Điều trẻ cần nhất ở cha mẹ có thể không phải là tình yêu
Sức mạnh của cảm giác được hiểu.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Bằng cách công nhận cảm xúc của trẻ, chúng ta góp phần thiết lập nền tảng cảm xúc an toàn cho trẻ.
- Xác thực cảm xúc của trẻ sẽ giúp nuôi dưỡng ý thức lành mạnh về giá trị bản thân của chúng.
- Xác thực cảm xúc của trẻ góp phần phát triển sự đồng cảm và hiểu biết.
Nhiều lần khi tôi làm các buổi hội thảo đào tạo dành cho phụ huynh, tôi đã đưa vào một bài tập mà trong đó tôi sẽ giảm ánh sáng và yêu cầu những người tham gia lắng nghe giọng nói của cha mẹ họ. Điều thú vị là khi tôi bật đèn để kết thúc hoạt động, tôi thường nhìn thấy những phản ứng từ nụ cười đến giọt nước mắt của người tham gia. Các tình nguyện viên sẽ mô tả những từ ngữ hoặc thông điệp đã gây ấn tượng với họ trong nhiều năm qua.
Hầu hết những người tham gia hội thảo, phù hợp với những gì tôi nghe được từ những thân chủ của mình, đều cho rằng họ có cảm giác được cha mẹ yêu thương. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu họ có cảm thấy cha mẹ thực sự HIỂU họ hay không, hầu hết đều nói rằng họ ước cha mẹ dành thời gian và sự quan tâm để thực sự xác nhận họ. Với suy nghĩ này, trên cương vị là một nhà tâm lý học trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình, tôi tin rằng việc thấu hiểu con cái của chúng ta cũng rất quan trọng — nếu không muốn nói là — hơn cả việc yêu thương chúng.
Nếu bạn không đồng ý với tôi thì cũng không sao. Nhưng hãy nghĩ đến ai đó mà bạn biết đang đau khổ nhưng họ có thể nhận đã được tình yêu thương ở mức độ nào đó từ cha mẹ họ. Tuy nhiên, họ có thể vẫn tiếp tục kể một câu chuyện kiểu như "Cha mẹ nói rằng họ yêu tôi - nhưng họ có thể thể hiện điều đó tốt hơn nếu họ dành thời gian để chứng tỏ rằng họ hiểu tôi."
image: DimaBerlin/Shutterstock
Sức mạnh của sự xác nhận từ phụ huynh
Thừa nhận và xác nhận cảm xúc của trẻ là một khía cạnh thiết yếu trong việc nuôi dưỡng cảm xúc hạnh phúc, vun bồi tính kiên cường và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh. Tầm quan trọng của việc xác nhận cảm xúc của trẻ nằm ở việc tạo ra một môi trường mang tính hỗ trợ mà chúng cảm thấy được hiểu, được chấp nhận và được trang bị để vượt qua những phức tạp trong đời sống cảm xúc của chúng.
Trẻ em, giống như người lớn, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui mừng, phấn khích đến thất vọng và buồn bã. Những cảm xúc này là một phần không thể thiếu trong hành trình tìm hiểu bản thân và thế giới xung quanh chúng. Xác thực cảm xúc của trẻ bao gồm việc nhận biết và chấp nhận những cảm xúc mà chúng thể hiện mà không phán xét hay bác bỏ. Đó là việc truyền đạt cho đứa trẻ rằng cảm xúc của chúng là có giá trị và việc trải nghiệm nhiều loại cung bậc cảm xúc là điều bình thường.
Như tôi đã giải thích trong cuốn sách 10 Days to a Less Defiant Child, nếu chúng ta lắng nghe con mình với mức độ chú tâm tương tự như chúng ta dành cho một diễn giả nổi tiếng thì đó sẽ là một món quà tuyệt vời đối với con trẻ. Điều này đặc biệt đúng khi với tư cách là cha mẹ, chúng ta có rất nhiều lựa chọn nội dung hấp dẫn thú vị và thông báo gửi đến từ điện thoại của mình .
Lợi ích khi xác nhận cảm xúc của trẻ
Một trong những lợi ích chính của việc xác nhận cảm xúc của trẻ là thiết lập nền tảng cảm xúc an toàn. Khi trẻ cảm thấy cảm xúc của mình được thừa nhận và chấp nhận, chúng sẽ hình thành cảm giác an toàn về mặt cảm xúc. Sự an toàn này đóng vai trò như một tấm đệm chống lại căng thẳng và nghịch cảnh, giúp trẻ đối phó với những thử thách trong cuộc sống một cách hiệu quả hơn. Bằng cách xác nhận cảm xúc của trẻ, những người chăm sóc và nhà giáo dục góp phần tạo nên những con người kiên cường, những người có thể thích nghi và đứng dậy sau thất bại.
Hơn nữa, việc xác nhận cảm xúc của trẻ sẽ nuôi dưỡng ý thức lành mạnh về giá trị bản thân. Khi trẻ nhận thấy cảm xúc của chúng là quan trọng và được coi trọng, chúng sẽ tiếp thu thông điệp rằng chúng, với tư cách cá nhân, được đánh giá cao. Sự củng cố tích cực này góp phần tạo ra hình ảnh bản thân mạnh mẽ và tích cực, điều này rất quan trọng để xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng. Những đứa trẻ cảm thấy được công nhận có nhiều khả năng phát triển ý thức lành mạnh về bản thân và được trang bị tốt hơn để thiết lập mối quan hệ tích cực với người khác.
Ngoài ra, hành động xác nhận cảm xúc của trẻ còn thúc đẩy khả năng giao tiếp hiệu quả. Khi trẻ được khuyến khích bộc lộ cảm xúc một cách cởi mở, chúng sẽ học cách diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình. Điều này nâng cao khả năng giao tiếp với người khác, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả là điều cần thiết để xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa và điều hướng các tương tác xã hội, cả hai đều là những khía cạnh quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
Hơn nữa, việc xác nhận cảm xúc của trẻ góp phần phát triển sự thấu cảm và hiểu biết. Khi người chăm sóc và nhà giáo dục xác nhận cảm xúc của trẻ, họ sẽ làm gương về hành vi biết thấu cảm. Trẻ học cách nhận biết và hiểu cảm xúc của người khác, nuôi dưỡng sự phát triển của lòng trắc ẩn và sự thấu cảm. Trí tuệ cảm xúc này là một kỹ năng có giá trị không chỉ nâng cao mối quan hệ giữa các cá nhân mà còn đặt nền tảng cho sự hòa hợp và hợp tác xã hội.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc xác nhận cảm xúc của trẻ vượt ra ngoài sự phát triển của cá nhân; nó còn mang ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn. Một xã hội coi trọng và tôn trọng cảm xúc của những thành viên trẻ nhất sẽ có lòng nhân ái và đồng cảm hơn. Qua việc dạy trẻ em rằng cảm xúc của chúng rất quan trọng, chúng ta góp phần tạo ra một thế hệ tương lai thông minh về mặt cảm xúc, hiểu biết và có khả năng xây dựng một thế giới nhân ái và hòa nhập hơn.
Thông điệp cuối cùng
Tầm quan trọng của việc xác nhận cảm xúc của trẻ không phải là cường điệu. Mà nó là yếu tố nền tảng trong việc nuôi dưỡng cảm xúc hạnh phúc, bồi dưỡng phẩm chất kiên cường và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh. Bằng cách nhận biết và chấp nhận cảm xúc của trẻ, chúng ta góp phần thiết lập nền tảng cảm xúc an toàn, nâng cao ý thức về giá trị bản thân, thúc đẩy giao tiếp hiệu quả và nuôi dưỡng sự đồng cảm. Cuối cùng, việc xác nhận cảm xúc của trẻ là một sự đầu tư cho hạnh phúc của cá nhân và trí tuệ cảm xúc tập thể của xã hội.
Tài liệu tham khảo
Atzil, S., Gao, W., Fradkin, I., & Barrett, L. F. (2018). Growing a social brain. Nature Human Behaviour, 2, 624–636. https://doi.org/10.1038/s41562-018-0384-6
Critchley, H. D., & Garfinkel, S. N. (2017). Interoception and emotion. Current Opinion in Psychology, 17, 7–14. https://doi.org/10.1016/j.copsyc.2017.04.020
Rubi dịch
Nguồn