Chủ nghĩa Khắc kỷ, Tình yêu, và các mối quan hệ 

chu-nghia-khac-ky-tinh-yeu-va-cac-moi-quan-he

Cách tiếp cận của phái Khắc kỷ với các mối quan hệ và chuyện yêu đương là gì?

Cách tiếp cận của phái Khắc kỷ với các mối quan hệ và chuyện yêu đương là gì? Mối quan hệ tình cảm lý tưởng bao gồm những gì? Một người Khắc kỷ nên nhìn nhận như thế nào về những ham muốn và lạc thú tình dục, cũng như những lạc thú và ham muốn khác do thần tình ái tiêm nhiễm? Liệu có một cách tiếp cận, hay những chỉ dẫn của phái Khắc kỷ dành cho các vấn đề từ tán tỉnh theo cách truyền thống cho đến những ứng dụng hẹn hò thời hậu hiện đại, từ tán tỉnh đến hẹn hò rồi đi đến các mối quan hệ cam kết, v.v..?

Khi chúng ta xem xét những vấn đề này, và mang vào những tài liệu và các nhà tư tưởng thuộc phái Khắc kỷ cổ đại để giúp chúng ta nghĩ thông suốt về chúng, những khác biệt văn hóa từ thời cổ đại đến thời hậu hiện đại ngày này trở nên nổi bật. Chúng ta có thể xem xét những điều mà các nhà Khắc kỷ thời cổ đại đã nói về tình yêu và ham muốn, các mối quan hệ, cơ thể và tình dục. Nhưng điều này phần nào được cho là phụ thuộc vào những giả định về văn hóa được tạo ra bởi các nhà văn thời cổ đại đó như hằng số tự nhiên (chí ít là bản chất lý tưởng của con người). Và với những băn khoăn của hiện tại, đương nhiên vẫn có nhiều chỗ thiếu sót trong các vấn đề mà các tác giả Khắc kỷ đưa ra lời khuyên hữu ích hay chỉ dẫn hữu dụng. Chẳng hạn Seneca không biết đến điện thoại thông minh hay các ứng dụng hẹn hò. Epictetus không thảo luận về việc đi coi mắt hay tình công sở.

Tất nhiên, điều đó không hàm ý rằng những nhà tư tưởng Khắc kỷ thời cổ đại này chẳng đóng góp được điều gì hữu ích cả. Nếu họ được đưa đến sống ở thời hiện đại của chúng ta–sau khi họ bình phục sau cú sốc văn hóa lớn!–các tác giả này có thể sẽ có nhiều điều để nói với chúng ta, đến từ những nguyên tắc cơ bản và thực hành tương tự mà các tác phẩm của họ đã dạy chúng ta, nhưng được ứng dụng vào các tình huống mới, những điều kiện và thách thức mới.

Những phần thảo luận kinh điển của phái Khắc kỷ về tình yêu    

“Tình yêu” là một trong những từ trong tiếng Anh mà bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Nó đã trở thành một từ rất phổ biến–không chỉ được khuyến khích bởi tác phẩm The Four Loves của C.S. Lewis, mà còn bởi toàn bộ giá sách về những tài liệu phổ biến khác nhấn mạnh điều đó–để tuyên bố rằng người Hy Lạp cổ đại phân biệt một cách chính xác giữa những kiểu tình yêu khác nhau, gọi chúng bằng những cái tên khác nhau và tin rằng chúng có những cơ sở khác nhau. Điều đó có phần đúng–tình bạn (philia) là một điều có thể phân biệt được với ham muốn tình dục (eros)–nhưng bất cứ ai đã đọc về nhiều bài thảo luận về tình yêu trong văn học Hy Lạp cổ đại đều nhanh chóng nhận ra vấn đề phức tạp hơn thế nhiều, về mặt khái niệm và ngôn ngữ. Những kiểu tình yêu được cho là hoàn toàn khác biệt nhau đó lại trở nên mơ hồ và hòa trộn vào nhau, và thậm chí cùng một thuật ngữ có thể được sử dụng theo nhiều cách bởi cùng một tác giả.

Một ví dụ thú vị, đặc biệt có liên quan đến Chủ nghĩa Khắc kỷ, đến từ tác phẩm Epitome of Stoic Ethics (Tạm dịch: Bản tóm tắt về đạo đức của người Khắc kỷ) của Arius Didymus, trong đó ông khuyên chúng ta rằng một người khôn ngoan–vì người ấy có phẩm hạnh–không chỉ hành xử một cách “hợp lý, nhạy cảm” (nounekhtikos) và “logic” (dialectikos), mà còn “thân thiện” (sumpotikos) và... “gợi tình” (erotic) (erotikos, 5b9).

Ông giải thích:

Người gợi tình (Erotic) cũng được nói theo hai ý nghĩa. Trong một ý nghĩa [người được gọi là “gợi tình”] có liên quan tới phẩm hạnh, là một kiểu người đáng giá, và theo một ý nghĩa khác là liên quan tới thói xấu, sự đồi bại như một điều sỉ nhục, đáng xấu hổ, như trong trường hợp của người phát điên vì tình ái. Tình yêu [quý giá] chỉ dành cho [tình bạn] 

[Họ] cũng nói rằng người khôn ngoan sẽ yêu đương. Chỉ yêu thôi thì chẳng phải điều gì to tát đâu, vì nó đôi khi cũng xảy ra trong trường hợp của người đồi bại. Nhưng tình yêu không đơn giản là lòng ham muốn, cũng như nó không hướng đến một số thứ xấu xa hay hèn hạ; đúng ra thì nó là một xu hướng hình thành sự gắn bó nảy sinh từ ấn tượng hay ngoại hình đẹp đẽ. (5b9, 10c, 11s)

Điều này nghe có vẻ kỳ lạ đối với con người thời hiện đại ở vài phương diện, nhưng lại quen thuộc đối với những người khác. Theo Arius, người Khắc kỷ phân biệt giữa các dạng tình yêu tốt và xấu, đặt chúng trong một truyền thống đã tồn tại từ lâu (ví dụ, bạn sẽ thấy cuộc thảo luận về sự khác biệt này từ nhiều quan điểm khác nhau trong tác phẩm Symposium (Yến hội) của Plato). Chúng ta cũng thường xuyên phân biệt giữa những dạng khác nhau của tình cảm này, mà chúng ta có thể gọi bằng đủ loại tên–tình yêu, sức hút, ham muốn, thèm khát, đam mê, v.v.. –và nhiều người phân biệt chúng dựa theo khuôn khổ đạo đức tốt và xấu.

Hãy lưu ý điểm tương đồng khác–loại tình yêu tốt đẹp dẫn đến một loại tình cảm khác có liên hệ mật thiết, đó là tình bạn. Người Khắc kỷ khôn ngoan–chí ít là theo Arius–không cần phải thích hay khát khao một người chỉ vì tính cách của anh/cô ấy. Sức hấp dẫn về ngoại hình có thể mang đến một điểm khởi đầu, một tia lửa làm bừng lên ngọn lửa tình yêu. Nhưng tính cách, nhân cách, đạo đức của người được yêu hay được khao khát–chính chúng mới cung cấp nhiên liệu để duy trì một mối quan hệ tình cảm và lý trí.

Tình yêu như một “khuynh hướng hình thành nên một sự gắn bó phát sinh từ ấn tượng về nhan sắc"–đó không phải là một định nghĩa mà nhiều người trong chúng ta tự nhiên nghĩ ra. Nó có vẻ là một định nghĩa mà người Khắc kỷ thường xuyên sử dụng. Bạn sẽ tìm thấy một công thức tương tự trong Tóm tắt của Laertes về học thuyết của phái Khắc kỷ của Diogenes (7.13), chỉ khác nhau tí chút trong cách diễn đạt. Cicero cũng xác nhận công thức này trong Tusculan Disputations–trên thực tế, bản dịch tiếng Latinh khiến bất kỳ sự mơ hồ nào về mặt ý nghĩa trong ngôn ngữ của người Hy Lạp trở nên hoàn toàn rõ ràng. Nó là một nỗ lực để hình thành một tình bạn (conatum amicitiae faciendae), và nó nảy sinh từ sự hiện diện của sắc đẹp (ex pulchritudinis specie, 4.34)

Khi chúng ta so sánh chúng, một sự căng thẳng thú vị nảy sinh từ ba bài thảo luận này, điều đó có thể phản ánh những bất đồng hay chí ít là những lo ngại trong trường phái Khắc kỷ về cảm xúc này hay cảm xúc của tình yêu.

Diogenes Laertes đưa ra cái mà chúng ta có thể gọi là một quan điểm bi quan. Ông ấy nói với chúng ta rằng phái Khắc kỷ cho rằng tình yêu chỉ là một trong những dạng thức của ham muốn (epithumia)–Phân loại tình cảm của phái khắc kỷ xem ham muốn, sợ hãi, lạc thú đau đớn là bốn loại đam mê hay bốn cảm xúc chính–và người thiện lành sẽ không cảm nhận thứ cảm xúc này. Chỉ có những người còn lại trong chúng ta mới bị nó tác động. Với điều này, những người đang có tiến bộ trong việc thực hành theo triết lý Khắc kỷ khi ấy sẽ càng ít tiếp xúc với tình ái càng tốt.

Cicero thể hiện một quan điểm mang nhiều sắc thái hơn. Ông khẳng định rằng người Khắc kỷ tin rằng một kẻ thông thái sẽ trở thành người yêu (và có lẽ có cảm xúc yêu đương), và cho rằng tình yêu này sẽ “vượt thoát khỏi lo âu, khát khao, lo lắng, và những tiếng thở dài sườn sượt”–không bị vướng mắc vào đủ mọi thứ cảm xúc tiêu cực và các dấu hiệu đặc trưng của chúng–và do đó tình yêu này hoàn toàn khác với thứ tình cảm của dục vọng, ham muốn (libido). Ông xem kiểu tình yêu thuần khiết này thật hiếm hoi, và nói rằng hầu hết các ví dụ về “tình yêu” quả thật đơn giản chỉ là đam mê dục vọng. Ngay cả nhiều trường hợp về “tình yêu của tình bạn” (amor amicitiae) thật sự cũng thấm đẫm dục vọng (33). Ông cảnh báo về “sự điên rồ mất trí” (furor) vì tình yêu, và nói rằng không có thứ gì có thể gây rối loạn tâm trí một cách hung bạo đến vậy. (45). Tình yêu có thể tồn tại trong các giới hạn, nhưng đó là những giới hạn mà tự nó đặt ra. (33)

Như chúng ta đã thấy, Arius bày tỏ một đánh giá nhiều tích cực về thần tình ái. Ông phân biệt giữa hai nghĩa khác nhau của tình yêu. Tình yêu có vấn đề là thứ thuộc về những ham muốn, mà ông xem là hội đủ điều kiện như ở “những trường hợp bạo lực của tình yêu” (erotes sphodroi, 10b). Khi bàn đến kiểu tình yêu nào tốt hơn, nó không đơn thuần là thứ mà một người tốt hay người khôn ngoan có thể cảm nhận và bị thúc đẩy. Tình yêu không phải là thứ dễ hiểu, hay thậm chí là “bình thường”, nhưng rốt cuộc thì nó không phải thứ quá quan trọng đâu. Vì Arius đại diện cho phái Khắc kỷ, họ dạy rằng người khôn ngoan cần phải có “đức hạnh trong tình yêu, tình dục”. Thật vậy, ông nói:

Người khôn ngoan có khuynh hướng rất gợi tình [erotikon einai] và sẽ yêu những ai xứng đáng với tình yêu [axieraston]. (11s)

Quan điểm Khắc kỷ về Tình yêu và Mối quan hệ  

Người Khắc kỷ nên cư xử như thế nào trong các mối quan hệ lãng mạn hoặc tình ái, một khi chúng đã được thiết lập, là một lĩnh vực khác còn chưa phát triển trong tài liệu về phái Khắc kỷ cổ mà chúng ta đang có trong tay. Chúng ta không thể chắc chắn những bài giảng hay bài thảo luận nào có thể được tìm thấy trong các văn bản đã bị thất lạc như Bàn về cuộc sống thuận theo tự nhiên của Zeno hay Bàn về điều tốt của Chrysippus, và một điều vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng đó là chúng ta nên nghĩ như thế nào về những nhận định cho rằng Zeno đã cổ súy cho một cộng đồng những người vợ và con cái trong tác phẩm Republic của ông.

Chúng ta biết rằng (từ Diogenes Laertes) các học trò của Zeno đã nghiên cứu kỹ về vấn đề này. Ariston là tác giả bài Dissertations on Love (Bài luận về tình yêu), và Cleanthes viết Bàn về Hôn nhân, Tình yêu và Tình bạn. Học trò của người sau, Sphaerus, được cho là đã viết Dialogues on Love (Đối thoại về Tình yêu). Nếu chúng ta sở hữu những bài viết này thì chắc chắn chúng ta sẽ có được một bức tranh hoàn chỉnh hơn rất nhiều về những bài giảng của phái Khắc kỷ về tình yêu và các mối quan hệ.    

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có một số bài thảo luận hữu ích. Ví dụ, trong bài giảng số 13 Musonius Rufus tập trung vào “mục đích chính” của hôn nhân. Đọc nhanh qua bài giảng này có thể hiểu là Rufus xem ham muốn tình dục và chuyện quan hệ tình dục hoàn toàn lệ thuộc vào mục đích sinh đẻ. Những hãy xét kỹ điều ông ấy nói:

Mục đích chính của hôn nhân là cuộc sống chung nhằm để sinh con. Người chồng và vợ, ông thường nói, nên đến với nhau vì mục đích gây dựng cuộc sống chung và sinh con, và hơn thế nữa là tất cả mọi thứ chung giữa họ, và không có thứ gì là riêng biệt hay cá nhân với bất cứ người nào, ngay cả thể xác của chính họ.

Một mối quan hệ cam kết phải bao gồm–một mối quan hệ thực sự “thuận theo tự nhiên”–là một mối quan hệ thân mật ngày càng phát triển, một đời sống chung và trải nghiệm cùng nhau. Trên thực tế, như ông ấy chỉ ra, bạn thậm chí chẳng cần kết hôn để sinh con đẻ cái. Việc đó chỉ cần quan hệ tình dục khác giới là đủ.

Sự ra đời của một con người nhờ một cuộc hôn nhân như vậy chắc chắn là một điều màu nhiệm, nhưng nó vẫn chưa đủ cho mối quan hệ vợ chồng, bởi vì ngoài hôn nhân, nó có thể là kết quả từ bất kỳ mối quan hệ tình dục nào khác, như trong trường hợp của động vật

Còn cần thêm điều gì nữa? Ông ấy khuyên chúng ta rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần bao gồm cả tình bạn, yêu thương nhau, và một tình cảm và hành động bất biến.

Khi ấy tình yêu dành cho nhau này thật hoàn hảo và cả hai chia sẻ nó một cách trọn vẹn, mỗi bên đều cố gắng vượt người kia về mức độ tận tụy, hiến dâng, cuộc hôn nhân này thật lý tưởng và đáng ganh tị, một cuộc hôn nhân như thế đẹp đẽ biết chừng nào.

Ngược lại:

Nhưng khi mỗi người chỉ quan tâm đến lợi ích của mình và bỏ mặc lợi ích của người khác, hoặc, còn tệ hơn nữa là, khi một người sống cùng nhà nhưng lại hướng sự quan tâm đến nơi khác và không sẵn sàng hợp sức cũng như không hòa thuận với người vợ/người chồng của mình, khi ấy cuộc hôn nhân này chắc chắn sẽ là thảm họa và dù họ đang sống với nhau, song lợi ích chung của họ bị tàn hại; cuối cùng họ ly biệt hoặc họ vẫn sống bên nhau và chịu đựng thứ còn tồi tệ hơn cả nỗi cô đơn.

Theo quan điểm của Rufus–và tôi cho rằng đây có thể được xem như một quan điểm chung của phái Khắc kỷ–điều này đòi hỏi sự cam kết và tính cách từ cả hai bên trong mối quan hệ.  Gia thế hay dòng dõi của một người, sự giàu có hay tài sản của một người, thậm chí liệu trông đối phương có xinh đẹp, quyến rũ hay không– chúng không quan trọng lắm đâu. Trên thực tế, chỉ cần khỏe mạnh hay có “ngoại hình bình thường” là đủ tốt rồi. Vậy khi ấy điều gì mới quan trọng?

Đối với tính cách hoặc tâm hồn, người ta nên kỳ vọng rằng đối phương cần có thói quen tự chủ, tiết độ và công bằng, và nói ngắn gọn là, hướng đến phẩm hạnh. Những phẩm chất ấy nên hiện hữu ở cả người đàn ông và người vợ. Vì nếu không có sự đồng điệu về tâm hồn và tính cách giữa vợ và chồng, thì hôn nhân có thể tốt đẹp ở chỗ nào, lợi thế của việc kết đôi là gì? Làm sao hai người hèn hạ có thể cảm thông với người kia? Hoặc làm sao một người tốt đẹp có thể hòa hợp được với một kẻ xấu xa?

Khi bàn đến tình yêu, các mối quan hệ tình ái và tình bạn, chúng ta ta có thể rút ra và thảo luận nhiều thứ một cách hệ thống từ các văn bản và các nhà tư tưởng phái Khắc kỷ khác. Cicero, Epictetus, Seneca, và Marcus, mỗi người đều có một vài quan điểm để đóng góp. Ngay cả nhà thơ Persius–trong số các nguồn khác–có thể có một điều gì đó thú vị để đưa vào. Để giữ cho bài viết được ngắn gọn, tôi sẽ tạm gác dự án đó cho dịp khác. Thứ có liên quan/phù hợp nhất ở đây đó là phái Khắc kỷ vẫn duy trì phạm vi cho ham muốn tình dục và hưởng thụ trong các mối quan hệ.

Một mối quan hệ sẽ không thể bền vững, sâu sắc hoặc thậm chí thú vị (về các phương diện khác), nếu một người hoặc cả hai người hoàn toàn đứng ở cấp độ của ham muốn, thu hút tình dục, hoạt động tình dục hay lạc thú tình dục. Nhưng trong khuôn khổ của một mối quan hệ tình ái hoặc quan hệ lãng mạn, hợp nhất khía cạnh tình dục của mối quan hệ với sự đồng hành, phẩm chất đạo đức và tình bạn là điều khả thi - hay tốt hơn, là đáng khao khát. Đây là nơi là kiểu tình yêu tốt đẹp–và thậm chí là “đức hạnh trong tình dục”–sẽ có cơ hội để phát triển đầy đủ nhất.

Vậy tất cả những điều này muốn nói với chúng ta điều gì trong hiện tại? Một số người có thể lấy lý tưởng Khắc kỷ này về một cuộc hôn nhân tốt đẹp giữa một người đàn ông và phụ nữ và mở rộng nó theo hai hướng. Một mặt, nó có thể được mở rộng vượt ra khỏi những giới hạn về quan hệ khác giới để bao gồm một loạt những mối quan hệ cặp đôi khác mà trong đó sự thu hút và hoạt động tình dục được thực hiện trong bối cảnh của một mối quan hệ thân mật. Mặt khác, có lẽ nó không đòi hỏi người ta phải là một cặp vợ chồng hợp pháp mà chỉ cần là những người tình cam kết dài hạn để sống kiểu đời sống chung đó.

Chủ nghĩa Khắc kỷ cho người độc thân 

Còn đối với những ai chưa tìm được một người phù hợp để xây dựng và tận hưởng mối quan hệ đó thì sao? Các nhà Khắc kỷ sẽ nói với người độc thân điều gì? Đây là một câu hỏi quan trọng, và nó lại làm dấy lên nhiều câu hỏi khác nữa.

Ví dụ: Chạy theo ham muốn tình dục là điều tốt hay xấu đối với người độc thân? Có nên buông thả theo ham muốn tình dục không? Hay nó là một trò giải trí? Còn việc trở thành đối tượng được người khác khao khát thì sao? Đó có phải là điều mà con người nên khao khát, hay nhìn nhận nó bằng thái độ dửng dưng, hay thậm chí ác cảm với nó? Liệu chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi có một mối quan hệ bao gồm hay có thể bao gồm ham muốn và hoạt động tình dục? Theo quan điểm của phái Khắc kỷ thì có vấn đề gì không khi con người có “tình một đêm” hay có những mối quan hệ “trên tình bạn, dưới tình yêu”.   

Bạn sẽ nhận thấy trong tài liệu cổ điển của phái Khắc kỷ, có khuynh hướng thận trọng đối với ham muốn và lạc thú tình dục. Suy cho cùng thì cơ thể được cho là một thứ không quan trọng. Và lạc thú–mặc dù nó đi cùng với những hoạt động phù hợp với bản chất của chúng ta, cả cơ thể và tâm trí–không phải là điều thiện. Chúng ta có thể dễ dàng bị lạc lối, trở nên sa đọa, mất tự do, bị nhiễu loạn, thấy bản thân chúng ta “bị ngăn trở”, khi ta cho phép tâm trí và cơ thể mình bị lôi cuốn theo ham muốn tình dục tự nhiên. Thêm vào đó là những tác động của nền văn hóa con người, trộn lẫn ham muốn tình dục và khoái lạc tình dục với đủ thứ vấn đề khác được phơi bày như điều tốt hoặc điều xấu với chúng ta, và mọi chuyện thậm chí còn trở nên rắc rối hơn.

Nhiều đoạn trong Enchiridion của Epictetus đề cập trực tiếp đến chuyện tình dục. Chẳng hạn, ông ấy khuyên chúng ta:

Trong trường hợp mà mọi chuyện xảy đến với bạn, hãy nhớ quay về với chính mình và xem bạn đang có những khả năng gì để ứng phó với chúng. Nếu bạn nhìn thấy một người đàn ông hay phụ nữ quyến rũ, bạn sẽ thấy khả năng kiểm soát bản thân là năng lực để tận dụng. (10)

Và ông khuyên bảo:

Khi nói đến vấn đề tình dục [aphrodisia], hãy giữ cho bản thân trinh khiết nhất có thể trước khi kết hôn. Nếu anh đang say sưa với chuyện ấy thì nhớ chỉ nên hưởng thụ những khoái lạc hợp pháp. Nhưng đừng khó chịu hay chỉ trích những kẻ hưởng thụ [lạc thú tình dục đó]. Cũng đừng thường xuyên đề cập đến việc bản thân anh không chạy theo lạc thú tình dục. (33)

Ý tưởng chủ đạo là tình dục là một điều được người Khắc kỷ quản lý một cách khôn ngoan.  Tình dục không nhất thiết là thứ mà con người cần tách mình hoàn toàn khỏi nó, nhưng một người nên duy trì nó trong một quan điểm hợp lý liên quan đến các ưu tiên quan trọng hơn. Trong tác phẩm ngắn đó có nhiều đoạn khác có thể dễ dàng áp dụng cho chuyện hẹn hò, ham muốn, những mối quan hệ thời hiện đại và những cảm xúc và suy nghĩ thường nảy sinh từ tình yêu (và một lần nữa, một liệu pháp toàn diện hơn sẽ kết hợp và diễn giải những đoạn văn từ tác phẩm Discourses của Epictetus, cũng như các tác phẩm của Seneca, Musonius, Marcus Aurelius, Cicero, và những người khác).

Ví dụ, hãy xem xét chuyện một số người dễ dàng tổn thương cảm xúc như thế nào khi sự việc không diễn ra theo cách họ muốn, hoặc mong đợi, hay hy vọng. Một ví dụ phổ biến cho điều này là khi một người bị thu hút trước người khác, và mong đợi một mối quan hệ, hay có lẽ chỉ là một cuộc hẹn, hoặc (hạ thấp tiêu chuẩn hơn nữa) “đi chơi”–nhưng đối phương thì lại không thích họ. Một ví dụ phổ biến khác xảy ra với những “trai ngoan” (hay gái ngoan) người đã đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực cho mối quan hệ mà họ ôm hy vọng là cuối cùng sẽ trở thành tình yêu, nhưng rốt cuộc lại rơi vào vùng bạn bè “friend-zoned”. Epictetus có thể cho lời khuyên gì?

Hãy nhớ trong cuộc sống bạn nên cư xử giống như cách bạn cư xử tại một bữa tiệc. Như một món ăn được chuyền đi xung quanh và rồi đến lượt bạn; hãy đưa tay ra đón và lấy phần của mình một cách thật lịch sự...Hoặc khi chưa đến lượt bạn, thì chớ thể hiện tham muốn có được nó, mà hãy chờ cho đến khi nó đến trước mặt bạn. (15)

Các mối quan hệ cũng đến với chúng ta theo cách tương tự như thế, và mặc dù những lựa chọn và cố gắng của chúng ta có thể đóng một vai trò như chất xúc tác, song chúng xảy ra theo nhịp độ và dựa theo thời gian biểu của sự phát triển của riêng chúng. Sự kiên nhẫn cộng với thái độ sẵn sàng chấp nhận–thay vì cố tình níu kéo hay thúc ép những ham muốn để chúng chạy quá xa khỏi tầm tay của ta–có thể chính xác là những gì một người cần đến.

Có một người được mọi người tôn kính hơn anh? . . . Bây giờ nếu những điều đó là tốt lành, anh nên mừng vì người ấy có được chúng; nhưng nếu là xấu xa, thì cũng đừng đau khổ vì anh không nhận được chúng; và hãy nhớ rằng, nếu anh không hành xử giống như những kẻ khác, nhằm để giành lấy những thứ không thuộc quyền kiểm soát của chúng ta, thì anh không thể coi là xứng đáng nhận được một phần ngang bằng với những người khác. (25)

Hãy tưởng tượng bạn đang thích một ai đó, nhưng họ lại thích người khác, người mà họ bị cuốn hút. Liệu có hợp lý không khi xem người kia như tình địch, cho rằng họ đang làm hại bạn theo cách nào đó, hay xem đối tượng mà bạn yêu là đang làm tổn thương tình cảm của bạn? Từ quan điểm của phái Khắc kỷ, câu trả lời chắc chắn là Không–dù đối với một số người chắc chắn họ phải dành một chút thời gian và nỗ lực để đi đến được quan điểm này. 

Đây cũng là một đoạn văn hay để suy ngẫm khi một người có cảm giác đặc quyền hay thể hiện cảm giác đặc quyền đối với tình cảm hoặc mong muốn của người khác. Người đó có xứng đáng với tình cảm ấy không? Dĩ nhiên, hãy nhớ là con người không phải là robot có những cái nút mà chúng ta có thể ấn nút, kích hoạt chương trình của họ–nếu quả thực người này có tình cảm, ham muốn tình dục đối với những người có của cải tài sản, tài năng hay năng lực để trao tặng, mà bạn thì lại không có chúng, khi ấy chẳng phải là vô lý sao khi mong đợi người kia cũng có cảm xúc và bày tỏ tình cảm tương tự đối với chúng ta?   

Bạn thật bất công và do đó, tham lam vô độ khi từ chối trả giá để mua những thứ như vậy, bạn muốn sở hữu chúng mà không phải trả giá.

Trong một ví dụ cuối cùng, chúng ta hãy quay lại với một mối bận tâm chung trở nên căng thẳng hơn đối với một số người trong ngày Valentine nhưng có thể khiến một người cảm thấy khó chịu suốt cả năm–cảm giác không có người yêu phản ánh con người họ có điều gì đó sai sai. Tất nhiên là một số người sở hữu những nét tính cách hay những giả định có xu hướng xua đuổi những người yêu tiềm năng–ví dụ, than phiền rằng “tất cả đàn ông” hay “tất cả phụ nữ đều...” trong các cuộc hẹn hò–nhưng con người có khả năng thay đổi những yếu tố phá hỏng chuyện hẹn hò đó. 

Điều tôi đang nói đến là người cảm thấy tồi tệ về bản thân anh/cô ấy vì họ không phải là đối tượng được bất kỳ ai khao khát yêu. Họ có thể cảm thấy mình kém hấp dẫn, không đáng yêu,    bị cô lập và cô đơn. Điều này có thể đặc biệt khó khăn khi một người quay lại tình trạng độc thân sau khi kết thúc một mối quan hệ, vì chia tay hay ly dị. Ở đây có hai đoạn văn có thể hữu ích.

Không phải bản thân những chuyện đó làm con người phiền lòng, mà chính những đánh giá của họ về sự việc mới gây nên chuyện. . . Do đó, khi chúng ta bị ngăn trở hay hoảng loạn, hay đau buồn, chúng ta đừng bao giờ đổ lỗi cho ai khác ngoại trừ bản thân chúng ta, tức là, chính những đánh giá của riêng chúng ta (5)

Xin lưu ý rằng Epictetus không ám chỉ rằng một người nên liên tục phán xét chỉ trích bản thân, mà thay vào đó anh hay cô ấy cần xét lại những đánh giá của mình, điều đó bao gồm những lập luận và là kết quả của lập luận. Đoạn thứ hai nói về những ví dụ của lập luận sai lầm.

Những câu sau đại diện cho lập luận kém: “Tôi giàu hơn anh, do đó tôi cao quý hơn anh”, hay “Tôi có tài hùng biện hơn anh, do đó tôi cao quý hơn anh”. Nhưng các kết luận sau đây thì tốt hơn: “Tôi giàu hơn anh, do đó tài sản của tôi nhiều hơn của anh; hay “Tôi có tài hùng biện hơn anh, do đó nghệ thuật nói chuyện của tôi cao trội hơn anh”. Nhưng anh không phải là tài sản hay nghệ thuật nói chuyện. (44)

Một người có thể có lập luận kém qua những câu tương tự sau với bản thân anh/cô ta. “Tôi không có nổi một người yêu, do đó tôi thua kém những ai có người yêu.” Hay đối với những người đang có một mối quan hệ, “Người yêu của tôi không xinh đẹp, cũng chẳng thông minh hay (thay thế bất kỳ điều gì bạn thích ở đây) như người yêu của ai kia, do đó tôi thua kém người đó.” Hoặc “cuộc đời của tôi không tốt đẹp bằng ai kia,”...– bạn có thể đưa ra đủ mọi loại lập luận tương tự, tất cả chúng đều sai lầm giống nhau, theo quan điểm của phái Khắc kỷ. Giải phóng một người khỏi những giả định, những suy luận và kết luận sai lầm ấy không chỉ khiến người đó cảm thấy tốt hơn - hay chí ít thì cũng đỡ khổ hơn. Nó cũng giúp người đó tiến gần hơn một chút trong việc phát triển phẩm hạnh thận trọng, khôn ngoan một lợi ích đích thực cho cuộc đời của họ.

Phái Khắc kỷ cổ đại xem tình yêu lãng mạn hay tình ái–ít nhất thì trong một số trường hợp, và như cảm nhận của một số người–là điều tốt đẹp và đáng giá. Tuy nhiên, con người ta vẫn có thể sống một cuộc đời viên mãn theo tiêu chuẩn của người Khắc kỷ dù họ có tìm được một người yêu hấp dẫn hay một mối quan hệ kéo dài hay không. Điều mấu chốt là tu dưỡng và sống theo các phẩm hạnh, sự phát triển của những năng lực và phẩm chất đạo đức của một người, và điều đó–theo quan điểm của phái Khắc kỷ–là thứ khiến cho một con người thực sự đáng khao khát.

 

Nguồn: https://modernstoicism.com/stoicism-erotic-love-and-relationships-by-greg-sadler/

 

menu
menu