Chúng ta thật sự thích ăn gì khi không ai nhìn?
Khi không có ai xung quanh, ta ăn uống thế nào? Thật dễ để nghĩ rằng ta chỉ lặp lại một phiên bản thu nhỏ của bữa ăn khi có người khác.
Khi không có ai xung quanh, ta ăn uống thế nào? Thật dễ để nghĩ rằng ta chỉ lặp lại một phiên bản thu nhỏ của bữa ăn khi có người khác. Vẫn là cùng một bữa ăn, chỉ khác ở chỗ chỉ có một người ngồi bàn thay vì hai hay nhiều hơn.
Nhưng trong sâu thẳm, ta biết rằng điều đó không đúng. Khi chỉ có một mình, ta trở nên kỳ lạ hơn, tham lam hơn, và sáng tạo hơn rất nhiều so với khi bị người khác dõi theo. Nhưng điều đó lại là một sự thật thầm kín, đôi phần tội lỗi. Bởi các trang sách nấu ăn vẫn cứ miêu tả một hình ảnh hoàn toàn khác: rằng ta thường ăn uống thông minh mà giản dị, tự mình chuẩn bị những bữa ăn gọn gàng, đủ dinh dưỡng.
Thế nhưng, điều đó không hề bình thường. Sự thật – nhờ vào những góc nhìn mới mà các trang mạng hiện đại mang lại – là ta dần nhận ra bản chất thật sự của mình khi ăn một mình.
Hóa ra, những hành động kỳ quặc lại là chuyện bình thường – đến mức gần như phổ quát. Vì vậy, chúng không còn kỳ quặc chút nào. Khi ở một mình, ta trở nên ít cầu kỳ hơn, vui vẻ hơn, và độc đáo hơn những gì ta tưởng về người khác – hoặc chính bản thân ta. Ta chẳng ngần ngại gì khi kẹp vài miếng cá tẩm bột giữa bánh mì bơ và tưới đẫm tương cà. Có thể ta thử trộn mì ống với mứt cam. Một bữa tiệc lý tưởng có thể chỉ cần sáu chiếc đùi gà và một thanh chocolate, không thêm gì cả.
Ta biết rất rõ điều này về chính mình, nhưng lại cực kỳ do dự khi thử nó trước mặt người khác. Khi mời bạn bè đến nhà ăn tối, ta lo lắng, bày vẽ đủ món cầu kỳ phức tạp. Nhưng thực ra, có khi họ cũng sẽ vui vẻ với một chiếc sandwich phô mai và một gói khoai tây chiên.
Tại một nhà hàng sang trọng, có lẽ ta vẫn thầm ước có được bát súp cà chua đóng hộp ăn cùng khoai tây chiên, hoặc một chiếc bánh mì baguette nhồi xúc xích. Nhưng sự dè dặt trước các chuẩn mực về cái gọi là "hợp lý" hay "đúng mực" ngăn ta thổ lộ mong muốn đó.
Sự khác biệt giữa món ta thực sự thích ăn và món mà ta được cho là nên thích ăn phản ánh rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Ta dần nhận ra rằng, trong rất nhiều lĩnh vực, việc “không bình thường” hóa ra lại là điều rất đỗi bình thường. Con người thật của ta thường không hoàn toàn khớp với hình ảnh mà ta tưởng tượng về người khác, hoặc với cách ta tự mô tả về chính mình.
Vấn đề không nằm ở chỗ ta “kỳ quặc,” mà nằm ở việc ta đang vận hành với một bức tranh lệch lạc về sự bình thường – một bức tranh bỏ sót quá nhiều phần thật của con người ta.
Trong nửa đầu thế kỷ 19, họa sĩ người Anh J.M.W. Turner đã bí mật vẽ nên những bức tranh chỉ để làm hài lòng chính mình. Ông không bao giờ triển lãm, thậm chí chẳng cho ai xem những tác phẩm này khi còn sống. Turner không dám tìm kiếm khán giả cho chúng. Chúng chỉ được phát hiện nhiều thập kỷ sau đó, cuộn lại và mốc meo trong tầng hầm.
Riêng tư, Turner yêu thích ánh sáng mờ ảo phản chiếu trên mặt nước và chẳng mấy quan tâm đến sự chính xác trong đường nét – một phong cách hoàn toàn trái ngược với các chuẩn mực nghệ thuật tinh hoa thời bấy giờ. Turner có thể vẽ rất tốt những thứ mà xã hội mong đợi; nhưng thực sự, ông yêu những yếu tố mà dư luận công chúng ngày ấy bài xích.
Những bức tranh Turner từng giấu kín.
Thật mỉa mai thay, khi những tác phẩm táo bạo hơn của ông được công khai, chúng lại được ngưỡng mộ rộng rãi, thậm chí còn hơn cả những tác phẩm “chuẩn mực” từng mang lại danh tiếng cho ông. Hóa ra, có rất nhiều người đồng cảm với thị hiếu cá nhân của Turner hơn ông từng tưởng. Trong những khoảnh khắc cô đơn nhất, ông cứ ngỡ mình chỉ có một mình. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy.
Theo một cách ít kịch tính hơn, nhưng cũng rất quan trọng, thói quen ăn uống bí mật của ta giống như những bức tranh Turner từng cất giấu. Trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, ta vẫn đang khám phá và rụt rè thừa nhận con người thật của chính mình.
Chính là ta – con người thật sự.
Nguồn: WHAT WE REALLY LIKE TO EAT WHEN NO ONE IS LOOKING - The School Of Life