Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép

cu-sai-di-vi-cuoc-doi-cho-phep

500 năm trước, những người vẽ bản đồ tin rằng California là một hòn đảo. Các bác sĩ tin rằng rạch toang cánh tay bạn ra, để nó rỉ máu khắp nơi có thể chữa được bệnh. Nhiều nhà khoa học tin rằng lửa được hình thành từ một thứ gọi là phlogiston*. Phụ nữ tin

500 năm trước, những người vẽ bản đồ tin rằng California là một hòn đảo. Các bác sĩ tin rằng rạch toang cánh tay bạn ra, để nó rỉ máu khắp nơi có thể chữa được bệnh. Nhiều nhà khoa học tin rằng lửa được hình thành từ một thứ gọi là phlogiston*. Phụ nữ tin rằng thoa nước tiểu chó lên mặt có tác dụng chống lão hoá. Và các nhà thiên văn học tin rằng mặt trời xoay quanh Trái đất.

Hồi còn nhỏ, tôi từng nghĩ “mediocre”* là một loại rau và không muốn ăn nó. Tôi từng tin là anh trai mình tìm thấy một lối đi bí mật trong nhà của bà bởi vì hắn ta có thể trốn ra ngoài mà không cần dùng tới cửa sổ trong phòng tắm. Tôi cũng cho rằng khi bạn bè và gia đình đến “Washington BC” chơi, bằng một cách nào đó, họ đã du hành xuyên không về quá khứ, thời bọn khủng long còn sống. Vì “BC” (Before Christ) – tức là từ thời xa xưa lắm, không phải sao?

Hồi còn teen, tôi từng thử sống phũ phàng, bàng quan với mọi người, nhưng sự thật là tôi quan tâm họ rất nhiều. Tôi đã nghĩ hạnh phúc là định mệnh, không phải một lựa chọn. Tôi nghĩ tình yêu là một thứ gì đó tự nhiên đến với mình, không phải một thứ mình phải nỗ lực để có được. Tôi tưởng rằng nhìn “cool ngầu” là phải luyện tập, phải học hỏi người khác chứ không phải thể hiện bản thân.

Khi có cô bạn gái đầu tiên, tôi nghĩ cô ấy sẽ không bao giờ xa tôi. Và rồi khi cô ấy bỏ đi, tôi đã nghĩ rằng sẽ không còn cô gái nào cho mình những cảm xúc giống như vậy nữa. Rồi tôi lại cảm thấy y như vậy với một cô khác, thế là tôi nghĩ rằng tình yêu đôi lúc cũng không đủ. Và tôi lại nhận ra chúng ta phải tự quyết định bao nhiêu là “đủ”, bạn nghĩ tình yêu nó như thế nào, thì nó sẽ thành ra như thế ấy.

Mọi điều tôi nghĩ trước đây, sai lắm. Sai hết toàn bộ. Suốt quãng đời mình, tôi đã sai về bản thân, về người khác, xã hội, văn hoá, thế giới, vũ trụ… mọi thứ. Và tôi hi vọng rằng điều này sẽ tiếp diễn đến cuối đời. *surprised!!*

Mark Hiện tại có thể nhìn lại mọi lỗi lầm của Mark Quá khứ, rồi một ngày nào đó Mark Tương lai sẽ thấy thằng Mark Hiện tại đang tiếp tục sai lầm. Như vậy hoá ra lại tốt. Vì điều đó có nghĩa là tôi đã trưởng thành.

Michael Jordan từng kể rằng anh ta thất bại hết lần này đến lần khác, và đó là lí do tại sao anh ta thành công. À thì, tôi luôn sai về mọi thứ, và đó cũng là lí do giúp cuộc đời tôi tốt đẹp hơn.

 

Chúng mình không muốn người khác nói chúng mình sai. Nhưng lại cần những chỉ trích đó để có thể phát triển.

Kiến thức là kho báu vô tận. Chúng mình không thể đi từ “sai” thành “đúng” nếu không nhìn thẳng vào “HIỆN THỰC”. Ta bắt đầu đi từ “sai quá sai” đến “hơi sai sai”, rồi đến “sai một chút”, rồi “sai một chút xíu”, bla bla… Chúng ta liên tục nhìn vào HIỆN THỰC, nhưng sẽ không bao giờ biết nhìn thấu được nó.

Vì thế, đứng ở góc nhìn hường phấn, chúng ta không nên tìm đáp án “đúng” tuyệt đối, mà hãy tìm cách không mắc phải sai lầm tương tự ở hiện tại.

Khi nhìn từ góc này, sự phát triển cá nhân thực ra khá khoa học. Giả thuyết là niềm tin của chính bạn. Hành động và cách cư xử là thực nghiệm. Cảm xúc là kết quả và suy nghĩ là thứ hình thành nên cơ sở dự liệu. Chúng ta có thể dùng những thứ này so sánh với niềm tin ban đầu và vẽ nên một bản thiết kế mới về nhu cầu và cảm xúc hiện tại, góp phần xây dựng nên tương lai.

Cách phát triển cá nhân này ưu việt vì nó dựa trên kinh nghiệm đầu tiên nhất và sau đó kết hợp cùng những kinh nghiệm vừa nhận được để đa dạng hoá hệ thống tư tưởng mới.

Ví dụ nhé, cứ cho là bạn khao khát trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Giả định là bạn sáng tạo, bạn thích thể hiện bản thân, thích viết lách, sẵn sàng dành mọi ngày để viết trong hạnh phúc,… Và bạn muốn biết ước mơ đó thành một công việc thực sự.

Tôi nhận được hàng tấn email từ những người ở tình huống này và họ đều hỏi cùng một câu “Tôi nên làm gì?”

Đáp án đơn giản mà. Cứ thế mà viết thôi. Viết cho nhiều vào!

Thử cho thế giới ngoài kia thấy được niềm tin của bạn, nhận lấy phản hồi và các dữ liệu cảm xúc. Có khi sau đó bạn lại thấy rằng thực ra, mình không thích viết lách nhiều như mình tưởng. Cũng có thể bạn sẽ nhận thấy mình thật sự gặp khó khăn khi muốn đưa ý tưởng của mình vào câu chữ một cách thật tinh tế. Bạn nhận ra rằng công việc này cũng gồm nhiều thất bại và từ chối, và không vui như bạn tưởng. Và cũng thấy mình dành nhiều thới gian để thiết kế, giới thiệu tác phẩm hơn là viết – công việc bạn thật sự yêu thích.

Rồi bạn tổng hợp các thông tin mới, từ đó mà điều chỉnh mục tiêu và hành vi của mình.

Túm lại, cái mớ hổ lốn này chính là cuộc đời. Đời là phải thế. Nhưng đâu đó trên đường đến ước mơ, chúng ta trở nên quá ám ảnh về cái “lẽ phải” trong đời mà mình không bao giờ chạm được tới.

Chúng ta thường nói rằng người kia không hành động tại vì anh ta sợ thất bại. Chúng ta độc thân, cô đơn, muốn có gấu nhưng không bao giờ chịu ra khỏi nhà và thay đổi. Hoặc cắm đầu làm việc như một con điên, tưởng là mình sẽ được thăng chức, nhưng chẳng bao giờ dám nói với sếp về chuyện đó. Thực ra trong những trường hợp này, bạn đơn giản là sợ thất bại, sợ bị từ chối, sợ nghe người ta nói “không”.

Nhưng còn hơn vậy nữa. Bị từ chối đau lắm. Thất bại thốn lắm. Có những điều hình thành nên từ nhu cầu an toàn của con người, cho con người ý nghĩa để sống, chúng ta dựa dẫm vào đó, không dám đặt nghi vấn hoặc phá vỡ nó. Phụ nữ không thích ra ngoài hẹn hò vì họ sợ phải đối diện với khao khát và cái tôi của bản thân. Đàn ông không dám xin thăng chức vì họ sẽ phải đối mặt với việc đánh giá khả năng của mình, xem họ có đủ tố chất hay không.

Những điều này dựng nên một căn cứ an toàn cho con người, vì thế họ mà sẵn sàng bỏ qua cơ hội được hạnh phúc hơn (đồng nghĩa với rủi ro cao hơn). Kế hoạch dài hạn này đúng là tệ hại hết cỡ. Đó là những thứ khiến chúng ta chỉ mãi lẩn quẩn trong phường nhỏ của mình. Là những thứ làm bạn rơi vào tuyệt vọng, tràn ngập định kiến và cực đoan.

Muốn đạt được điều gì đó trong đời, đừng bắt mình phải làm đúng mọi lúc mọi nơi, mà bù lại, hãy cứ sai đi. Sai lầm hiện tại của bạn sẽ giúp bạn cải thiện hơn sau này.

Vậy nên cứ thử xem sao. Hãy bảo bản thân quyết định sai – về tất cả mọi thứ. Thử xem nó dẫn bạn đến đâu. Dù bạn đang vật vã với điều gì đi nữa, hãy thử làm những điều mình không chắc chắn. Tự hỏi “Lỡ tôi quyết định sai thì sao?”… Tôi có thể nói rằng bạn sai chắc rồi. Bạn sai về điều bạn đang nghĩ và tất cả mọi thứ khác, cũng như tôi, như mọi con người khác.

Nhưng vậy lại tốt.

Bởi vì sai có nghĩa là thay đổi. Có nghĩa là tiến bộ hơn. Có nghĩa là bạn sẽ không còn phải rạch tay để chữa cảm cúm hay tri trét nước tiểu chó lên mặt để hồi xuân nữa. Không còn nghĩ “mediocre” là một loại rau hay không còn giả vờ vô tâm nữa.

Sau 500 năm, khi người ta nhìn lại, họ sẽ cười vào cách chúng ta để tiền bạc và địa vị định nghĩa cuộc đời mình. Họ sẽ cười vào cách chúng ta sợ phải quý trọng những người có ý nghĩa nhiều với mình. Họ sẽ lại cười vào những lễ nghi, mê tín, những lo ngại và cuộc chiến của chúng ta. Họ sẽ trố mắt trước sự tàn nhẫn của con người hiện tại. Họ sẽ nghiên cứu về nghệ thuật và bàn luận về lịch sử của chúng ta. Họ sẽ hiểu được sự thật về chúng ta – thứ mà con người hiện tại không thể nào thấy được.

Chúng ta sẽ sai lầm trong rất nhiều chuyện. Cũng như họ sẽ lại sai lầm, dù cho đỡ sai hơn một chút.

Có thể thôi – nhưng tôi vẫn mong – họ sẽ nhìn lại thế giới của chúng ta và nghĩ: “Chà, mấy người đó đã sống như vậy sao?”

*Thuyết Phlogiston: https://vi.wikipedia.org/wiki/Thuyết_phlogiston
*mediocre: xoàng xĩnh, bình dân

Dịch: Khương Minh Tú
Nguồn: https://markmanson.net/wrong-about-everything

menu
menu