Chúng ta có thể lựa chọn cảm xúc của mình

chung-ta-co-the-lua-chon-cam-xuc-cua-minh

Thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc có liên quan tới những hạn chế trong việc kiểm soát những niềm tin và suy nghĩ của chúng ta.

Một quan điểm đáng chú ý trong tâm lý học đó là đời sống cảm xúc của chúng ta được định hình bởi các giá trị và sự đánh giá của chúng ta (Solomon, 2007). Khía cạnh đánh giá của cảm xúc cho thấy các cảm xúc của chúng ta không phải hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cảm xúc không tự nhiên xuất hiện; chúng ta chịu trách nhiệm cho các cảm xúc của mình. Thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc có liên quan tới những hạn chế trong việc kiểm soát những niềm tin và suy nghĩ của chúng ta.

Các cảm xúc thường xuất hiện cùng với những đánh giá về các sự kiện, báo cho ta biết tầm quan trọng của sự kiện trong mối liên hệ với mục tiêu của chúng ta. Trải nghiệm cảm xúc của một người thường là kết quả từ sự diễn giải chủ quan về một sự kiện, chứ không phải từ bản thân sự kiện. Những cá nhân khác nhau có thể đánh giá khác nhau về cùng một sự kiện. Chẳng hạn, đau buồn trước cái chết của một ai đó đại diện cho sự đánh giá về tầm quan trọng của người đã khuất với người đó. Để một câu nói đùa gây cười, thì nó phải được đánh giá bởi một người nào đó. Khi không có đánh giá, thì cũng không có cảm xúc.

Một cảm xúc là một kiểu suy nghĩ đặc biệt của chúng ta về một sự kiện. Cảm xúc giúp chúng ta tiếp cận được những đánh giá và mục tiêu của mình. Ví dụ, hạnh phúc nói cho ta biết mình đang làm rất tốt, và sợ hãi cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm. Tức giận cung cấp thông tin về việc xâm phạm những quyền lợi của một người. Đôi khi niềm tin có thể không đúng. Một số bệnh tâm thần được đặc trưng bởi những đánh giá bất thường kéo dài. Chẳng hạn, những người bị trầm cảm có xu hướng tin rằng họ chẳng có chút quyền lực nào trước những sự kiện trong cuộc sống của họ (Beck 2008). Với việc kích hoạt lặp đi lặp lại (sự nhắc lại), những niềm tin tiêu cực trở thành một lối suy nghĩ thâm căn cố đế, theo thời gian chúng dễ dàng bị kích hoạt bởi những sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống.

Chúng ta diễn giải mọi thứ ta nghe hoặc thấy theo thói quen suy tư hoặc kinh nghiệm trước đây của mình. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, ta kể một câu chuyện về thực tại, và những câu chuyện đó hình thành nên các niềm tin của chúng ta. Ví dụ, khi sử dụng máy quét não để theo dõi tâm trí của những người uống rượu, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những người được cho uống hai loại rượu vang đỏ giống nhau, nhưng một người được cho biết loại họ đang uống đắt tiền hơn, thì cảm thấy có vị ngon hơn (Plassmann et al., 2008). Tác giả đi đến kết luận rằng niềm vui của việc tiêu thụ một sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào các thuộc tính nội tại của sản phẩm, như trường hợp mùi vị của rượu vang. Não bộ còn dựa vào một số niềm tin nào đó, chẳng hạn như quan điểm cho rằng tiền nào của nấy, rượu đắt tiền thì sẽ ngon hơn. Người ta tin rằng rượu rẻ tiền hơn đồng nghĩa chất lượng kém hơn, và nó sẽ chuyển thành những kỳ vọng về mùi vị của rượu.

Khả năng kiểm soát dòng suy nghĩ và cảm xúc góp phần mang lại hạnh phúc cho chúng ta (Wright, 2017). Chúng ta tạo ra thiên đường hoặc địa ngục trong tâm trí của mình. “Chẳng có gì là xấu hay tốt, nhưng suy nghĩ khiến nó trở thành như vậy,“ – câu nói của Hamlet trong tác phẩm của Shakespeare.

Bằng cách luyện tập thường xuyên để một thái độ mới, chúng ta có thể nuôi dưỡng một cảm xúc mới hoặc vượt qua một cảm xúc bệnh lý (ví dụ, tức giận). Vì vậy, sự vắng mặt của các định kiến giúp chúng ta hướng tới một quan điểm đúng đắn hơn về thế giới (Wright, 2017). Điều này không thể đạt được chỉ đơn giản bằng cách dùng ý chí, hay muốn chúng biến đi. Sự thay đổi quan trọng như vậy có thể mất hàng năm trời.

Về bản chất, mục đích của trị liệu tâm lý là chuyển nhận thức của thân chủ từ KÍCH THÍCH và CẢM XÚC sang KÍCH THÍCH, ĐÁNH GIÁ và CẢM XÚC. Người đó học cách quan sát những ý nghĩ tự động của họ từ một khoảng cách và hoài nghi tính đúng đắn của các ý nghĩ của họ (Gross, 2014). 

Tóm lại, chúng ta có thể giải thoát bản thân mình khỏi những cảm xúc tiêu cực, như tức giận và thất vọng, bằng cách phát triển khả năng lựa chọn cách diễn giải và đánh giá tình hình (khi tức giận, hãy nhìn từ quan điểm của người khác). Bằng cách sử dụng ý chí tự do, một người có thể mở rộng các lựa chọn và tự do của mình.

“Nhiệm vụ của bạn không phải là tìm kiếm tình yêu mà là tìm kiếm và tìm ra tất cả những rào cản bạn đã dựng nên bên trong mình để ngăn cản tình yêu.”—Rumi

 

Tài liệu tham khảo

Beck, A.T. (2008). The evolution of the cognitive model of depression and its neurobiological correlates. American Journal of Psychiatry, 165, 969-977.

Gross J.J  (2014).  Handbook of Emotion Regulation. 2nd ed.  New York: Guilford Press.

Plassmann, H., O'Doherty, J., Shiv, B., & Rangel, A. (2008). Marketing actions can modulate neural representations of experienced pleasantness. Proceedings of the National Academy of Sciences (USA),105(3), 1050–1054.

Solomon, R.C. (2007). True to our feelings: What our emotions are really telling us. New York: Oxford University Press.

Wright R. (2017). Why Buddhism Is True? New York: Simon & Schuster

­­

Dịch: Rubi

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/science-choice/201712/choose-your-feelings

menu
menu