Dạy trẻ cách tự kiểm soát bản thân (Self - Control)
Tự kiểm soát nói về việc học cách kiểm soát những ham muốn của bản thân để đạt được mục đích cá nhân.
Giúp con trẻ thành công mà không tạo ra áp lực.
Dạy trẻ cách tự kiểm soát bản thân (self-control) được chứng minh là mang lại hiệu quả cao hơn so với việc phụ đạo hoặc đưa trẻ đến các lớp học nâng cao.
Trong thí nghiệm “Kẹo dẻo” nổi tiếng đến tận ngày nay, các nhà nghiên cứu trường Stanford đã kiểm tra khả năng kiểm soát bản thân để trì hoãn niềm sung sướng của những trẻ mẫu giáo bằng cách cho chúng ngồi trong phòng một mình, đối mặt với lựa chọn về quyết định ngay lập tức được nhận một phần kẹo dẻo hoặc chờ đợi trong một khoảng thời gian nhất định để nhận được phần kẹo dẻo nhiều gấp đôi.
Nhiều năm sau, những đứa bé chống chọi lại cám dỗ lâu nhất cũng có xu hướng đạt được thành tích học tập cao nhất. Trên thực tế, khả năng trì hoãn việc ăn kẹo dẻo là công cụ dự báo về sự thành công trên con đường học vấn trong tương lai tốt hơn hẳn so với chỉ số IQ của những đứa trẻ này.
Những nghiên cứu sâu hơn cho thấy khả năng kiểm soát bản thân cũng tương quan với khả năng chịu đựng áp lực tốt hơn, khả năng tập trung cao hơn, tính thấu cảm cao, kiểm soát cảm xúc và cả năng lực xã hội tốt hơn. Điều này thể hiện khá rõ trong nhóm tuổi từ mẫu giáo đến vị thành niên. Những đứa trẻ có thể kiểm soát cảm xúc và hành vi bản thân thường tập trung vào mục tiêu của chúng và duy trì mối quan hệ tích cực với mọi người tốt hơn những người khác.
Về bản chất, khả năng kiểm soát bản thân tăng cường cả thành tích học tập lẫn sự khéo léo trong cách ứng xử xã hội, từ đó góp phần tạo nên thành công trong cuộc sống.
Trong khi các bậc cha mẹ mong ước con mình đạt được nhiều thành tích thường tập trung vào phương pháp phụ đạo, lớp học nâng cao, nói chung là dành nhiều thời gian cho việc học, nghiên cứu trên chỉ ra rằng kiểm soát bản thân có thể là một cách tiếp cận mới có khả năng thành công cao hơn. So với những phương thức mang tính ép buộc đầy áp lực thì phương thức này tốt hơn hẳn mà các bậc cha mẹ và nhà giáo dục có thể áp dụng cho con em mình.
Các trang báo thường xuyên cảnh báo về những tác động của việc xã hội tập trung vào thành tích của trẻ em: giận dữ, trầm cảm, mất ngủ, thậm chí là tự tử. Học sinh là đối tượng nếm trải nhiều nhất những hậu quả này. Carolyn Walworth, sau này theo học tại trường trung học Palo Alto, đã viết trong một bài bình luận năm ngoái như sau:
“Bạn được dạy rằng việc quan tâm sâu sắc đến điểm số là một điều hết sức cần thiết. Bạn đi ngủ vào lúc 1h sáng hằng ngày, thức dậy vài giờ sau đó (thậm chí sớm hơn nữa nếu như bạn có bài tập thể dục buổi sáng) để cố gắng hoàn thành đống bài tập về nhà khổng lồ. Nhưng ít nhất bạn có những ngày nghỉ cuối tuần để thư giãn và làm những thứ mình thích đúng không? Không hề, sẽ lại có một đống bài tập về nhà đang đợi bạn vào tối thứ 6. Cộng đồng chúng ta đã hoàn toàn mất đi định nghĩa thế nào là học hay giáo dục.”
Sẽ thế nào nếu như có một phương pháp đơn giản hơn, ít căng thẳng hơn nhưng vẫn giúp trẻ thành công? Nghiên cứu về sự tự kiểm soát cho thấy: thay vì tập trung trực tiếp vào việc giúp trẻ đạt được thành tích, các bậc cha mẹ và nhà giáo dục có thể giúp trẻ em thành công bằng cách giúp chúng luyện tập và phát triển những kỹ năng liên quan đến khả năng tự kiểm soát.
Đối với trẻ nhỏ nói riêng, trò chơi tưởng tượng là một phần cực kỳ quan trọng trong việc luyện tập tự kiểm soát vì trong khi chơi, chúng sẽ tự thiết lập luật chơi và được thúc đẩy để tôn trọng những luật chơi này khi trò chơi vui nhộn. Niềm vui mà trò chơi mang lại tạo nên động lực cố gắng.
Như hai nhà thần kinh học Sandra Aamodt và Sam Wang đề cập, “Để chơi trò trường học, bạn phải đóng vai thành một giáo viên hoặc học sinh và cố gắng không được biến mình thành một phi công chiến đấu hay một em bé. Tuân theo những luật chơi cung cấp cho trẻ em những trải nghiệm đầu tiên về việc kiểm soát hành vi bản thân để đạt được mục đích mong muốn”.
Ở đây chơi không trái ngược với học, mà: chơi chính là học.
Tự kiểm soát nói về việc học cách kiểm soát những ham muốn của bản thân để đạt được mục đích cá nhân.
Đối với những đứa trẻ lớn hơn, việc chúng theo đuổi các hoạt động và môn học theo sở thích bản thân, hơn là theo ý kiến của người khác, mà theo đó sẽ tạo ra sự nghiệp hoặc con đường học vấn tốt hơn, rất quan trọng trong phát triển khả năng tự kiểm soát vì động lực phấn đấu xuất phát từ mục tiêu cá nhân nhiều hơn là mong muốn làm hài làm người khác.
Tự kiểm soát có thể được phát triển thông qua rèn luyện, vậy nên những đứa trẻ được trao nhiều cơ hội tự quyết định hơn sẽ có được lợi thế hơn so với phần còn lại. Khả năng tự kiểm soát khác nhau ở từng đứa trẻ, nhưng con đường hoàn thiện kỹ năng tự kiểm soát thì lại rất đơn giản: Càng luyện tập tự kiểm soát, chúng ta càng tự kiểm soát tốt hơn. Điều này có nghĩa rằng việc bị so sánh với những người làm tốt hơn (kiểu con nhà người ta), hoặc nhắc lại những thất bại trong những nhiệm vụ quá khó có thể làm cho đứa trẻ cảm thấy tự ti hoặc không muốn cố gắng thêm nữa.
Một điều quan trọng cần lưu ý rằng kiểu luyện tập này không phải là học cách tuân theo những quy tắc để làm vừa lòng người khác hay để khỏi bị phạt. Tự kiểm soát suy cho cùng là học cách kiểm soát ham muốn bản thân để đạt được mục tiêu. (Trong nghiên cứu kẹo dẻo ở trên, cái mất duy nhất của việc ăn viên kẹo dẻo đầu tiên chỉ là mất cơ hội ăn viên khác; những đứa trẻ không hề bị phạt vì đã ăn viên kẹo dẻo ngay lập tức, cũng không phải chúng được khen vì đã chờ đợi. Đơn giản là chúng biết rằng chúng sẽ được thêm viên kẹo dẻo thứ hai nếu như chờ đợi).
Một số phụ huynh có thể cho rằng cách tiếp cận mới, gắng sức ít hơn và nặng tính cam kết (một cách tự nguyện) hơn, thật đáng ao ước nhưng ngây thơ (hoặc chỉ là ngây thơ): nếu họ từ bỏ cuộc đua thành tích trong khi những người khác tiếp tục đưa con mình đến hết hội thảo này đến gia sư chuyên biệt nọ và rồi cả những lớp học nâng cao như con thoi thì liệu con mình có thắng nổi trong môi trường ngày càng cạnh tranh hay không?
Có lẽ thật khó cho các bậc cha mẹ để thấy được giá trị của việc cho phép con mình theo học lớp học may vá mà chúng ưa thích thay vì lớp phụ đạo hóa học (“Làm sao mà may vá có thể giúp chúng vào đại học chứ?”). Nhưng đối với đứa trẻ này, lớp học may má không chỉ dạy chúng kỹ năng may vá mà còn là cơ hội được sáng tạo, tự định hướng và tập trung vào mục đích bản thân lựa chọn.
Dịch: Minh Hưng
Nguồn: http://www.theatlantic.com/education/archive/2016/08/helping-students-succeed-without-the-stress/495956/
Bài viết được trích từ cuốn sách mới nhất của Erica Reisher, What Great Parents Do: 75 Simple Strategies for Raising Kids Who Thrive.