Di truyền học của Ly hôn

Khuynh hướng di truyền với các rối loạn tâm thần có liên hệ đến ly hôn.
Ly hôn là một hiện tượng phổ biến trên khắp thế giới – và cũng để lại nhiều hệ lụy. Tình trạng hôn nhân từ lâu đã được ghi nhận là có liên quan đến hàng loạt rối loạn tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã cố gắng lý giải mối liên hệ này, đặt câu hỏi: liệu các rối loạn tâm thần có làm gia tăng nguy cơ ly hôn, hay ngược lại, ly hôn là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý?
Quả thật, có những bằng chứng cho thấy những tổn thương tâm lý và khó khăn trong khả năng thích ứng đi kèm với các rối loạn tâm thần có thể làm xói mòn sự bền vững của hôn nhân theo thời gian. Tương tự, những căng thẳng kéo dài trong quá trình ly hôn có thể là yếu tố thúc đẩy sự khởi phát của các rối loạn tâm thần. Thực tế cho thấy ly hôn có thể dự báo nguy cơ xuất hiện nhiều dạng rối loạn, trong đó có lạm dụng ma túy và rượu.
Tuy vậy, bên cạnh hai khả năng nói trên, còn có một hướng giải thích thứ ba đáng lưu tâm: rằng những khuynh hướng di truyền nhất định có thể đồng thời làm tăng nguy cơ ly hôn và nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.
Một nghiên cứu mới đây (2024) do Jessica Salvatore (Đại học Rutgers) và các cộng sự thực hiện đã tìm cách kiểm chứng giả thuyết này. Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu dân số quốc gia Thụy Điển. Nguồn dữ liệu bao gồm tất cả các cá nhân sinh ra tại Thụy Điển từ năm 1950 đến 1980, có cha mẹ đều sinh tại Thụy Điển, và được theo dõi đến cuối năm 2018. Tổng số người trong mẫu nghiên cứu vượt quá 2.800.000 (độ tuổi trung bình tại thời điểm kết thúc nghiên cứu là 51,7 tuổi; độ tuổi trải rộng từ 38 đến 68). Dữ liệu thu thập tập trung vào các chỉ số nguy cơ di truyền trong gia đình (FGRSs) – tức những thước đo cá nhân hóa mức độ rủi ro di truyền, suy luận từ các chẩn đoán bệnh lý của người thân trong gia đình về 10 dạng rối loạn tâm thần (trầm cảm nặng, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, chán ăn tâm thần, rối loạn sử dụng rượu, rối loạn sử dụng ma túy, rối loạn tăng động giảm chú ý, và rối loạn phổ tự kỷ).
Trong số này, có 592.232 người từng trải qua ly hôn (và một bộ phận không nhỏ từng ly hôn nhiều lần). Thời gian trung bình của các cuộc hôn nhân đầu tiên dẫn đến ly hôn là 14,7 năm. Ở nhóm đã ly hôn, những rối loạn tâm thần thường gặp nhất trước khi ly hôn là trầm cảm nặng, rối loạn lo âu và lạm dụng rượu.
Kết quả từ nghiên cứu quy mô lớn này mang lại nhiều phát hiện đáng lưu ý. Trước hết, những người đã ly hôn có điểm FGRS cao hơn đáng kể so với mức trung bình dân số ở cả 10 loại rối loạn. Ngược lại, những người có cuộc hôn nhân ổn định hoặc chưa từng kết hôn lại có điểm FGRS thấp hơn mức trung bình trong tất cả các loại rối loạn. Ngoài ra, kết quả còn cho thấy: “FGRS của hầu hết các rối loạn có xu hướng tăng lên theo số lần ly hôn.”
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích yếu tố giới tính. Họ phát hiện điểm FGRS ở cả nam và nữ đã ly hôn đều cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên, “phụ nữ ly hôn có điểm FGRS cao hơn đáng kể so với nam giới ly hôn.” Họ cho rằng điều này phản ánh thực tế rằng “những đặc điểm, hành vi và áp lực trong mối quan hệ gắn liền với khuynh hướng di truyền của các rối loạn tâm thần... có thể khó được người vợ chấp nhận hơn so với người chồng.”
Bên cạnh đó, FGRS cũng tăng ở những người ly hôn nhiều lần và cả những người đã có cuộc hôn nhân thứ hai ổn định. Tuy nhiên, so với những người duy trì được cuộc hôn nhân thứ hai, những ai không có được sự ổn định ấy lại có FGRS cao hơn trên hầu hết các dạng rối loạn (ngoại trừ chán ăn tâm thần). Nhóm người chưa từng kết hôn cũng có FGRS cao hơn nhóm kết hôn ổn định, nhưng thấp hơn so với người đã ly hôn. Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận: “Ngay trong nhóm người từng ly hôn, các khuynh hướng di truyền đối với rối loạn tâm thần cũng có liên hệ đến khả năng thiết lập và duy trì một cuộc hôn nhân lần hai ổn định.”
Một phát hiện khác cũng rất đáng chú ý: những người ly hôn với bạn đời từng được chẩn đoán rối loạn tâm thần có điểm FGRS cao hơn trên cả 10 rối loạn so với những người ly hôn với bạn đời không mắc các chẩn đoán như vậy. Kết quả này khá bất ngờ, bởi ban đầu, nhóm nghiên cứu từng giả định rằng việc rời bỏ một người bạn đời "bất ổn" có thể là dấu hiệu của sự lành mạnh tâm lý, chứ không phải sự tổn thương.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng thừa nhận rằng mối liên hệ giữa FGRS và tình trạng hôn nhân không nhất thiết đồng nghĩa với quan hệ nhân quả trực tiếp. Còn rất nhiều điều cần khám phá để hiểu rõ các cơ chế đứng sau các mô hình được ghi nhận trong nghiên cứu. Có nhiều con đường khả dĩ nối kết khuynh hướng di truyền với ly hôn. Ví dụ, những đặc điểm hoặc hành vi dưới ngưỡng bệnh lý đi kèm với rối loạn có thể trung gian hóa tác động của di truyền lên hôn nhân. Người có FGRS cao có thể gây ra hành vi khó chịu ở bạn đời, từ đó dẫn đến ly hôn. Ngoài ra, họ có thể có xu hướng lựa chọn bạn đời cũng có FGRS cao, mà các biểu hiện bệnh lý lại càng đẩy hôn nhân vào nguy cơ đổ vỡ. Họ cũng có thể chủ động tìm đến những môi trường nơi ly hôn là chuyện thường tình hoặc dễ chấp nhận. Các nghiên cứu tương lai là cần thiết để bóc tách thêm mối liên hệ giữa điểm FGRS cao và nguy cơ ly hôn.
Nhóm nghiên cứu đã tổng kết các phát hiện chính như sau: “Tại Thụy Điển, ly hôn có liên hệ với mức FGRS cao hơn đối với cả 10 rối loạn tâm thần chính. Mức độ gia tăng này đặc biệt rõ rệt ở phụ nữ ly hôn so với nam giới, ở những người không có hôn nhân thứ hai ổn định, và ở những người từng ly hôn nhiều lần. Các rối loạn hướng nội và các rối loạn liên quan đến sử dụng chất kích thích cho thấy sự gia tăng đặc biệt rõ nét. Tập hợp các kết quả này mang lại bằng chứng toàn diện nhất từ trước đến nay về bức tranh di truyền của các rối loạn tâm thần liên quan đến ly hôn.”
Vậy, ly hôn có mang tính di truyền không? Không hẳn. Cần nhớ rằng, gene không tạo ra đặc điểm hay hành vi cụ thể – chúng chỉ tạo nên tiềm năng. Con đường từ khuynh hướng di truyền đến kết cục thực tế của cuộc đời (hay còn gọi là từ kiểu gen đến kiểu hình, theo ngôn ngữ tâm lý học) thường rất phức tạp, và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các yếu tố ngoài di truyền như môi trường sống ban đầu (và hiện tại), mức độ căng thẳng, hay cả sự tình cờ. Do đó, nói rằng ly hôn “nằm trong gene” là không chính xác. Nhưng ngày nay, người ta đã hiểu rằng nguy cơ ly hôn thực sự chịu ảnh hưởng sâu sắc từ yếu tố di truyền.
Nguồn: The Genetics of Divorce | Psychology Today