Gia Đình Và Sự Nghiệp – The book of life

gia-dinh-va-su-nghiep-the-book-of-life

Chính tình yêu cũng là một thứ công cụ kiểm soát vô cùng hữu hiệu, không riêng gì pháp luật hay vũ lực. 

Một trong những rào cản to lớn nhất trên con đường sự nghiệp của ta, đáng kể đến chính là gia đình. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, việc làm của con cháu đời sau luôn được tự động sắp đặt bởi thế hệ đi trước, chẳng hạn nếu cha làm giáo viên thì con chỉ có thể hoặc gia nhập ngành giáo dục, hoặc nhập ngũ. Nói cách khác, quyền lựa chọn của con trẻ bị giới hạn hết mức có thể, và hình phạt đối với những kẻ dám đi ngược lại truyền thống thường sẽ vô cùng nặng nề. Như ở vương quốc Phổ vào thế kỷ XXVIII, con trai của quý tộc bị cấm buôn bán và cũng không thể trở thành thương nhân. Hay vào thế kỷ XXIX ở Anh, đã từng xuất hiện trường hợp người cha mang thân phận cao quý nhốt con gái mình vào nhà thương điên chỉ vì cô có mong ước được trở thành diễn viên và ca sĩ. Hoặc, về nguyên lý, những công việc như thợ mộc hay thợ làm gốm đều nằm ngoài tầm với của những ai có cha/mẹ hành nghề luật sư. 

Về sau này, vào đầu thế kỷ XX, dưới sức ảnh hưởng của hệ tư tưởng Lãng mạn (Romantic Ideology), gánh nặng của những sự áp đặt từ cha mẹ cũng dần dần được xã hội nới lỏng. Đặc biệt đối với hai lĩnh vực là tình yêu và công việc, thì các bậc phụ huynh ngày nay đã trao trả lại cho con cái (bất kể nam nữ) quyền lựa chọn, để từ đó về sau họ được phép muốn cưới ai thì cưới, muốn làm gì thì làm. Dẫu sự tự do này cũng vẫn mang đậm tính lý thuyết - trên thực tế còn che mắt ta, không cho ta biết được sự thật rằng kỳ vọng từ gia đình thực chất sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng, thậm chí còn có thể ngăn chặn ta theo đuổi sự nghiệp. Ngay cả khi đã chẳng còn chút thẩm quyền nào về pháp luật hay tài chính, thì cha mẹ vẫn hoàn toàn có thể điều khiển ta bằng cách chi phối tâm lý, đe doạ rằng sẽ không yêu thương ta nữa nếu ta dám trái lời. Chính tình yêu cũng là một thứ công cụ kiểm soát vô cùng hữu hiệu, không riêng gì pháp luật hay vũ lực. 

Tận sâu trong tâm khảm luôn tồn tại hoạt động của thứ mà ta vẫn hay gọi là “khuôn mẫu nghề nghiệp theo tiêu chuẩn gia đình", có “tác dụng” lọc và loại đi mọi kiểu công việc vừa thuộc về sở thích của ta, lại vừa hứa hẹn cho ta một viễn cảnh tương lai thuận lợi, tươi sáng. Tuỳ vào hoàn cảnh mà mỗi cá nhân sẽ có xác suất được làm nghề này nhiều hơn nghề kia, và ngược lại. Theo cách nói giảm nói tránh thì “mẫu nghề nghiệp theo tiêu chuẩn gia đình" sẽ được định hình dựa trên góc nhìn của mỗi gia đình đối với thế giới việc làm. Chẳng hạn, thường thì mỗi quần thể gia đình sẽ có một ngành nghề “truyền thống" mà trong đó người nhà đã từng có kinh nghiệm, chính vì thế bỗng dưng lại được nhân hoá và trở thành lý tưởng của rất nhiều con cháu đời sau. Giả sử, với nhiều dòng họ có truyền thống làm bác sĩ, thì mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra đã thường được kể cho nghe về các thói quen ngộ nghĩnh của bệnh nhân, những lần đụng độ cùng “kẻ thù” trong khoa, sự khác thường của mấy vị bác sĩ già, và nhiều câu chuyện thú vị thời còn ngồi trên giảng đường Y Khoa. Do đó, càng lớn thì những hình ảnh trên lại càng trở nên quen thuộc, để rồi lúc “giờ G" đã điểm thì hàng con cháu cũng quyết tâm tiếp bước cha ông. 

Tương tự, cũng rất nhiều gia đình qua bao đời đều làm luật sư, kế toán, thuỷ thủ, dịch vụ khách sạn, thợ rèn hay người bán thịt. Và cứ hoài hoài thì những đứa trẻ phải nghe vô vàn những câu chuyện, chủ yếu với các thông điệp như “chí công vô tư"; “cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp"; “không thầy đố mày làm nên", ở ngay trong căn nhà ấm áp từ những người yêu thương. Và chính bối cảnh này (nơi khoảng cách giữa công và tư chẳng còn rõ ràng, tương lai tươi sáng cũng vì thế mà có vẻ gần kề hơn bao giờ hết) đã khiến cho các loại công việc ấy trở nên dễ dàng hơn vốn dĩ. Ví dụ, ta làm sao có thể cảm thấy xa lạ được với nghề kiểm soát không lưu, khi chú ta, một nhân viên trong ngành, suốt ngày chỉ có cùng ta cắt cỏ và đùa vui? 

Mặc dù ngày nay ta cũng rất ít khi bắt gặp những trường hợp con cái bị gọi là “ngu ngốc", “sai lầm" hay “độc ác" chỉ vì dám bước ra khỏi vùng an toàn của gia đình; nhưng nhiều khi, thậm chí ngay cả trong trí tưởng tượng, ta cũng không dám mơ đến cảnh ấy. Ta chẳng biết phải ngỏ lời thế nào nếu các thành viên trong gia đình chưa từng tham gia vào các lĩnh vực thể thao, điện lực hay ca kịch. Mặt khác, người thân cũng không thể cổ vũ cho ta tự tin hơn, dù bình thường thì họ vẫn đóng vai trò như chỗ dựa vững chắc. Họ ngăn không cho ta làm thế này thế kia, không phải vì xấu bụng hay đã hiểu rõ bản thân ta nhưng vẫn muốn chối bỏ thiên hướng của chúng ta; chỉ là vì họ không có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, đôi khi thì những lý do chủ quan hơn sẽ góp mặt, và “mẫu nghề nghiệp theo tiêu chuẩn gia đình" cũng sẽ được định hướng theo cách ấy, theo những viễn cảnh mà các bậc phụ huynh sợ/mong sẽ xảy ra với chính bản thân mình. Họ có thể sẽ dành những lời có cánh và sự “tôn thờ" vô điều kiện cho một số kiểu nghề nhất định, chẳng hạn như “đại thi hào", “hiệu trưởng danh giá" hay “thẩm phán tài ba", ngay cả khi bản thân họ cũng chưa từng có kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực này, chỉ vì chúng đều là giấc mơ không thành của họ từ thuở bé. Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái thay mình thực hiện giấc mơ, nhưng chỉ âm thầm thôi - chẳng bao giờ họ nói thẳng ra với con điều này. Dẫu không bằng lời thì thông điệp cũng đã được chuyển đi, bằng cách này hay cách khác qua con đường tâm lý, rằng nếu con trở thành kĩ sư thay cha mẹ, nếu con khởi nghiệp thay cha mẹ, thì con nhất định sẽ được yêu thương và mến mộ. Ngoài mặt thì chẳng ai bị ép uổng gì đâu, nhưng sau mười lăm năm trời cứ không ngừng phải hướng ánh mắt ngưỡng mộ về phía một ngành nghề nhất định, thì con người ta chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Và tương tự thì ai cũng đều có khả năng sẽ khinh rẻ, hoặc tự động loại bỏ luôn một số kiểu nghề nghiệp nào đó vì những lý do rất mù mờ như “không phù hợp”.

Cha mẹ ngày nay, mặc dù sẽ không từ mặt ta chỉ vì ta hành nghề quản lý tài sản hay kỹ sư âm thanh, nhưng vẫn hoàn toàn có khả năng cưỡng buộc ta bằng cách liên tục nhắc đến những điểm bất cập, và tỏ thái độ thiếu tôn đối với những ngành nghề mà vốn dĩ là rất đỗi bình thường trong xã hội nói chung. Cha mẹ sẽ chỉ hết sức nhẹ nhàng truyền đạt tới bạn thông điệp này thôi, rằng “chẳng ai có trí khôn mà lại nhào đầu vào làm nha sĩ”, “kế toán chỉ dành cho mấy đứa ù lì”, hoặc “dạy học làm gì chỉ tổ phí thời gian". Họ sẽ lặng lẽ động chạm đến cả các ngành quảng cáo, kiến trúc và tâm lý học bằng các tính từ như “vô liêm sỉ",“hư hỏng”, thậm chí “lừa đảo". Còn chúng ta, chúng ta yêu cha mẹ, ngưỡng mộ cha mẹ và cũng háo hức lây cả những nỗi háo hức của cha mẹ; do đó mà nhiều khi ta cố gắng hoàn thành luôn mọi tâm nguyện của cha mẹ - chuyện ấy cũng là rất bình thường. Nhưng lỡ ước muốn của phụ huynh lại trái ngược hoàn toàn với kiểu công việc có thể khiến ta hạnh phúc thì sao? 

Trong cuốn “Cuộc trung chuyển" (“Middlemarch", xuất bản lần đầu năm 1871), George Eliot đã khắc hoạ câu chuyện về Fred Vincey, con trai của một người chủ xí nghiệp rất thành công trong khu vực. Cha mẹ cậu - người cậu vẫn hằng trân quý - một mực tin rằng rồi mai đây cậu sẽ trở thành linh mục, chẳng phải do tính cậu hợp với các công việc trong nhà thờ, mà chỉ vì cha cậu thấy nghề ấy sáng giá, và bản thân ông, nếu có thể, cũng sẽ chọn làm linh mục. Về sau thì Fred lựa chọn làm thanh tra và thấy thoả mãn vô cùng với quyết định của mình, nhưng bản thân cậu cũng đã phải trải qua cả một giai đoạn dằn vặt đau khổ khi đã làm phụ lòng cha mẹ và cãi nhau với em gái - người cảm thấy tủi hổ vô cùng về anh trai mình. Đến lũ bạn hồi đại học cũng rẻ rúng cậu như một thằng thất bại. Tác giả Eliot kể cho ta nghe câu chuyện về một tấm gương, người suýt nữa đã không thể thoát khỏi sự định đoạt của cha mẹ; vì cô thừa hiểu rằng nhiều người trong số chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được như Fred. Cũng chẳng đáng ngạc nhiên đến thế đâu, bởi một khi phải lựa chọn giữa tình yêu và sự thỏa mãn cá nhân, thì ta thường sẽ chấp nhận đóng chặt cánh cửa tự do của mình để từ đó gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với đấng sinh thành. 

Dẫu điểm khác biệt của xã hội ngày nay so với trước kia, chính là những thông điệp về “điều gì nên làm điều gì không” bỗng dưng lại trở nên mù mờ quá. So với cha mẹ Fred đã nói thẳng và thậm chí là đe nẹt con, thì các bậc phụ huynh ngày nay, tuy không hành xử như vậy, nhưng cũng không có nghĩa rằng họ đã hoàn toàn trao trả lại cho con trẻ quyền tự do lựa chọn cuộc sống. Chính vì lẽ đó, chúng ta không thể thấy được rõ ràng quyền lực của “mẫu nghề nghiệp theo tiêu chuẩn gia đình” đối với bản thân. Nên nếu muốn giải thoát cho chính mình, ta sẽ cần phải chủ động tìm hiểu xem cụ thể ta đang bị giam giữ bởi điều gì, ngành nghề nào nằm trong/ngoài vòng kinh nghiệm của các thành viên trong gia đình - để từ đó kết luận xem liệu những lựa chọn công việc phù hợp có từng bị gạt đi vì những lý do thiếu xác đáng hay không. Ta cần phải cân nhắc xem nếu ta thực sự chấp nhận gồng gánh cả những giấc mơ không thành của cha mẹ, thì liệu điều ấy có đi ngược lại với những ao ước tiềm ẩn ở sâu trong ta hay không. Ta cần phải xét đến cả cách cha mẹ mình đang ngấm ngầm xếp hạng các loại công việc, bởi ngay cả khi ngoài miệng họ có nói những câu như “Làm việc nào cũng được, cha mẹ chỉ muốn con hạnh phúc", thì họ chắc chắn vẫn sẽ ưu tiên hướng đi này hơn nguyện vọng kia chút ít. Và một khi đã “chẩn đoán" hết được mọi suy nghĩ của các bậc phụ huynh rồi, những lực cản vô hình đang âm thầm đóng lại mọi cánh cửa nghề nghiệp ta yêu thích sẽ dần hiện rõ, và ta sẽ thấy lại trong tim ta một lựa chọn ấy, một lựa chọn công việc mà ta đã “chấm” ngay từ đầu. 

----

Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: Our Families and Our Careers I The book off life

menu
menu