Phản bội và bị phản bội

phan-boi-va-bi-phan-boi

Khi nhìn vào gương, bạn thấy hình ảnh phản chiếu của ai?

Trong hai thập kỷ hành nghề, tôi nhận thấy cả tần suất và loại hình phản bội đều đã tăng lên gấp nhiều lần so với hai thập kỷ trước. Nhiều người dường như có quyền phản bội người yêu chỉ để “đáp ứng nhu cầu của bản thân" hoặc vì "tôi thích như thế và tôi phải tôn trọng cảm xúc của mình".

Sự phản bội trong các mối quan hệ thân mật xảy ra khi đối phương nói dối, lừa dối, lén lút sử dụng tài chính gia đình, liên tục chỉ trích, trốn tránh giao tiếp, la hét hoặc lạm dụng. Mỗi hành động đều vi phạm lời cam kết ban đầu đã mang lại cho chúng ta can đảm để yêu.

Bất kể điều gì xảy ra, người mà bạn yêu và tin tưởng sẽ làm những điều sau đây:

- Quan tâm đến sức khỏe của bạn.

- Không bao giờ cố ý làm tổn thương bạn.

“Tại Sao Nó Lại Đau Đớn Đến Vậy?”

Các mối quan hệ tình yêu là tấm gương phản chiếu nội tâm. Chỉ qua giao tiếp với những người chúng ta yêu, chúng ta mới biết được mình dễ mến như thế nào và tình yêu của mình có giá trị đối với người khác ra sao. Trẻ con không bao giờ đặt câu hỏi về ấn tượng của bản thân được phản ánh bởi những người chăm sóc và các bạn đồng trang lứa. Chúng không nghĩ rằng mẹ chúng căng thẳng và chỉ trích, hay cha chúng nổi giận chỉ là vì họ đang trải qua thời gian tồi tệ hay đang phục hồi từ một tuổi thơ khó khăn.

Giả sử bạn đã nội tâm hóa hình ảnh cơ thể dựa trên những phản chiếu từ tấm gương bóp méo vui nhộn, khiến hông của bạn trông rộng cả dặm. Bạn sẽ nghĩ rằng mình đang gặp rắc rối nghiêm trọng và không có chế độ ăn kiêng nào có thể giúp ích.

Một khi bạn đã nội tâm hóa một hình ảnh tiêu cực như vậy, bạn sẽ không tin tưởng vào những chiếc gương chính xác. Những người gầy gò do chứng rối loạn ăn uống thấy hình ảnh phản chiếu trong gương chỉ là da và xương hơn là mỡ. Ngay cả những người không mắc chứng rối loạn ăn uống nhưng từ nhỏ đã bị nói rằng họ quá gầy một cách lặp đi lặp lại thì họ có thể thấy bản thân là một người gầy trưởng thành, bất chấp phản chiếu trong gương cho thấy họ thừa vài cân.

Khi nói đến ngoại hình, ít nhất chúng ta có rất nhiều tấm gương khác để so sánh với hình ảnh phản chiếu méo mó vui nhộn. Nhưng không có hình ảnh phản chiếu nào của tình yêu, ngoại trừ những gì chúng ta nhận được từ những người chúng ta yêu thương. Nếu bạn đánh giá mức độ đáng yêu của mình dựa trên sự phản chiếu từ một người không thể yêu mà không gây tổn thương, bạn sẽ có một cái nhìn sai lệch về bản thân.

Photo by Dev Asangbam on Unsplash

Bất kể chúng ta tranh luận bao nhiêu với người thương về những chỉ trích, những lời mỉa mai và những ngụ ý của họ rằng chúng ta đang thất bại trong vai trò bạn đời, thì chúng ta đều có khả năng sẽ tin họ. Một phần nào đó trong chúng ta chấp nhận những "nhược điểm" phản chiếu trong tấm gương tình yêu, ngay cả khi chúng ta biết rõ trong thâm tâm rằng người yêu đang bóp méo hình ảnh thực sự của chúng ta. Áp lực tiềm ẩn này giải thích tại sao ngay cả những người thành công và quyền lực cũng dễ bị tổn thương như bất kỳ ai trước những hình thức phản bội trong mối quan hệ yêu đương của họ.

Tất nhiên, tấm gương tình yêu cũng có thể phản ánh những thông tin tốt đẹp. Nếu bạn học được từ những người trông nom đầy lòng trắc ẩn rằng bạn xứng đáng được yêu thương và tình yêu của bạn có giá trị, bạn sẽ có một cái nhìn thực tế hơn về bản thân trong các mối quan hệ. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy thất vọng và buồn chán nhưng đừng bao giờ cảm thấy không phù hợp, không xứng đáng hoặc không được yêu thương.

Quan trọng nhất, khi bạn cảm thấy buồn bã hoặc thất vọng, bạn sẽ biết rằng bạn có thể làm điều gì đó để cải thiện trạng thái cảm xúc của mình, dù nó không phải là tình hình hiện tại. Nỗi buồn của bạn sẽ chỉ kéo dài một thời gian ngắn - bạn có thể cảm thấy tồi tệ một thời gian nhưng sau đó sẽ hồi phục và làm điều gì đó để khiến bạn cảm thấy có giá trị một lần nữa, và thường là hành động thể hiện sự cảm kích, lòng trắc ẩn, sự tử tế hay lòng yêu thương.

Tấm gương tình yêu tạo ra năng lượng khi phản chiếu giá trị và làm cạn kiệt năng lượng khi không phản chiếu.

“Lối Thoát”

Lối thoát duy nhất cho những kẻ phản bội là ngừng coi cảm xúc bực bội là sự trừng phạt từ người khác. Họ phải coi cảm xúc khó chịu (và đau đớn) của mình là động lực để chữa lành và cải thiện. Khi làm như vậy, họ sẽ có lòng trắc ẩn sâu sắc hơn với chính bản thân, điều này sẽ truyền cảm hứng cho sự thông cảm nhiều hơn đối với người thân yêu (sự thông cảm ngăn chặn sự đau đớn; sự hối hận xảy ra sau khi gây đau đớn). Bạn có thể yêu mà không bị tổn thương, nhưng chỉ khi bạn sử dụng sự khó chịu và đau đớn như một tín hiệu để chữa lành và hành động dựa trên những giá trị sâu sắc của bạn, thay vì phản bội.

Lối thoát cho những người đã trải qua sự phản bội là từ chối những phản chiếu méo mó trong tấm gương tình yêu và xây dựng một hình ảnh về bản thân dựa trên sự mạnh mẽ, kiên cường và những giá trị sâu sắc của mình.

Cố gắng hàn gắn mối quan hệ với những vết thương hở từ sự phản bội - hoặc xây dựng một cuộc sống mới ngoài mối quan hệ - là vô ích và cuối cùng cũng khiến bạn nản chí. Quá trình chữa lành và phát triển bắt đầu với việc nhận thức rằng mối quan hệ của bạn bị tổn thương, nhưng bạn không bị tổn hại. Bạn phải chữa lành trước và nếu bạn muốn, hãy cố gắng sửa chữa sau.

Tập trung vào việc chữa lành và phát triển - tạo dựng thêm giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống của bạn thì những mối quan hệ lành mạnh sẽ đến theo sau đó.

-----------

Nguồn: psychologytoday

Dịch giả: Nhi Tạ - Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

menu
menu