Vì sao người có kiểu gắn bó lo âu và người có kiểu gắn bó né tránh lại hút nhau?

vi-sao-nguoi-co-kieu-gan-bo-lo-au-va-nguoi-co-kieu-gan-bo-ne-tranh-lai-hut-nhau

Những kiểu gắn bó bất an tưởng chừng trái ngược lại thường có xu hướng hình thành mối quan hệ với nhau.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Mối quan hệ giữa người có kiểu gắn bó lo âu và người có kiểu gắn bó né tránh thường mang đặc điểm “kéo - đẩy”.
  • Cả hai có thể bị thu hút bởi những đặc điểm ở đối phương mà họ mong muốn có trong chính mình.
  • Tự nhận thức, thấu hiểu các kiểu gắn bó và trị liệu tâm lý có thể giúp phát triển một mối gắn bó an toàn hơn.

Lý thuyết gắn bó cho rằng cách chúng ta hình thành mối liên kết tình cảm từ thuở ấu thơ sẽ ảnh hưởng đến kiểu gắn bó và hành vi của ta trong các mối quan hệ trưởng thành. Theo nghiên cứu của bác sĩ tâm thần kiêm nhà phân tâm học John Bowlby cùng nhà tâm lý học phát triển Mary Ainsworth, có ba kiểu gắn bó bất an chủ yếu: lo âu, né tránh và hỗn loạn.

Điều đặc biệt là những người mang kiểu gắn bó lo âu và những người thuộc kiểu né tránh thường lại bị thu hút lẫn nhau. Vì sao lại như vậy, khi mà nhu cầu tình cảm của họ có vẻ quá khác biệt?

Source: Wonderlane / Unsplash

Kiểu gắn bó lo âu

Người mang kiểu gắn bó lo âu thường sợ bị bỏ rơi và luôn tìm kiếm sự gần gũi, trấn an từ người yêu. Họ dễ cảm thấy bất an, lo lắng mỗi khi người kia trở nên xa cách, và thường xuyên cần được xác nhận rằng mình được yêu thương. Kiểu gắn bó này thường bắt nguồn từ một tuổi thơ thiếu nhất quán trong việc chăm sóc, khi người nuôi dưỡng lúc thì quá can thiệp, lúc lại lạnh nhạt, thờ ơ về mặt cảm xúc.

Kiểu gắn bó né tránh

Trái lại, người mang kiểu gắn bó né tránh thường không thoải mái với sự thân mật tình cảm. Họ đề cao sự độc lập và tự chủ, có xu hướng giữ khoảng cách về mặt cảm xúc hoặc thể chất khi mối quan hệ trở nên quá gần gũi hay đòi hỏi quá nhiều. Kiểu gắn bó này thường hình thành khi trẻ lớn lên với những người chăm sóc ít khi thể hiện sự ấm áp, luôn xa cách và không đáp ứng về mặt tình cảm.

Sự hấp dẫn giữa hai kiểu gắn bó đối lập

Sự tương tác giữa hai kiểu gắn bó này thường tạo nên một mối quan hệ kiểu “kéo - đẩy”: người lo âu luôn muốn xích lại gần để tìm cảm giác an toàn, trong khi người né tránh lại cảm thấy bị choáng ngợp và lùi lại vì thấy bị đòi hỏi quá nhiều. Sự khác biệt này khiến cả hai rơi vào vòng luẩn quẩn: một người cứ mãi theo đuổi, người kia cứ mãi lẩn tránh – và rốt cuộc, không ai cảm thấy được thỏa mãn trong mối quan hệ.

Sự cuốn hút giữa họ có thể bắt nguồn từ nhu cầu vô thức muốn bù đắp những tổn thương thời thơ ấu chưa từng được chữa lành. Người lo âu có thể bị cuốn hút bởi người né tránh vì họ cảm thấy đây là một thử thách, một cơ hội để cuối cùng có được sự kết nối mà họ hằng khao khát. Ngược lại, người né tránh lại bị hấp dẫn bởi người lo âu vì chính sự đeo bám và mong cầu thân mật ấy giúp họ củng cố nhu cầu độc lập và tự vệ của bản thân.

Người có kiểu gắn bó lo âu và né tránh đôi khi cũng tìm đến nhau vì họ ao ước những phẩm chất mà đối phương sở hữu. Người lo âu có thể mong mình trở nên lạnh lùng và độc lập hơn để bớt lo lắng trong tình cảm. Trong khi đó, người né tránh lại khao khát cảm nhận được sự thân mật mà người lo âu luôn hướng tới, vì họ cảm thấy mình đang thiếu một phần thiết yếu trong đời sống gắn bó. Tuy vậy, chính điều thu hút ta ban đầu ở người kia cũng có thể trở thành điều khiến ta tổn thương về sau. Những gì ta ngưỡng mộ ở người khác lại có thể là thứ khiến ta mỏi mệt theo thời gian.

Mối quan hệ kiểu “kéo - đẩy” này thường gây ra cảm giác thất vọng và mệt mỏi. Người lo âu lúc nào cũng như đang đi trên dây, thấp thỏm vì sự xa cách của người né tránh. Còn người né tránh lại cảm thấy ngột ngạt và bị áp lực bởi nhu cầu gần gũi liên tục của người lo âu. Sự giằng co ấy dẫn đến chuỗi ngày lúc gần lúc xa, khiến mối quan hệ luôn trong trạng thái căng thẳng và bất ổn. Khi cảm thấy quá tải, người né tránh có thể rút lui để nghỉ ngơi, và điều đó lại làm dấy lên nỗi sợ bị bỏ rơi mãnh liệt ở người lo âu.

Tiến tới gắn bó an toàn

Dĩ nhiên, không phải ai thuộc kiểu gắn bó lo âu hay né tránh cũng bị thu hút lẫn nhau. Kiểu gắn bó của một người cũng có thể thay đổi theo thời gian và từng mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu muốn hướng tới một kiểu gắn bó an toàn, điều đó hoàn toàn có thể, dù cần sự kiên trì và nỗ lực.

Nếu bạn muốn phát triển sự gắn bó lành mạnh hơn, hãy cân nhắc gặp gỡ một chuyên gia sức khỏe tâm thần để cùng khám phá cách những trải nghiệm thời thơ ấu ảnh hưởng đến bạn ngày hôm nay. Một bước quan trọng để tiến gần đến gắn bó an toàn là nhận diện được cội rễ của sự bất an, và học cách thiết lập sự giao tiếp cởi mở, chân thành trong các mối quan hệ.

Người có kiểu gắn bó an toàn thường biết điều hòa cảm xúc của mình, có thể thẳng thắn và tôn trọng khi nói lên nhu cầu, và tin tưởng rằng người kia sẽ hành xử tử tế kể cả khi họ không ở bên nhau. Họ hướng đến sự gắn bó mang tính tương hỗ: cả hai đều có thế giới riêng và những mối quan hệ bạn bè riêng, nhưng vẫn cùng nhau vun đắp khoảng thời gian chất lượng bên nhau. Trẻ em phát triển kiểu gắn bó an toàn thường lớn lên trong vòng tay người chăm sóc biết quan tâm và luôn đáp ứng kịp thời. Khi trưởng thành, những người này cũng thường không lựa chọn những mối quan hệ với người gắn bó bất an, vì họ đủ nhận thức để hiểu rằng mình sẽ không được đáp ứng đúng cách trong mối quan hệ đó.

Tự nhận thức, hiểu về các kiểu gắn bó, tham gia trị liệu, và học kỹ năng giao tiếp hiệu quả sẽ giúp bạn vượt qua vòng xoáy lo âu - né tránh và xây dựng một tình yêu lành mạnh hơn. Gắn bó an toàn không đến trong một sớm một chiều, nó cần cả hai cùng nỗ lực, kiên nhẫn và chân thành. Và nếu người kia chưa sẵn sàng cùng bước đi, bạn vẫn có thể bắt đầu hành trình chữa lành của chính mình.

Nguồn: Why Anxious and Avoidant Attachment Attract Each Other | Psychology Today

menu
menu