Có bao giờ bạn tưởng tượng đến một thế giới không có khổ đau vì tình ái?

co-bao-gio-ban-tuong-tuong-den-mot-the-gioi-khong-co-kho-dau-vi-tinh-ai

Khái niệm “relationship anarchy” (tình trạng vô tổ chức trong mối quan hệ) được dùng để chỉ niềm tin vào các mối quan hệ không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ nào ngoài những điều mà người trong cuộc nhất trí với nhau.

Đó không chỉ là một thế giới không có nỗi buồn, thất vọng hay hối hận mà còn là một thế giới không có những cảm giác chìm đắm, chai sạn, dốc cạn niềm đau cho một tình yêu đã mất. Một thế giới không có những nỗi đau “xé nát tim ta” cũng là một thế giới chỉ có những hành động giản đơn mà không phép màu nào có thể tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời. Bởi một thế giới không biết đến niềm đau là một thế giới không có tình yêu, phải vậy không?

Chính xác hơn, đó có thể là một thế giới không có thứ tình cảm được ao ước nhất: tình yêu lãng mạn. Đối với nhiều người, tình yêu lãng mạn là đỉnh cao trong các trải nghiệm ở đời người.

Trong văn hoá phương Tây, vào năm 1979, tình yêu lãng mạn theo kiểu bá chủ được nhà tâm lý học người Mỹ Dorothy Tennov gọi là niềm đam mê tình dục hay niềm đam mê tình ái đến cùng kiệt. Ở trạng thái lý tưởng, tình cảm này sẽ phát triển thành quan hệ vợ chồng và thường là hôn nhân. Vì vậy, trong các nền văn hoá thế tục, vô thần, tình yêu lãng mạn luôn được tôn sùng.

Theo các nhà khoa học, tình yêu có nền tảng sinh học, nhưng chúng ta trải nghiệm tình yêu như thế nào thì chưa chắc chắn. Trong phần lớn lịch sử nhân loại, cái mà ngày nay chúng ta gọi là tình yêu lãng mạn sẽ bị xem như một căn bệnh; hôn nhân là nhằm để sinh con đẻ cái và tài sản.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp đã thay đổi mọi thứ. Thực trạng kinh tế mới và các giá trị Khai sáng về hạnh phúc cá nhân cho thấy tình yêu lãng mạn có ý nghĩa quan trọng. Mặc dù hôn nhân vẫn còn gắn chặt với quyền kiểm soát phụ quyền, song nó đã đạt được một phẩm chất mới. Sự thỏa mãn về tình cảm, tình dục và trí tuệ kéo dài suốt đời–và chế độ hôn nhân một vợ một chồng dành cho đàn ông, chứ không chỉ phụ nữ–đã trở thành lý tưởng. Kể từ đó đến giờ, loại quan hệ này đã được văn hóa tư bản chủ nghĩa tuyên truyền.

Thực tế là chuyện con tim tan nát vì tình có liên quan đến lịch sử ái tình lãng mạn gần đây khó có thể an ủi xoa dịu cho những kẻ đang sống trong tuyệt vọng. Thực tế là cảm xúc bị khúc xạ thông qua văn hóa có lẽ sẽ không làm giảm đi sức mạnh của chúng.    

Nhiều người sẽ quyết tâm theo đuổi người họ yêu đến cùng, dù biết bản thân phải trải qua cảm giác đau khổ. Cho dù là thông qua sự xung đột, phản bội hay chia ly, tình yêu hầu như chắc chắn sẽ kết thúc trong đau khổ. Ngay cả trong những mối quan hệ ‘thành công’ thì cuối cùng ai đó cũng sẽ phải chết. Không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta sẵn sàng chấp nhận nỗi đau tan nát cõi lòng như là cái giá phải trả của tình yêu lãng mạn; chúng ta đã được xã hội hóa để tin rằng loại quan hệ này là lẽ sống của chúng ta.

Nhưng chuyện tan nát cõi lòng không chỉ là vấn đề duy nhất với những kịch bản ái tình của chúng ta. Tình yêu lãng mạn thông thường bắt nguồn từ những cấu trúc áp bức. Những gánh nặng về cảm xúc và công việc gia đình vẫn nhằm vào phụ nữ một cách bất công. Những cặp vợ chồng người da trắng, dị tính luyến ái, không bị khuyết tật, một vợ một chồng, gầy (lý tưởng là đã kết hôn và sinh con) được coi là tình yêu lý tưởng, còn những ai không phù hợp với khuôn mẫu này thì thường bị phân biệt đối xử. Còn những người không có mối quan hệ tình yêu lãng mạn hay tình dục nào, cho dù là do lựa chọn hoặc không, có thể cảm thấy cô độc và lạc lõng, mặc dù họ vẫn có những mối quan hệ đầy ý nghĩa khác.  

Ngay cả khi chúng ta có thể giải cứu tình yêu lãng mạn từ những người bạn chung giường tồi tệ nhất của nó–ví dụ nếu chúng ta xóa bỏ chủ nghĩa độc tôn dị tính– thực tế vẫn là: nó có khả năng kết thúc trong nước mắt, thậm chí đi cùng với bệnh thể xác hoặc tâm thần. Tệ hơn nữa, quan niệm về tình yêu lãng mạn đang áp đảo đồng nghĩa với việc người ta dùng nó để biện minh cho bạo lực.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một phương cách để tận hưởng được chiều sâu và đỉnh cao của tình yêu mà không phải trải qua nỗi đau tan nát cõi lòng?

Tình yêu lãng mạn có thể gây ra khổ đau bởi vì chúng ta coi trọng người mình yêu hơn những người khác. Trong nền văn hóa trọng tình yêu này, những mối quan hệ lãng mạn và tình dục đã được nâng tầm đến mức mà từ ‘mối quan hệ’ thường là từ viết tắt của tình cảm lãng mạn. Vậy tất cả những mối quan hệ khác trong cuộc sống của chúng ta thì sao?

Khái niệm “relationship anarchy” (tình trạng vô tổ chức trong mối quan hệ) được dùng để chỉ niềm tin vào các mối quan hệ không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ nào ngoài những điều mà người trong cuộc nhất trí với nhau.

Nhà ủng hộ nữ quyền đồng thời cũng là nhà khoa học máy tính Andie Nordgren người Thụy Điển đã đặt ra khái niệm này vào năm 2006. Bà đề xuất rằng, cách chúng ta xây dựng, theo đuổi và giành ưu tiên cho các mối quan hệ ra sao hoàn toàn tuỳ thuộc vào chúng ta. Đó không phải là triết lý “tự do cho tất cả” của những người theo chủ nghĩa tự do mà đó là triết lý về sự đồng cảm, khả năng giao tiếp và tự biết hài lòng với bản thân. Đó là điểm khác biệt giữa chế độ một vợ một chồng với quan hệ đa ái; nó có thể chứa đựng hoặc không chứa đựng các thành phần của hai kiểu quan hệ đó.

Bằng cách đặt các câu hỏi, người ta có thể tạo ra những mối quan hệ theo niềm tin, nhu cầu và ham muốn của họ. Điều quan trọng nằm ở chỗ “relationship anarchy” có nghĩa là tình yêu lãng mạn truyền thống không nên được đặt lên vị trí hàng đầu so các mối quan hệ “yếu hơn”.

Mặc dù “relationship anarchy” là một khái niệm cấp tiến nhưng người đi theo lối tiếp cận này dường như lại đang sống một cuộc đời bình thường đến bất ngờ. Đối với một số người, điều này đơn giản là nhìn lại một cuộc hôn nhân đáng được trân trọng và quyết định rằng, cuộc đời sẽ trở nên phong phú hơn nếu tình bạn được nuôi dưỡng theo cách tương tự. Hoặc khi bạn nghĩ bạn chưa tìm thấy 'tình yêu của đời bạn' thì thực ra thứ tình cảm ấy đã xuất hiện ngay trước mắt bạn và đang chờ bạn nâng niu trong chính con người bạn và cộng đồng của bạn.

Đối với những người khác, ở trong tình trạng “relationship anarchy” đồng nghĩa với việc bạn đang tạo ra hoặc lấy lại sức sống cho một mối quan hệ. Chẳng hạn, bạn hãy giải phóng bản thân khỏi quan điểm cho rằng, tình yêu lãng mạn cần phải tuân theo một lộ trình đã được định sẵn. Và thay vì phải giải thích với nhiều bên thì những mối quan hệ yêu thương, không theo chế độ một vợ một chồng có thể thăng trầm theo thời gian. Điều này có nghĩa là mọi người có quyền quyết định nuôi dưỡng con cái trong mối quan hệ tình cảm sâu sắc giữa ba người và có quan hệ tình dục ngoài luồng hoặc không theo bất cứ trường hợp nào vừa được liệt kê ở trên.

Không khó nhận thấy làm thế nào 'relationship anarchy' có thể xoa dịu nỗi đau vì tình. Mọi người đều thừa nhận rằng, những người bạn tốt sẽ giúp ta hàn gắn các vết thương tình cảm. Chúng ta sẽ không bỏ bạn bè dù chúng ta đang cặp kè với người khác. Chúng ta hãy từ bỏ suy nghĩ: giữ mối quan hệ với các bạn của mình là để đưa họ thiếp mời hoặc dựa vào họ khi ta vấp ngã trong tình trường. Thay vào đó, chúng ta hãy hãnh diện với những mối quan hệ quý giá với bạn bè mà mình đang có. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ thấy những mối quan hệ đó cũng quan trọng với bạn chẳng kém gì chuyện tình cảm giữa bạn và người yêu.

Những người theo tinh thần “relationship anarchy” có thể tạo cho mình một “đời sống tình cảm” không phụ thuộc vào bạn tình, người vốn được coi là cả thế giới đối với họ, mà còn có những mối liên hệ sâu sắc khác. Đó có thể là thứ tình cảm thuần khiết platonic, lãng mạn hay nhục dục. Như Nordgren viết trong bản tuyên bố của cô ấy, “tình yêu luôn dư thừa”, chứ không phải là một “nguồn lực bị giới hạn, chỉ có bó hẹp trong phạm vi hai người”. Phân phối lại tình yêu không làm loãng đi tình yêu của chúng ta đối với một người thương mến. Thực vậy, xây dựng một mạng lưới gồm nhiều mối liên hệ thân mật có thể khiến các mối quan hệ của chúng ta trở nên tốt hơn--một phần vì nó tăng cường mối quan hệ của chúng ta với bản thân mình.

Tình trạng “relationship anarchy” sẽ không loại bỏ đau khổ – nhưng có lẽ chúng ta cũng không mong muốn điều đó. Những cảm xúc sâu lắng thường đẹp và mang nhiều tính nghệ thuật. Giống như tình yêu, đau khổ thường tàn phá tâm hồn và tiêu diệt bản ngã, đẩy chúng ta phải nhìn vào khe nứt sâu nhất và học những thứ chúng ta chưa biết. Trong sự kìm kẹp tàn bạo của cơn đau tình ái ấy, chúng ta lại có một cơ hội hiếm hoi để tái sinh.

Chắc chắn, một thế giới không có nỗi khổ vì tình ái luôn là một thế giới không có những tổn thương khiến chúng ta biết mình vẫn còn sống. Và đương nhiên, thay vì luôn giành ưu tiên cho một mối quan hệ nào đó, việc nhận thức được bản thân và những mối quan hệ giữa ta với mọi người sẽ giúp chúng ta tạo dựng được một cuộc sống tươi vui, giàu màu sắc đến mức chúng ta không cảm thấy mình bị mất “tất cả” khi lỡ chia tay một trong rất nhiều người mình yêu thương.

 

Ảnh: Film poster for The Clemenceau Case (1915). Courtesy Wikimedia

Theo Aeon

Minh Phương dịch - Theo Trạm đọc

menu
menu