Làm sao để thoát khỏi một mối quan hệ độc hại

Rời bỏ một mối quan hệ không lành mạnh là một thử thách lớn.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Khi ở trong một mối quan hệ độc hại, bạn dần trở thành một người xa lạ với chính mình.
- Những mối quan hệ độc hại khó dứt bỏ hơn nhiều so với các mối quan hệ lành mạnh.
- Những can thiệp như trị liệu tâm lý là điều thiết yếu để chữa lành.
Bạn đang mắc kẹt trong một mối quan hệ độc hại và nhận ra mình đã không còn là chính mình nữa. Bạn đang chấp nhận những hành vi từ đối phương mà trước đây bạn từng không bao giờ cho là có thể chấp nhận được. Bạn có thể đang bao che cho người ấy khi họ vắng mặt ở nơi làm việc; bạn có thể đang bào chữa cho những hành vi lạm dụng của cô ấy mỗi khi người thân hay bạn bè tỏ ra lo lắng. Bạn có thể đang sống cùng một người cha hoặc mẹ mang tính cách ái kỷ và luôn áp đặt yêu cầu lên bạn. Bạn vội vàng làm mọi điều để đáp ứng nhu cầu của họ, bởi bạn biết hậu quả nếu không làm vậy. Có thể bạn đang sống với một người bạn đời không chịu đi làm, và bạn là người lo toan cho cả cuộc sống của họ. Thậm chí, bạn còn phải rút đến những đồng tiền tiết kiệm cho tuổi già để giúp họ vượt khó.
Mối quan hệ độc hại cũng bộc lộ trong những chi tiết nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Bạn thường xuyên nói lời xin lỗi cho những điều mà bạn không gây ra. Bạn nén lòng lại không dám bày tỏ nhu cầu của mình, vì bạn tự nhủ: “Dù sao thì cũng chẳng ai quan tâm.” Bạn cố gắng tránh né mâu thuẫn bằng mọi giá để người kia không nổi giận. Thế nhưng bên trong, bạn lại ngày một tích tụ cơn giận và sự oán trách. Bạn bắt đầu cư xử một cách thụ động - hung hăng. Rồi đến một lúc, bạn nói với chính mình: “Mọi chuyện không thể tiếp diễn thế này được nữa.”
Khi bạn đã quyết định chấm dứt một mối quan hệ độc hại, bạn có thể bắt đầu hoài nghi chính mình. Bạn tự hỏi: “Liệu mình làm thế có đúng không?” Thậm chí, bạn lo sợ rằng mình sẽ không thể sống thiếu người ấy. Tuy nhiên, sâu thẳm trong tim, bạn biết rằng đây là quyết định đúng đắn. Và quyết định đúng đắn thường không phải là quyết định dễ dàng nhất. Dưới đây là những điều bạn cần chuẩn bị để có thể bước ra khỏi một mối quan hệ độc hại.
Hiểu lý do vì sao bạn đã ở lại
Rất có thể, đây không phải là lần đầu tiên bạn rơi vào một mối quan hệ độc hại. Có thể bạn từng có một người cha hoặc mẹ mang tính cách ái kỷ – người luôn muốn bạn phụ thuộc vào họ hoàn toàn, nhưng đồng thời lại xua đuổi bạn. Có thể bạn đã từng nỗ lực làm hài lòng người cha/mẹ độc hại ấy, nhưng vô ích. Bạn có thể đã hình thành kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh từ thời thơ ấu. Khi trưởng thành, bạn lại tiếp tục bị thu hút vào những mối quan hệ không lành mạnh, vì chúng khơi gợi những nỗi bất an sâu kín rằng bạn "không đủ tốt." Đôi khi, chính những tổn thương chung lại khiến ta bị cuốn hút vào nhau. Đó là lý do vì sao một người có thể cảm thấy bị hấp dẫn ngay lập tức bởi một người mà họ nghĩ là cần được “cứu rỗi.” Trò chuyện với một chuyên gia tâm lý được cấp phép có thể giúp bạn chạm đến cội nguồn của những vấn đề ấy và mở ra một con đường chữa lành phía trước.
Hãy biết rằng bạn cần can thiệp và trị liệu
Đôi khi, điều bạn cần làm là tạo khoảng cách với mối quan hệ không lành mạnh ấy và tập trung làm việc với chính mình. Ở lại bên một người đối xử tệ bạc với bạn, hoặc phụ thuộc lẫn nhau một cách bệnh lý, thường sẽ không giúp mối quan hệ tốt lên nếu không có sự can thiệp. Can thiệp ở đây bao gồm liệu pháp cá nhân, hoặc trị liệu cặp đôi nếu thấy phù hợp. Nếu bạn cứ tiếp tục duy trì mối quan hệ, nguy cơ mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn là rất cao. Hãy tạm rời xa và tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn. Nếu cả bạn và đối phương đều đang nỗ lực không ngừng để cải thiện cuộc sống và thể hiện những hành vi lành mạnh, thì vẫn có hy vọng để hàn gắn trong tương lai. Nhưng nếu người ấy từ chối thay đổi hoặc không chịu tìm kiếm sự giúp đỡ, thì bạn vẫn nên tiếp tục tiến bước một mình. Việc người ấy không chịu đồng hành cùng bạn trên hành trình hồi phục đã nói lên rất nhiều điều về khả năng tồn tại của mối quan hệ này.
Đừng chấp nhận những lời đe dọa
Khi bạn quyết định rời khỏi một mối quan hệ độc hại, người ấy có thể sử dụng “chiêu bài tống tình” khiến bạn cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ để níu kéo bạn ở lại. Anh ta thậm chí có thể dọa rằng sẽ tự tử nếu bạn bỏ đi. Nếu bạn gặp phải những lời đe dọa như vậy, hãy gọi cho dịch vụ khẩn cấp. Những lời đe dọa như thế cần được xử lý một cách nghiêm túc. Nếu bạn cảm thấy an toàn của mình bị đe dọa, hãy rời đi cùng với một người thân tín hoặc bạn bè. Có những người đã chọn rời khỏi ngôi nhà chung khi đối phương đi vắng, để có thể ra đi trong an toàn và không bị ngăn cản. Để biết thêm thông tin về cách rời bỏ một mối quan hệ một cách an toàn nhất có thể, bạn có thể liên hệ với trung tâm hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình hoặc đường dây nóng quốc gia hỗ trợ nạn nhân bạo hành tại thehotline.org hoặc 1-800-799-7233.
Chữa lành là một hành trình gian nan
Ngay sau khi rời đi, bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm, như thể gánh nặng vừa được trút khỏi vai. Nhưng rồi, cảm xúc đau buồn có thể trỗi dậy – giận dữ, mặc cả, buồn bã. Bạn có thể thấy mình không thể nào sống nổi khi thiếu người ấy. Sự lo âu ban đầu sau khi chia tay có thể thật choáng ngợp. Rất nhiều người sau khi rời khỏi mối quan hệ độc hại đã từng nghĩ đến chuyện tự tử. Nếu bạn cũng đang có những suy nghĩ tổn hại đến bản thân, xin hãy tìm đến sự giúp đỡ thông qua đường dây nóng ngăn ngừa tự tử quốc gia tại suicidepreventionlifeline.org hoặc 1-800-273-8255.
Khi bạn rời khỏi một mối quan hệ độc hại, điều quan trọng là hãy luôn nhớ vì sao bạn lại đưa ra quyết định ấy. Hãy viết nhật ký trong giai đoạn này, để mỗi khi bạn bắt đầu nghi ngờ chính mình, bạn có thể đọc lại lý do đã khiến bạn ra đi và ghi nhận những bước tiến của bản thân. Có lẽ, bạn đã âm thầm đau buồn cho mối quan hệ này từ lâu rồi. Cuộc sống của bạn đã bị ảnh hưởng rõ rệt, và bạn cảm thấy rằng, cuộc đời mình cần phải tốt hơn thế. Can đảm rời đi là một hành động đầy dũng khí. Và nhờ đó, bạn có thể chữa lành, để rồi một ngày nào đó, lại có thể xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và xứng đáng hơn.
Nguồn: How to Get Out of a Toxic Relationship | Psychology Today