Chủ nghĩa sùng bái vật chất: Làm sao để không bị trở thành nô lệ của tiền bạc

chu-nghia-sung-bai-vat-chat-lam-sao-de-khong-bi-tro-thanh-no-le-cua-tien-bac

Tiền chỉ là một trong những thứ được đem ra để đánh giá con người một cách tùy tiện. Bản thân nó không có chút giá trị nào cả.

Một buổi chiều mùa hè nọ, một nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp tới thăm nhà vị giáo sư đáng kính đã từ dạy dỗ họ. Những sinh viên này vừa ra trường được khoảng một năm và bắt đầu bước chân vào “đời thực”, đối mặt với mọi thứ thất bại và thất vọng trên đời.

Suốt cả buổi, họ kể lể với vị giáo sư về cuộc sống khó khăn sau khi ra trường. Họ phàn nàn về những giờ làm việc dài dằng dặc, những vị sếp hách dịch, thị trường việc làm đầy cạnh tranh, và mọi người suốt ngày chỉ trò chuyện và quan tâm đến tiền, tiền, tiền.

Sau một lúc, người thầy giáo đứng lên và pha chút cà phê. Ông lấy ra sáu cái cốc cho sáu người học trò của mình. Ba chiếc cốc là loại dùng một lần rẻ tiền và những chiếc còn lại làm bằng loại gốm sứ đẹp lung linh nhất. Sau đó ông yêu cầu mọi người tự nhận cốc của mình.

Chỉ trong vài giây, cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra. “Chờ đã, sao cậu lại lấy cái cốc đó?” “Cái đó là của tôi, tôi là người lái xe.” “Tôi chọn cốc này ngay từ đầu, tự lấy cái cốc khác đi”... Mọi người cười nói và trách móc người khác tại sao lại dùng cốc này cốc kia. Một cuộc đua thầm lặng giữa những người bạn.

Khi tất cả học trò đã yên vị, giáo sư cười nói: “Các cô cậu đã thấy chưa? Đó chính là vấn đề. Cô cậu cãi nhau chỉ để được uống bằng cái cốc đẹp nhất trong khi những gì mọi người thực sự muốn lại là cà phê.”

Tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm. Bởi vì hầu hết mọi người ở một góc độ nào đó đều tự “ra giá” và định vị bản thân: chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền. Theo nghĩa đen, nó chính là  thứ để đem ra đánh giá năng lực và kĩ năng của một người. Vì lẽ ấy, chúng ta đứng ngồi không yên, cảm thấy bất an khi nói về chuyện tiền bạc.

Tuy nhiên tiền bạc chỉ là một trong những thứ được đem ra để đánh giá con người một cách tùy tiện. Bản thân nó không có chút giá trị nào cả.

Có rất nhiều thứ mang lại giá trị trong đời ta. Thời gian là một loại giá trị. Tri thức là một loại giá trị. Hạnh phúc và các cảm xúc tích cực khác cũng thế. Tiền bạc chỉ là thứ phương tiện để truyền tải và chuyển đổi các dạng thức khác nhau của giá trị.

Tiền không phải là là nguyên do khiến cho người ta giàu có. Nó là kết quả. Tương tự như thế, khi mọi người khẳng định rằng tiền gây ra nhiều vấn đề cho họ, thực ra họ đã nhầm. Tiền bạc thường là hệ quả đáng chú ý nhất được tạo ra bởi những rắc rối của họ.

Tiền như một thứ dung dịch. Nó chỉ có giá trị khi được đem ra lưu thông. Vì thế nó chính là sự phản chiếu giá trị của người sở hữu.

Mọi người thường nhầm lẫn giàu có với việc sở hữu nhiều thứ hay đạt được danh tiếng, thành quả gì đó. Tôi có thể bỏ tiền trong thẻ tín dụng ra để mua túi Hermes, đi siêu xe của Lamborghini, chụp ảnh tự sướng với Sơn Tùng MTP nhưng điều đó không làm tôi giàu có hơn. Ngược lại, nó khiến tôi trông như một kẻ khốn khổ.

Có một câu nói trong phim Fight Club (Sàn đấu sinh tử) như thế này: “Những thứ mày sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu lại mày.” Chủ nghĩa sùng bái vật chất nhìn chung là một cạm bẫy về tâm lí. Không quan trọng bạn có bao nhiêu, mua bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu, bệnh dịch tham lam sẽ không bao giờ kết thúc. Trong khi đó, bạn vẫn tiếp tục làm việc nhiều hơn, đương đầu với những nguy cơ lớn hơn, cứ thế mãi cho tới hết đời.

Tiền bạc vốn là một thứ vô hại. Nó chỉ như chiếc bình chứa đựng trải nghiệm được trao đổi qua lại giữa hai người. Bạn kiếm tiền bằng cách tạo ra nhiều trải nghiệm cho những người khác. Sau đó bạn lại trả tiền cho họ để nhận về trải nghiệm.

Ngay cả khi bạn mua các giá trị vật chất như trang sức hay siêu xe, bạn không chỉ mua hàng hóa, mà là cả trải nghiệm khi lái xe hay đeo trang sức đó: sức mạnh, tốc độ, địa vị xã hội. Bạn đang mua đồ trang trí cho danh tính của mình, cảm giác khi sở hữu và sử dụng nó, ngay cả khi nó không làm bạn hạnh phúc.

Có thể nói rằng hầu hết giá trị của bất kỳ món hàng nào không phải là tiền tệ.

Khi bạn mua đồ ăn, bạn đang đang mua những thứ giúp bạn vượt qua cơn đói. Bạn đang tạm thời mua sức khỏe và hạnh phúc. Khi bạn đi du lịch với gia đình, bạn đang trả tiền để có cơ hội trải nghiệm những thứ mới mẻ và củng cố mối quan hệ với các thành viên. Khi bạn mua một bộ quần áo mới, bạn không chỉ mua vải vóc và nhãn hiệu, bạn đang mua những tín hiệu xã hội thông báo rằng mình đang đầu tư cho chính bản thân, quan tâm tới bản thân một cách nghiêm túc đủ để làm chỗ dựa cho người khác.

Bởi vì tiền là một thứ trao đổi những trải nghiệm nên kết quả nó sẽ trở thành một vòng tuần hoàn: chúng ta tiếp nhận những trải nghiệm (tiêu cực) để kiếm tiền, rồi dùng tiền để mua lại trải nghiệm (Tích cực). Đến khi hết tiền, chúng ta lại buộc phải quay lại với những trải nghiệm tiêu cực và chu kì lại bắt đầu.

Vòng tròn Căng thẳng: Vài người kiếm tiền bằng cách đương đầu với stress. Họ làm những công việc áp lực cao hoặc trong một vị trí mà suốt ngày bị chỉ trích hay đe dọa. Sau đó họ tiêu tiền chủ yếu để giải tỏa căng thẳng để bù lại cho sự khắc nghiệt mà công việc của họ tạo ra. Những người này thường luẩn quẩn trong vòng tròn tạo-ra-stress và giảm-bớt-stress mà không hề tạo ra hạnh phúc thật sự

Vòng tròn Bản ngã: Một vài người làm việc trong môi trường khiến họ cảm thấy mình vô dụng, tầm thường, bất lực. Những người này sau đó xua đuổi sự bất an của bản thân bằng cách bỏ tiền ra mua những món đồ thể hiện rằng mình là người “thượng đẳng”. Họ kiếm tiền thông qua sự bất an và tiêu tiền để chế ngự điều đó.

Vòng tròn Đau đớn: Những người khác làm đau chính mình để kiếm sống. Có thể là về mặt thể chất (đấu sĩ quyền Anh, người biểu diễn nuốt kiếm) hay về mặt tinh thần (bán dâm, bị sếp và đồng nghiệp quấy rối tình dục hay luồn cúi để được lên chức). Họ dùng tiền để giảm nhẹ các cơn đau, ví dụ như sử dụng rượu, ma túy hay những trò tiêu khiển khác.

Giàu có thật sự chỉ đến khi chúng ta kiếm và tiêu tiền đúng cách — khi chúng được tạo ra bởi những trải nghiệm tích cực và được dùng để mua những trải nghiệm tích cực. Những người rơi vào vòng xoáy trải nghiệm tiêu cực như trên sẽ trở thành nô lệ của tiền bạc. Họ bắt đầu thấy tiền bạc trở thành mục đích và động lực duy nhất của cuộc đời.

Khi điều này xảy đến, bạn không còn sở hữu tiền, mà chính nó sẽ sở hữu bạn. Và tiền sẽ tiêu xài bạn cho đến khi bạn dừng lại, hoặc chết đi.

Cách để thoát khỏi những vòng luẩn quẩn vô tận chạy theo từng đồng này và tạo ra sự giàu có thật sự là hãy ngưng việc sử dụng tiền bạc như thước đo cho thành công.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về những điều giá trị cũng như thành công. Tiền bạc thường được đưa lên đầu tiên nhưng nó thực sự không phải một thứ thành công.

Giá trị thực sự của tiền bạc chỉ xuất hiện khi chúng ta dùng nó như một thứ đòn bẩy để đạt được thành công thay vì coi nó như một sự thành công. Khi chúng ta dùng nó để mua trải nghiệm và giá trị mà ta thấy quan trọng hơn. Khi chúng ta dùng nó để xây dựng một công việc đầy tính sáng tạo, lan tỏa trong cộng đồng, khi chúng giúp chúng ta gắn bó với gia đình hay chia sẻ tình yêu thương với bạn bè.

Giá trị thật sự của tiền bạc bắt đầu khi chúng ta có thể nhìn nhận xa hơn, thấy chúng ta tốt hơn và có giá trị hơn nó. Không phải những vật chất mà chúng ta sở hữu, mà là những trải nghiệm tuyệt vời. Cái quan trọng không phải là cái cốc, mà là cà phê được chứa trong đó.

Theo Mark Manson

Trạm Đọc dịch

Tìm đọc cuốn sách mới phát hành của Mark Manson - Will

Đặt sách

Tiki: https://shorten.asia/GgwwynuG

Shopee: https://shope.ee/2KztBeEiMC

 

menu
menu