Chúng ta lừa dối bản thân như thế nào

chung-ta-lua-doi-ban-than-nhu-the-nao

Nỗi buồn mà ta không thể thừa nhận thường được bao bọc bằng những cơn phấn khích thái quá. Ta không vui, không vui đến nỗi không thể cho bản thân cảm nhận dù là nỗi buồn nhẹ nhàng nhất.

Một trở ngại lớn ngăn ta thấu hiểu bản thân và sau đó có cuộc sống phát triển là một phần tâm trí ta có xu hướng nói dối phần tâm trí còn lại. Ta nói dối vì một lý do mà ban đầu có vẻ hợp lẽ, vì ta muốn né tránh nỗi đau. Nhưng khi làm thế, ta thường phá hỏng rất nhiều cơ hội được hạnh phúc của mình.

Có 4 điều ta đặc biệt thích nói dối với chính mình.

  • Ta nói dối về tất cả các khía cạnh khó giải quyết. Ta sẽ phải tốn rất nhiều công sức để thay đổi công việc, các mối quan hệ, bạn bè, sức khỏe, những thói quen và các ý tưởng.
  • Ta nói dối vì ta cần nghĩ tốt về bản thân, và ta ra sức tưởng tượng rằng về cơ bản mình là người bình thường, không có những yêu ghét đặc biệt và những suy nghĩ lệch lạc nào.
  • Ta nói dối vì ta không muốn cảm thấy quá thiếu thốn, nhưng cũng vì ta thiếu thốn quá nhiều điều tốt đẹp.
  • Ta nói dối vì ta tức giận những người mà đáng lẽ ta phải yêu thương. Và ta nói dối vì cảm thấy điều khiến ta giận dữ quá nhỏ nhặt và vụn vặt để một người trưởng thành phải bận tâm.

Cảm nhận được mức độ nguy hiểm khi biết sự thật về bản thân, ta phải học cách trở thành những bậc thầy nói dối. Những cách nói dối của ta rất đa dạng, quỷ quyệt và thường hết sức sáng tạo. Sau đây là một số cách phổ biến nhất mà ta sử dụng để tự lừa mình.

Xao nhãng/Nghiện

Ta xác định một điều nào đó có thể giúp ta không nghĩ đến những xung đột bên trong mình. Sách báo khiêu dâm online được ưa chuộng nhất. Tin tức xếp thứ hai. Rượu bia xếp thứ ba. Công việc xếp thứ tư. Không phải ta cuồng những thứ này. Ta thích những thứ này là vì nó giúp ta tránh xa điều ta sợ.

Phấn khích tột độ

Nỗi buồn mà ta không thể thừa nhận thường được bao bọc bằng những cơn phấn khích thái quá. Ta không vui, không vui đến nỗi không thể cho bản thân cảm nhận dù là nỗi buồn nhẹ nhàng nhất. Phòng trường hợp bị chôn vùi trong nỗi buồn, ta hình thành lối suy nghĩ cố chấp dễ tổn thương cho rằng “Mọi sự đều rất ổn”, “Điều này thật dễ thương, đúng không?” Ta có thể cố làm vậy để không chừa chỗ cho bất kỳ ý nghĩ trái chiều nào.

Cáu kỉnh

Cơn giận bị phủ nhận trong một tình huống cá nhân cụ thể thường dần tạo thành thái độ cáu kỉnh. Ta nói dối giỏi đến nỗi ta thật sự không biết điều gì đang xảy ra. Ta liên tục không kiềm chế được cơn giận của mình. Ai đó đã dời thiết bị điều khiển tivi. Có 2 quả trứng trong tủ lạnh. Hóa đơn tiền điện cao hơn một chút so với ta nghĩ. Bất kỳ điều gì cũng có thể làm ta bắt đầu phát cáu. Bộ não ta đầy những thứ làm ta bực dọc, khó chịu. Rõ ràng là ta không có điều kiện để tập trung vào vấn đề thật sự và đáng buồn nữa.

Gièm pha

Ta tự nhủ mình hoàn toàn không quan tâm đến điều đó. Tình yêu hay chính trị, thành công trong sự nghiệp hay trau dồi kiến thức. Cô sinh viên xinh đẹp đó hay căn nhà mà ta không có tiền mua. Ta dứt khoát tỏ thái độ không quan tâm và coi thường. Ta cố hết sức cho người khác và bản thân mình thấy rằng ta không màng đến điều đó nhiều tới mức nào.

Chỉ trích

Ta hình thành thái độ phản đối kịch liệt đối với những kiểu hành vi và những kiểu người nào đó. Điều ta không thừa nhận là mình chủ yếu chỉ nói những lời chỉ trích, chỉ vì ta không muốn nhận thức được rằng một phần con người mình thật sự thích điều mà mình chỉ trích. Ta chỉ trích những sở thích tình dục nào đó là lệch lạc và không thể chấp nhận được, chính xác là vì ta biết đâu đó trong thâm tâm, mình cũng như vậy. Vì thể, ta cảm thấy hả dạ khi một người nào đó bị bắt giữ hoặc bị sỉ nhục trên báo chí. Điều họ làm là hết sức kinh khủng, ta khăng khăng cho rằng việc sỉ vả họ sẽ giúp ta tránh khỏi bất cứ rủi ro nào cho thấy ta có liên quan với họ.

Xù lông nhím

Khi có tin nào đó mà ta không muốn nghe, ta có thể phải sử dụng một chiến thuật “nghi binh” thường rất hiệu quả là “xù lông nhím”. Một đồng nghiệp cố gắng cho ta một vài ý kiến đóng góp. Ngay lập tức, ta kết tội họ là khiếm nhã, kiêu ngạo và cho mình là hơn người. Một cộng sự chỉ ra vấn đề nào đó, ta giận dữ cho rằng họ tạo thêm áp lực cho ta trong khi ta đang gặp khó khăn. Cảm giác bực tức giành hết sự chú ý của ta. Nó làm tình hình thêm rối rắm. Ta không còn phải chú ý đến những thông tin chính xác nhưng khó xử lý nữa.

Hoài nghi, tuyệt vọng

Ta cảm thấy buồn về điều gì đó. Nhưng vì đối mặt với điều đó sẽ làm ta khổ sở, nên ta “chuyện bé xé to”. Ta không nói chuyện X hoặc chuyện Y làm ta buồn. Ta nói rằng mọi chuyện đều khủng khiếp và mọi người đều tồi tệ. Ta lây lan nỗi đau này để những nguyên nhân cụ thể của nó không còn là tâm điểm chú ý của ta. Nỗi buồn của ta, nói theo lối ẩn dụ, sẽ lạc vào đám đông.

Tại sao nói dối với chính mình lại là vấn đề?

Ta cần thành thật với bản thân khi có thể, lý do đơn giản là vì ta thường trả giá đắt cho sự bình yên trong ngắn hạn mà lời nói dối mang lại. Ta bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để phát triển và học hỏi. Mọi người không thích ở cạnh ta. Ta hình thành những phương pháp phản hồi tai hại. Hơn thế nữa, “cây kim trong bọc cũng có ngày lộ ra”. Khi ta cố che giấu sự thật, sự thật có xu hướng tự lộ ra qua những dấu hiệu của cơ thể ta khi ta không để ý. ta bị mất ngủ hoặc trở nên yếu ớt. Mí mắt giật. Ta lắp bắp, thét lên khi đang ngủ và mất năng lượng. Ta rơi vào trầm cảm. Vì bản thân, ta phải dũng cảm đối mặt với con người thật của mình.

 

Xem video

Dịch: Ubrand.cool

Nguồn: School of life

menu
menu