Vì sao người độc hại thường buộc tội người khác là độc hại

vi-sao-nguoi-doc-hai-thuong-buoc-toi-nguoi-khac-la-doc-hai

Cơ chế phòng vệ mang tên "phóng chiếu" và những hiểm họa của nó.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Phóng chiếu là một cơ chế phòng vệ tâm lý giúp người ta né tránh trách nhiệm về hành vi của chính mình.
  • Hiểu rõ về phóng chiếu sẽ giúp bạn giữ khoảng cách với hành vi độc hại của người khác.
  • Phóng chiếu có thể phá hoại mối quan hệ qua những lời chỉ trích, buộc tội và thao túng cảm xúc.

Sự độc hại trong các mối quan hệ có thể len lỏi vào đời sống ta một cách âm thầm, từng chút một, để rồi dần đầu độc cảm xúc và sự an yên. Một đặc điểm phổ biến ở những người độc hại là họ thường xuyên sử dụng các cơ chế phòng vệ, trong đó, “phóng chiếu” là vũ khí sắc bén và nguy hiểm nhất. Hiểu về phóng chiếu là điều tối quan trọng nếu bạn muốn đối diện và ứng phó với những người như vậy, giữ vững tinh thần và bảo vệ sức khỏe tâm lý của chính mình. Khi bạn nhận ra rằng hành vi của người độc hại thực chất chỉ là sự phóng chiếu, bạn sẽ dễ dàng tách mình ra khỏi ảnh hưởng tiêu cực đó.

Người độc hại thường hành xử theo những cách gây tổn thương và phá hủy, từ các thủ thuật thao túng, lạm dụng cảm xúc đến việc làm suy sụp lòng tự trọng của người khác. Việc đầu tiên để bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương đó chính là nhận diện được hành vi độc hại.

Image: PeopleImages.com - Yuri A/Shutterstock

Phóng chiếu: cơ chế phòng vệ mang tính tâm lý

Phóng chiếu là một cơ chế phòng vệ vô thức, trong đó con người gán ghép những suy nghĩ hoặc khuyết điểm của bản thân lên người khác. Trong bối cảnh hành vi độc hại, phóng chiếu trở thành công cụ quyền lực để né tránh trách nhiệm và bảo vệ hình ảnh bản thân đang lung lay của người đó.

Người độc hại thường rất khó đối diện với sự thật rằng hành vi của họ là không lành mạnh, thậm chí là lạm dụng. Để tránh phải thừa nhận điểm yếu, cảm giác tội lỗi hay cảm xúc tiêu cực bên trong, họ đẩy tất cả những điều đó lên người khác. Ví dụ, một người cảm thấy tự ti về năng lực của mình có thể quay sang buộc tội người thân là kém cỏi, vô dụng, những điều mà thật ra họ đang thấy ở chính mình.

Hiểu về phóng chiếu qua các biểu hiện thường gặp

  • Đổ lỗi: Người độc hại có tài “né” trách nhiệm. Họ thường đổ hết lỗi lầm của mình lên người khác, biến người đó thành cái cớ cho những sai sót mà lẽ ra họ nên chịu trách nhiệm.
  • Chỉ trích và phán xét: Họ có thể liên tục phán xét và chỉ trích người khác, nhằm che đậy cảm giác tự ti sâu thẳm. Khi phóng chiếu sự nghi ngờ bản thân lên người khác, họ tạo nên một lớp sương mù để che giấu những thiếu sót thật sự của mình.
  • Buộc tội phản bội: Người độc hại thường xuyên nghi ngờ và buộc tội người khác không trung thành. Họ đang phóng chiếu nỗi sợ mất niềm tin lên người xung quanh, từ đó tạo ra một môi trường đầy nghi kỵ và căng thẳng. Thậm chí, họ có thể ám ảnh việc người yêu phản bội, trong khi chính họ mới là người không chung thủy.
  • Thao túng cảm xúc: Phóng chiếu còn là công cụ để thao túng. Người độc hại có thể phóng chiếu sự bất ổn cảm xúc của mình lên người khác, khiến người kia phải gánh vác cả trách nhiệm về tâm trạng và sự ổn định của họ.

Sử dụng phóng chiếu như một cách phòng vệ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ. Người là nạn nhân của phóng chiếu có thể bắt đầu tin vào những lời buộc tội sai sự thật, từ đó hình thành cảm giác tội lỗi, hoang mang và đánh mất lòng tin vào chính mình. Theo thời gian, sự hao mòn lòng tự trọng đó sẽ để lại những hậu quả sâu sắc đến tinh thần. Những mối quan hệ với người độc hại thường xoay quanh vòng luẩn quẩn của căng thẳng, tranh cãi và cảm xúc bất ổn, trong khi người độc hại lại luôn từ chối nhìn nhận vai trò của mình trong sự đổ vỡ ấy.

Vậy ta có thể làm gì khi đối mặt với phóng chiếu từ người độc hại?

  • Nhận thức và học hỏi: Biết cách nhận diện hành vi độc hại và hiểu cơ chế phóng chiếu là bước đầu quan trọng. Tri thức sẽ giúp bạn nhìn thấu vấn đề và thoát khỏi vòng lặp độc hại ấy.
  • Đặt ranh giới: Việc thiết lập và giữ vững ranh giới là điều thiết yếu. Những ranh giới rõ ràng sẽ giúp bạn tự bảo vệ mình khỏi sự thao túng cảm xúc. Đôi khi, việc rời xa hoặc cắt giảm liên lạc với người độc hại là lựa chọn tốt nhất để gìn giữ sự bình an của bạn.
  • Tự soi chiếu và trị liệu: Người từng bị phóng chiếu có thể tìm đến việc chiêm nghiệm nội tâm để hiểu rõ mình đã bị đối xử như thế nào. Sự khác biệt giữa cảm xúc thật của bạn và những gì bị gán lên bạn đôi khi rất mong manh. Gặp chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn tháo gỡ những nút thắt trong lòng và thoát khỏi vòng xoáy ấy.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ: Dù là từ bạn bè, gia đình hay chuyên gia, sự hỗ trợ là điều vô cùng cần thiết. Những mối quan hệ độc hại dễ khiến ta cảm thấy đơn độc, vì vậy có một mạng lưới hỗ trợ sẽ giúp bạn được lắng nghe và nhìn nhận đúng đắn. Nếu cần thiết, hãy dũng cảm giữ khoảng cách hoặc cắt đứt liên hệ với người độc hại vì sự bình yên của chính bạn.

Phóng chiếu là một cơ chế phòng vệ đầy hủy hoại trong các mối quan hệ. Nhưng khi bạn hiểu rõ nó, bạn sẽ có khả năng ứng xử tỉnh táo hơn với người độc hại, và không để những lời lẽ sai lệch đó làm lung lay giá trị bản thân mình. Thoát khỏi vòng xoáy của phóng chiếu đòi hỏi sự can đảm, tỉnh thức và cam kết chọn chính mình, chọn sự lành mạnh và an yên cho trái tim và tinh thần của bạn.

Nguồn: Why Toxic People Accuse Others of Being Toxic | Psychology Today

menu
menu