ hẹn chẳng hạn (Neff & Karney, 2005). Những người yêu theo cách ấy thường không quá bận tâm đến những phẩm chất mà họ cho là ít quan trọng trong đời sống tình cảm, cho dù người kia không thật sự nổi bật ở khía cạnh đó. Một ví dụ khác cho thấy cách nhìn nhận ảnh hưởng đến trải nghiệm tình yêu, chính là mối quan hệ giữa sự phân chia việc nhà không công bằng và mức độ hài lòng trong tình cảm (Thielemans và cộng sự, 2021): nếu một người cảm thấy được bạn đời trân trọng, họ vẫn giữ được sự hài lòng trong mối quan hệ, ngay cả khi mình phải làm việc nhà nhiều hơn (Gordon và cộng sự, 2022).

Trên thực tế, có rất nhiều lĩnh vực mà ta thường dùng để so sánh, như lòng tốt, ngoại hình, sự khôn ngoan, địa vị xã hội, hay thành tựu, và ở một mức độ nhất định, chính bạn là người quyết định đâu là yếu tố đáng để đặt nặng, khi cân nhắc liệu người yêu của mình là “kém hơn” hay “hơn mình”. Trong tình yêu đủ sâu sắc, sự chênh lệch về thành tựu cá nhân không còn là vấn đề quá lớn, miễn là khoảng cách ấy không vượt quá giới hạn chịu đựng của cả hai. Theo các nghiên cứu, mức chênh lệch tối đa mà một mối quan hệ vẫn có thể duy trì sự bền vững thường không quá 25%.

Lời kết

“Sự so sánh là kẻ giết chết niềm vui.”
— Mark Twain

Việc hai người có vị thế tương đương trong một mối quan hệ đóng vai trò then chốt cho sự bền vững và hài lòng lâu dài. Nhưng cảm nhận rằng người yêu mình là “ngang hàng” hay “vượt trội” đôi khi không hoàn toàn phụ thuộc vào thực tế mà còn tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận. Khi tình yêu đủ sâu đậm, chuyện so đo đối phương với người khác trở nên vô nghĩa. Ta yêu một người vì chính con người họ, chứ không phải vì họ “hơn” hay “kém” ai, kể cả chính ta. Tình yêu sâu sắc được nuôi dưỡng từ những điều rất đời thường: cùng nhau trải nghiệm, sẻ chia, làm nên kỷ niệm. Trong tình yêu ấy, sự bình đẳng và tự chủ hiện diện như một điều hiển nhiên. Và khi khoảng cách giữa hai người không quá lớn, thì câu chuyện ai hơn ai thật ra chẳng còn quan trọng nữa. 

Tài liệu tham khảo:

Amodio, D. M. & Showers, C. J. (2005). ‘Similarity breeds liking’ revisited. Journal of Social and Personal Relationships, 22, 817-836.

Baxter, A. et al. (2022). Initial impressions of compatibility and mate value predict later dating and romantic interest. Proceedings of the National Academy of Sciences, 119(45), e2206925119.‏

Ben-Ze’ev, A. (2019). The arc of love. How our romantic lives change over time. University of Chicago Press.

Bruch, E. E., & Newman, M. E. J. (2018). Aspirational pursuit of mates in online dating markets. Science Advances, 4(8), eaap9815.

Cho, M., Impett, E. A., Campos, B., Chen, S., & Keltner, D. (2020). Socioeconomic inequality undermines relationship quality in romantic relationships. Journal of Social and Personal Relationships, 37, 1722-1742.‏

Finkel, E.J., et al., (2015). When does familiarity promote versus undermine interpersonal attraction? Perspectives on Psychological Science, 10, 3-19.

Gordon, A. M., Cross, E., Ascigil, E., Balzarini, R., Luerssen, A., & Muise, A. (2022). Feeling appreciated buffers against the negative effects of unequal division of household labor on relationship satisfaction. Psychological Science, 33, 1313-1327.

Neff, L. A., & Karney, B. R. (2005). To know you is to love you. Journal of Personality and Social Psychology, 88, 480-497.

Prins, K. S., Buunk, B. P. & Van Yperen, N. W. (1993). Equity, normative disapproval and extramarital relationships. Journal of Social and Personal Relationships, 10, 39-53.

Sprecher, S. (2018). Inequity leads to distress and a reduction in satisfaction: Evidence from a priming experiment. Journal of Family Issues, 39(1), 230-244.‏

Thielemans, G., Fallesen, P., Mortelmans, D. (2021). Division of household labor and relationship dissolution in Denmark 2001–2009. Journal of Family Issues, 42, 1582–1606. 

Whelan, C. B. (2006). Why smart men marry smart women. Simon & Schuster.

Tác giả: Aaron Ben-Zeév Ph.D.

Nguồn:  Would You Really Want a Superior Partner? | Psychology Today

menu
menu