Điều gì thực sự nên truyền cảm hứng cho chúng ta trong công việc
Trong một thế giới hoàn hảo, khi chọn lựa công việc, chúng ta chỉ cần quan tâm đến hai điều:
– Tìm một công việc mà mình yêu thích.
– Tìm một công việc trả đủ để đáp ứng các nhu cầu vật chất hợp lý.
Nhưng để có thể suy nghĩ đơn giản như vậy, chúng ta cần có một sự cân bằng cảm xúc mà hiếm ai trong chúng ta thực sự đạt được. Trên thực tế, khi đứng trước việc chọn nghề, chúng ta thường bị ám ảnh bởi ba nhu cầu bổ sung khác:
– Tìm một công việc không chỉ đủ sống mà còn kiếm được nhiều hơn thế, đủ để gây ấn tượng với người khác – thậm chí cả những người mà ta không mấy thiện cảm.
– Tìm một công việc cho phép ta không bị lệ thuộc vào bất kỳ ai, những người mà sâu thẳm ta có thể sợ hãi và không tin tưởng.
– Tìm một công việc giúp ta trở nên nổi tiếng, được kính trọng và có lẽ thậm chí được ngưỡng mộ, để ta không bao giờ còn cảm thấy mình nhỏ bé hay bị bỏ quên.
Không cần nói cũng biết, ba mong muốn này khiến cuộc sống làm việc của chúng ta trở nên phức tạp và mệt mỏi hơn rất nhiều. Vì thế, không ngạc nhiên khi chúng ta dễ bị bế tắc trong việc quyết định mình nên làm gì. Thay vì tập trung vào những công việc mà ta thực sự đam mê và yêu thích, ta phải bẻ cong bản chất của mình để đáp ứng những đòi hỏi từ bên ngoài. Ví dụ, sẽ chẳng thể nào ta chọn làm giáo viên mầm non, nhà trị liệu tâm lý, thợ mộc hay đầu bếp – những công việc giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Bởi nhu cầu tâm lý muốn gây ấn tượng, muốn kiểm soát người khác và muốn được nhiều người biết đến đã loại bỏ ngay từ đầu những lựa chọn khiêm tốn ấy.
Tâm lý bất ổn này buộc ta phải nhắm tới những sự nghiệp “hoành tráng” hơn, dù có thể ta chẳng mấy yêu thích lĩnh vực đó, thậm chí phải làm việc kiệt sức đến mức tổn hại sức khỏe và các mối quan hệ gia đình. Ta dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thường trực, vì ranh giới giữa “thành công” và “thất bại” trở nên quá mong manh. Chỉ cần một làn sóng phán xét từ dư luận cũng đủ khiến ta hoảng sợ, hoặc việc kiếm được ít hơn so với số tiền khổng lồ ta kiếm được năm ngoái cũng đã khiến ta cảm thấy mọi thứ sụp đổ. Trong áp lực đó, ta dễ đưa ra những quyết định vội vàng, cắt xén quy trình, dấn thân vào những kế hoạch đầy rủi ro và không dành đủ thời gian hay sự bình tĩnh cần thiết cho công việc. Ta sẽ sáng tạo ít hơn, kém độc đáo hơn vì nỗi sợ thất bại luôn bủa vây.
Điều có thể giúp ta đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn lại là thứ tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến công việc: đó là tình yêu – một trải nghiệm yêu thương sâu sắc từ thuở nhỏ và cả trong đời sống trưởng thành.
Một đứa trẻ được yêu thương đủ đầy là một sinh linh không cần phải chứng tỏ bản thân theo cách nào đặc biệt. Chúng không cần phải xuất sắc ở trường, khiến mọi người trầm trồ, hay gánh vác sự tự tôn mong manh của cha mẹ (tất nhiên, chúng vẫn có thể học giỏi – nhưng vì chúng yêu thích việc học, chứ không phải để làm hài lòng cha mẹ). Chúng có thể tự tìm niềm vui cho riêng mình, không cần gây ấn tượng với ai, bởi chỉ cần tồn tại thôi cũng đã đủ để chúng đặc biệt. Chúng có thể làm việc cực kỳ chăm chỉ, nhưng không phải vì khát khao tràng pháo tay mà vì đam mê thật sự. Chúng có thể tập trung làm tốt công việc của mình mà không bị vướng bận bởi ý nghĩ liệu có ai sẽ nhớ đến mình sau 100 năm hay không, hay liệu người ở thành phố khác có biết đến tên tuổi của mình hay không. Chúng có thể cần mẫn làm việc trong lặng lẽ, tìm thấy niềm vui ngay trong những gì mình đang làm.
Trải nghiệm tình yêu ở tuổi trưởng thành càng củng cố thêm cảm giác an toàn cần thiết này. Khi có ai đó thực sự yêu thương ta, sự nhẫn nại, quan tâm và dịu dàng của họ giúp ta cảm thấy mình được đón nhận trên thế gian này. Khi đó, việc không ai biết đến ta hay việc mỗi tháng chỉ còn lại một chút ít tiền không còn quan trọng nữa. “Hai người yêu nhau sẽ vui vẻ ngủ trên ghế đá công viên,” D. H. Lawrence từng viết. Dù câu nói này không hoàn toàn đúng trong thực tế, nhưng nó truyền tải đủ tốt ý tưởng rằng tình yêu cho ta một khoảng trống để thoải mái sắp xếp lại các ưu tiên vật chất.
Khi được yêu, ta không cảm thấy bị ép phải làm việc nhiều hơn mức cần thiết. Ta không cần tích lũy của cải vô độ, vì trong mắt người ấy, ta đã là cả thế giới.
Từ đó, ta hiểu rằng khi ai đó khao khát quyền lực, tiền bạc và danh tiếng, không phải vì họ tham lam, mà bởi họ đang bị dằn vặt bởi cảm giác không được yêu thương – và ta có thể dành cho họ sự cảm thông sâu sắc. Họ trông như những kẻ chiến thắng, nhưng thực tế, họ chỉ là những nạn nhân bất hạnh. Tất cả những nỗ lực điên cuồng của những con người đầy quyền lực trong xã hội hiện đại đều xuất phát từ cảm giác vô hình và tầm thường. Đó là những nỗi đau của người bị tổn thương bởi sự thiếu thốn tình yêu. Những thành tựu vượt bậc ấy là di sản của một tâm hồn bị tổn thương – một cảm giác rằng chỉ đơn giản được là chính mình là chưa đủ. Không có tình yêu, cần bao nhiêu tiền mới đủ? Nhưng khi có tình yêu, chỉ cần rất ít cũng đã đủ đầy.
Có lẽ ta đã quen với việc cố gắng chữa lành những tổn thương cảm xúc bằng các lựa chọn sự nghiệp và thành tựu. Có khi ta thậm chí không nhận ra mình đang làm điều đó. Nhưng hãy dũng cảm tự hỏi: Liệu mình sẽ làm gì với cuộc đời này nếu mình cảm thấy được yêu thương đủ đầy từ đầu? Và có lẽ, ta sẽ phải cay đắng thừa nhận – với nước mắt rơi – rằng con đường đời ta đi lẽ ra đã khác biệt biết bao. Rằng ta đã hy sinh biết bao ước mơ chân thật chỉ để tìm kiếm cảm giác được chấp nhận, một điều lẽ ra ta nên có từ thuở ấu thơ. Rằng biết bao điều ta làm mỗi ngày đều xuất phát từ nỗi thiếu thốn tình yêu mà giờ đây ta mới dần nhận ra.
Những thành tựu sự nghiệp vĩ đại nhất cũng sẽ không bao giờ bù đắp được cho sự thiếu hụt tình yêu mà một người từng trải qua. Công việc không thể chữa lành những vết thương lòng ấy. Hãy tận hưởng công việc theo đúng ý nghĩa của nó, và ở một góc khác trong cuộc đời, hãy học cách đối mặt, xoa dịu và tìm kiếm sự cứu chuộc cho những thiếu thốn tình yêu mà ta đã từng chịu đựng.
Nguồn: WHAT SHOULD TRULY MOTIVATE US AT WORK - The School Of Life