Đừng quá bình thường nếu muốn có bạn

dung-qua-binh-thuong-neu-muon-co-ban

Một trong những rào cản lớn nhất khi muốn kết thân là suy nghĩ rằng, để được người khác chấp nhận, ta phải cố gắng tỏ ra mình là người hết sức bình thường.

Một trong những rào cản lớn nhất khi muốn kết thân là suy nghĩ rằng, để được người khác chấp nhận, ta phải cố gắng tỏ ra mình là người hết sức bình thường.

Chính vì thế mà ta đầu tư bao nhiêu năng lượng để giấu đi những khía cạnh mà ta sợ sẽ khiến người khác hãi hùng hoặc chán ghét: sự ngập ngừng, những bí mật cá nhân, những nghi ngại bản thân, những rối loạn thần kinh, hay những lúc bấn loạn và tuyệt vọng.

Ta sống trong một thế giới mà đâu đó vẫn ngầm gợi ý rằng con người “bình thường” là có thật – dù rằng ở mức độ thân mật nhất, chẳng ai từng gặp được “sinh vật” kỳ diệu ấy bao giờ.

Vincent van Gogh, Self-Portrait with Bandaged Ear, 1889

Để có bạn, ta cần chấp nhận một ý tưởng nghe có vẻ kỳ lạ: rằng việc cảm thấy cuộc sống không thể chịu đựng nổi là… hoàn toàn bình thường và hợp lý. Ta trải qua khủng hoảng không phải vì mình không biết sống, mà vì tất cả chúng ta – đôi khi – đều bị đè nặng bởi sự vô lý, nhẫn tâm, vô nghĩa và gian nan của kiếp người.

Tình bạn chân thành không chỉ không bị đe dọa bởi những giây phút yếu mềm hay những nỗi ám ảnh, mà ngược lại, còn được xây dựng trên chính những điều đó. Chúng ta chẳng thể nào trở thành bạn thân với ai nếu chưa đủ dũng cảm để phơi bày những phần không mấy hào nhoáng của bản thân, nếu chưa dám bộc lộ trọn vẹn những giọt nước mắt và những lần khờ khạo của mình. Ta có thể gây ấn tượng với người lạ bằng sức mạnh, nhưng chỉ khi dám bày tỏ sự yếu đuối, ta mới có thể biến họ thành những đồng minh chân thành.

Văn hóa lãng mạn của thế kỷ 19 rất trân trọng sự “khác thường” trong cảm xúc. Lúc ấy, người ta công nhận rằng “thiên tài” đôi khi gắn liền với những cơn “điên loạn”. Những nhà khoa học, nhà thơ, nghệ sĩ hay triết gia tài năng thường có những lúc mất kiểm soát: có khi bật khóc rời khỏi cuộc họp, có khi cắt tai mình, làm rối tung tài chính, hay thậm chí nằm lì trên giường suốt một tháng.

Nhưng chẳng ai hoảng sợ, bởi họ hiểu rằng có những điều rất quý giá ở những con người này – sự nhạy cảm, chân thật, sáng tạo và thấu hiểu phi thường – đã tiếp sức cho những khoảnh khắc có vẻ trái ngược với một xã hội phẳng lặng và tẻ nhạt.

Điểm sai lầm chỉ là quan điểm đó quá hạn hẹp. Không chỉ những bậc thiên tài mới xứng đáng được tha thứ khi mất phương hướng. Tất cả chúng ta đều có quyền được thông cảm khi ta bị dồn vào đường cùng bởi một thế giới cuồng loạn và những mâu thuẫn nội tâm khổng lồ.

Ai cũng mang trong mình nỗi đau âm thầm. Hầu hết ta đều giữ cho sự “điên rồ” trong mình không tràn ra, nhưng ta hoàn toàn biết rằng nó luôn ở đó. Ta không nên sợ hãi hay nghĩ rằng không ai có thể yêu mến mình nếu một ngày ta để lộ những góc khuất của bản thân. Đừng nhốt mình trong cô đơn chỉ vì tin rằng không ai có thể chấp nhận trọn vẹn con người thật của ta.

Khi làm hòa với chính mình, ta cũng đang làm một điều lớn lao cho người khác: ta khuyến khích họ yêu thương cả những phần bị ta chối bỏ. Một người bạn – theo nghĩa cao nhất – là người được chứng kiến và hiểu thấu sự sụp đổ của lớp vỏ bọc hoàn hảo. Nếu ta không cho phép điều đó xảy ra, nếu quá cẩn thận không bao giờ để lộ khía cạnh tồi tệ nhất, ta có thể sẽ có được danh tiếng tốt đẹp, thậm chí được ca ngợi là mẫu mực và ấn tượng. Nhưng đồng thời, ta cũng sẽ – đầy nghịch lý và đau lòng – khép lại cánh cửa tới một trong những món quà quý giá nhất của cuộc sống: cảm giác rằng ta đã được nhìn thấy trọn vẹn, và thật diệu kỳ, vẫn được yêu mến.

Nguồn: DON’T BE TOO NORMAL IF YOU WANT TO MAKE FRIENDS

menu
menu