Coi thường nhau - dấu hiệu báo trước ly hôn
Khinh thường, ngược lại với tôn trọng, thường là thể hiện qua trạng thái phán xét tiêu cực, hay mỉa mai về giá trị của bạn đời. Có 4 loại giao tiếp, mà khi trò chuyện, cố ý hay vô tình thể hiện sự khinh thường.
Khinh thường, ngược lại với tôn trọng, thường là thể hiện qua trạng thái phán xét tiêu cực, hay mỉa mai về giá trị của bạn đời. Có 4 loại giao tiếp, mà khi trò chuyện, cố ý hay vô tình thể hiện sự khinh thường.
Cách giao tiếp của bạn đời nâng bạn lên hay hạ bạn xuống? Tiến sĩ John Gottman, Đại học Washington (Mỹ), chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu về hôn nhân đã tổng kết sau hơn hai mươi năm nghiên cứu rằng dấu hiệu lớn nhất, đầu tiên của ly hôn là khi một hay hai người thể hiện sự khinh thường trong mối quan hệ.
NÓI KIỂU ĐỔ LỖI, ĐI KÈM SỰ CHỈ ĐẠO
Nói kiểu đổ lỗi bao gồm những thông báo bắt đầu bằng "Anh/em là...", Anh/em nên...", "Anh/em cần...", Anh/em phải..." và "Tốt hơn là anh/em....". Sự chỉ đạo là những câu thông báo kiểu phán xét tiêu cực hay chỉ trích. Ví dụ về sự đổ lỗi kèm chỉ đạo là:
"Anh không tốt..."
"Anh nên dành sự chú ý..."
"Anh nên làm việc này ngay đi..."
Anh phải đứng vào vị trí của em mà hiểu chứ..."
Hầu hết mọi người đều không thích bị phán xét hay bắt phải làm việc gì đó, và khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ đổ lỗi, sẽ khơi dậy trong lòng người khác cảm giác oán giận và phòng thủ. Loại giao tiếp này cũng có vấn đề, ở chỗ nó có khuynh hướng tạo ra phản ứng phản bác, kết quả là sự bất đồng và mâu thuẫn kéo theo.
KẾT TỘI CHUNG CHUNG
Những câu kết tội chung chung thể hiện sự khái quát về tính cách hay hành vi của một người theo cách tiêu cực. Các loại câu kiểu này phổ biến nhất bao gồm việc sử dụng những từ như "lúc nào cũng", "chẳng bao giờ", "lại", "quá", "mọi lúc", "đồ"... Những câu này thường dùng kết hợp ngôn ngữ chỉ trích. Chẳng hạn:
"Anh luôn luôn không chịu lật bệ ngồi bồn cầu lên"
"Anh chẳng bao giờ đậy nắp hộp kem đánh răng cho tử tế"
"Anh lại bày bừa ra rồi"
"Anh quá lười"
"Lần nào anh cũng quên làm điều này"
"Anh là đồ ngớ ngẩn"
"Ai cũng biết là anh quá tệ"
Những câu kết tội chung chung có vấn đề theo nhiều cách. Đầu tiên, trong suy nghĩ của người nói, người nghe không có bất cứ điều gì khác tốt. Khả năng thay đổi không được đếm xỉa tới. Thứ hai, vì những chỉ trích chung chung nhằm vào "những điều sai" thay vì "làm thế nào tốt hơn" nên thực sự không khuyến khích sự thay đổi. Cuối cùng, với ví dụ về ngôn ngữ ra lệnh, kết tội chung chung có thể dễ dàng gây bất đồng.
Nếu tôi nói với bạn "Em chẳng bao giờ rửa bát" thì tất cả những gì bạn làm là cố tìm ra một ngoại lệ "không đúng, em có rửa bát, một lần, vào năm ngoái" và bạn đã phủ nhận thành công lời kết tội của tôi. Những kết luận chung chung khiến người ta dễ tổn thương và phản pháo.
NHẰM VÀO CON NGƯỜI, BỎ QUA VẤN ĐỀ
Trong mỗi tình huống giao tiếp bao gồm người khác, có hai yếu tố có mặt: người bạn nói đến và vấn đề hay hành vi bạn nhắm tới. Giao tiếp tỏ vẻ khinh thường nhắm vào cá nhân, trong khi lại giảm thiểu hoặc bỏ qua vấn đề hay hành vi. Ví dụ:
Giao tiếp tỏ vẻ coi thường: "Anh thật ngớ ngẩn"
Giao tiếp hiệu quả: "Anh là một người thông minh, và việc anh làm sáng nay thì chẳng sáng dạ chút nào"
Giao tiếp tỏ vẻ coi thường: "Anh chẳng bao giờ làm việc nhà. Anh thật vô dụng"
Giao tiếp hiệu quả: "Em thấy anh không làm việc nhà tuần này"
Giao tiếp tỏ vẻ coi thường: "Anh lúc nào cũng có nhớ gì đến em đâu"
Giao tiếp hiệu quả: "Em biết anh đang có nhiều việc phải lo tới, và em nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng ta có một buổi đi chơi tối để gắn kết hơn"
Chỉ trích vào con người mà giảm nhẹ vấn đề có thể dễ dàng khơi dậy phản ứng tiêu cực từ người nghe - và kết quả là họ cảm thấy tức giận, bực bội, tổn thương hay chống đối. Hãy nhớ rằng nhắm vào con người và giảm nhẹ vấn đề cũng liên quan đến việc thường xuyên sử dụng câu ra lệnh và chỉ trích chung chung.
CẢM GIÁC VÔ NGHĨA LÝ
Cảm giác vô nghĩa lý xuất hiện khi chúng ta nhận ra những cảm xúc, tiêu cực hay tích cực của mình, vô nghĩa với một người, và thậm chí người đó chẳng thèm đếm xỉa đến, phớt lờ hay phán xét tiêu cực những cảm giác này. Ví dụ:
"Mối quan tâm của em chẳng có nghĩa lý gì với tôi"
"Những phàn nàn của em hoàn toàn chẳng có căn cứ gì"
"Em đang thổi phồng mọi việc đấy"
"Ai thèm quan tâm việc em tức giận chứ. Đừng có phản ứng thái quá nữa"
Khi chúng ta làm vô hiệu cảm xúc của người khác, chúng ta có thể gây ra sự bất bình ngay lập tức. Những người cảm thấy họ không được chúng ta quan tâm sẽ cảm thấy bị tổn thương và tức giận. Trong một số trường hợp, một người cảm thấy vô giá trị có thể sẽ đóng sập cánh cửa cảm xúc trước bạn, vì không muốn lại tiếp tục bị tổn thương.
4 đặc điểm của giao tiếp tỏ vẻ coi thường mô tả ở trên như chất độc - chúng phá hoại sức khỏe và sự gần gũi, gắn kết. Nếu mối quan hệ của bạn có dấu hiệu của điều này, hãy tìm cách cải thiện bằng khả năng giao tiếp.
"Giao tiếp là kỹ năng mà bạn có thể học. Nó như đi xe đạp hay gõ máy tính. Nếu bạn sẵn sàng học hỏi, bạn có thể dần dần cải thiện chất lượng một phần cuộc đời bạn", John Gottman nói.
Vương Linh (theo Psychologytoday)