Liệu bạn có cần trị liệu tâm lý?

lieu-ban-co-can-tri-lieu-tam-ly

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe nói về liệu pháp tâm lý ở đâu đó, nhưng phần lớn lại không thực sự hiểu rõ nó là gì hay mình sẽ nhận được gì từ đó.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe nói về liệu pháp tâm lý ở đâu đó, nhưng phần lớn lại không thực sự hiểu rõ nó là gì hay mình sẽ nhận được gì từ đó. Có người tưởng tượng cảnh nằm dài trên ghế, khóc lóc như một đứa trẻ. Có người nghĩ đơn giản đó chỉ là gặp một bác sĩ kê thuốc. Lại có người liên tưởng tới việc nhìn những vết mực loang lổ rồi được hỏi: "Anh/chị thấy gì ở đây?" (Cá nhân tôi thì lúc nào cũng nhìn ra... bầu ngực). Tất cả những hình ảnh đó đều là sản phẩm phóng đại của văn hóa đại chúng, được tạo ra để phục vụ giải trí mà thôi.

Còn thực tế, trị liệu tâm lý thường đơn giản hơn nhiều, riêng tư hơn nhiều – và thực sự, nó chẳng hề màu mè như phim ảnh.

THẾ TRỊ LIỆU LÀ GÌ?

Trị liệu bắt nguồn từ một ý tưởng quan trọng: phần lớn những quyết định chúng ta đưa ra đều bắt nguồn từ những phần vô thức trong tâm trí. Khi những phần vô thức này còn bị che khuất, chúng ta gần như không thể kiểm soát được chúng.

Mục đích cốt lõi của trị liệu là giúp ta nhận ra những phần vô thức ấy, chấp nhận chúng, và từ đó dần dần học cách kiểm soát. Đây chính là cách để bạn rèn luyện sức khỏe tinh thần hằng ngày.

Nói ngắn gọn: Trị liệu giúp bạn soi rọi những phần khuất sâu bên trong tâm trí, chấp nhận chúng, rồi học cách kiểm soát chúng.

Cách trị liệu kiểu này – nơi nhà trị liệu cùng bạn lật lại từng lớp ký ức và cảm xúc – khá phổ biến. Trong thực tế, nó thường diễn ra như thế này:

Bạn nổi giận vô cớ khi người yêu không nhắn tin lại. Cơn giận này xuất phát từ đâu đó sâu trong tiềm thức, khiến bạn phản ứng một cách mất kiểm soát và vô lý.

Khi tham gia trị liệu, bạn bắt đầu lật lại quá khứ: tuổi thơ, những tổn thương, những khúc mắc trong đời. Có thể là mẹ bạn từng bỏ rơi bạn vào những lúc bạn cần bà nhất. Có thể bạn từng yêu ai đó hết lòng nhưng lại bị họ phản bội hết lần này đến lần khác. Dù là gì đi nữa, bạn dần khám phá ra gốc rễ của nỗi tức giận ấy.

Một khi hiểu được, bạn sẽ học cách đối diện với nó – trong không gian an toàn, không phán xét. Và khi đã quen với việc quan sát, cảm nhận nỗi giận ấy, bạn sẽ không còn cảm thấy bất lực mỗi lần nó xuất hiện. Dần dần, bạn sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc của mình và điều chỉnh hành vi.

Một hình thức trị liệu phổ biến khác là Liệu pháp Nhận thức – Hành vi (CBT). CBT hữu ích khi bạn muốn thay đổi những thói quen hoặc lối suy nghĩ cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến lo âu hay trầm cảm. CBT tập trung vào việc quan sát suy nghĩ và cách những suy nghĩ ấy dẫn đến hành vi, thay vì đào sâu vào cảm xúc vô thức.

Mỗi hình thức trị liệu đều có ưu nhược điểm riêng. Và thực tế, cả hai đều mang lại hiệu quả – tùy vào vấn đề bạn đang gặp phải.

NHỮNG VẤN ĐỀ KHI ĐI TRỊ LIỆU

Có nhiều ý kiến chỉ trích trị liệu, phần lớn đến từ những người chưa bao giờ bước chân vào phòng trị liệu. Tuy vậy, vẫn có những vấn đề thực sự cần lưu ý. Nếu bạn đang cân nhắc trị liệu, hoặc đã bắt đầu hành trình này, đây là những điều bạn nên biết:

CHUYỆN NHẦM LẪN: BÁC SĨ KÊ THUỐC

Nhiều người nhầm lẫn giữa nhà tâm lý trị liệu và bác sĩ tâm thần. Bác sĩ tâm thần (psychiatrist) có thể kê đơn thuốc và chuyên về các bệnh lý tâm thần. Còn nhà tâm lý (psychologist) thì không (thường là vậy).

Đáng tiếc là, nhiều người vẫn nghĩ rằng đi trị liệu chỉ để xếp hàng chờ kê thuốc. Và, thật buồn, chuyện đó có xảy ra ở một số nơi.
Trừ khi bạn thực sự nghĩ mình mắc bệnh tâm thần, tôi khuyên bạn nên tìm gặp nhà tâm lý trị liệu trước, và chỉ nghĩ đến việc dùng thuốc khi trị liệu không đem lại kết quả sau một khoảng thời gian đủ dài. Bởi lẽ, nhiều người vội vàng tìm đến bác sĩ tâm thần chỉ để rồi nhận ngay đơn thuốc chống trầm cảm hay thứ gì đó – chẳng khác gì phát kẹo.

THÓI QUEN DỰA DẪM

Nhiều người bước vào phòng trị liệu với tâm thế: mình sẽ ngồi xuống, nhà trị liệu sẽ “chữa lành” mình, và thế là xong. Đôi khi họ còn bực bội vì thấy “chẳng có gì thay đổi” sau một vài buổi, trong khi thực tế là họ hầu như không thực sự tham gia vào quá trình đó.

Trị liệu không phải là phép màu, mà là một hành trình cần bạn tham gia chủ động. Thực ra, tôi tin rằng nếu một ca trị liệu diễn ra tốt đẹp, 80% công sức là do bạn tự làm, 20% còn lại là sự dẫn dắt của nhà trị liệu.

Bạn nên bước vào phòng trị liệu với tâm thế: mình đến đây để làm việc với bản thân, còn nhà trị liệu là người đồng hành, hỗ trợ, định hướng, giống như một huấn luyện viên cá nhân cho tâm trí và cảm xúc. Bạn vẫn là người phải tự nâng tạ, nhưng họ sẽ ở đó để quan sát, khích lệ và chỉ dẫn.

Nếu bạn không sẵn sàng làm phần việc của mình, thì dù nhà trị liệu có giỏi đến đâu, họ cũng không thể giúp được gì cho bạn.

LIỆU PHÁP TÂM LÝ KHÔNG HỒI KẾT

Liệu pháp tâm lý vẫn tuân theo quy luật chung của mọi công cụ phát triển bản thân: Bạn có thể đánh giá mức độ hữu ích của một công cụ bằng cách nhìn vào số người đã rời bỏ nó. Nếu nhiều người rời đi, nghĩa là nó có tác dụng. Còn nếu phần đông vẫn ở lại, thì có lẽ nó không mang lại nhiều thay đổi.

Rất nhiều người kết thúc hành trình trị liệu của mình với những câu chuyện thành công (tôi cũng từng vậy), nhưng cũng không ít người bám trụ hàng năm trời mà hầu như chẳng có gì đáng kể để kể ra.

Nhiều người rơi vào cái bẫy an toàn với nhà trị liệu của mình. Ban đầu, họ có thể đào bới được một số vấn đề lớn, thực hiện vài thay đổi quan trọng, nhưng rồi mọi thứ chậm lại. Nhà trị liệu dần không còn mang đến góc nhìn mới mẻ nào, còn bệnh nhân thì vẫn đều đặn tới gặp mỗi tuần, mỗi tháng, để rồi cứ lặp lại một vòng luẩn quẩn: người bệnh kể lể về những vấn đề, nhà trị liệu lắng nghe và đồng cảm, người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn về vấn đề của mình rồi ra về, vài tuần sau lại quay lại với những nỗi niềm (hoặc y chang, hoặc na ná vậy).

Đừng sa vào cái bẫy trả tiền để ai đó gật đầu xác nhận cho những vấn đề của bạn. Nghe thì dễ chịu thật đấy, và cả hai bên – bạn và nhà trị liệu – đều dễ bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Nhưng đừng làm vậy.

Liệu pháp tâm lý nên khiến bạn cảm thấy hơi khó chịu, nên thử thách bạn, nên khiến bạn phải nhìn lại cuộc đời mình từ một góc độ khác. Nó không nên lúc nào cũng dễ chịu, không nên chỉ là những cuộc trò chuyện nhàn nhạt. Nếu mọi thứ bắt đầu trở nên lặp đi lặp lại, có lẽ đã đến lúc bạn nên dừng lại, tìm một nhà trị liệu mới, hoặc thử một hướng đi khác.

CHỌN AI ĐỂ ĐỒNG HÀNH?

Một sai lầm phổ biến khác là không cẩn trọng khi chọn nhà trị liệu. Bạn nên xem đây là một bước quan trọng, giống như đang tuyển dụng ai đó cho một vị trí quan trọng trong đời mình vậy.

Phần lớn các nhà trị liệu đều có buổi tư vấn miễn phí để bạn gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ vấn đề của mình. Sẽ có những người bạn cảm thấy hợp ngay từ đầu, và có những người thì không. Có những nhà trị liệu từng trải qua điều tương tự bạn đang gặp, có những người thì không.

Khi tìm nhà trị liệu cho mình, tôi đã cố tình chọn một người trẻ, là đàn ông, từng trải qua những năm tháng tiệc tùng và làm nhạc. Tôi nghĩ anh ấy sẽ hiểu được những gì tôi đang đối mặt. Và thật sự, mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ.

Có thể bạn cần một người khiến bạn thấy hơi khó chịu, một người thách thức bạn và không dễ dãi chấp nhận những lời biện hộ của bạn. Dù là ai đi nữa, hãy dành chút thời gian để nghĩ xem người như thế nào sẽ phù hợp nhất với bạn, người nào có thể thực sự đồng hành và hỗ trợ bạn, rồi tìm họ.

Chọn nhà trị liệu là một cam kết lớn, vì vậy hãy thật sự nghiêm túc với nó.

SÁU DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN CẦN TRỊ LIỆU

Tôi đã từng giới thiệu rất nhiều người đi trị liệu. Phần lớn họ bỏ ngoài tai (đặc biệt là cánh đàn ông…). Một số người đã đi. Và cũng có vài người sau này quay lại cảm ơn tôi vì lời khuyên ấy. Khó mà nói chắc ai thực sự cần trị liệu và ai không.

Liệu pháp tâm lý, giống như hầu hết các công cụ phát triển bản thân khác, là một thứ hơi... kỳ lạ. Bởi gần như nó chẳng bao giờ là một lựa chọn tệ cả. Ai đó có thể lập luận rằng, ai cũng cần trị liệu, ở một mức độ nào đó, trong một khoảng thời gian nhất định.

Nhưng theo tôi, bạn chỉ nên cân nhắc trị liệu khi bạn cảm thấy mình không thể tự xoay xở với những cảm xúc của bản thân, và bạn đã thực sự thử nỗ lực tự mình giải quyết trong một khoảng thời gian mà vẫn không thành công.

Dưới đây là sáu dấu hiệu cho thấy bạn có thể cần đến liệu pháp tâm lý:

DẤU HIỆU 1: KHÔNG KIỂM SOÁT ĐƯỢC BẢN THÂN

Ai trong chúng ta mà không từng đấu tranh với những cơn bốc đồng — cái bánh chocolate kia như đang gọi mời "ăn đi, ăn đi". Một số người làm chủ bản thân tốt hơn người khác, nhưng nếu bạn thường xuyên đầu hàng trước những cám dỗ, có lẽ bạn nên cân nhắc việc tìm đến liệu pháp.

Những cơn bốc đồng phổ biến nhất thường liên quan đến cảm xúc — như nổi giận vô cớ, hay rơi vào trạng thái trầm cảm — và cả tình dục — như sợ hãi sự thân mật, hay lo âu khi nhắc đến chuyện chăn gối. Việc không thể kiểm soát được những cảm xúc hay hành vi này chẳng những cản trở cuộc sống của bạn, mà còn khiến bạn khó có được một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh.

DẤU HIỆU 2: TUỔI THƠ KHÓ KHĂN

Ảnh hưởng của tuổi thơ đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động khi trưởng thành là điều không thể xem nhẹ. Điều đáng nói là phần lớn những ảnh hưởng này ẩn sâu trong vô thức, ta thường không hề nhận ra.

Nhiều người, trong đó có cả tôi trước đây, sống mà chẳng hề hay biết những vấn đề về gắn kết tình cảm của mình xuất phát từ việc không nhận được đủ yêu thương, quan tâm từ cha mẹ thời thơ ấu. Bạn có thể quen ai đó lúc nào cũng vật lộn với chuyện tài chính, mà không hề nhận ra rằng thói quen chi tiêu bừa bãi của họ đã ăn sâu từ cách bố mẹ họ quản lý tiền bạc ngày xưa.

Đáng buồn thay, hầu hết chúng ta đều vô thức lặp lại lối mòn của gia đình mình, trừ khi ta học được cách nhìn lại chính mình và chủ động thay đổi. Và thật tiếc, rất ít người làm được điều này.

Vậy nên, nếu bạn từng lớn lên trong một gia đình thiếu thốn tình cảm, có cha mẹ vắng bóng hoặc mối quan hệ với họ không tốt đẹp, có thể bạn vẫn đang gánh trên vai những di chứng mà chưa hề nhận ra.

DẤU HIỆU 3: NHỮNG VẾT THƯƠNG TÂM LÝ SÂU SẮC

Tôi nghĩ tôi không cần phải thuyết phục bạn rằng chấn thương tâm lý là vấn đề nghiêm trọng — và tìm kiếm sự giúp đỡ để vượt qua nó chưa bao giờ là thừa cả.

Những tổn thương lớn trong đời có thể là mất người thân, bị bạo hành, gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, v.v...

Dù bạn có cảm thấy mình vẫn ổn, rất có thể tâm hồn bạn đang gồng gánh những nỗi đau ngầm mà chính bạn cũng không nhận ra. Liệu pháp tâm lý có thể giúp bạn nhìn thấy những "điểm mù" đó và thực sự bước sang một trang mới của cuộc đời.

DẤU HIỆU 4: NHỮNG HÀNH VI MANG TÍNH CƯỠNG CHẾ

Ai trong chúng ta mà chẳng đôi lúc sa vào những thói quen không mấy tốt đẹp — một cốc bia lạnh sau ngày dài làm việc, một miếng bánh ngọt thưởng cho bản thân...

Những thú vui này, nếu chỉ thi thoảng và ở mức vừa phải, thường không gây hại gì. Nhưng khi chúng biến thành những hành vi cưỡng chế, lặp đi lặp lại không kiểm soát được, thì lại là chuyện khác.

Những hành vi cưỡng chế phổ biến nhất thường liên quan đến rượu bia, chất kích thích, hoặc những thói quen hủy hoại sức khỏe khác.

Giống như những cơn bốc đồng cảm xúc hay tình dục đã nhắc ở trên, những hành vi này chỉ kéo bạn xa rời một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ.

DẤU HIỆU 5: CÁC MỐI QUAN HỆ ĐỘC HẠI

Con người vốn là loài sinh vật xã hội, nên không có gì lạ khi những mối quan hệ bất ổn có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Sự thật đáng buồn là, rất nhiều người — nếu không muốn nói là phần lớn chúng ta — đều đang mắc kẹt trong ít nhất một mối quan hệ độc hại, và chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng đó là một lối nghĩ sai lầm.

Bạn có thường xuyên cãi nhau với người yêu về những chuyện vặt vãnh? Có cảm thấy tội lỗi mỗi lần không về thăm cha mẹ già? Có bị đồng nghiệp hay sếp đổ lỗi cho những sai lầm không phải của bạn? Có phải bạn thường xuyên nói "vâng" với những yêu cầu bất tận từ người bạn thân của mình?

Những dấu hiệu đó chính là lời nhắc nhở rằng bạn đang ở trong những mối quan hệ không lành mạnh, thậm chí là độc hại.

Đừng chấp nhận chúng.

DẤU HIỆU 6: ÁM ẢNH

Một số người trong chúng ta bị ám ảnh quá mức bởi một khía cạnh nào đó trong cuộc đời mình.

Anh chàng nhà bên luôn bận tâm về việc trở nên "ngầu" hay nổi tiếng. Dì bạn thì ám ảnh với việc gây ấn tượng tại các buổi họp mặt gia đình. Người yêu của bạn lúc nào cũng cần được công nhận và mong bạn tán dương mọi việc họ làm.

Và có thể chính bạn cũng đang ám ảnh với việc phát triển bản thân (bằng chứng là bạn đang đọc bài viết này đấy). Đừng hiểu lầm tôi, tôi rất ủng hộ việc phát triển bản thân. Nhưng đôi khi, việc này dễ dàng biến tướng thành cảm giác mình không bao giờ đủ tốt, và bạn chỉ cắm đầu vào những mẹo vặt phát triển bản thân một cách vô thức, mà chẳng biết mình thực sự đang làm gì. Điều đó, rõ ràng, không phải là một ý tưởng hay.

Cuối cùng, trị liệu không phải là điều gì đáng xấu hổ. Ngược lại, nó có thể là ranh giới giữa một cuộc đời khỏe mạnh, hạnh phúc và một cuộc đời chất chứa đầy những rắc rối mệt mỏi. Cá nhân tôi, dĩ nhiên, tôi chọn cuộc đời đầu tiên.

Nguồn: Do You Need Therapy | Mark Manson 

menu
menu