Đối Diện Với Nghịch Cảnh: Bền Bỉ Thôi Chưa Đủ

doi-dien-voi-nghich-canh-ben-bi-thoi-chua-du

Sinh Tồn Và Phát Triển Trong Một Thế Giới Đổi Thay Như Vũ Bão

Trái ngược với một cá nhân hoặc tổ chức “mong manh dễ vỡ” là gì?

Hầu hết mọi người khi được hỏi sẽ trả lời: “bền bỉ” hoặc “dẻo dai”. Nhưng triết gia Nassim Nicholas Taleb tin rằng đó chưa phải là câu trả lời chính xác. Ông lập luận, khi một vật mong manh bị vỡ do lực tác động, khái niệm trái ngược với nó không đơn giản là không bị vỡ (tức là nguyên vẹn như cũ), mà phải là trở nên cứng chắc hơn sau khi chịu lực.

Ta sẽ không thực sự tìm được từ nào có thể mô tả các cá nhân hoặc tổ chức sở hữu đặc tính như vậy, nên Taleb đã sáng tạo ra một từ mới: “antifragile” (anti: nghịch; fragile: mong manh, dễ vỡ; antifragile: tạm dịch là “khả năng cải thiện từ nghịch cảnh”).

Trong cuốn sách của ông, Antifragile: Things That Gain from Disorder, Taleb đã lập luận một cách đầy thuyết phục, rằng tố chất tuyệt vời này là điều cần thiết cho các doanh nghiệp, chính phủ, thậm chí cho cả những cá nhân mong muốn phát triển trong một thế giới ngày càng phức tạp và đầy biến động.

Nếu bạn muốn thành công và nắm quyền kiểm soát, muốn khác biệt với số đông và trở thành người bám trụ đến phút cuối trong bất kỳ lĩnh vực nào, thì khả năng chống chọi với khó khăn – vững vàng, bền bỉ và dẻo dai – là chưa đủ. Sau mỗi lần như thế, bạn phải trở nên mạnh mẽ và giỏi giang hơn trước: bạn phải cải thiện từ nghịch cảnh.

Sinh Tồn Và Phát Triển Trong Một Thế Giới Đổi Thay Như Vũ Bão

Trước tiên, ta hãy tìm hiểu qua về tác giả Taleb. Năm 2007, Taleb phổ biến ý tưởng “Thiên Nga Đen” trong cuốn sách cùng tên của mình. Việc xuất hiện một con thiên nga có bộ lông màu đen là một sự kiện (có thể tích cực hoặc tiêu cực) “bất ngờ, có ảnh hưởng sâu rộng và thường chỉ được chú ý sau khi nó diễn ra.” Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là một sự kiện “Thiên Nga Đen”, cả hai cuộc Chiến tranh Thế giới cũng vậy. Tất cả đều có tác động to lớn đến lịch sử nhân loại, nhưng hầu như chẳng ai đoán trước được. Và khi ta ngẫm lại, những sự kiện ấy đều có vẻ hết sức dễ đoán.

Rất nhiều người đã ngừng đọc tiếp cuốn Thiên Nga Đen của Taleb với lý do: “Chuyện tồi tệ vẫn cứ xảy ra, nên đừng cố dự đoán mọi thứ làm gì.” Nhưng Taleb mới đây đã phát biểu trên Twitter rằng đó là kết luận của kẻ “đần độn” (một trong những điểm thú vị nhất của Taleb là ông chẳng hề nói giảm nói tránh). Thực chất, thông điệp cốt lõi của cuốn sách là: “Đúng, chuyện tồi tệ vẫn cứ xảy ra. Vấn đề là ta phản ứng lại với nó như thế nào để sống sót và thậm chí để phát triển hơn trong nghịch cảnh.”

Trong cuốn Antifragile, Taleb cung cấp một số mẹo đơn giản và hiệu quả giúp các cá nhân và tổ chức phát triển giữa vòng xoáy cuộc sống đầy biến động. Nhưng trước hết, Taleb đặt ra một tiền đề, rằng mỗi con người/hệ thống/tổ chức/sự vật/ý tưởng [đều] có thể được xếp vào một trong 3 loại: mong manh dễ vỡ, bền bỉ dẻo dai hoặc cải thiện từ nghịch cảnh.

Bạn thích loại nào nhất? Ta hãy tìm hiểu sâu hơn về bộ 3 này.

 

Mong manh dễ vỡ:

Chịu đựng hoặc tan vỡ khi bị biến động
Luôn tìm kiếm sự yên ổn
Ít khi phạm sai lầm nhưng phạm toàn những sai lầm lớn
Điển tích minh họa: Thanh gươm của Damocles

Bền bỉ dẻo dai:

Không thay đổi trước biến động
Không chịu tác động của sự bình ổn lẫn sự biến động
Điển tích minh họa: Chim Phượng Hoàng

Cải thiện từ nghịch cảnh:

Phát triển và ngày càng mạnh mẽ hơn nhờ biến động
Được nhiều hơn mất khi có biến động
Tìm kiếm sự hỗn loạn
Phạm những sai lầm nhỏ và ít nghiêm trọng
Điển tích minh họa: Quái vật Hydra

Những Thứ Mong Manh Dễ Vỡ

Vậy, thế nào là mong manh dễ vỡ? Đó là các cá nhân/tổ chức lớn, được tối ưu hóa, phụ thuộc quá mức vào công nghệ cũng như thứ họ gọi là “phương pháp khoa học,” thay vì áp dụng những cách đơn giản, hiệu quả và đã được chứng minh qua thời gian.

Những gì mong manh dễ vỡ sẽ bị vỡ hoặc sẽ phải chịu đựng khi có hỗn loạn xảy ra. Các hệ thống/cá nhân/sự vật tìm kiếm sự yên ổn vì trước biến động, họ có quá nhiều thứ để mất.

Taleb so sánh tính mong manh với câu chuyện về thanh gươm của Damocles. Trong thần thoại Hy Lạp, Damocles là quân sư của Vua Dionysius II. Ông rất ganh tị với cuộc sống quyền lực và sang trọng của nhà vua. Nhà vua cho phép ông được tạm thời giữ ngai vàng để cảm nhận việc làm vua tuyệt vời như thế nào. Ban đầu, Damocles mê mẩn sự giàu có và xa hoa mới mẻ này, khoái chí khi có người đáp ứng mọi nhu cầu của mình. Nhưng rồi Dionysus cho đặt một thanh gươm sắc nhọn – được treo bằng một sợi lông đuôi ngựa mong manh – ngay trên đầu Damocles. Vào bất kỳ lúc nào, sợi tóc cũng có thể đứt và giết chết ông ngay lập tức. Việc làm vua bỗng dưng chẳng còn tuyệt vời nữa. Damocles nài nỉ Dionysius cho ông được trở lại cuộc sống như trước. Ông chợt nhận ra mình không muốn “sướng như vua” một chút nào.

Hình ảnh: Richard Westall

Tranh minh họa thanh gươm của Damocles, vẽ bởi họa sĩ Richard Westall.

Quyền lực và thành công lớn sẽ đi cùng với nguy hiểm và mối lo lớn. Như Shakespeare từng viết, “gai nhọn nằm trên đầu người đội vương miện.” Khi bạn có địa vị và tiền tài, trách nhiệm của bạn cũng nặng nề hơn. Tiền bạc sẽ đem đến rắc rối. Hơn nữa, bạn phải luôn canh chừng những kẻ lăm le hạ bệ mình. Đó là lý do vì sao điển tích Thanh gươm của Damocles là hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời cho sự mong manh. Khi làm vua hoặc khi nắm giữ bất cứ loại quyền lực nào, một biến cố nhỏ thôi cũng có thể khiến vị thế huy hoàng của bạn sụp đổ; bạn thực sự mong manh hơn bạn nghĩ.

Trong cuộc sống, không nhất thiết phải thử nắm giữ quyền lực mới có thể trải nghiệm cảm giác của Damocles. Thanh gươm ấy có thể là món nợ bạn đang mang. Khi mắc nợ, mọi thứ vẫn sẽ êm đềm trôi qua chừng nào cuộc sống của bạn còn tương đối ổn định. Nhưng nếu xảy ra một chút biến động — bạn bị đau ốm hoặc bị hư xe — sợi lông ngựa bỗng đứt và thanh gươm liền rơi xuống.

Nhưng chính xác thì điều gì đã làm cho một thứ trở nên mong manh? Sau đây là một số đặc tính mà Taleb tin rằng đã góp phần tạo ra sự mong manh của một cá nhân hoặc tổ chức:

- Có kích thước lớn. Kích thước khiến ta có một ấn tượng sai lầm về sự an toàn. Thế nhưng các tổ chức lớn, chẳng hạn như các tập đoàn khổng lồ và bộ máy chính quyền cồng kềnh, thường không đủ linh hoạt để tồn tại chứ đừng nói đến chuyện phát triển trong giai đoạn khó khăn. Có quá nhiều nguy cơ và trở ngại ngăn cản họ hành động kịp thời. Những thực thể lớn cũng giống như con tàu Titanic vào cái đêm nó bị đắm. Đến lúc hoa tiêu phát hiện ra tảng băng trôi thì đã quá muộn, vì tốc độ rẽ hướng của con tàu quá chậm và tạo ra một bán kính quá lớn. Việc lái con tàu sang hướng an toàn đòi hỏi nhiều thời gian hơn – và trong những giây phút khủng khoảng như thế, thời gian là thứ vô cùng xa xỉ.

Trong những thời điểm khó khăn, nhỏ bé và nhanh nhẹn lại là một lợi thế.

- Phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài. Khi một thứ mong manh chịu sức ép, nó không có gì trong tay để chống chọi lại áp lực đó. Nó phải tìm đến những nguồn lực bên ngoài. Chẳng hạn, nếu một cái ly sứ bị rơi khỏi bàn, điều duy nhất có thể ngăn nó không vỡ là một lực hoặc một vật thể khác từ bên ngoài can thiệp vào — bàn tay bắt lấy chiếc tách hoặc cái gối đặt bên dưới để giảm thiểu chấn động.

Điều tương tự cũng áp dụng cho các cá nhân hoặc tổ chức. Khi đương đầu với khó khăn, người mong manh sẽ cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, vì họ thiếu vốn liếng — về mặt tài chính, xã hội hoặc cảm xúc — để vượt qua sóng gió.

- Được tối ưu hóa quá mức. Những doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức mong manh thường “khôn quá hóa dại”. Cuộc sống hiện đại bị ám ảnh bởi hiệu suất và sự tối ưu. Doanh nghiệp cố đạt được nhiều kết quả, trong những khung thời gian chặt chẽ, với chi phí càng thấp càng tốt. Tương tự, các cá nhân được yêu cầu phải làm việc hiệu quả hết sức với quỹ thời gian ít ỏi của mình. Và cách này có hiệu quả... miễn là mọi thứ vẫn diễn ra theo kế hoạch. Nhưng thực tế lại hiếm khi như vậy. Trong cuộc sống, tính ngẫu nhiên chính là nguyên tắc chứ không phải ngoại lệ.

Vấn đề cốt lõi của sự tối ưu hóa và hiệu quả quá mức là ta không thể dự đoán được khi nào rắc rối và sai lầm sẽ xảy ra. Và như Taleb lưu ý, khi sai sót hoặc biến động ngẫu nhiên xuất hiện trong các hệ thống được tối ưu hóa quá mức, “nó sẽ phức tạp hóa, nhân lên, lan rộng, gây ra những tác động chỉ diễn tiến theo một chiều hướng: xấu đi.”

Sau đây là một ví dụ:

Bạn đăng ký tham gia chuyến du ngoạn trên thuyền ở châu Âu. Tàu sẽ khởi hành từ Venice, Ý, nhưng bạn lại sống tại Oklahoma, Mỹ. Vì thế bạn sẽ phải bay nhiều chặng từ Mỹ đến Ý để lên tàu. Bạn tối ưu hóa hành trình của mình cả về thời gian lẫn tiền bạc — chuyến bay đầu tiên phải khởi hành đủ muộn để bạn còn làm việc thêm được nửa ngày, và bạn giảm thiểu thời gian quá cảnh giữa các chuyến bay.

Bạn thực hiện chặng bay đầu tiên không gặp vấn đề gì, nhưng chặng bay tiếp theo bị hoãn, khiến bạn bỏ lỡ chuyến bay đến Rome, và vì vậy lỡ luôn toàn bộ cuộc du ngoạn trên biển của mình. Vì bạn hoàn toàn không trừ hao thời gian cho những phát sinh trong lịch trình, nên nỗ lực tối ưu hóa của bạn hóa ra lại khiến bạn phải tốn kém.

Tôi đã nhìn ra điều không ổn khi tối ưu hóa quá mức cuộc sống của mình bằng cách lên kế hoạch hàng tuần. Tôi thường lên kế hoạch cực kỳ chính xác, với giả định ngây ngô rằng những sự việc đột xuất hoặc yếu tố làm xao nhãng sẽ chẳng xuất hiện. Dĩ nhiên, chuyện không mong muốn vẫn cứ xảy ra, buộc tôi phải thay đổi kế hoạch. Và bởi vì kế hoạch đã được “tối ưu hoá”, nên một thay đổi dù nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc khác, rồi việc đó lại ảnh hưởng đến một việc khác nữa, cứ thế toàn bộ kế hoạch bị đảo lộn. Tôi đã khiến cho lịch trình của mình trở nên mong manh vì cố gắng nhồi nhét quá nhiều.

- Cứ tìm cách loại bỏ biến đổi, yếu tố gây nhiễu và sức ép. Vì các cá nhân và hệ thống mong manh không có sẵn khả năng phản ứng tích cực trước áp lực và thay đổi, họ thường tìm cách loại bỏ những yếu tố này khỏi cuộc sống. Nhưng nỗ lực loại bỏ tính ngẫu nhiên và biến đổi là hành động của kẻ thua cuộc. Đó là điều không bất khả thi. Nỗ lực ấy không chỉ vô vọng mà còn khiến cá nhân hoặc hệ thống vốn đã mong manh lại càng mong manh hơn.

Taleb gọi những người cố loại bỏ thay đổi là “fragilistas” (tạm dịch: người siêu mong manh). Các bậc cha mẹ chăm lo cho con quá mức là ví dụ hết sức sinh động về fragilistas. Họ cố gắng thiết lập cho con mình một cuộc sống càng an toàn càng tốt. Làm vậy chẳng khác nào cố tình dọn sẵn một thất bại tất yếu cho đứa trẻ khi nó phải một mình đối mặt với khó khăn. Tinh thần của con người cần trải qua biến động, nghịch cảnh và áp lực để trở nên mạnh mẽ. Bằng cách loại bỏ những điều ấy ra khỏi cuộc sống của đứa trẻ, cha mẹ đã khiến tương lai của chúng trở nên “mong manh”.

Những Thứ Bền Bỉ Dẻo Dai
Những thứ bền bỉ hoặc dẻo dai không bị ảnh hưởng khi tình huống trở nên hỗn loạn mà vẫn ổn định trong suốt giai đoạn khó khăn lẫn yên bình.

Taleb ví von tính bền bỉ dẻo dai với hình ảnh Chim Phượng Hoàng trong thần thoại. Nếu bạn còn nhớ, Phượng Hoàng là loài chim bất tử, chết đi trong lửa và hồi sinh từ chính đống tro tàn để trở về trạng thái ban đầu. Trải qua những chu kỳ chết đi và hồi sinh như thế, Phượng Hoàng không tốt lên cũng chẳng xấu đi. Nó vẫn như trước, đó chính là sự bền bỉ dẻo dai.

Hình ảnh: Marina Petro

Tranh minh họa Chim Phượng Hoàng của họa sĩ Marina Petro.

Tố chất bền bỉ dẻo dai của một người thể hiện khi họ giữ được sự bình tĩnh, ổn định và tự chủ trong suốt giai đoạn căng thẳng. Triết học Phật giáo và trường phái Khắc Kỷ ủng hộ tính bền bỉ dẻo dai về mặt tâm lý, vì cả hai đều dạy con người ta vững vàng trước thay đổi. Khi tinh thần bạn bền bỉ dẻo dai, bạn sẽ không quan tâm việc mình giàu có hay bị mất hết của cải chỉ trong một ngày. Người ta chắc chắn sẽ khao khát tố chất này hơn là sự mong manh dễ vỡ. Ta cần nỗ lực hết sức để bản thân, doanh nghiệp và xã hội của mình trở nên bền bỉ trước biến động. Nhưng Taleb lập luận rằng chỉ nhắm đến mục tiêu này là “yếu đuối”, vì bạn chỉ dàn xếp mọi chuyện cho ổn thỏa như nguyên trạng. Khi dẻo dai, chắc chắn bạn sẽ hồi phục sau nghịch cảnh, nhưng bạn chỉ trở về trạng thái ban đầu mà thôi.

Để thực sự hoạt động hiệu quả trong một thế giới luôn phức tạp, ngẫu nhiên và đầy rẫy nguy cơ, bạn không thể chỉ bền bỉ một cách yếu đuối như vậy. Bất cứ khi nào có cơ hội, bạn hãy luôn tìm cách để thực sự phát triển từ chính những rối loạn, biến động và nghịch cảnh ấy. Mục tiêu của bạn nên được nâng lên cao thay vì chỉ bền bỉ dẻo dai: hãy cải thiện từ nghịch cảnh.

Những Thứ Có Khả Năng Cải Thiện Từ Nghịch Cảnh

Những thứ sở hữu khả năng này sẽ phát triển và mạnh mẽ nhờ sự biến động và mức độ khó khăn nhất định. Khi sự kiện Thiên Nga Đen xuất hiện, các cá nhân hoặc tổ chức này sẽ có nhiều lợi thế hơn là bất lợi. Họ phát triển nhờ sự hỗn loạn và không chắc chắn.

Taleb so sánh khả năng cải thiện từ nghịch cảnh với quái vật Hydra trong thần thoại Hy Lạp. Hydra là một con thằn lằn nhiều đầu gớm ghiếc. Mỗi khi ai đó chặt đứt một trong những chiếc đầu của nó, từ vết thương sẽ mọc lên hai chiếc đầu mới — Hydra trở nên mạnh mẽ hơn trước nghịch cảnh. (Cho đến khi dũng sĩ Hercules biết được rằng nếu đốt cháy vết thương ngay sau khi chặt đứt chiếc đầu, anh sẽ vô hiệu hóa được sự lớn mạnh của Hydra. Hệ thống tinh vi nhất cũng sẽ sụp đổ khi phải chịu áp lực quá mức.)

Vậy thì điều gì tạo ra khả năng cải thiện từ nghịch cảnh? Sau đây là một số điểm đặc trưng cốt lõi của tố chất này:

- Nhược điểm cũng chính là ưu điểm. Để có lợi trước nghịch cảnh, nhỏ bé là một lợi thế. Đi cùng với sự nhỏ bé là sự nhanh nhẹn và linh hoạt trong suốt giai đoạn hỗn loạn. Nếu đang di chuyển trên mặt biển mù sương đầy các tảng băng trôi đang chực chờ, tôi sẽ chọn lái chiếc thuyền nhỏ nhưng dễ điều khiển, thay vì con tàu khổng lồ nhưng chậm chạp.

Nói đến khả năng cải thiện từ nghịch cảnh, các đội quân du kích và tổ chức khủng bố là những ví dụ khác cho việc nhược điểm cũng chính là ưu điểm. Chỉ với nhân lực và tài chính ít ỏi, họ có khả năng làm tê liệt cả một nền kinh tế, quân đội và quốc gia.

- Có sẵn khả năng phản ứng trước thay đổi và sức ép. Khác với thứ mong manh, những đối tượng “antifragile” có sẵn sức mạnh và khả năng bảo vệ từ bên trong. Hệ thống xương của chúng ta là một ví dụ tuyệt vời về phản ứng nội tại trước áp lực. Thực chất, xương cần chịu sức ép để tăng trưởng và duy trì độ cứng. Điều này lý giải vì sao những người đua xe đạp chuyên nghiệp lại có mật độ xương thấp hơn những người chỉ đạp xe ở mức độ vừa phải. Lái xe đạp không gia tăng áp lực lên khung xương giống như chạy bộ, nâng tạ hoặc thậm chí là đi bộ bình thường. Do đó xương của người đua xe đạp có thể trở nên giòn hơn.

- Có sẵn tính dư thừa. Đây là điều khiến tôi băn khoăn nhiều nhất. Khác với những hệ thống/tổ chức/con người mong manh, những đối tượng “antifragile” không đặt mục tiêu chính là hiệu quả mà là khả năng phát triển trước các biến cố ngẫu nhiên. Điều này thường đòi hỏi đối tượng phải trở nên “không hiệu quả” thông qua việc dư thừa.

Taleb viết: “Sự dư thừa nghe có vẻ lãng phí - nếu không có tình huống bất thường xảy ra. Ngoại trừ một chuyện, tình huống bất thường lại rất hay xảy ra.” Mẹ thiên nhiên mang trong mình đầy rẫy sự dư thừa “kém hiệu quả”. Động vật có hai lá phổi, hai quả thận và hai tinh hoàn, trong khi chỉ cần một thì chúng cũng hoạt động tốt. Lý do là vì một trong hai bộ phận có thể ngừng hoạt động do bệnh tật hoặc chấn thương. Khi ấy, việc sở hữu một cái dự phòng là vô cùng quý giá.

Bên cạnh việc giúp bạn sống sót qua biến động, Taleb cho rằng dư thừa cũng khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Ví dụ hoàn hảo cho điều này là một người theo chủ nghĩa sinh tồn với một người theo chủ nghĩa tối giản. Chủ nghĩa tối giản đề cao sự thoải mái về mặt thẩm mỹ, nhưng nếu cuộc sống bỗng dưng trở nên khắc nghiệt, người với chỉ 100 món đồ dùng sẽ gặp rắc rối to. Người theo chủ nghĩa sinh tồn có sẵn sự dư thừa — họ không chỉ có chiếc tủ lạnh chất đầy thức ăn mà còn có cả núi thực phẩm ăn liền, họ không chỉ có hệ thống máy sưởi mà còn có bếp củi, không chỉ trữ tiền mà còn trữ cả thuốc lá để thay cho tiền tệ — họ sẽ không chỉ sống sót sau thảm họa mà còn giàu to nhờ nó.

Sự dư thừa không nhất thiết sẽ kéo bạn xuống — trong ví dụ của người theo chủ nghĩa sinh tồn, tuy cất trữ rất nhiều nhưng anh ta cũng sẽ sẵn sàng lấy chúng ra dùng bất cứ lúc nào. Dư thừa cũng không nhất thiết tạo ra sự cồng kềnh khiến hệ thống trở nên mong manh. Trái ngược với những bộ máy quản lý quan liêu, các cá nhân/tổ chức sở hữu khả năng cải thiện từ nghịch cảnh được tiếp cận trực tiếp nguồn lực của mình, họ có toàn quyền quyết định sử dụng nó khi nào và ở đâu.

Khả Năng Cải Thiện Từ Nghịch Cảnh Trong Tự Nhiên Và Truyền Thống

Xuyên suốt cuốn Antifragile, Taleb nhiều lần chỉ ra rằng tự nhiên đã thực hiện một công việc tuyệt vời: đưa khả năng cải thiện từ nghịch cảnh vào trong sinh vật và hệ thống.

Cơ thể chúng ta có sẵn tố chất này dưới nhiều hình thức. Ta đã bàn về đặc tính của xương. Một ví dụ khác là cách cơ thể thích nghi với việc nhịn đói. Khi ta không ăn gì trong suốt một thời gian dài, cơ thể sẽ giải phóng các hormone khiến ta mạnh mẽ hơn và có tinh thần nhạy bén hơn. Phản ứng này là hoàn toàn hợp lý. Tổ tiên ta đã tiến hóa từ thời mà việc tìm kiếm thức ăn rất khó khăn và ngẫu nhiên, nên cơ thể đã thích ứng với việc này.

Taleb cũng phân tích rằng các truyền thống cũng có khả năng cải thiện từ nghịch cảnh. Tuy trong thời đại khoa học hiện đại, nhiều truyền thống có vẻ cổ hủ và ngớ ngẩn, nhưng chúng từng tồn tại và phát triển mạnh mẽ là có lý do. Theo Taleb, truyền thống là những cách đơn giản hiệu quả đã được thử nghiệm qua thời gian, giúp cuộc sống trở nên dễ kiểm soát hơn trong một thế giới đầy ngẫu nhiên và hỗn độn. Chẳng hạn, nhiều nền văn hoá trên thế giới xem nghi thức trưởng thành là cách giúp các nam thanh niên trẻ có được nhận thức rõ ràng khi họ trở thành đàn ông và đảm nhận trách nhiệm nặng nề, thay vì để họ mò mẫm bước vào tuổi trưởng thành. Qua những nghi lễ đầy thử thách và có khi cũng rất đau đớn, chàng thanh niên trẻ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Cách Sở Hữu Khả Năng Cải Thiện Từ Nghịch Cảnh

Antifragile đã cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Giờ đây, tôi nhìn vào mọi thứ thông qua lăng kính bộ 3 của ông. Đó là một bài tập tinh thần hấp dẫn giúp tôi sắp xếp thế giới xung quanh vào 3 nhóm: mong manh dễ vỡ, bền bỉ dẻo dai và biết cải thiện từ nghịch cảnh.

Việc áp dụng hiểu biết này vào cuộc sống là một trải nghiệm mở mang tầm mắt đối với tôi. Tôi mong manh ở những khía cạnh nào? Làm thế nào tôi biến những mảnh ghép khác nhau trong cuộc đời mình trở nên “antifragile”? Tôi có thể giúp gia đình mình học cách cải thiện từ nghịch cảnh hay không?

Mặc dù từng là người ủng hộ việc rèn luyện tâm lý bền bỉ dẻo dai, tôi thực sự muốn tiến thêm một bước — không chỉ giữ tinh thần ổn định trước nghịch cảnh mà còn làm nó mạnh mẽ hơn. Tôi muốn tìm hiểu cách tạo ra một môi trường giúp biến điều đó trở thành hiện thực. Hầu hết các cuốn sách của Taleb chứa đầy những chiến thuật và bí quyết mà bạn có thể áp dụng để làm cho cuộc sống và công việc trở nên “antifragile” hơn. Sau đây là một số lời khuyên mà Taleb và tôi dành cho bạn:

- Chủ động bổ sung áp lực vào cuộc sống. Áp lực hay căng thẳng đã chịu tiếng xấu. Tuy tình trạng căng thẳng kéo dài có thể gây hại, nhưng chịu sức ép trong một thời gian ngắn lại giúp bạn mạnh mẽ và giỏi giang hơn. Cơ thể và trí óc có sẵn khả năng cải thiện từ nghịch cảnh, nhưng bạn cần có áp lực để kích hoạt nó. Sau đây là một số cách bổ sung những áp lực tích cực vào cuộc sống: nhịn đói, tắm nước lạnh, chạy đua vượt chướng ngại vật, nâng tạ, chạy bộ thay vì đi xe.

- Bổ sung sự dư thừa vào cuộc sống. Hãy bắt đầu lập quỹ khẩn cấp. Thêm những khoảng thời gian trống vào thời gian biểu của bạn để dự phòng cho những điều bất ngờ không thể tránh khỏi vẫn xuất hiện hàng ngày. Biến động càng nhiều, lợi ích bạn có được từ sự dư thừa càng lớn.

- Áp dụng chiến lược “đi nước đôi”. Taleb mô tả chiến lược đi nước đôi là “một thái độ kép: bạn an toàn chơi ở một lĩnh vực và chịu nhiều rủi ro nhỏ ở lĩnh vực khác, nhờ đó bạn sẽ có cơ hội rèn luyện khả năng cải thiện từ nghịch cảnh.” Lĩnh vực an toàn giúp hạ thấp nguy cơ tiềm tàng của biến động, còn những hỗn loạn và rủi ro nhỏ sẽ giúp bạn thu về lợi ích to lớn. Đối với một người bình thường, đó có thể là giữ nguyên công việc nhàm chán vào ban ngày (phía an toàn) nhưng ngoài giờ vẫn tham gia những dự án mạo hiểm (phía rủi ro). Nếu dự án ấy không thành công, bạn vẫn còn công việc. Còn nếu nó thành công, bạn sẽ có thể biến ước mơ thành hiện thực và trở nên giàu có.

- Đừng nghe theo lời khuyên của người ngoài cuộc. Ta đang sống trong một thế giới mà hành động, quan điểm và lời khuyên bị tách ra khỏi kết quả. Người ta không còn phải thực sự “tham gia cuộc chơi” thì mới được đưa ra nhận định. Điều này khiến xã hội trở nên mong manh. Các cố vấn tài chính trên truyền hình có thể cho ta lời khuyên tệ hại, các chuyên gia có thể phát biểu ​​sai, nhưng họ chẳng phải chịu hậu quả nào cho những sai lầm ấy dù nó gây thiệt hại cho người khác.

Khi quyết định nên hay không nên nghe theo lời khuyên của ai đó, bạn hãy xem họ có đang ở trong “cuộc chơi” hay không. Nếu người đưa ra lời khuyên hoặc lời phỏng đoán chẳng có gì để mất khi những lời nói đó trở nên sai lầm, thì đừng nghe theo họ. Hãy để tâm đến những người chấp nhận mạo hiểm và chịu trách nhiệm về lời nói của mình. 

Tập trút bớt gánh nặng. Theo Taleb, “trên hành trình xây dựng khả năng cải thiện từ nghịch cảnh, việc đầu tiên ta cần làm là giảm thiểu những bất lợi.” Ta thực hiện điều này bằng cách tập trút bớt gánh nặng. Thay vì bỏ thời gian bổ sung nhiều thứ vào cuộc sống để khiến nó trở nên tốt hơn, trước hết hãy tập trung vào việc cắt giảm những thói quen, hành động, đồ vật, những người khiến bạn trở nên mong manh. Một vài ví dụ: thoát khỏi nợ nần, bỏ hút thuốc, ngừng giao du với bạn xấu, kiêng những thực phẩm không lành mạnh.

Để mở các lựa chọn. Hãy gia tăng các lựa chọn trong cuộc sống. Khi biến động leo thang, người có nhiều lựa chọn nhất sẽ là người có khả năng cải thiện trước nghịch cảnh cao nhất. Làm thế nào để bạn thực hiện điều này? Việc có tiền trong ngân hàng là một cách hay; nó giúp bạn xoay xở trong giai đoạn khó khăn về kinh tế, cho bạn sự linh hoạt để nắm bắt những cơ hội tốt chưa ai nhìn ra hoặc theo đuổi những mục tiêu của mình. Nâng cao kỹ năng của bản thân cũng đem lại cho bạn nhiều lựa chọn hơn. Nếu công việc hiện tại đi xuống, bạn cũng đã sỡ hữu kỹ năng khác để bắt đầu một công việc mới.

 

Illustrations by Ted Slampyak

Người dịch: Đỗ Duy Anh - Ubrand.cool

 Nguồn: https://www.artofmanliness.com/2013/12/03/beyond-sissy-resilience-on-becoming-antifragile/

menu
menu