Con trai tôi suốt ngày chơi game và sống nhờ đồ ăn đặt về

con-trai-toi-suot-ngay-choi-game-va-song-nho-do-an-dat-ve

Có thể bạn đang làm “quá mức” vai trò người mẹ, khiến con vô thức rơi vào vai đứa trẻ không lớn nổi

Câu hỏi:

Con trai tôi năm nay 26 tuổi, thông minh, sống một mình. Nhưng nó chẳng giữ nổi công việc nào lâu dài, cả ngày chỉ chơi điện tử và ăn đồ đặt sẵn. Nó có khoản tiền thừa kế, nhưng giờ thì gần cạn rồi.

Mọi chuyện bắt đầu rối ren từ lúc nó bắt đầu hút cần sa năm 16 tuổi. Chẳng mấy chốc nghiện nặng. Nó vật lộn với trầm cảm từ tuổi mới lớn, từng gặp vài nhà tư vấn tâm lý nhưng dường như chẳng cải thiện bao nhiêu. Nó đang uống thuốc chống trầm cảm – có chút hiệu quả. Nó bỏ thuốc cách đây khoảng một năm, khá đột ngột, nhưng cuộc sống cũng chẳng sáng sủa hơn.

Hiện tại, nó đang học chương trình dự bị đại học, có cả thư nhập học vào tháng 9 này, nhưng hiếm khi chịu đến lớp. Nhà cửa thì bừa bộn, không giặt giũ, vệ sinh cá nhân cũng kém. Tôi vẫn thường qua dọn dẹp giúp, nhưng giờ nó bảo tôi dừng lại. Tôi muốn làm theo lời nó, nhưng cũng biết nếu để mặc thì nơi đó sẽ thành… bãi chiến trường mất.

Hồi bé, nó có tôi cho riêng mình đến năm sáu tuổi, rồi tôi gặp chồng tôi bây giờ và chúng tôi có thêm ba đứa con nữa. Con trai tôi đã từng rất khó khăn để chấp nhận chuyện này, nhưng giờ thì quan hệ của nó với các em khá tốt. Còn giữa nó và chồng tôi thì không dễ chịu lắm, nhưng cũng không đến mức tệ hại. Bố ruột của nó đã cắt đứt liên lạc từ rất sớm.
Giờ tôi phải làm sao để giúp nó thay đổi?

Photograph: Shutterstock

Câu trả lời của Philippa Perry:

Có khả năng con trai bạn đang tìm thấy hầu hết sự gắn kết và kết nối thông qua internet, và vì thế nó né tránh những mối quan hệ ngoài đời – thứ có thể mang lại nhiều cảm xúc trọn vẹn hơn. Bạn có thể đọc quyển The Anxious Generation của Jonathan Haidt để hiểu rõ thêm về vấn đề này, hoặc tra cứu hiện tượng người Nhật gọi là hikikomori.

Một điều nữa cũng có thể đang diễn ra – ngoài trầm cảm – là nó đang mắc kẹt trong nỗi sợ thất bại. Ai trong chúng ta cũng từng sa vào cái bẫy tin rằng thất bại là thứ định nghĩa con người mình. Nhưng thực ra, điều chúng ta cần làm là học cách định nghĩa bản thân bằng can đảm để thử. Nếu không dám thất bại, thì cũng chẳng thể nào dám thành công.

Vì thế, thay vì cứ nhìn vào những gì con bạn chưa làm được, hãy tập trung vào những gì nó đã làm. Với một người trầm cảm, chỉ cần ra khỏi giường và mặc quần áo thôi đã là cả một chiến công rồi.

Và con trai bạn không chỉ làm được như vậy – nó còn bỏ cần sa, chịu gặp chuyên gia tư vấn, tự đi khám và uống thuốc, đăng ký học và được nhận vào đại học. Nghe từ bạn thì tôi thấy nó xứng đáng được khen ngợi. Bạn nhìn thấy nó như một “vấn đề” – điều đó chắc chắn không giúp ích gì cho nó cả.

Nhiều người – nhất là khi bản thân chưa từng bị trầm cảm – thường xem nó chỉ như “buồn bã tí thôi” hoặc nghĩ người bệnh “lười biếng”. Tôi đang đoán (chỉ là đoán thôi), có thể chồng bạn cũng nhìn nhận bệnh trầm cảm của con như thế. Nếu đúng, thì việc bạn giúp chồng hiểu rõ hơn về bản chất thật của trầm cảm có thể sẽ giúp mối quan hệ giữa hai người họ bớt căng thẳng.

Tôi cũng đoán là chồng bạn không chịu nổi khi thấy bạn khổ sở, nên đổ lỗi cho con, và điều đó có thể khiến con bạn cảm thấy như thể “mọi người sẽ sống vui vẻ hơn nếu không có mình” – mà tôi chắc chắn không phải điều bạn muốn nó tin.

Thật may là con có mối quan hệ tốt với các em.

Nó đã yêu cầu bạn ngưng dọn dẹp nhà cho nó. Hãy tôn trọng ranh giới đó, nhưng đừng cắt đứt kết nối.

Hãy gặp con ở ngoài – đi dạo, cà phê, hoặc mời nó về ăn tối vài tuần một lần. Tôi nghĩ bạn đang “quá mẹ” – nói chuyện với con từ vị thế người mẹ, vô tình đẩy nó về vai đứa trẻ. Có lẽ đây chính là điều nó muốn thoát ra.

Hai người đều là người lớn. Nếu gặp nhau ở nơi trung lập, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn để trò chuyện như hai người trưởng thành với nhau – điều đó sẽ rất có ích cho con. Một mối quan hệ “người làm – người chịu” thì chẳng lành mạnh, và cũng không mở ra cuộc đối thoại thật sự.

Tôi biết, điều này không dễ. Bạn sẽ còn rất nhiều lần muốn nhảy vào và bảo con phải làm gì. Nhưng hãy giữ lại cảm giác đó, và nhìn con như một con người – không phải một vấn đề cần bạn giải quyết.

Nếu bạn cần thêm sự giúp đỡ, tôi khuyên bạn đọc quyển sách của tôi: Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình đã đọc.

Việc bố ruột của con cắt đứt liên lạc không phải lỗi của bạn. Bạn hoàn toàn có quyền tìm kiếm hạnh phúc, kết hôn và sinh thêm con. Nhưng ở một tầng vô thức nào đó, có thể bạn vẫn cảm thấy day dứt vì con trai đầu lòng không còn có bạn hoàn toàn cho riêng mình. Và vì cảm giác tội lỗi ấy, bạn cứ tiếp tục “làm mẹ” dù đã đến lúc nên để con tự bước đi.

Ở chiều ngược lại, cũng có thể con bạn – bằng cách cứ mãi cần bạn lo lắng từ những điều nhỏ nhặt – đang vô thức cố giữ bạn bên mình, để không bị bỏ rơi thêm lần nữa.

Nhiều người trưởng thành từng bị cha/mẹ bỏ rơi thường gặp khó khăn khi đến tuổi trưởng thành thật sự. Và chính cảm giác tội lỗi đó cũng khiến cha/mẹ không dám buông tay.

Chúng ta không thể thay đổi người khác. Chúng ta chỉ có thể thay đổi cách mình đối xử với họ. Và rồi… có thể, họ sẽ thay đổi theo. Cũng có thể không. Nhưng điểm bắt đầu luôn là ở mình.

Nguồn: My grownup son is gaming all day and lives on takeaways | The Guardian

menu
menu