"Đủ tốt" là đã đủ rồi

du-tot-la-da-du-roi

Nuôi dưỡng những khát vọng lớn lao là điều đáng quý và cần thiết.

Nuôi dưỡng những khát vọng lớn lao là điều đáng quý và cần thiết. Nhưng cũng có lúc, chính những ước mơ cao vời ấy lại trở thành nguồn cơn của những rối ren mỏi mệt, thậm chí là nỗi hoảng loạn không đâu.

Một cách để xoa dịu những lý tưởng quá đà và tính cầu toàn mù quáng đã được khơi nguồn bởi một nhà phân tâm học người Anh – Donald Winnicott – vào những năm 1950. Winnicott chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Trong quá trình thực hành lâm sàng, ông thường gặp nhiều bậc phụ huynh mang nặng cảm giác thất bại: có thể vì con họ không đậu vào trường tốt nhất, vì bữa cơm gia đình đôi lúc nặng nề tiếng cãi vã, hay chỉ đơn giản vì ngôi nhà không phải lúc nào cũng gọn gàng tinh tươm.

Điều mà Winnicott nhận ra – và rất mực trân quý – chính là: nỗi dằn vặt của các bậc làm cha mẹ xuất phát từ một nơi tưởng chừng rất đẹp đẽ – đó là niềm hy vọng quá mức. Chính sự hoàn hảo được lý tưởng hóa một cách tàn nhẫn mới là thủ phạm gây nên sự tuyệt vọng ấy. Để giúp các bậc cha mẹ thoát khỏi vòng xoáy dày vò ấy, ông đã đưa ra một cụm từ giản dị mà dễ thương: “người cha/mẹ đủ tốt”.

Winnicott khẳng định: một đứa trẻ không cần có cha mẹ hoàn hảo. Điều chúng cần là một người mẹ hoặc người cha bình thường – tử tế, có thiện chí, đôi lúc cằn nhằn, thỉnh thoảng mệt mỏi – nhưng nhìn chung là hợp lý và có mặt khi cần.

Winnicott không nói vậy vì ông dễ dãi hay muốn biện hộ cho sự kém cỏi. Ông hiểu rất rõ cái giá mà chủ nghĩa hoàn hảo phải trả – và ông tin rằng, để có thể sống tương đối bình yên trong đầu óc mình (mà như thế đã là một thành tựu lớn rồi), ta phải học cách thôi ghét bỏ bản thân vì đã không trở thành một hình mẫu mà... vốn dĩ chẳng một ai thực sự là được.

Khái niệm “đủ tốt” được sinh ra như một lối thoát khỏi những lý tưởng gây hại. Ban đầu nó áp dụng trong vai trò làm cha mẹ, nhưng sau này có thể mở rộng ra nhiều khía cạnh khác trong đời sống – đặc biệt là tình yêu và công việc.

Một mối quan hệ có thể là “đủ tốt” dù đôi lúc thật u ám. Có thể tình dục thưa thớt, cãi vã thường xuyên, có cả những khoảng lặng dài đầy cô đơn và lạc lõng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta bất thường hay kém may mắn. Nó vẫn có thể là một mối quan hệ đủ tốt.

Cũng vậy, một công việc “đủ tốt” có thể đôi khi nhàm chán, không tận dụng hết tài năng của ta, thu nhập không khiến ta giàu có. Nhưng nếu ta tìm được vài người bạn thật sự, có những khoảnh khắc hứng khởi chân thành, và kết thúc mỗi ngày làm việc bằng một chút mệt nhưng thấy lòng mình đầy đủ – thì đó đã là một công việc rất đáng gìn giữ rồi.

Giữ cho một cuộc sống bình thường tiếp tục vận hành – dù không hào nhoáng – là một dạng can đảm âm thầm. Việc ta kiên nhẫn vượt qua những thử thách của tình yêu, công việc, con cái – đó chính là hành động anh hùng giản dị nhất.

Có lẽ, ta nên học cách thường xuyên lùi lại một bước, không phải để mơ mộng hay tô hồng, mà để nhìn nhận bằng một ánh mắt chân thành rằng: cuộc sống của ta – dù không hoàn hảo – là đủ tốt. Và chỉ riêng điều đó thôi, cũng đã là một thành tựu rất đỗi phi thường rồi.

Nguồn: GOOD ENOUGH IS GOOD ENOUGH | The School Of Life

menu
menu