Tâm lý nạn nhân (victim mentality)
Những người có tâm lý nạn nhân cảm thấy chuyện xấu luôn nhằm vào họ và cả thế giới đều chống lại họ.
TÂM LÝ NẠN NHÂN LÀ GÌ?
Bạn có liên tục cảm thấy như thể mình hoàn toàn không kiểm soát được tình hình và những người khác cố tình chơi bạn? Hoặc bạn cảm thấy những chuyện xấu cứ xảy ra với bạn suốt bất kể bạn có làm gì đi chăng nữa? Nếu bạn thấy mình cứ đổ lỗi cho người khác về những sự kiện, tình huống trong đời mình, khả năng bạn đang mắc phải hội chứng tâm lý nạn nhân (victim mentality).
Những người có tâm lý nạn nhân cảm thấy chuyện xấu luôn nhằm vào họ và cả thế giới đều chống lại họ. Mặc dù họ có thể hành động để cải thiện tình hình, nhưng họ vẫn không nhận trách nhiệm mà cảm thấy mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính mình. Họ không thể dứt bỏ ý nghĩ “Mình đã làm gì để xứng đáng bị như này?” và tốn rất nhiều thời gian để dằn vặt, bực bội mọi thứ.
NHỮNG NGƯỜI MANG TÂM LÝ NẠN NHÂN CÓ XU HƯỚNG:
- Đổ lỗi cho người khác
- Không chịu trách nhiệm cho cuộc sống của riêng họ
- Tỏ ra hung hăng đối với những người khác và ưa chuyện bé xé ra to
- Nhận thức rất rõ khi người ta có ý đồ xấu
- Cảm thấy mọi người làm gì cũng dễ hơn mình nên không muốn cố gắng nữa
- Cảm thấy nhẹ nhõm khi được thông cảm hoặc thương hại và tiếp tục kiếm tìm cảm giác này
NHỮNG NGƯỜI MANG TÂM LÝ NẠN NHÂN TIN RẰNG:
- Những chuyện xấu lúc nào cũng xảy đến với tôi
- Cố gắng thay đổi cũng chẳng ích gì bởi vì tôi bất lực trước tình huống hiện tại
- Không ai quan tâm đến tôi cũng như những chuyện xảy đến với tôi
- Chuyện đó xảy đến với tôi nhưng tôi không có lựa chọn
- Tôi không biết phải làm gì để thay đổi
- Tôi buộc phải chấp nhận những gì xảy đến với mình
- Tôi không thể tạo ra thay đổi cho đời mình
KẾT QUẢ CỦA TÂM LÝ NẠN NHÂN:
- Cảm giác xấu hổ, tuyệt vọng, day dứt
- Cảm giác thất vọng với cả thế giới
- Cảm thấy bị tổn thương và không ai quan tâm
- Bực bội với những người thành công khác
- Chán nản, lạc lõng hoặc cô đơn
- Người mang tâm lý nạn nhân thường gặp rắc rối trong các mối quan hệ cũng như trong công việc vì những người khác cảm thấy bị thao túng hoặc bị đổ lỗi
- Cảm thấy tệ hại với bản thân hoặc có xu hướng tự hại
- Thường xuyên trải qua những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn bã, tức giận
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẤM DỨT TÂM LÝ NẠN NHÂN:
- Học cách tự chịu trách nhiệm với những gì bản thân có thể kiểm soát trong đời và cách bản thân phản ứng trước các tình huống xấu
- Tha thứ cho bản thân hoặc những người đã gây tổn thương cho mình để giảm bớt cảm giác thù địch và phản ứng sau sang chấn
- Phát triển trí thông minh cảm xúc
- Học cách tự yêu và tự trân trọng bản thân
- Chú ý đến những người bạn thường dành thời gian bên cạnh
- Tập thói quen viết nhật ký để giải tỏa cảm xúc tiêu cực
- Bắt đầu nói không với những thứ không phù hợp giá trị của bản thân
- Ưu tiên cho bản thân và quan tâm đến lượng năng lượng đã sử dụng
NGƯỜI BÌNH THƯỜNG NÊN ĐỐI XỬ THẾ NÀO ĐỐI VỚI NGƯỜI MANG TÂM LÝ NẠN NHÂN:
- Hãy cảm thông và thấu hiểu những trải nghiệm đau đớn họ từng phải chịu đựng
- Đừng coi họ là nạn nhân vì như thế sẽ chỉ khiến cho tình hình thêm tồi tệ
- Xác định đâu là những hành vi tiêu cực của họ, ví dụ đổ lỗi, phàn nàn và không chịu trách nhiệm
- Để cho họ nói ra cảm xúc của mình
- Đừng xin lỗi nếu cảm thấy bản thân không có lỗi
- Đặt ra ranh giới và không để họ vượt qua ranh giới đó
- Đề nghị giúp đỡ họ tìm ra giải pháp nhưng đừng cố bảo vệ họ khỏi những kết quả xấu
- Giúp họ ngẫm nghĩ về mục đích sống hoặc cách thay đổi cuộc sống
- Thừa nhận cảm xúc của họ thay vì phủ nhận
- Khuyến khích họ nói chuyện với chuyên gia tâm lý để giải quyết các tổn thương chưa được giải quyết trong quá khứ nếu có
Dịch: Tâm lý học mỗi ngày