Có vẻ như các nhà khoa học và các triết gia đã làm cho Ý thức trở nên bí ẩn hơn mức cần thiết   

co-ve-nhu-cac-nha-khoa-hoc-va-cac-triet-gia-da-lam-cho-y-thuc-tro-nen-bi-an-hon-muc-can-thiet   

Chúng ta là những bản ngã có ý thức vì chúng ta cũng là những cỗ máy thú vật – những cái túi thịt tự duy trì, quan tâm đến sự tồn tại của chúng.

Đâu là cách tốt nhất để hiểu được Ý thức? Trong triết học, theo René Descartes, các cuộc tranh luận kéo dài hàng thế kỷ vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt về việc liệu Vũ trụ có bị phân chia thành ‘mặt tinh thần’ và ‘mặt vật chất’ hay không. Nhưng sự trỗi dậy của khoa học thần kinh hiện đại đã chứng kiến ​​một cách tiếp cận thực dụng hơn đang thắng thế: một cách tiếp cận được dẫn dắt bởi triết học nhưng lại không dựa vào nghiên cứu triết học để đưa ra câu trả lời. Điểm mấu chốt của nó là nhận ra việc lý giải tại sao ý thức tồn tại là không cần thiết để đạt được sự tiến bộ trong việc tiết lộ nền tảng vật chất của nó – để bắt đầu xây dựng các cầu nối giải thích từ chủ quan và phi thường đến khách quan và có thể đo lường được.

Trong công việc của tôi tại Trung tâm Khoa học ý thức Sackler ở Đại học Sussex, Brighton, tôi cộng tác với các nhà khoa học nhận thức, nhà khoa học thần kinh, bác sĩ tâm thần, người chụp ảnh não, những phù thủy thực tế ảo và nhà toán học–có cả triết gia nữa–cố gắng để làm điều này. Rồi cùng với các phòng thí nghiệm khác, chúng tôi đang thu được những hiểu biết mới mẻ đầy thú vị về ý thức–những hiểu biết tạo nên những khác biệt thực sự trong y học, và rồi điều này lại làm nảy sinh những thách thức mới về trí tuệ và đạo đức. Trong nghiên cứu của riêng tôi, một bức tranh mới đang hình thành trong đó trải nghiệm có ý thức được xem là nền tảng sâu sắc về cách thức mà não bộ và cơ thể hoạt động cùng với nhau để duy trì tính toàn vẹn về mặt sinh lý – tức là còn tồn tại. Trong câu chuyện này, chúng ta là những ‘cỗ máy-thú vật’ có ý thức, và tôi hy vọng sẽ giúp bạn hiểu được lý do tại sao.

Hãy bắt đầu với sự phân biệt có sức ảnh hưởng lớn của David Chalmers, kế thừa từ Descartes, giữa ‘vấn đề dễ’ và ‘vấn đề khó’. ‘Vấn đề dễ’ là hiểu được cách mà não bộ (và cơ thể) tạo ra tri giác, nhận thức, sự học hỏi và hành vi. Vấn đề ‘khó’ là hiểu được tại sao và làm thế nào mà mấy thứ này lại gắn kết với ý thức: Tại sao chúng ta không phải chỉ là những robot, hoặc thây ma biết nói chuyện triết lý, mà không hề có thế giới nội tâm? Thật hấp dẫn khi nghĩ rằng việc giải quyết vấn đề dễ (bất kể điều này có nghĩa là gì) sẽ chẳng đưa chúng ta đi đến đâu cả trong việc giải quyết vấn đề khó, khiến cho cơ sở não bộ của ý thức trở thành một điều bí ẩn.

Nhưng có một giải pháp thay thế, mà tôi muốn gọi là Vấn đề chính: làm thế nào để giải thích về các thuộc tính khác nhau của ý thức về cơ chế sinh học; mà không phải vờ vịt rằng nó không tồn tại (vấn đề dễ) và không quá lo lắng về chuyện giải thích sự tồn tại của nó ngay từ đầu (vấn đề khó). (Ai quen với ‘hiện tượng học thần kinh--neurophenomenology’ sẽ nhận ra một số điểm tương đồng với cách sắp đặt này–nhưng cũng có những điểm khác biệt, mà chúng ta sẽ thấy.)

Có một vài điểm tương đồng về mặt lịch sự với cách tiếp cận này, ví dụ như trong nghiên cứu về cuộc sống. Có lần, các nhà hóa sinh đã ngờ rằng các cơ chế sinh học có thể giải thích được thuộc tính của sự sống. Ngày này, dù hiểu biết của chúng ta còn chưa đầy đủ, song cảm giác bí ẩn ban đầu này phần lớn đã tan biến. Các nhà sinh học đơn giản là bắt đầu với công việc lý giải về các thuộc tính khác nhau của các hệ thống sống về các cơ chế cơ bản: trao đổi chất, cân bằng nội môi, sinh sản v.v... Một bài học quan trọng ở đây là cuộc sống không phải là ‘một thứ’–mà đúng hơn là nó tiềm ẩn nhiều khía cạnh tách biệt.

Cũng vậy, giải quyết vấn đề chính của ý thức phụ thuộc vào việc phân biệt các khía cạnh khác nhau của ý thức, và lập bản đồ các thuộc tính hiện tượng học của chúng (mô tả chủ quan ở ngôi thứ nhất về trải nghiệm có ý thức là như thế nào) về các cơ chế sinh học cơ bản (mô tả khách quan ở ngôi thứ ba).

Một điểm khởi đầu tốt là phân biệt được giữa mức độ ý thức, nội dung ý thức và bản ngã có ý thức. Mức độ ý thức có liên quan đến việc có ý thức–sự khác nhau giữa trạng thái ngủ mà không mộng mị (hoặc được gây mê toàn thân) và trạng thái tỉnh táo, nhận thức rõ ràng. Nội dung ý thức là cái chứa đựng những trải nghiệm có ý thức của bạn khi bạn đang ý thức–cảnh tượng, âm thanh, mùi, cảm xúc, suy nghĩ và niềm tin tạo nên thế giới bên trong của bạn. Và trong số những nội dung có ý thức này là trải nghiệm cụ thể của việc đang là bạn. Đây là bản ngã có ý thức, và có lẽ là khía cạnh của ý thức mà chúng ta bám chặt nhất.

Đâu là các cơ chế não bộ cơ bản làm cơ sở cho khả năng ý thức của chúng ta? Điều quan trọng là, mức độ ý thức khác với sự tỉnh táo. Khi bạn mơ, bạn vẫn có trải nghiệm ý thức mặc dù bạn đang ngủ. Và trong một số trường hợp bệnh lý, chẳng hạn như trạng thái sống thực vật, bạn có thể hoàn toàn không có ý thức, nhưng vẫn trải qua các chu kỳ ngủ và thức.    

Vậy điều gì làm nền tảng cho việc có ý thức một cách cụ thể, trái ngược với tình trạng tỉnh táo? Chúng ta biết rằng điều đó không chỉ là số lượng các nơ-ron có liên quan. Tiểu não (cái gọi là ‘bộ não bé’ treo đằng sau vỏ não) có số lượng nơ-ron nhiều gấp bốn lần phần còn lại của não, nhưng hầu như không tham gia vào việc duy trì mức độ ý thức. Đó thậm chí không phải là mức độ hoạt động thần kinh tổng thể–não của bạn gần như vẫn hoạt động trong giấc ngủ không mộng mị cũng như khi bạn đang có ý thức tỉnh táo. Đúng hơn là, có vẻ như ý thức phụ thuộc vào cách mà các phần khác nhau của não bộ trao đổi với nhau, theo những cách cụ thể.

Một loạt các nghiên cứu của nhà thần kinh học Marcello Massimini tại Đại học Milan đưa ra bằng chứng mạnh mẽ cho quan điểm này. Trong những nghiên cứu này, não bộ được kích thích bởi những xung năng lượng ngắn–sử dụng một kỹ thuật gọi là kích thích từ trường xuyên sọ (TMS)–và ‘tiếng vang’ điện của nó được ghi lại bằng EEG. Trong giấc ngủ không chiêm bao và gây mê toàn thân, thì những tiếng vang này rất đơn giản, tựa như những làn sóng được tạo ra bằng cách ném một hòn đá vào mặt nước tĩnh lặng. Nhưng trong các trạng thái có ý thức, một tiếng vang điển hình phân bố rộng khắp bề mặt vỏ não, biến mất rồi trở lại dưới những dạng phức tạp. Thật thú vị, hiện giờ chúng ta có thể định lượng độ phức tạp của những tiếng vang này bằng cách tính toán độ chịu nén của chúng, tương tự như cách các thuật toán đơn giản nén ảnh kỹ thuật số thành tệp JPEG. Khả năng làm được điều này thể hiện bước đầu tiên hướng tới một 'máy đo ý thức' hữu ích về mặt thực tế và được thúc đẩy về mặt lý thuyết.

Các phép đo phức tạp của ý thức đã được sử dụng để theo dõi mức độ ý thức thay đổi qua các trạng thái ngủ và gây mê. Chúng thậm chí được dùng để kiểm tra sự tồn tại của ý thức sau chấn thương não, khi mà những chẩn đoán dựa trên hành vi của bệnh nhân đôi lúc có thể sai lầm. Tại Trung tâm Sackler, chúng tôi đang nỗ lực cải thiện tính thực tiễn của các phép đo này bằng cách tính toán 'độ phức tạp của não bộ' trên cơ sở hoạt động thần kinh tự phát–‘tiếng vọng’ liên tục của não bộ–mà không cần kích thích não. Lời hứa là khả năng đo lường ý thức, để định lượng sự xuất hiện và biến mất của nó, sẽ thay đổi hiểu biết khoa học của chúng ta giống hệt như hiểu biết vật lý của chúng ta về nhiệt (như động năng phân tử trung bình) phụ thuộc vào sự phát triển, ở thế kỷ 18, của những nhiệt kế đáng tin cậy đầu tiên. Lord Kelvin đã nói như thế này: ‘Trong khoa học vật lý, bước thiết yếu đầu tiên theo hướng học bất kỳ chủ đề nào là tìm ra các nguyên tắc của sự tính toán bằng số và các phương pháp khả thi để đo lường một số đặc tính liên quan đến nó.’ Đơn giản hơn là: ‘Đo được là biết được.’

Nhưng ‘đặc tính’ nào mà những phép đo độ phức tạp của não bộ đang muốn đo lường? Đây là lúc mà những ý tưởng lý thuyết mới về ý thức nhập cuộc. Chúng bắt đầu vào cuối những năm 1990, khi Gerald Edelman (thầy cũ của tôi tại Viện Khoa học Thần kinh ở San Diego) và Giulio Tononi – hiện đang làm việc tại Đại học Wisconsin ở Madison–cho rằng những trải nghiệm có ý thức là độc nhất vô nhị vì vừa giàu ‘thông tin’ và đồng thời lại ‘gắn kết’ chặt chẽ với nhau.   

Ý thức giàu thông tin theo nghĩa là mọi trải nghiệm đều khác biệt với mọi trải nghiệm khác mà bạn từng có, hoặc có thể có. Lướt qua cái bàn trước mặt tôi qua cửa sổ bên kia, tôi chưa bao giờ trải nghiệm chính xác hình dạng này trước đây của tách cà phê, máy tính và những đám mây–một trải nghiệm thậm chí còn khác biệt hơn khi được kết hợp với tất cả các tri giác, cảm xúc và suy nghĩ khác đang đồng thời hiện diện. Mọi trải nghiệm có ý thức liên quan rất nhiều đến việc giảm thiểu sự bất định–bất cứ lúc nào, chúng ta có một kinh nghiệm trong số rất nhiều kinh nghiệm có thể xảy ra–và giảm thiểu sự bất định là những gì chúng ta muốn nói tới ‘thông tin’ về mặt toán học.

Ý thức có tính thống nhất theo nghĩa là mọi trải nghiệm có ý thức biểu hiện ra như một cảnh thống nhất. Chúng ta không trải nghiệm về màu sắc tách biệt với hình dạng của chúng, cũng không trải nghiệm các vật thể một cách biệt lập với bối cảnh của chúng. Nhiều yếu tố khác nhau của trải nghiệm có ý thức của tôi ngay lúc này–máy tính và tách cà phê, cũng như âm thanh nhẹ nhàng của Bach cùng những lo lắng của tôi nên viết gì tiếp theo–dường như gắn kết với nhau theo cách sâu sắc, như các khía cạnh của một trạng thái ý thức bao trùm.

Hóa ra toán học nắm bắt sự cùng-tồn tại và tích hợp này của thông tin và áp vào những phép đo lường độ phức tạp-não bộ mới xuất hiện mà tôi đã miêu tả ở trên. Đây không phải là sự ngẫu nhiên–nó là một ứng dụng của chiến lược ‘vấn đề chính’. Chúng ta đang mô tả ý thức ở cấp độ trải nghiệm chủ quan và áp nó vào những mô tả khách quan về các cơ chế não bộ.

Một số nhà nghiên cứu đưa những ý tưởng này đi xa hơn, để đương đầu với bản thân vấn đề khó. Tononi, người đi tiên phong trong cách tiếp cận này, cho rằng ý thức chỉ đơn giản là thông tin tích hợp. Đây là một đề xuất hấp dẫn và mạnh mẽ, nhưng nó dẫn đến việc phải thừa nhận rằng ý thức có thể hiện hữu ở khắp mọi nơi và mọi thứ, một quan điểm triết học được gọi là toàn tâm luận (panpsychism) (ND: Toàn tâm luận là quan điểm cho rằng vạn vật đều có ý thức). Các biến đổi toán học bổ sung cần thiết cũng có nghĩa là, trong thực tế, thông tin tích hợp trở nên không thể đo lường được đối với bất kỳ hệ thống phức tạp nào. Đây là một ví dụ để làm bài học về cách nhắm vào vấn đề khó, hơn là vấn đề chính, có thể làm chậm hay thậm chí ngăn chặn tiến trình thử nghiệm.

Khi chúng ta có ý thức, thì chúng ta đang có ý thức về điều gì đó. Cái gì trong não bộ quyết định nội dung của ý thức? Phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn cho câu hỏi này là tìm kiếm cái được gọi là ‘những tương quan thần kinh của ý thức’ (NCCs). Vào những năm 1990, Francis Crick và Christof Koch đã định nghĩa một NCC là ‘tập hợp tối thiểu của các sự kiện và cơ chế thần kinh đủ cho một kết quả tri giác có ý thức cụ thể’. Định nghĩa này đóng vai trò quan trọng trong một phần tư thế kỷ qua vì nó dẫn thẳng đến các thử nghiệm. Chúng ta có thể so sánh nhận thức có ý thức với nhận thức vô thức và tìm kiếm sự khác biệt trong hoạt động não bộ, (ví dụ) bằng cách sử dụng EEG và MRI chức năng. Có nhiều cách để làm việc này. Một trong những cách phổ biến nhất là sự cạnh tranh hai mắt (binocular rivalry), mà trong đó những hình ảnh khác nhau được hiển thị cho mỗi mắt để tri giác có ý thức chuyển từ mắt này sang mắt kia (trong khi thông tin đầu vào cảm giác thì vẫn không thay đổi). Cách khác là masking, mà trong đó một hình ảnh lóe lên nhanh chóng được theo sau bởi một khuôn mẫu vô nghĩa. Ở đây, liệu hình ảnh đầu tiên có được tri giác có ý thức hay không thì còn phụ thuộc vào độ trễ giữa hình ảnh và mặt nạ. 

Các thí nghiệm như vậy đã xác định các vùng não luôn gắn liền với nhận thức có ý thức, không phụ thuộc vào việc nhận thức đó là thị giác, thính giác hay thuộc một số phương thức cảm giác khác. Vấn đề gần đây nhất trong câu chuyện này liên quan đến các thí nghiệm tìm cách phân biệt được giữa các vùng não bộ tham gia vào việc báo cáo về một tri giác có ý thức (ví dụ, nói rằng: ‘Tôi nhìn thấy một khuôn mặt!’) với các vùng não bộ tham gia vào việc tạo ra tri giác có ý thức. Nhưng cho dù các thử nghiệm đó rất mạnh mẽ thì chúng vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề ‘chính’ của ý thức. Nói rằng một ‘điểm nóng’ vỏ não sau (ví dụ) được kích hoạt một cách đáng tin cậy trong lúc nhận thức có ý thức thì cũng vẫn chưa giải thích được tại sao hoạt động trong vùng não đó lại có liên quan đến ý thức. Bởi thế mà chúng ta cần có một lý thuyết tổng quát về nhận thức, mô tả những hoạt động của não bộ, chứ không chỉ vị trí của những hoạt động ấy.

Vào thế kỷ 19, học giả người Đức Hermann von Helmholtz đề xuất rằng não bộ là một cỗ máy dự đoán, và những gì chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận không gì khác hơn là những phán đoán tốt nhất của bộ não về nguyên nhân của các thông tin đầu vào cảm giác của nó. Cứ nghĩ như thế này. Bộ não bị nhốt bên trong một hộp sọ. Tất cả những gì nó nhận được là những tín hiệu cảm giác mơ hồ và ồn ào chỉ liên quan gián tiếp đến các vật thể trong thế giới. Do đó, tri giác phải là một quá trình suy luận, mà trong đó những tín hiệu cảm giác mập mờ được kết hợp với những kỳ vọng hay ‘niềm tin’ trước đó về cách thức mà thế giới này vận hành, để hình thành nên các giả thiết tối ưu của não bộ về nguyên nhân của các tín hiệu cảm giác này–của những tách cà phê, máy tính và đám mây. Những gì chúng ta thấy là ‘phán đoán tốt nhất’ của bộ não về những thứ đang ở ngoài kia.

Ta có thể dễ dàng tìm được những ví dụ về tri giác dự đoán, cả trong phòng thí nghiệm và trong cuộc sống hằng ngày. Khi bước ra ngoài vào một buổi sáng đầy sương mù, nếu chúng ta định gặp một người bạn tại một trạm xe buýt, chúng ta có thể trông thấy cô ấy đang đứng ở đó cho đến khi nhìn kỹ hơn thì hóa ra là người lạ. Chúng ta cũng có thể nghe thấy những từ trong các luồng tạp âm vô nghĩa, nếu chúng ta đang mong đợi được nghe những từ này (hãy mở ngược lại bài hát ‘Stairway to Heaven’ và bạn có thể nghe được bài thơ ma quỷ). Ngay cả những yếu tố rất cơ bản của tri giác cũng được định hình bởi những niềm tin vô thức được mã hóa trong hệ thống thị giác của chúng ta. Bộ não của chúng ta được tiến hóa để đưa ra giả định (tin) rằng ánh sáng đến từ trên cao, ảnh hưởng đến cách chúng ta tri giác các hình dạng trong bóng tối.

Quan điểm cổ điển về tri giác là não bộ xử lý thông tin cảm giác theo hướng từ dưới lên hoặc ‘từ ngoài vào trong’: các tín hiệu cảm giác đi qua các thụ thể (ví dụ, võng mạc) rồi sau đó tiến sâu hơn vào não bộ, với mỗi giai đoạn lại ngày càng chiêu mộ thêm quá trình xử lý trừu tượng và phức tạp. Theo quan điểm này, tri giác ‘hạng nặng’ được thực hiện bởi các kết nối từ dưới--lên này. Còn quan điểm của Helmholtzian thì đảo ngược khuôn khổ này, ông cho rằng các tín hiệu đi vào não bộ từ thế giới bên ngoài chỉ truyền tải những lỗi dự đoán–những khác biệt giữa điều mà bộ não kỳ vọng và điều mà nó nhận được. Nội dung tri giác được thực hiện bởi những dự đoán tri giác đi theo hướng ngược lại (từ trên xuống), từ sâu bên trong não bộ ra bên ngoài theo hướng các bề mặt cảm giác. Tri giác liên quan đến việc giảm bớt lỗi dự đoán diễn ra đồng thời trên nhiều cấp độ xử lý trong hệ thống cảm giác của não bộ, bằng cách liên tục cập nhật các dự đoán của não bộ. Theo quan điểm này, thường được gọi là ‘mã hóa dự đoán’ hay ‘xử lý dự đoán’, thì tri giác là một ảo giác được kiểm soát, mà trong đó các giả thuyết của bộ não liên tục được kiểm soát bởi các tín hiệu cảm giác đến từ thế giới và cơ thể. ‘Một ảo tưởng trùng khớp với thực tế,’ như nhà tâm lý học Chris Frith đã nói thật hùng hồn trong cuốn sách Making Up the Mind (2007).

Được trang bị lý thuyết này về tri giác, chúng ta có thể quay lại với ý thức. Bây giờ, thay vì hỏi những vùng não bộ nào có tương quan với tri giác có ý thức (đối lập với vô thức), thì ta có thể hỏi: những khía cạnh nào của tri giác dự đoán đi cùng với ý thức? Một số thí nghiệm hiện tại chỉ ra rằng ý thức phụ thuộc nhiều vào các dự đoán tri giác, hơn là những lỗi dự đoán. Năm 2001, Alvaro Pascual-Leone và Vincent Walsh tại trường Y Harvard yêu cầu người tham gia báo cáo hướng chuyển động được tri giác của những đám mây có các chấm trôi. Họ dùng TMS để ngắt các tín hiệu từ trên xuống qua vỏ não thị giác, và họ phát hiện thấy điều này đã loại bỏ tri giác có ý thức về chuyển động, mặc dù các tín hiệu từ dưới--lên vẫn còn nguyên.

Gần đây, trong phòng thí nghiệm của tôi, chúng tôi đã thăm dò các cơ chế dự đoán của tri giác có ý thức một cách chi tiết hơn. Trong một vài thí nghiệm–sử dụng những biến thể của phương pháp Cạnh tranh hai mắt được đề cập ở trên–chúng tôi phát hiện thấy con người nhìn thấy những thứ mà họ mong đợi, hơn là những thứ không như mong đợi của họ. Chúng tôi cũng khám phá ra bộ não áp đặt những dự đoán tri giác của nó tại những điểm ưa thích (hay các pha) trong cái được gọi là ‘nhịp alpha’, đó là một dao động trong tín hiệu EEG ở khoảng 10 Hz đặc biệt nổi bật trên các vùng thị giác của não bộ. Điều này rất thú vị vì nó cho ta thoáng thấy được cách thức não bộ có thể thực sự thực hiện một việc gì đó như nhận thức dự đoán, và bởi vì nó làm sáng tỏ một hiện tượng hoạt động não bộ nổi tiếng, nhịp alpha, mà chức năng của nó cho đến nay vẫn còn khó nắm bắt.

Quá trình dự đoán cũng có thể giúp chúng ta hiểu được những dạng trải nghiệm thị giác khác thường, chẳng hạn như ảo giác có thể đi cùng với chứng loạn thần hay những chuyến ‘trip’ do dùng chất thức thần. Ý tưởng cơ bản là ảo giác xuất hiện khi não bộ ít chú ý đến những tín hiệu cảm giác đầu vào, do đó tri giác bị chi phối một cách bất thường bởi những kỳ vọng trước đó của não bộ. Những dạng ảo giác khác nhau–từ những trải nghiệm hình học đơn giản về đường nét, hoa văn và kết cấu cho đến những câu chuyện ảo giác phong phú đầy rẫy những vật thể và con người – có thể được giải thích bởi sự háo hức quá mức của não bộ trong việc xác nhận các dự đoán của nó ở các cấp độ khác nhau trong hệ thống cấp bậc vỏ não. Nghiên cứu này có nhiều hứa hẹn về mặt lâm sàng vì nó tìm ra các cơ chế làm nền tảng cho các triệu chứng của bệnh tâm thần, giống như cách mà thuốc kháng sinh giải quyết căn nguyên gây ra nhiễm trùng trong khi thuốc giảm đau thì không.

Trong nhiều trải nghiệm đặc biệt trong thế giới nội tâm của chúng ta, có một trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Đây là trải nghiệm là chính bạn. Người ta có xu hướng xem nhẹ những trải nghiệm của bản ngã, vì chúng có vẻ như luôn hiện diện, và chúng ta thường có một cảm giác về tính liên tục trong sự tồn tại chủ quan của chúng ta (tất nhiên là ngoại trừ khi thoát khỏi tình trạng gây mê toàn thân). Nhưng cũng giống như ý thức không đơn thuần là một thứ (one thing), bản ngã có ý thức tốt nhất cũng được hiểu như một cấu trúc phức tạp được sinh ra bởi não bộ.

Lại có bản ngã cơ thể, đó là trải nghiệm là một cơ thể và đang sở hữu một cơ thể riêng biệt. Rồi lại có bản ngã quan điểm (perspectival self), đó là trải nghiệm về việc nhận biết thế giới từ góc nhìn ở ngôi thứ nhất. Bản ngã ý chí (volitional self) bao gồm những trải nghiệm về ý định và quyền tự quyết – về những thôi thúc phải làm việc này hay việc kia, và về những nguyên nhân của sự việc đang xảy ra. Ở cấp độ cao hơn, chúng ta bắt gặp bản ngã xã hội và kể chuyện (narrative and social selves). Bản ngã kể chuyện là nơi mà ‘cái tôi’ xuất hiện, như trải nghiệm của việc là một con người riêng biệt và liên tục theo thời gian, được xây dựng từ một loạt ký ức tự truyện phong phú. Và bản ngã xã hội là khía cạnh của trải nghiệm-bản thân được khúc xạ qua tâm trí nhận biết của những người khác, được định hình bởi hoàn cảnh xã hội độc đáo của chúng ta.

Trong cuộc sống thường ngày, có thể khó mà phân biệt những chiều kích ấy của bản ngã. Chúng ta đi qua cuộc đời như những tổng thể tưởng chừng thống nhất, trải nghiệm của chúng ta về bản ngã cơ thể được hợp nhất liền mạch với những ký ức của chúng ta từ quá khứ, và với những trải nghiệm của chúng ta về ý chí và quyền tự quyết. Nhưng sự xem xét nội tâm có thể là một hướng dẫn tồi. Nhiều thí nghiệm và nghiên cứu trường hợp tâm thần kinh lại kể một câu chuyện khác, một thí nghiệm trong số đó là bộ não chủ động và liên tục tạo ra và điều phối các khía cạnh đa dạng này của kinh nghiệm-bản thân.

Hãy lấy ví dụ về bản ngã cơ thể. Trong ‘ảo giác bản tay cao sư’ nổi tiếng, tôi yêu cầu bạn hãy tập trung vào một bàn tay giả trong lúc bàn tay thật của bạn nằm ngoài tầm mắt của bạn. Sau đó nếu tôi cùng lúc vuốt ve bàn tay thật và bàn tay giả của bạn bằng một cây cọ vẽ mềm thì bạn có thể xuất hiện cảm giác kỳ lạ rằng bàn tay giả giờ đây, bằng cách nào đó, đã là một phần cơ thể của bạn. Điều này tiết lộ tính linh hoạt đáng ngạc nhiên trong cách chúng ta trải nghiệm về ‘quyền sở hữu’ cơ thể mình và dấy lên một câu hỏi: làm thế nào bộ não quyết định được  phần nào của thế giới là cơ thể của nó, và phần nào không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể khơi gợi cùng một quá trình làm nền tảng cho những dạng tri giác khác. Bộ não đưa ra 'dự đoán tốt nhất' của nó dựa trên những niềm tin hay kỳ vọng trước đây của nó, và dữ liệu cảm giác có sẵn. Trong trường hợp này, dữ liệu cảm giác thích hợp bao gồm các tín hiệu đặc trưng với cơ thể, cũng như các giác quan cổ điển như thị giác và xúc giác. Những cảm giác cơ thể đó bao gồm proprioceptive (sự nhận cảm trong cơ thể – khả năng cảm nhận được vị trí, chuyển động và hành động của cơ thể), báo hiệu hình dạng của cơ thể trong không gian và interoception (cảm giác về trạng thái bên trong của cơ thể), bao gồm một loạt các đầu vào truyền tải thông tin từ bên trong cơ thể, chẳng hạn như huyết áp, áp lực dạ dày, nhịp tim v.v... Trải nghiệm về bản ngã hiện thân phụ thuộc vào những dự đoán về những nguyên nhân liên quan đến cơ thể của các tín hiệu cảm giác qua các kênh interoceptive và proprioceptive, cũng như qua các giác quan cổ điển. Những trải nghiệm của chúng ta về việc là một cơ thể và có một cơ thể là ‘những ảo giác được kiểm soát’ của một kiểu ảo giác rất khác biệt.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của tôi cũng đang ủng hộ quan điểm này. Trong một thí nghiệm, chúng tôi đã dùng cái gọi là thực tế ảo tăng cường để phát triển một phiên bản mới của ảo giác bàn tay cao su, được thiết kế để kiểm tra tác động của các tín hiệu nhận cảm trong lên quyền sở hữu cơ thể. Những người tham gia quan sát môi trường xung quanh họ thông qua một màn hình được gắn trước mặt, tập trung nhìn một phiên bản thực tế ảo của bàn tay họ, xuất hiện trước mặt họ. Bàn tay ảo này được lập trình để nhấp nháy màu đỏ nhẹ, cùng nhịp tim hoặc không cùng nhịp tim của họ. Chúng tôi đã dự đoán rằng mọi người sẽ trải nghiệm cảm giác nhân dạng (identity) tốt hơn với bàn tay ảo khi nó có xung nhịp đồng bộ với nhịp tim của họ, và đây là phát hiện của chúng tôi. Những phòng thí nghiệm khác phát hiện thấy các nguyên tắc tương tự cũng áp dụng được cho những khía cạnh khác của bản ngã ý thức. Ví dụ, chúng ta trải nghiệm về quyền tự quyết đối với các sự kiện khi dữ liệu cảm giác đầu vào khớp với những hậu quả của hành động đã được dự đoán–và sự thất bại trong quyền tự quyết, điều này có thể xuất hiện ở những chứng bệnh như tâm thần phân liệt–có thể truy nguyên từ những sự bất thường trong quá trình dự đoán này.

Các phát hiện này đưa chúng ta quay trở lại với Descartes. Thay vì nói ‘Tôi tư duy nên tôi tồn tại’ chúng ta có thể nói: ‘Tôi dự đoán (bản thân tôi) nên tôi tồn tại.’ Trải nghiệm cụ thể về chính bản thân mình (hoặc bản thân tôi) không khác gì hơn là sự phỏng đoán tốt nhất của não bộ về nguyên nhân của các tín hiệu cảm giác liên quan đến bản thân.

Có một bước ngoặt cuối cùng cho câu chuyện này. Các mô hình dự đoán là tốt không chỉ để tìm ra nguyên nhân của các tín hiệu cảm giác mà còn cho phép não bộ kiểm soát hoặc điều chỉnh những nguyên nhân này, bằng cách thay đổi dữ liệu cảm giác để phù hợp với các dự đoán hiện có (đôi lúc điều này được gọi là ‘suy luận tích cực’). Khi nói đến bản ngã, đặc biệt là những khía cạnh mẫu mực sâu sắc của nó, sự điều chỉnh hiệu quả được cho là quan trọng hơn tri giác chính xác. Miễn là nhịp tim, huyết áp và những số lượng sinh lý khác của chúng ta vẫn nằm trong những giới hạn có thể sống được, thì nếu chúng ta thiếu những biểu tượng tri giác chi tiết thì cũng không thành vấn đề. Điều này có thể liên quan đến đặc trưng riêng biệt của trải nghiệm 'là một cơ thể', khi so sánh với những trải nghiệm về các vật thể/đối tượng trong thế giới–hoặc trải nghiệm về cơ thể như một đối tượng.

Và điều này lại đưa chúng ta quay lại với Descartes một lần cuối. Khi tách rời tâm trí ra khỏi cơ thể, ông cho rằng những loài động vật không phải-con người không khác gì ‘những cỗ máy thú vật’ mà không có thế giới nội tâm. Theo quan điểm của ông, những quá trình cơ bản của sự điều chỉnh sinh lý ít hoặc không có liên quan gì đến tâm trí hay ý thức. Tôi thì lại nghĩ ngược lại. Tôi cho rằng những khía cạnh cơ bản của trải nghiệm về bản ngã có ý thức của chúng ta có thể phụ thuộc vào tri giác dự đoán theo định hướng-kiểm soát của mớ sinh lý hỗn độn của chúng ta, của dòng máu động vật và cảm tính của chúng ta. Chúng ta là những bản ngã có ý thức vì chúng ta cũng là những cỗ máy thú vật – những cái túi thịt tự duy trì, quan tâm đến sự tồn tại của chúng.

Dịch bởi Chó béo cute

Nguồn: https://aeon.co/essays/the-hard-problem-of-consciousness-is-a-distraction-from-the-real-one

menu
menu