Điều cao quý nhất: Giới thiệu về 4 phẩm hạnh Khắc kỷ
Đối với người Khắc kỷ, điều cao quý nhất trên đời, hơn cả giàu sang, danh tiếng, lạc thú, chính là phẩm hạnh (virtue). Họ tin rằng nếu chúng ta sống có phẩm hạnh, tất cả những thứ quan trọng khác có thể đến với ta: Hạnh phúc, thành công, tình yêu..
Summum Bonum là cụm từ của Cicero, nhà hùng biện vĩ đại nhất của thành La Mã. Trong tiếng Latin, nó có nghĩa là “Điều cao quý nhất.” Và Điều cao quý nhất là gì? Chúng ta nên hướng đến điều gì trong cuộc đời này? Với các nhà Khắc kỷ, câu trả lời là phẩm hạnh. Họ nói rằng tất cả mọi thứ mà chúng ta đối diện trong cuộc sống là một cơ hội để đáp lại bằng phẩm hạnh. Ngay cả trong những tình huống tồi tệ. Thậm chí đau đớn hay đáng sợ. Họ tin rằng nếu chúng ta sống đức hạnh, tất cả những thứ quan trọng khác có thể đến với ta: Hạnh phúc, thành công, ý nghĩa, tiếng tăm, danh dự, tình yêu. “Người có phẩm hạnh,” Cicero nói, “thì chẳng cần bất cứ thứ gì cho mục đích sống tốt đẹp.”
Ok, nhưng phẩm hạnh là gì? Các nhà Khắc kỷ tin rằng có bốn phẩm hạnh:
Trí tuệ
Dũng cảm
Điều độ
Công bằng
Hãy xem xét từng cái:
Trí tuệ
“Nhiệm vụ trọng yếu trong cuộc đời chỉ đơn giản là thế này: xác định và tách bạch những vấn đề mà tôi có thể nói rõ ràng với chính mình là những cái bên ngoài không nằm dưới sự kiểm soát của tôi, và những vấn đề nào liên quan đến sự lựa chọn mà tôi thực sự kiểm soát được. Khi ấy tôi tìm kiếm cái thiện cái ác ở đâu? Không phải ở những thứ bên ngoài mà tôi không kiểm soát được, mà ở những lựa chọn của tôi trong chính tôi.”
— Epictetus
Đó là ý nghĩa của triết học: tình yêu đối với trí tuệ. Trong cuốn Lives of the Eminent Philosophers (Cuộc đời của các triết gia lỗi lạc) của Diogenes Laërtius, ông viết về các nhà Khắc kỷ, “họ định nghĩa Trí tuệ là nhận biết được điều tốt điều xấu và những điều không tốt cũng chẳng xấu…biết được những gì chúng ta nên chọn, những gì chúng ta nên thận trọng, và những gì ta nên thờ ơ.”
Theo sau hiểu biết này là trí tuệ soi đường cho hành động. Viktor Frankl nói, “có một khoảng cách giữa kích thích và phản ứng. Trong khoảng cách đó là khả năng lựa chọn cách phản ứng của chúng ta.” Trong khoảng cách đó là cơ hội của trí tuệ. Nhận ra khoảng cách đó là bước đầu tiên. Khoảng cách đó là nơi chúng ta tiếp thu những bài học từ việc đọc sách vở và áp dụng nó hoặc chúng ta ném nó ra ngoài cửa sổ và hành động bốc đồng và thiếu lý trí.
Trí tuệ là khai thác những điều mà triết học dạy và sau đó vận dụng nó trong đời thực. Như Seneca từng nói, “Làm chứ không nói.”
Điều độ
“‘Nếu anh tìm kiếm bình yên, hãy làm ít lại.’ Hay (chính xác hơn) làm những việc cần thiết... Điều đó mang đến một sự thỏa mãn gấp đôi: làm ít hơn, nhưng tốt hơn. Bởi phần lớn những gì chúng ta nói và làm là không cần thiết. Nếu anh có thể loại bỏ chúng thì anh sẽ có thêm nhiều thời gian và bình yên hơn. Hãy hỏi luôn bản thân, “Điều này có cần thiết hay chăng?’”
— Marcus Aurelius, Suy tưởng, 4.24
Aristotle gọi đó là “trung dung,” giải thích rằng phẩm hạnh được tìm thấy ở giữa, giữa sự dư thừa và thiếu thốn. Dư thừa và ham muốn đồng nghĩa với sự bất mãn và không hài lòng. Chúng là một xung lực có hại.
Epictetus nói, “Hãy kiềm chế ham muốn của bạn—đừng để tâm đến quá nhiều thứ và bạn sẽ có được điều mình cần.” Và Seneca thì khuyên, “Anh hỏi đâu là giới hạn phù hợp cho sự giàu có của một người? Đầu tiên, có những gì cần thiết, và thứ hai, có vừa đủ.”
Điều độ là biết rằng sự dư dả đến từ việc có được những điều thiết yếu. Người Khắc kỷ thường sử dụng Điều độ để thay thế cho “tự kiểm soát bản thân.” Kiểm soát bản thân, không chỉ với của cải vật chất, mà còn tự chủ, hòa hợp, và luôn luôn kỷ luật tự giác—với khoái lạc hay đau đớn, ngưỡng mộ hay khinh bỉ, thất bại hay chiến thắng. Sự Điều độ chống lại những thứ quá độ, hạnh phúc của ta không phụ thuộc vào khoái lạc phù du cũng như không cho phép nỗi đau phù du hủy hoại nó.
Dũng cảm
“Chẳng lẽ bạn không biết rằng cuộc đời giống như một chiến dịch quân sự sao? Một người phải làm nhiệm vụ quan sát, kẻ khác thì đi do thám, người khác thì ở nơi tiền tuyến. . . . Và chúng ta cũng giống như thế—cuộc sống của mỗi người là một kiểu chiến đấu, và cũng là một cuộc chiến dài lâu và đa dạng. Bạn phải cảnh giác như một người lính và làm tất cả mọi thứ được ra lệnh . . . . Bạn đứng ở một vị trí then chốt, không phải là nơi tầm thường, và không phải trong một thời gian ngắn mà là cả cuộc đời.”
— Epictetus, Discourses, 3.24.31–36
Epictetus từng được hỏi những từ ngữ nào sẽ giúp cho một người phát triển. “Có hai từ nên được khắc ghi và tuân theo,” ông nói, “kiên gan và kháng cự.”
Đó là biểu tượng bất tử của chủ nghĩa Khắc kỷ—kỵ sĩ đơn độc đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà họ không có hy vọng giành chiến thắng, thế nhưng vẫn chiến đấu kiên cường đầy kiêu hãnh. Đó là Thrasea thách thức Nero, dù thách thức sẽ khiến ông mất mạng và không thể ngăn ông ta lại. Đó là Marcus Aurelius cố gắng để không bị sa đọa bởi quyền lực tối thượng, để trở thành một người tốt ngay cả khi đối mặt với sự sa sút và suy tàn của La Mã. Đó là gia đình Percy—những người Khắc kỷ vĩ đại ở phương Nam—thế hệ này qua thế hệ khác: LeRoy chống lại Klan năm 1922. William Alexander từ bỏ đời sống độc thân để nhận nuôi ba người em họ của ông. Walker Percy chống lại làn sóng phân biệt chủng tộc và hận thù đang tàn phá thế hệ của ông, cố gắng trở thành người bình thản và khôn ngoan trước tất cả những chuyện đó, trở thành người dẫn dắt âm thầm của sự tử tế thông qua tác phẩm của ông. Đó là Publius Rutilius Rufus, như Mike Duncan đã kể chi tiết trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, đối mặt với những lời vu cáo và một truy tố oan để cuối cùng trở thành một sức mạnh truyền cảm hứng cho sự thay đổi chống lại sự mục nát. Đó là những lời cuối cùng của Seneca trước một bạo chúa máu lạnh, “Nero có thể giết ta, nhưng hắn không thể làm ta tổn hại.” (ND: tức là tuy chết nhưng phần tâm hồn, phẩm hạnh của ổng không bị gì hết. Phẩm hạnh mới là thứ ổng coi là trên hết)
Mỗi cuộc chiến, dù cho phần nào hơi vô ích, đòi hỏi lòng can đảm to lớn. Mỗi cuộc chiến đòi hỏi kháng cự lại sự thoải mái của tình trạng hiện tại và đưa ra phán xét của riêng mình.
Thrasea phải thò đầu ra—theo nghĩa đen—khi ông phanh phui hành động bạo ngược của Nero và kết quả là mất mạng. Nhà Percys mạo hiểm vị trí của họ trong cộng đồng và sự an toàn của chính họ trong nhiều trường hợp để đứng lên vì quyền lợi của đồng bào. Marcus Aurelius có thể đánh mất bản thân bởi sự lãng quên và quyền lực, nhưng thay vào đó đã chiến đấu suốt đời với chính mình, đấu tranh nội tâm, để cải thiện và giúp người khác.
Đó là lòng dũng cảm của người Khắc kỷ. Lòng dũng cảm đối mặt với tai ương. Lòng dũng cảm đối mặt với cái chết. Lòng dũng cảm liều mình vì lợi ích của đồng loại. Lòng dũng cảm giữ chặt các nguyên tắc của bạn, ngay cả khi những người khác thoát khỏi chúng hay được lợi lạc từ việc bất chấp các nguyên tắc của họ. Lòng dũng cảm nói ra ý kiến của bạn và nhấn mạnh sự thật.
Công bằng
“Là một cam kết với sự công bằng trong hành vi cư xử của bạn. Nghĩa là: suy nghĩ và hành động hướng đến lợi ích chung. Bạn sinh ra để làm gì.”
— Marcus Aurelius, Suy tưởng, 9.31
Trong bốn phẩm hạnh của người Khắc kỷ, Marcus Aurelius cho rằng công bằng là quan trọng nhất. Với ông, nó là “nguồn gốc của tất cả những phẩm hạnh khác.” Suy cho cùng, lòng dũng cảm gây ấn tượng được cho ai nếu người đó chỉ vì lợi ích của bản thân? Trí tuệ có lợi gì nếu như không được dùng vì lợi ích của toàn thế giới?
Để hiểu được phẩm hạnh của công bằng, chúng ta phải nhìn vào Cicero—người tán đồng với Marcus rằng “Công bằng là vinh quang rực rỡ của phẩm hạnh.” Chúng ta mở đầu bằng cụm từ summum bonum của Cicero. Nhưng nó còn hơn cả một lời nói, vào thời của ông ấy và trong suốt lịch sử, Cicero được mọi người tôn trọng vì sống đúng theo đúng lời nói của mình. John Adams nói, “cả bề dày lịch sử trên thế gian này đều chưa thể sinh ra một sự kết hợp vĩ đại giữa triết gia và chính khách” nào hơn Cicero. Thomas Jefferson nói rằng Tuyên ngôn Độc lập được dựa trên “những cuốn sách cơ bản về luật công, như Aristotle, Cicero, Locke, Sidney, ...”
Trong khi Cicero là một nghị sĩ La Mã và đã nắm giữ mọi chức vụ quan trọng ở La Mã vào độ tuổi trẻ nhất được pháp luật cho phép, ông, và các nhà Khắc kỷ khác, không xem công bằng theo phương diện pháp luật như chúng ta thường dùng nó ngày nay. Đối với họ, nó nằm trong phạm vi rộng hơn nhiều của những tương tác quan hệ của chúng ta và nghĩa vụ của chúng ta với đồng loại.
Đó là trong De Officiis (Bàn về các bổn phận đạo đức)—nghiên cứu toàn diện và tác phẩm của ông về hệ thống đạo đức của người Khắc kỷ vào thời đại của ông—nơi Cicero lần đầu tiên trình bày về bốn phẩm hạnh của Người Khắc kỷ. Công bằng, ông giải thích, là “nguyên tắc cấu thành sự gắn kết của xã hội loài người và của một cộng đồng đời thực.” Tác phẩm dài này có thể được tóm tắt như sau:
Rằng không ai làm hại ai.
Rằng người ta sử dụng tài sản chung là của chung; tài sản tư thì thuộc về những người chủ sở hữu của chúng.
Chúng ta không được sinh ra chỉ để biết mỗi bản thân mình.
Con người được tạo nên để sống vì nhau, rằng họ nên làm điều tốt cho nhau.
Chúng ta nên thuận theo tự nhiên như một chỉ dẫn, để đóng góp vì lợi ích chung.
Ý định tốt lành, kiên định, và sự thật.
Việc xem xét hành vi bất công có nghĩa là gì cũng rất hữu ích, ông nói. Nói đơn giản: bất cứ việc gì gây tổn thương hoặc làm hại người khác. “Phần đông,” Cicero giải thích, “mọi người dễ gây hại cho người khác để có được thứ mà họ thèm muốn.”
Có lẽ đó là tư tưởng căn bản nhất trong tất cả của Chủ nghĩa Khắc kỷ: Sympatheia—niềm tin vào sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả mọi thứ trong vũ trụ, rằng chúng ta đều là một. Nó được nhấn mạnh rất nhiều trong mọi bài viết, mọi tác phẩm của người Khắc kỷ. “Thứ làm hại tổ ong cũng tức là làm hại con ong,” Marcus nói. Triết gia mà Marcus yêu thích, giáo viên Khắc kỷ Epictetus, nói, “Tìm kiếm điều tốt nhất trong bản thân chúng ta có nghĩa là tích cực quan tâm đến hạnh phúc của những người khác.” Và thầy giáo của Epictetus, Musonius Rufus, nói “tôn trọng sự bình đẳng, muốn làm điều tốt, và đối với một người, là con người thì không muốn làm hại đồng loại—đây là bài học đáng tôn vinh nhất và là điều làm cho bậc chính nhân cao trỗi hơn kẻ học trò.”
Robert Greene, tác giả của những cuốn sách bán chạy, trả lời phỏng vấn của chúng tôi về cuốn sách mới của ông The Laws Of Human Nature (Những quy luật của Bản chất Con người), “Tất cả chúng ta đều như nhau. Các nhà Khắc kỷ cũng nói về điều đó. Đó là logos. Đó là cái liên kết tất cả mọi thứ lại với nhau.”
***
Phẩm hạnh là cách chúng ta sống cuộc đời hạnh phúc và tự do. Nó không vĩ đại hay mơ hồ. Người Khắc kỷ tránh xa sự phức tạp và tôn thờ sự đơn giản.
Nếu chúng ta mô tả về Chủ nghĩa Khắc kỷ bằng một câu, thì nó sẽ như thế này: Một người Khắc kỷ tin rằng họ không kiểm soát được thế giới xung quanh họ, mà họ chỉ kiểm soát được cách phản ứng của bản thân mà thôi—và họ phải luôn đáp lại bằng sự can đảm, điều độ, khôn ngoan và công bằng.
Cuộc sống này không thể nói trước được gì. Có quá nhiều thứ chúng ta không kiểm soát được. Điều đó có thể quá sức chịu đựng và gây tê liệt hoặc nó có thể (mang tính) giải thoát. Phẩm hạnh là cách chúng ta ta đảm bảo có được cái sau Bất kể chuyện gì xảy ra, chúng ta luôn luôn có khả năng sử dụng lý trí và đưa ra lựa chọn. Chúng ta luôn luôn nên cố gắng làm điều đúng. Để cho phẩm hạnh dẫn dắt chúng ta. Đó là tất cả những gì ta kiểm soát được. Và để vũ trụ tự lo phần còn lại vì nó sẽ cần hoặc không cần đến sự đồng ý của bạn đâu.
Chúng tôi sẽ tạm biệt bạn bằng đoạn văn này từ cuốn SUY TƯỞNG của Marcus Aurelius.
“Nếu, vào lúc nào đó trong cuộc đời anh, anh gặp được điều cao trỗi hơn công lý, trí tuệ, tự chủ, lòng quả cảm – hơn cả một tâm thức mãn nguyện vì đã thắng lợi trong việc bắt anh phải hành xử theo lý trí, và mãn nguyện khi có thể chấp nhận những điều ngoài tầm kiểm soát của nó – nếu anh tìm được điều gì cao trỗi hơn thế, vậy thì đừng e dè mà hãy nắm giữ lấy điều đó – đó phải là một điều thực sự tối thắng – và hãy an hưởng điều đó thật trọn vẹn.
Nếu không thứ gì triển hiện bản thân thù thắng hơn linh hồn đang ngự ở bên trong – thứ đã khuất phục dục vọng cá nhân, thứ đứng trên mọi vọng tưởng, thứ đã thoát ly khỏi mọi dục vọng trần tục, và phó thác chính nó cho các vị thần, và chăm lo hạnh phúc của nhân loại – nếu anh nhận ra không có điều gì quan trọng và quý giá hơn điều đó, vậy thì đừng dành chỗ cho những điều khác ngoài nó.”
Dịch: TLHTP
Nguồn: https://dailystoic.com/4-stoic-virtues/