Gia đình bất hòa, vì sao trẻ lớn lên khó xây dựng mối quan hệ lành mạnh?
Đứa trẻ học cách để ‘cảm thấy ổn’ với những thứ không ổn. Chúng trở thành chuyên gia chôn giấu sự lo lắng, sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng; chúng đi qua đống đổ nát như thể không có gì sai lầm đang xảy ra, bất kể chúng cảm thấy tồi tệ đến mức nào.
Khi trẻ em lớn lên trong một gia đình bất hòa, chúng gặp khó khăn trong việc tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh khi trưởng thành. Khi xung đột trở thành cơm bữa, trẻ sẽ quen với việc sống trong lo lắng và sợ hãi. Đứa trẻ học cách giữ im lặng (không nói về các trải nghiệm của mình) bởi vì cảm thấy quá nguy hiểm khi lên tiếng hoặc chỉ trích hành vi của ai đó.
Là trẻ con thì cần phải sống phụ thuộc; phụ thuộc là để tồn tại. Nếu đứa trẻ phản ứng trước bi kịch gia đình, điều đó sẽ gây rủi ro đánh mất tình thương của những người chăm sóc chúng, những người chúng phụ thuộc, và nhờ đó chúng tồn tại. Khi một gia đình luôn ở trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” thì người lớn thường không mở lòng và quan tâm đến cảm nhận của con trẻ. Đứa trẻ sẽ không có người nào đáng tin cậy để trò chuyện, cũng hiếm có ai nhận trách nhiệm hay thay đổi những gì đang diễn ra.
Khi trẻ em lớn lên trong một môi trường gia đình không ổn định và không đáng tin cậy, chúng sẽ phát triển tâm lý phòng thủ nhất định để giữ cho bản thân được an toàn và không bị tổn thương. Nói một cách đơn giản, đứa trẻ học cách để ‘cảm thấy ổn’ với những thứ không ổn. Chúng trở thành chuyên gia chôn giấu sự lo lắng, sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng; chúng đi qua đống đổ nát như thể không có gì sai lầm đang xảy ra, bất kể chúng cảm thấy tồi tệ đến mức nào. Và rốt cuộc sự điên rồ cũng trở thành “bình thường”.
Ở một mức độ nhất định, ‘chiến lược sống còn’ của đứa trẻ thành công – giữ cho chúng an toàn khi còn nhỏ, nhưng sẽ không có tác dụng khi áp dụng vào các mối quan hệ trưởng thành. Cuối cùng chúng cảm thấy bị mắc kẹt, bất lực, lo lắng và tức giận. Những cảm giác mà người ta đã chôn giấu khi còn là đứa trẻ vẫn còn ở đó, chỉ có điều hiện tại chúng sẽ bộc lộ ra.
Khi chúng ta lớn lên trong những gia đình bất hòa, chúng ta sẽ thường bị ám ảnh, có những điều muốn nói ra với cha mẹ nhưng lại không dám nói bởi vì nó sẽ chỉ tạo ra sự tức giận và mâu thuẫn lớn hơn, và sẽ không thay đổi được gì. Tương tự như vậy, trong các mối quan hệ khi trưởng thành, chúng ta suy nghĩ không ngừng về những gì người kia đang làm với chúng ta; chúng ta âm thầm kìm nén sự bất bình trong đầu và “diễn tập” trong đầu những gì muốn nói. Nhưng, một lần nữa, chúng ta lại im lặng.
Chúng ta suy nghĩ một cách ám ảnh về những tình huống xấu có thể xảy ra, nhưng không biết cách thực hiện các bước để thay đổi: Chúng ta sợ hậu quả hoặc sợ cơn thịnh nộ của chính mình. Kết quả là, chúng ta bị mắc kẹt trong các tình huống xấu, cảm thấy bất lực, không thể làm cho các mối quan hệ của chúng ta thay đổi, chúng ta thường xuyên sợ hãi và tràn ngập sự oán giận.
Khi trưởng thành, chúng ta phải đương đầu với những trạng thái như: cảm thấy tồi tệ, điên rồ, hiếu thắng hoặc chỉ đơn giản là không ổn. Hệ thống thần kinh của chúng ta rơi vào trạng thái phản ứng tranh đấu, lẩn trốn hay đóng băng. Não trước của chúng ta bị tắt theo một nghĩa nào đó và chúng chuyển sang chế độ sinh tồn.
Sâu thẳm trong bộ não của chúng ta, có một giả định được đưa ra rằng nếu chúng ta lên tiếng, chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả xấu và cuối cùng mọi việc sẽ tồi tệ hơn. Nỗi sợ hãi sâu kín chiếm cứ chúng ta và một cách không tự biết, chúng ta đang cho phép hành vi xấu của người kia tồn tại trong mối quan hệ.
Nhưng việc giữ im lặng không có tác dụng trong các mối quan hệ trưởng thành. Nó không cho phép chúng ta phát triển mối quan hệ, cảm thấy được công nhận hoặc thân thiết với người khác. Hơn nữa, nó không giữ cho chúng ta được an toàn như khi còn nhỏ. Hoàn toàn ngược lại: Chiến lược “ngậm bồ hòn làm ngọt” và bản năng giữ im lặng để bảo vệ chính mình lại gây hại cho chúng ta. Kết cục chúng ta rơi vào tình trạng sợ hãi, suy nghĩ ám ảnh về những gì chúng ta ghét và mang theo sự oán giận quá mức. Cuối cùng chúng ta nổi giận với người khác và bản thân mình về cách họ đối xử với chúng ta hay việc họ cho phép tình cảnh này xảy ra.
Dám thay đổi
Làm thế nào để thay đổi khi hệ thống thần kinh của chúng ta phản ứng “trơ” với hành vi xấu mà chỉ khiến chúng ta bị mắc kẹt? Làm thế nào để chúng ta biến bản năng thành một quá trình có ý thức để chúng ta có thể điều chỉnh?
Bước đầu tiên là bắt đầu chú ý đến những gì diễn ra bên trong chúng ta khi đối mặt với xung đột, nhận thức được rằng chúng ta đang đi vào thế phòng thủ khi đối mặt với điều không an toàn. Khi nhận ra và xác định cơ chế này, chúng ta hãy tự thiện đãi chính mình, hãy cảm ơn chúng đã giúp chúng ta an toàn khi còn bé nhưng hãy tự nhắc bản thân rằng kiểu im lặng này không còn tốt cho chúng ta nữa.
Thứ hai, hãy dừng lại để hỏi nỗi sợ hãi rằng làm thế nào để nó có thể lên tiếng: nó có cần biết hoặc cần lời khuyên từ một người đáng tin cậy nào đó? Đôi khi, phần sợ hãi của chúng ta muốn biết hoặc cần được nhắc nhở rằng nó không thực sự cần người khác để có thể lên tiếng.
Chúng ta sẽ vẫn ổn thôi, chỉ là do chúng ta đã áp dụng thói quen cố hữu của thời thơ ấu vào mối quan hệ này. Hiểu được điều đó, cảm giác sợ hãi sẽ biến mất và chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm để nói lên sự thật. Nếu chưa thực sự tin rằng chúng ta không cần người khác, chúng ta có thể bắt đầu thực hiện các bước để tự chủ và giải phóng mình.
Mặt khác, cũng cần biết rằng chúng ta không cần phải giải thích dài dòng về những gì không ổn, không cần khiến người khác hiểu hoặc đồng ý.
Đôi khi chúng ta sợ phải bảo vệ bản thân trước sự tức giận, đổ lỗi và bảo thủ của người khác, nó chính là nguyên nhân lớn nhất làm chúng ta nản chí.
Trên thực tế, chúng ta không cần người khác phải xác nhận hoặc thừa nhận rằng hành vi của họ là tiêu cực. Chúng ta có thể tự cho phép mình nói “Không, điều này không ổn”.
Có thể có vô số câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi cần phải tin điều gì để có thể lên tiếng trước những mâu thuẫn?” Điều quan trọng nhất chỉ đơn giản là bạn hỏi phần sợ hãi của bản thân, một cách từ bi rằng: nó cần gì để đứng lên cho bạn, đối mặt với vấn đề và nói lên sự thật trong lòng bạn. Một khi bạn biết hệ thống của mình cần gì để tiến về phía trước, bạn có thể tự đáp ứng điều đó hoặc bắt đầu trên con đường biến câu trả lời đó thành sự thật.
Trong quá trình lớn lên, chúng ta đã phải chấp nhận điều cay đắng bởi vì chúng ta phải làm thế. Chúng ta trưởng thành cùng với nỗi sợ phải tự đứng lên, chúng ta học cách kiềm chế sự tức giận và giữ hòa khí bằng mọi giá, bao gồm cả những thiệt thòi về phía mình.
Nhưng việc chúng ta lớn lên cùng với những xung đột không có nghĩa chúng ta bị kết án với nó mãi mãi. Chúng ta có thể thay đổi.
Chúng ta có thể phản ứng khác đi với những hành vi không được chấp nhận, và thay đổi tình hình trong quá trình đó. Hoặc chúng ta có thể bỏ đi khỏi một hoàn cảnh không phù hợp. Một khi nhận thức được hành vi của chính mình, chúng ta sẽ có những lựa chọn. Chúng ta có thể học cách trở thành ánh sáng trong bóng tối và tạo ra thực tại của chính mình.
Không giống như những gì chúng ta tin khi còn nhỏ, trên thực tế chúng ta có quyền nói tiếng nói của chính mình và chúng ta có thể đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề.
Tác giả: Nancy Colier/ psychologytoday.com
Ngọc Chi biên dịch
https://trithucvn.org/doi-song/gia-dinh-bat-hoa-vi-sao-tre-lon-len-kho-xay-dung-moi-quan-he-lanh-manh.html