Gây hấn thụ động (passive-aggressive)
Hành vi gây hấn thụ động (passive-aggressive behaviour) là một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng.
Hành vi gây hấn thụ động (passive-aggressive behaviour) là một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng. Có một sự không nhất quán giữa những gì người gân hấn thụ động nói và những gì họ làm.
Ví dụ, người gây hấn thụ động có thể làm ra vẻ đồng ý – thậm chí nhiều lúc rất nhiệt tình trước yêu cầu của người khác. Tuy nhiên, thay vì làm theo yêu cầu đó, cô ấy hoặc anh ấy có thể bày tỏ sự tức giận hoặc bất mãn bằng cách không làm, làm qua quýt hoặc làm trễ thời hạn.
Tất cả chúng ta đều có những lúc trải qua hành vi gây hấn thụ động kiểu này – từ người bạn khen ngợi căn hộ đầu tiên của bạn cho đến cậu đồng nghiệp dán mắt vào điện thoại của anh ta khi anh ta đang nói chuyện với bạn. Rất dễ phát hiện khi điều đó xảy ra với chúng ta, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết rằng chính bản thân mình đang có những hành vi đó.
Có hành vi gây hấn thụ động không có nghĩa bạn là một người xấu. Thường thì nó là một “chiến lược chúng ta dùng khi chúng ta nghĩ chúng ta không xứng đáng nói ý kiến của chính mình ra, hoặc chúng ta sợ trở nên thẳng thắn và cởi mở” – Tina Gilbertson – một nhà tâm lý trị liệu, đã chia sẻ.
Bạn không biết mình liệu có phải là người gây hấn thụ động hay không, mà lại không biết làm thế nào? Dưới đây là những dấu hiệu thường thấy.
-
Có những câu nói nuối tiếc
Một hành vi gây hấn thụ động xảy ra khi bạn muốn điều gì đó nhưng lại không dám hỏi thẳng. Janet Zinn, một nhà tâm lý trị liệu tại thành phố New York, chia sẻ: “Ví dụ, khi một người bạn nhắn rằng cô ấy sẽ đến một buổi tiệc nào đó và bạn lai nói ‘Ước gì mình cũng có thể đi nhỉ’. Thay vào đó sẽ tốt hơn khi hỏi rằng ‘Có cách nào để mình đến được không’ – cách hỏi này trực tiếp hơn và nó không khiến bạn của bạn cảm thấy áp lực hoặc không chắc chắn.”
Một kiểu khác có vẻ như ngây thơ hơn kiểu gây hấn thụ động ở trên có thể biểu lộ qua những kiểu xúc phạm và sỉ nhục. Ví dụ, một ai đó đến văn phòng trong một đôi giày mới và đẹp, rồi bạn nói rằng “Ước gì tôi có thể mua một đôi như vậy – nhưng, thật buồn, tiền đáng ra mua giày được thì lại phải trả cho tiền thuê nhà hết rồi.” Những lời bình luận kiểu trên (có thể là vô ý) sẽ làm người nghe cảm thấy bối rối và tội lỗi vì họ đang có những thứ hoặc đang làm những việc mà bạn không thể.
-
Nhỏ giọt những câu khen ngợi giả tạo
Đôi lúc sự ghen tị và gây hấn thụ động kết hợp với nhau. Thay vì có thể phản ứng bằng cách mà bạn có thể muốn vậy (cảm thấy hạnh phúc cho người đó), thì, ừm, bạn lại nói những câu nghe có vẻ thô lỗ.
Ví dụ, nếu một người bạn của bạn chuẩn bị đính hôn còn bạn thì chờ dài cổ vẫn chưa thấy người yêu mình cầu hôn, bạn có thể nhận xét quần áo và trang sức của cô ấy “trông có vẻ dễ thương”, hoặc nói rằng “mình đã nghĩ viên kim cương to hơn cơ đấy”. Nếu một người bạn mua một căn nhà mới còn bạn thì thậm chí chẳng trả nổi khoản đặt cọc, bạn có thể nhận xét rằng nơi ở của anh ấy là “ấm cúng” (theo nghĩa kiểu chật chội) hoặc “cần phải sửa nữa thì mới đẹp được”.
Nếu như bạn phát hiện rằng mình đang nói những điều này, lùi lại một bước và xin lỗi. Sẽ tốt hơn nếu bạn thừa nhận sai lầm của mình – thậm chí với cả những cảm xúc ghen tị của bạn – thì tốt hơn là tự giả định rằng chẳng ai biết bạn đang nghĩ gì, nhất là nếu như bạn đang nói chuyện với một người bạn rất thân.
-
Lờ đi hoặc im lặng
Ở thái cực ngược lại, đôi lúc không nói gì cả lại là gây hấn thụ động. Theo nhà tâm lý trị liệu Katherine Crowley, tác giả cuốn sách “Hiệu quả với bạn không có nghĩa là hiệu quả với tôi”, kiểm tra điện thoại khi đồng nghiệp đang cố gắng nói chuyện với bạn hoặc trong một buổi họp là những ví dụ cho hành vi gân hấn thụ động.
Nghe quen thuộc chứ? Hãy cố gắng phá bỏ thói quen này càng sớm càng tốt bằng cách không mang điện thoại vào phòng họp, hoặc thậm chí cất nó vào trong ngăn tủ khi có đồng nghiệp đến gần. (Nếu như bạn có một email khẩn cần trả lời ngay, trong giây lát hãy giải thích và cho phép mình tạm dừng cuộc nói chuyện hoặc buổi họp để việc bạn gõ trên điện thoại không trở nên bất lịch sự.)
Phớt lờ những cuộc gọi, emails, hay tin nhắn như một cách gửi thông điệp ngầm rằng bạn đang khó chịu với anh ấy hay cô ấy cũng là một cách khác để hành vi gây hấn thụ động lan rộng. Nhà tâm lý trị liệu Jessica S. Campbell, nói rằng: “Thay vì giao tiếp một cách rõ ràng và trung thực, bạn đang úp mở và mong đợi rằng người khác tự nhận ra sai lầm của họ. Nếu anh ấy/cô ấy không nhận ra, anh ấy/cô ấy sẽ bị trừng phạt bởi sự im lặng, phớt lờ, hoặc những phương pháp từ chối khác.”
-
Trì hoãn
Một dạng tích cực hơn của việc phớt lờ là sự trì hoãn. Có thể bạn không vui vẻ hạnh phúc gì với công việc hay vai trò của mình trong một dự án cụ thể nào đó, nhưng thay vì nói ra điều gì hoặc làm gì đó hiệu quả, bạn đi ăn trưa rất lâu hay thậm chí nghỉ ốm vào gần hoặc đúng ngày có deadline.
Về mặt xã hội, hành vi này thường đến từ việc bạn quyết định không làm một điều nào đó bắt buộc tại phút cuối cùng – như là đưa ra những lời bào chữa rằng bạn không thể làm trong khi thực sự bạn đã không muốn làm ngay từ đầu, hoặc phủ nhận hoàn toàn những thông tin về một sự kiện nào đó cùng một lúc.
“Hành vi gây hấn thụ động có đến 100% sự thiếu trách nhiệm và 0% trách nhiệm”, Gillbertson nói, “Bạn có thể luôn luôn nói rằng bạn không nhận được một lời mời nào cả, rằng bạn đã làm mất nó, hoặc nó hoàn toàn trượt qua khỏi tâm trí của bạn, trong khi động cơ thực sự của bạn để từ chối lời mời đó – thì vẫn luôn bị ẩn giấu”.
-
Bỏ rơi một ai đó
Có lẽ bạn không hề thích một đồng nghiệp nào đó. Thay vì việc giải quyết vấn đề một cách trực tiếp, bạn làm đủ mọi cách để loại bỏ anh ta khỏi bè cánh trong văn phòng. Bạn có thể làm điều này bằng cách mời tất cả mọi người trong nhóm của bạn đi ăn trưa, ngoại trừ anh ta, hoặc nói xấu anh ta, Crowley cho biết.
Một biểu hiện khác của hành vi gây hấn thụ động trong trường hợp này, chính là khi “đây là ngày của bạn để đi mua cà phê cho mọi người ở chỗ làm và bạn hỏi tất cả mọi người trong văn phòng, ngoại trừ người đồng nghiệp mà bạn không ưa”, nhà cố vấn tâm lý Michael Diettrich-Chastain cho hay.
-
Phá hoại ngấm ngầm
Một động thái cực đoan hơn thì lại liên quan đến việc bạn bỏ rơi ai đó, điều mà thực sự huỷ hoại con người của họ. Thay vì việc loại trừ họ về mặt xã hội, bạn cố tình gạt bỏ cô ấy ra khỏi chuỗi email hoặc các lời mời tham dự mít-tinh, hay là bạn cố tình “quên” nói với cô ấy khi deadline đã được thay đổi. Nếu ai đó chỉ ra điều này, bạn sẽ nói một vài câu như “Ôi, tôi chả nghĩ gì về việc đấy”, “Tôi thành thật xin lỗi”, hoặc, “Tôi tự hỏi điều đấy đã xảy ra như thế nào nhỉ”, để giải thoát bản thân bạn khỏi việc đổ lỗi, Dr. Ben Michaelis – một nhà tâm lí học lâm sàng cho biết.
Trong những mối quan hệ cá nhân, việc huỷ hoại ngấm ngầm có thể đến từ việc bạn “ngây thơ” mang đến cho bạn của bạn một chiếc bánh cupcake, mặc dù bạn biết rằng anh ấy đang cố gắng để giảm cân hoặc gây sức ép với một người bạn thân để họ đi mua sắm với bạn, dù cho bạn biết cô ấy đang gắng sức để tiết kiệm từng đồng một. Trong cả hai trường hợp bạn đều có thể cảm thấy ghen tị (trong tiềm thức) vì bạn thiếu ý chí và sự kỉ luât như anh ấy/cô ấy.
-
Ăn miếng trả miếng
Khi một ai đó bỏ lỡ một sự kiện quan trọng trong cuộc đời bạn, kể cả khi họ không tham gia bữa tiệc sinh nhật của bạn hay họ không cố gắng đi dự đám cưới bạn, thì việc bạn cảm thấy thất vọng là một điều hoàn toàn tự nhiên. Trong nhiều trường hợp, thay vì đối diện với người đó một cách trực tiếp (hoặc mặc kệ chuyện ấy), chúng ta thường hay sa vào việc “ăn miếng trả miếng” – một hành vi mà được coi như là hành vi gây hấn thụ động.
“Ví dụ như, bạn không đến sinh nhật của người khác bởi vì người ta không đến dự tiệc mừng sắp sinh con của bạn. Hoặc bạn không mời họ đến bữa tiệc tối bởi vì họ đã không tham dự bữa tiệc gần đây nhất của bạn,” Campbell nói. “Dù bằng cách nào, bạn cũng đang cố gắng ‘giữ vững điểm số’ và không tạo ra một mối quan hệ tương thân tương ái”.
Dịch: Khánh Linh, Bống
Tham khảo:
Nguồn: https://beautifulmindvn.com/2016/09/27/gay-han-thu-dong-passive-aggressive-la-gi-va-co-nhung-dau-hieu-nhu-the-nao/