Chúng ta ai cũng cô đơn – vậy, liệu ta có thể trở thành bạn của nhau?

chung-ta-ai-cung-co-don-vay-lieu-ta-co-the-tro-thanh-ban-cua-nhau

Dù cảm giác cô đơn có thể đau đớn và đáng sợ đến mức nào, nó thực chất chỉ là một ảo giác – hệ quả đáng buồn của việc chưa hiểu đủ về những con người xung quanh.

Dù cảm giác cô đơn có thể đau đớn và đáng sợ đến mức nào, nó thực chất chỉ là một ảo giác – hệ quả đáng buồn của việc chưa hiểu đủ về những con người xung quanh. Trong những góc khuất cô lập của chính mình, ta thường tạo nên một bức tranh sai lệch về đồng loại – một bức tranh tàn nhẫn và xa rời thực tế. Ta tự hủy hoại sự tự tin bằng niềm tin rằng chỉ có mình mới ôm trong lòng những hối tiếc không thể xóa nhòa, chỉ có mình mới dại khờ và đáng chán, chỉ có mình mới nói ra những điều ngốc nghếch và ngây thơ, chỉ có mình mới lạc lối, rối bời, lúc tuyệt vọng, lúc hy vọng, lúc lo lắng, lúc mong manh. Thật khó để không tin rằng ta là người duy nhất không có ai bên cạnh, hay sẽ lại lẻ loi trong một buổi tối thứ Bảy nữa.

Nguyên nhân sâu xa của sự cô đơn, nói cách khác, nằm ở việc thiếu đi những thông tin đáng tin cậy về bối cảnh thực sự mà cảm giác này đang diễn ra; đó là sự nhầm lẫn đầy bi kịch khi cho rằng ta cô đơn trong chính cảm giác cô đơn của mình.

Nhưng tự nhiên không tạo ra những sự khác biệt lớn đến mức đó. Trên một hành tinh với tám tỷ con người, làm sao ta có thể kỳ lạ đến mức không ai hiểu được? Trớ trêu thay, ta chẳng bao giờ giống người khác nhiều hơn chính lúc ta tin rằng mình cô độc. Nếu có thể tin điều này, ngay bây giờ, người nổi tiếng cũng đang cô đơn, người thành đạt cũng cô đơn, người đẹp rạng rỡ và tưởng như không gặp vấn đề gì cũng đang cô đơn. Người viết bài này – và cả người đang đọc nó – cũng cô đơn. Người này không thể nói ra giới tính thật của mình; người kia không dám nhờ ai giúp đỡ vì sợ bị từ chối. Người này khóc mỗi tối nhưng lại cười rất tươi mỗi ngày; người kia trông có vẻ mạnh mẽ nhưng lại ngỡ rằng ai cũng đang chế nhạo mình. Nếu tất cả những tiếng thở dài được gom lại, chúng sẽ trở thành âm thanh buồn nhất, não nề nhất trong vũ trụ.

Giữa thế kỷ 21, ta vẫn chẳng khá hơn trong việc dàn xếp những cuộc gặp gỡ để phá bỏ bức tường ngăn cách. Thay vào đó, ta tiếp tục dựa vào những thứ gọi là “tiệc tùng”, nơi ta lúng túng với những câu hỏi vô nghĩa, giống như những con thú đang cố mở nắp một hũ mật ong: “Gần đây có làm gì thú vị không?”, “Dịp lễ này có kế hoạch gì chưa?” Chúng ta chưa tiến xa hơn thời của người Sumer cổ đại.

Công bằng mà nói, trong lịch sử, cũng có những người đầy tham vọng tìm cách tái định nghĩa sự kết nối giữa con người. Những tu sĩ và nữ tu từng rút lui vào những công trình tuyệt mỹ nơi đồng quê để xây dựng những cộng đồng tâm linh, nơi các linh hồn có thể hòa vào nhau dưới sự chở che của một vị thần nhân từ. Hay các chủ nhà quý tộc từng tổ chức những bữa tiệc sang trọng, những buổi tọa đàm trí tuệ, nơi nhà ngoại giao gặp nhà khoa học, và người dí dỏm có thể làm vui lòng vị mục sư. Nhưng tất cả những điều đó dường như chẳng giúp ích bao nhiêu. Dù sống giữa thành phố với 10 triệu người, ta vẫn có thể không có ai để ăn tối cùng. Dù mang trong mình cả một thế giới để sẻ chia, hầu hết chúng ta có lẽ vẫn nên cảm thấy may mắn nếu đến cuối đời có được hai người bạn thực sự.

Nghệ thuật có thể, vào một ngày đẹp trời, đóng vai trò như sợi dây cứu rỗi. Ta thường tự hỏi nghệ thuật thực sự tồn tại vì điều gì; câu trả lời ở đây là: nghệ thuật chạm đến mục đích cao cả nhất khi nó giới thiệu ta với những góc sâu thẳm trong tâm hồn người khác, khi nó nói ra những điều ta muốn nói nhưng không dám, khi nó trở thành một người bạn lý tưởng mà ta hằng tưởng tượng nhưng hiếm khi gặp được.

Mỗi khi nghệ thuật làm được điều đó – qua một bộ phim, một cuốn tiểu thuyết, một bài thơ, hay một bộ ảnh – ta thường cảm thấy kinh ngạc. “Thật kỳ diệu,” ta nghĩ, “hóa ra mình không hoàn toàn khác biệt như vẫn tưởng.” Có lẽ, bất chấp mọi lớp vỏ bọc, chúng ta đều là anh chị em của nhau trong cách đẹp đẽ, giải phóng và xúc động nhất: ở Sydney và La Paz, Ennetmoos và Accra, tất cả đều có chút điên rồ, mãnh liệt, vụn vỡ, lý tưởng, tuyệt vọng và khao khát. Trong một khoảnh khắc, ta cảm nhận được sự hòa làm một của tất cả những tâm trạng đó. Bỗng dưng, mọi sự dè dặt và nghi ngờ trong bao năm qua dường như trở nên vô nghĩa. Toàn bộ bức tường phòng thủ của ta được dựng lên từ một sai lầm. Ta đã luôn sống giữa bạn bè, giữa anh chị em, nhưng lại không hề hay biết. Ý nghĩ này có thể thay đổi mọi thứ.

Dạng hạnh phúc này đôi khi quá lớn lao, đến mức ta khó mà chịu đựng nổi. Đó có lẽ là lý do vì sao, giống như những ý tưởng trọng yếu khác, nó có xu hướng yếu dần theo thời gian. Ta cần những lời nhắc nhở thường xuyên về sức mạnh – và tiềm năng cách mạng – của nó.

Chính trong lời thú nhận về cảm giác cô đơn, ta có thể tìm thấy sự cứu rỗi. Một khi ai đó nói “Tôi cô đơn”, chẳng còn lý do gì để tin rằng sự cô đơn của mình là độc nhất nữa. Đó có lẽ là lời nói hào phóng nhất mà một con người có thể thốt ra. Nguyên nhân của cô đơn là một huyền thoại, một huyền thoại độc ác về việc thế nào là một người bình thường. Ta không bao giờ thiếu nhân tính, không bao giờ thiếu cơ hội để kết bạn, chỉ thiếu thông tin mà thôi.

Nguồn: WE ARE ALL LONELY – NOW CAN WE BE FRIENDS? - The School Of Life

menu
menu