Dành cho những ai (âm thầm) khao khát lối sống ẩn dật

da-nh-cho-nhu-ng-ai-am-tha-m-khao-kha-t-lo-i-so-ng-a-n-da-t

Thế giới hiện đại ngày nay đảm bảo một điều rằng lúc nào chúng ta cũng biết được mình có thể đang bỏ lỡ những gì. Đây là một nền văn hóa nơi cảm giác căng thẳng và nỗi đau của hiệu ứng FOMO (hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ) g

Trong suốt chiều dài lịch sử, các xã hội thường đánh đồng những cuộc đời đáng mơ ước là những cuộc đời ồn ã náo nhiệt bên ngoài: sống để tiêu diệt kẻ thù bằng mũi giáo trong chiến trận, để anh dũng hi sinh thân mình nhân danh Chúa trời, để được thăng tiến và có danh tiếng, để tích lũy của cải và vinh dự, và để trở nên nổi tiếng vì những đột phá trong khoa học và nghệ thuật. Từ đây, xã hội hiện đại cũng bổ sung thêm những yêu cầu của riêng nó. Một cuộc sống năng động tốt đẹp phải có liên quan đến thành công thương mại, nhiều bạn bè, thường xuyên du lịch nước ngoài, có kiến thức vững chắc về một vài thành phố, nắm bắt được các ý tưởng xu hướng trong nghệ thuật và công nghệ, gu thời trang và lượng người xem các seri phim dài tập đang nổi, và gần như không thể thiếu, hai lần một tuần thực hiện các bài tập thể hình cường độ cao.

Dường như luôn thật xa lạ khi tranh luận về trạng thái đối lập, một lối sống mà người ta thường gọi là ẩn dật, nơi con người sống ở ngoại ô một trung tâm đô thị đắt đỏ, làm việc nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất cùng trí tò mò mà không có sự điên rồ hay khao khát về mặt cảm xúc, nơi người ta có thể chỉ thỉnh thoảng mới xem tin tức, hiếm khi đi đâu xa, gần như không bao giờ ra ngoài vào buổi tối, giữ liên lạc với một số ít bạn bè, dành nhiều thời gian cho thiên nhiên, tập thể dục bằng việc đi bộ, ăn uống đơn giản (chủ yếu là rau xanh và trái cây), hiếm khi mua đồ xa xỉ, lờ đi phần lớn những cuốn sách mới – và cố gắng lên giường đi ngủ lúc mười giờ tối, hàng ngày.

Thế giới hiện đại ngày nay đảm bảo một điều rằng lúc nào chúng ta cũng biết được mình có thể đang bỏ lỡ những gì. Đây là một nền văn hóa nơi cảm giác căng thẳng và nỗi đau của hiệu ứng FOMO (hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ) gần như không thể tránh khỏi. Chúng ta nghe nói đến những thành phố cụ thể nơi đang diễn ra những điều thú vị nhất trên đời. Lúc thì ở New York, lúc lại ở Berlin, và trong những năm tới, có lẽ là cả ở Auckland nữa. Có những cuốn sách phải đọc, những bộ phim phải xem. Có những người ta nên ghé thăm và những cơ hội mà ta không được bỏ lỡ. Cảm giác này tựa như một đặc quyền, cho đến khi chúng ta nhận ra đó là sự ép buộc.

Nghệ thuật đã theo dấu và nuôi dưỡng nhiệt huyết ồn ào của chúng ta. Theo truyền thống, phần lớn các tác phẩm đều trưng ra thành tích của những nhà quý tộc can đảm, thường là trong các trận chiến, và những chiến công hiển hách quên mình của các biểu tượng tôn giáo. Có những người đàn ông quai hàm bạnh trên lưng ngựa và góc nghiêng của những tiểu thư đài các kiêu kỳ, những vị thần lên thiên đường và những người anh hùng trong Kinh thánh bảo vệ đức hạnh khỏi quỷ sa tăng.

Song khi thế giới trở nên ồn ào hơn nữa, một lối tư duy thiểu số xuất hiện với một sứ mệnh mới trong tâm trí: mở rộng góc nhìn sang những nét quyến rũ bất ngờ của lối sống giản dị, bình thường. Người tiên phong trong phong trào này là các họa sĩ cộng hòa Hà Lan thế kỷ 17. Trong các bức vẽ canvas của Johannes Vermeer hay Pier de Hooch, không hề có cảnh duyệt binh quân sự hay lễ tế thần, mà là những điều can đảm và lớn lao hơn nhiều: những con người như chúng ta, làm những điều bình dị mà quan trọng, quét sân, gấp quần áo, tết tóc cho con và chuẩn bị sẵn sàng cho bữa tối.

Pieter de Hooch, A mother delousing a child’s hair, 1658

Các họa sĩ Hà Lan đã có một ý tưởng thiên tài khi chứng minh rằng sự can đảm, cảm nhận tinh tế và lòng tốt cũng có nhiều cơ hội bộc lộ trong căn bếp hay trước sân nhà tương tự như trong các trận chiến hay cung điện hoàng gia. Họ đã nhận được nhiều sự ủng hộ trong các thế kỷ tiếp theo từ các họa sĩ có chung niềm đam mê với cuộc sống thường ngày: những khung cảnh bên trong căn nhà tĩnh lặng của Wilhelm Hammershoi, những khu vườn của Eramus Engert, những khoảnh khắc giản dị được nhiếp ảnh gia Jessica Todd Harper chụp lại.

Erasmus Engert, A Garden in Vienna, 1828

Jessica Todd Harper, Becky in the Den, 2003

Dĩ nhiên những người yêu thích lối sống tĩnh lặng nhận thức được nhiều điều thực sự đặc biệt đang diễn ra ở thế giới ngoài kia, song họ không để cho những dấu hiệu hiển nhiên của hào quang ấy dẫn lối mình. Cuốn tiểu thuyết mà họ thực sự cần đọc gần như chắc chắn không phải là các tác phẩm mới giành giải gần đây hay danh sách những cuốn bán chạy nhất. Có thể nó được viết khoảng hai trăm năm trước và phần lớn nằm trong các hiệu sách cũ. Họ biết những điều quý giá có thể được trộn lẫn với những thứ đơn giản và rõ ràng. Sự thông thái có thể không đi đôi với trình độ học vấn. Đó có thể là một cuộc trò chuyện sâu sắc với một người họ hàng thích xem bắn bi a trên ti vi và đã ngừng nhuộm tóc. Những người sống ẩn dật cũng sợ bị bỏ lỡ, nhưng họ có một danh sách hoàn toàn khác về những gì họ sợ mình sẽ không tận hưởng được: quá trình trưởng thành của con cái, những ngày nhàn nhã không vướng bận, thấu hiểu cha mẹ mình, bầu trời lúc hoàng hôn, tắm thật lâu, những buổi sáng sớm ở trong bếp với mèo.

Những người trầm lặng hiểu rằng người ta có thể rút ra nhiều điều từ một trải nghiệm đơn lẻ, nếu họ dành thời gian tua lại chúng trong đầu. Một chuyến dạo chơi mười năm trước chưa thật sự bị lãng quên. Còn quá nhiều điều không được chú ý ở lại trong ký ức: ánh nắng trong buổi sáng đầu tiên bên bờ biển, bảo tàng nhỏ với những cây phong lữ trước sân, salad cà chua bên rừng…Chẳng có gì biến mất, nó chỉ đang chờ đợi thế giới bên ngoài yên lặng trước khi mang đến sự trù phú của mình. Chúng ta sẽ trải nghiệm ít đi rất nhiều nếu biết cách rút ra những giá trị thích hợp từ những gì mình đã nhìn thấy và hoàn thành. Thôi thúc di chuyển liên tục của chúng ta về bản chất có thể là lời thú nhận về việc không có khả năng xử lý. Chúng ta cảm thấy mình cần phải có nhiều trải nghiệm mới vì ta quá nghèo nàn trong việc tiếp thu những gì mình đã có.

Nếu đã là một phượt thủ xuất sắc, hẳn chúng ta sẽ biết cách trân trọng một chuyến đi tới hiệu tạp hóa giống như một chuyến phiêu lưu. Ta có thể nuôi dưỡng đứa trẻ bốn tuổi đầy tò mò trong mình, người liên tục dừng lại sau vài bước chân để tiếp nhận những góc nhìn đầy mới mẻ và phi thường: một ngọn cỏ mọc lên giữa hai viên gạch, một đám mây có hình thù kỳ dị với một cái đuôi phát sáng, một con đường mòn giữa hai nhà kho, một chú chó chăm chú nhìn một bó hoa thủy tiên, một thông điệp viết theo lối graffiti trên cột đèn, một ô cửa sổ của người bán cá với cá bơn và cá mặt trời đang nằm trên đá lạnh. Rất hiếm khi người ta chú ý đến điều này khi họ có những tham vọng lớn hơn tầm nhìn của mình. Song những người trầm lặng biết rằng, trái ngược với mọi kỳ vọng, đây có thể là cốt lõi của sự tồn tại, cuộc sống không ở đâu xa, và điều này chính là thứ mà một người sẽ bỏ lỡ khi cuộc sống của họ dần đi đến hồi kết.

Những người trầm lặng không đơn thuần trầm lặng trong nhận thức sâu sắc, mà còn trầm lặng trong sự thận trọng. Họ hiểu được chi phí mà lối sống ồn ã âm thầm đòi hỏi, họ biết – có lẽ là hơn nhiều người vẫn đang hòa mình vào đám đông hàng ngày – mức độ chúng ta có thể bị kiệt sức, kích thích quá mức và sụp đổ. Thậm chí bản thân họ có thể đã sống sót qua một giai đoạn tồi tệ, khi quá nhiều trách nhiệm và sự hào hứng, những đêm thức muộn và bi kịch cảm xúc cho họ thấy một cách tàn nhẫn rằng lý trí của chúng ta mong manh đến nhường nào. Họ đang sống trong thầm lặng để bảo vệ bản thân khỏi sự điên rồ và hoang tưởng, lo âu và tuyệt vọng. Họ trân trọng những thói quen thường nhật không hào nhoáng và những đêm lại đêm một mình hoặc cùng một hay hai người bạn rất thân, bảo vệ họ khỏi sự trỗi dậy của những cơn mê sảng.

Thật dễ dàng đếm được số tiền mà ta đang kiếm ra. Nhưng việc khó hơn nhiều là để ý xem có bao nhiêu bình yên mà ta đã mất trong quá trình ấy. Chúng ta không theo dõi kỹ lưỡng cái giá thực sự của lối sống ồn ào của mình; chúng ta không xem xét một cách hợp lý việc một chuyến công tác tới đất nước khác có đóng góp gì đối với cảm giác thanh thản và sức sáng tạo trong ta hay ảnh hưởng ra sao đến mối quan hệ của chúng ta với những người quan trọng. Chúng ta không nhận ra sự kích động mà mỗi bài báo gây ra cho mình cùng sự chán chường trong cuộc gặp gỡ với một người bạn không thành thật. Chúng ta giống như những nhà khoa học non trẻ truyền tay nhau uranium mà không biết đó là mối nguy hiểm chết người. Chúng ta không để ý việc tâm trí nhạy cảm của mình phải chịu đựng cú sốc ra sao khi bước vào một căn phòng đầy những người quen ồn ào và cố gắng chuyện trò tán gẫu hàng tiếng đồng hồ. Đó là trải nghiệm phải mất đến ba mươi buổi tối tĩnh lặng mới hồi phục được. Chúng ta không hiểu những đêm mất ngủ là sự trả thù của tâm trí vì tất cả những suy nghĩ mà ta thận trọng không để chúng xuất hiện vào ban ngày và nỗi lo âu chính là nỗ lực để giành lấy sự chú ý của chúng ta của tâm trí nhạy cảm bị thờ ơ của mình.

Các bậc cha mẹ mẫu mực hiểu được mối nguy hại của cảm giác kiệt sức trong con trẻ. Họ biết rằng sau những ánh đèn và khiêu vũ, những câu bông đùa và trò chơi, thì sẽ đến lúc phải nghỉ ngơi. Họ nắm rõ những dấu hiệu quan trọng của một tính khí thất thường và một tâm trí khủng hoảng. Song chúng ta lại không dành sự chăm sóc tương đương với tính khí mong manh thất thường không kém của mình. Xã hội hiện đại gần như không có người trưởng thành nào nhắc nhở chúng ta rằng có lẽ mọi thứ đã đủ; ta vẫn phải dùng hết sức bình sinh để tự đặt mình lên giường mỗi tối.

Một cuộc sống bình thường là một sự quả cảm vì những thứ nghe có vẻ tầm thường không bao giờ thực sự tầm thường hay dễ dàng kiểm soát. Cần phải có những kỹ năng cừ khôi cùng tấm lòng cao thượng lớn lao để nuôi dạy một đứa trẻ có tính cách độc lập và cân bằng; để duy trì mối quan hệ đủ tốt với người bạn đời qua nhiều năm mặc cho nhiều khía cạnh đặc biệt khó khăn; để giữ cho ngôi nhà ngăn nắp; làm một công việc không mấy thú vị hay không được trả lương cao một cách có trách nhiệm và hứng khởi; chân thành lắng nghe người khác và nói chung, không chịu khuất phục trước sự điên rồ và giận dữ của nghịch lý và thỏa hiệp liên quan đến sự tồn tại.

Có lẽ chúng ta đã có đủ những kích thích cho nhiều kiếp người. Chúng ta đã gặp gỡ đủ người, đến đủ những nơi chốn, mua đủ những đồ vật. Chúng ta cần ngăn lại những động lực của thế giới đang tiếp tục kéo ta ra khỏi ngôi nhà đích thực của mình. Không có những trung tâm, những bữa tiệc nào mà ta chưa được mời đến. Chỉ có chúng ta ở đây, ngay bây giờ, đâu đó trên cái chấm xanh mờ nhạt ngoài vũ trụ, nỗ lực hết sức mình, xung quanh là những vẻ đẹp giản dị, với một nhu cầu luôn thường trực nhưng không được chú ý đến là kết nối lại với sự tĩnh lặng và cởi mở tâm trí đến vô cùng – và, trên con đường ấy, để bắt đầu lên giường đi ngủ sớm hơn.

 

Nguồn: The Book of Life

menu
menu