Cuộc trò chuyện giả lập

Người ta thường nói rằng, trong một mối quan hệ bền vững, trò chuyện và giao tiếp chính là trái tim của sự kết nối.
Người ta thường nói rằng, trong một mối quan hệ bền vững, trò chuyện và giao tiếp chính là trái tim của sự kết nối. Thế nhưng, văn hoá hiện đại lại thường mang đến một hình dung sai lệch về điều đó. Ta có xu hướng lý tưởng hóa việc trò chuyện bằng một quan niệm lãng mạn: rằng những người yêu nhau nên hiểu nhau một cách trực giác, rằng cuộc đối thoại lý tưởng phải luôn trôi chảy, tự nhiên và đầy cảm hứng. Thật ngượng ngùng, thậm chí có phần lạnh lùng, nếu ai đó nghĩ đến chuyện đặt ra nguyên tắc, học qua sách vở, hay đi dự một lớp “kỹ năng trò chuyện với người bạn đời”.
Nhưng sự thật là: rất nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn với điều tưởng như đơn giản ấy. Ta thường ngồi im lặng, buồn rầu, tránh né những chuyện khó nói, hoặc bùng nổ tranh cãi mỗi khi có điều gì phức tạp xảy ra. Một dấu hiệu đặc biệt chạm lòng cho thấy ta đang loay hoay trong giao tiếp, chính là thói quen giận dỗi. Ẩn sâu bên trong sự giận dỗi là một cơn giận dữ mạnh mẽ đi kèm với một mong muốn mãnh liệt được thấu hiểu — mà lại không muốn nói ra. Ta vừa tha thiết mong người kia hiểu mình, lại vừa nhất quyết không mở lời. Điều ấy diễn ra thường xuyên, và nói với ta rằng: trò chuyện trong tình yêu, thực ra không hề dễ dàng hay tự nhiên như ta vẫn nghĩ.
Giao tiếp chân thành là khả năng cho người khác thấy một cách trung thực những gì đang diễn ra bên trong đời sống cảm xúc và tâm lý của ta — đặc biệt là khả năng diễn đạt những góc tối, rối rắm, vụng về nhất trong con người mình sao cho người kia có thể hiểu, thậm chí cảm thông. Người biết giao tiếp tốt là người có thể đưa người mình yêu, một cách nhẹ nhàng, đúng lúc và không kịch tính, bước vào những khu vực “khó ở” nhất của bản thân — như một hướng dẫn viên dẫn người khác qua một vùng đất hoang tàn — và giải thích rằng: "ở đây có điều không ổn", nhưng là theo một cách khiến người kia không sợ hãi, có thể thấu hiểu, chuẩn bị tinh thần, và có lẽ — tha thứ và chấp nhận.
© Flickr/Chris Ford
Ta không sẵn có kỹ năng cho những cuộc đối thoại kiểu này, bởi trong ta có quá nhiều điều ta chưa dám đối mặt, còn ngượng ngùng, hoặc chưa hiểu thấu. Và vì thế, ta chẳng biết phải trình bày những phần tối tăm ấy ra sao để người ta thương lại có thể tiếp nhận một cách dịu dàng và tỉnh táo.
Có thể, hôm nay bạn đã lãng phí cả ngày chỉ lướt web vô nghĩa.
Hoặc bạn đang bứt rứt vì ham muốn thể xác, và thấy mình bị cuốn hút bởi một người khác.
Hoặc bạn đang rơi vào vòng xoáy của sự đố kỵ khi thấy một đồng nghiệp làm gì cũng suôn sẻ.
Hay bạn đang oằn mình trong nuối tiếc và sự ghét bỏ chính mình vì vài quyết định dại dột hồi năm ngoái (bởi bạn khao khát được công nhận).
Hoặc cũng có thể, nỗi sợ hãi mơ hồ về tương lai đang khiến bạn lặng thinh: Mọi thứ rồi sẽ sụp đổ. Hết thật rồi. Bạn có một cuộc đời — và bạn đã lỡ tay đánh mất nó.
Có những điều trong ta tăm tối đến mức ta chưa thể tiêu hoá nổi, và vì vậy, không thể — trong những cuộc sống thường nhật — đem bày ra trước người mình yêu theo một cách khiến họ hiểu và không kinh hoàng.
Thừa nhận rằng trong mối quan hệ có một khoảng trống về khả năng biểu đạt không phải là xúc phạm hay hạ thấp tình yêu. Điều ấy chỉ cho thấy ta cần một chút nhân tạo, một chút luyện tập, và vài nguyên tắc. Những lúc ta thấy mình dễ nổi giận, có ham muốn kỳ lạ, hay cảm thấy bất an (nhất là khi ta nghĩ mình không xứng đáng được vỗ về), ta lại càng cần được hỗ trợ.
Ta không nên cảm thấy mình thất bại, thiếu thông minh, hay thiếu tinh tế khi nhận ra rằng: để trò chuyện với người mình yêu, có khi ta cần suy nghĩ trước, cần học cách nói, cần chủ động và có mục đích rõ ràng. Điều đó không làm mất đi vẻ đẹp của tình yêu — mà chỉ cho thấy ta đang dần bước ra khỏi định kiến lãng mạn xưa cũ.
Nghe thì có vẻ lạ lẫm, nhưng một cuộc trò chuyện "giả lập" thực chất chỉ là cách ta chủ ý đặt ra một chủ đề và áp dụng một vài quy tắc đơn giản, hữu ích trong quá trình đối thoại.
Chẳng hạn, vào một bữa tối bên người thương, ta có thể cùng nhau đi qua, một cách nhẹ nhàng nhưng có chủ đích, những câu hỏi khó nói nhưng thiết yếu — những điều mà nếu không ngồi lại cẩn thận thì sẽ mãi bị xếp xó:
- Trong mối quan hệ này, điều gì bạn mong được khen ngợi nhất?
- Ở phương diện nào, bạn cảm thấy mình là một người thật sự tốt?
- Khuyết điểm nào của bạn mà bạn mong tôi đối xử bao dung hơn?
- Nếu được nhắn gửi điều gì đó về tình yêu với chính mình khi còn trẻ, bạn sẽ nói gì?
- Có điều gì bạn nghĩ tôi đang hiểu sai về bạn?
- Có kỷ niệm nào bạn muốn gửi lời xin lỗi đến tôi?
- Có chuyện gì bạn nghĩ tôi nên nghe lời xin lỗi từ bạn?
- Tôi đã làm bạn thất vọng ra sao?
- Bạn mong thay đổi điều gì ở tôi?
- Nếu có ai đó cho tôi cơ hội thay đổi một điều ở bạn, bạn đoán tôi sẽ chọn điều gì?
- Nếu bạn có thể viết một “hướng dẫn sử dụng” bản thân trong chuyện chăn gối, bạn sẽ viết gì? (Cả hai cùng viết ra ba điều mới muốn thử, rồi trao đổi với nhau.)
Một hình thức khác của cuộc trò chuyện này là cùng nhau hoàn tất những câu bắt đầu sau — thật nhanh, đừng suy nghĩ quá nhiều. Những gì hiện ra không phải là chân lý cuối cùng, nhưng sẽ giúp đưa những cảm xúc khó nói ra ánh sáng, để được nhìn nhận và hiểu rõ hơn:
- Tôi thấy khó chịu vì…
- Tôi bối rối bởi…
- Tôi tổn thương khi…
- Tôi hối tiếc vì…
- Tôi sợ rằng…
- Tôi bực bội vì…
- Tôi thấy hạnh phúc hơn khi…
- Tôi mong muốn…
- Tôi trân trọng…
- Tôi hy vọng…
- Tôi rất muốn bạn hiểu rằng…
Một phần của sự “giả lập” trong kiểu trò chuyện này là sự đồng thuận trước: rằng ta sẽ không phán xét, không nổi giận bởi những gì được thốt ra, dù có thể sẽ có đôi điều khiến ta bất an hoặc bối rối. Thay vì phản ứng kiểu “Sao anh/cô dám nói thế?” hay “Tôi luôn nghi ngờ bạn như vậy, giờ thì rõ rồi”, ta nên chuẩn bị tâm thế (vì tình yêu và sự trưởng thành của cả hai) để có thể nói: “Tôi đang lắng nghe, bạn có thể nói rõ hơn không?”
Mục đích là tạo ra một không gian, dù chỉ một lần, nơi cả hai có thể cùng nhìn thẳng vào những điều chưa bao giờ dễ chịu giữa mình. Ý tưởng nền tảng ở đây là: đương nhiên sẽ có khó khăn, bởi không thể có một mối quan hệ thân thiết nào mà không đi kèm những góc khuất, những nỗi đau riêng của mỗi người. Nhưng tạm thời, ta sẽ không trách móc nhau. Ta sẽ cùng nhau nhìn sâu vào những gì đang diễn ra.
Một bài tập khác mà hai người có thể thử, là cùng nhau hoàn thiện chuỗi câu sau:
- Khi tôi thấy bất an trong mối quan hệ này, tôi thường… Bạn thường phản ứng bằng cách… và điều đó khiến tôi…
- Khi chúng ta cãi nhau, bên ngoài tôi thể hiện… nhưng sâu trong tôi lại cảm thấy…
- Càng khi tôi… thì bạn càng… và rồi tôi lại càng…
Mục tiêu là nhận diện những mô thức lặp lại trong cách chúng ta phản ứng với nhau — nhìn nó từ cả hai phía. Không phải để buộc tội hay bênh vực, mà là để hiểu. Cuộc đối thoại giả lập này được xây dựng trên giả định rằng: có rất nhiều điều đang diễn ra giữa ta mà chính ta cũng chưa nhận ra. Và trong khoảng thời gian này, không ai bị quy kết là người sai. Ta chỉ đang học cách quan sát những khúc mắc trong cách ta kết nối.
Nhiều mối quan hệ tan vỡ vì ta không thể trình bày con người thật của mình — để được thấu hiểu, tha thứ và chấp nhận. Nhưng đừng nghĩ rằng nếu một cuộc nói chuyện như vậy kết thúc bằng tranh cãi, thì mọi cơ hội đã vụt qua. Đôi khi, ta cần được nói ra những điều khiến lòng nhói đau, để rồi có thể quay lại với sự dịu dàng, với niềm tin và tình cảm chân thật.
Đó là phần việc — cũng là phần khôn ngoan — của một cuộc trò chuyện tuy "giả lập", nhưng lại đầy nhận thức và cảm xúc.
Nguồn: ARTIFICIAL CONVERSATIONS | The School Of Life